Thứ Hai, 25 tháng 10, 2010

NHÌN LẠI VNIFF LẦN THỨ I: MAY MÀ ĐÃ... KẾT THÚC

Khi chấm dứt một sự kiện nào đó người ta hay nói câu: “Cuộc vui nào rồi cũng đến lúc phải tàn” tỏ ý nuối tiếc. Nhưng với Liên hoan phim (gọi tắt là LHP) quốc tế Việt Nam lần thứ I, những người quan tâm theo dõi lại mừng rỡ nói với nhau vào buổi tối bế mạc rằng: “May mà đã… kết thúc!”

Festival… hài

Có lẽ, chưa có liên hoan (festival) nào khiến người tham dự tưởng đang xem một vở kịch hài nhiều màn. Nhưng tiếng cười không đến là sự vui vẻ mà là đến từ những chuyện buồn; cười ở đây là cười ra nước mắt!

Những chuyện hài từ công tác tổ chức trước LHP diễn ra đã được báo chí phản ánh nhiều không đếm xuể. Chỉ xin kể thêm một chuyện nhỏ: Theo giấy hẹn, 14 giờ ngày 16-10 sẽ phát thẻ tác nghiệp cộng giấy mời họp báo cho phóng viên và một số giấy mời cho đại biểu. Đến tận 16 giờ vẫn chưa thấy phát, thành viên Ban tổ chức (BTC) giải thích là thẻ in lỗi nên đến muộn. Thế là hơn 100 phóng viên ngồi bệt như… “cái bang” ở cầu thang Nhà hát Lớn Hà Nội suốt cả buổi chiều. Với cánh phóng viên trẻ, ngồi chờ vài tiếng là điều bình thường nhưng với người gần 80 tuổi như đạo diễn, NSND Hải Ninh ngồi chờ thêm thì chắc hôm sau khai mạc, ông không đi nổi vì… đau lưng. Lát sau, ông đành ra về.

Đỉnh cao của những trò cười kéo dài suốt 5 ngày LHP phim diễn ra. Điều đáng buồn của LHP rất nghiệp dư nhưng lại được gắn mác “quốc tế”. Khi hỏi về cảm tưởng LHP, nhiều bạn bè nước ngoài góp ý “hữu nghị” đại khái là cần cố gắng ở lần sau khiến ai nghe thấy cũng phải xấu hổ.

Thừa biết công tác chuẩn bị đã quá dở thể nào cũng xảy ra sự cố nên BTC khi phát lịch chiếu phim đã khôn khéo chú thích: “Lịch có thể thay đổi mà không cần báo trước”. Cho nên, không khó khi nhiều người xem ngớ người khi giờ khởi chiếu phim Tình yêu cây táo gai (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) chậm đến hơn 1 tiếng. Đã thế, người có vé mời và người bỏ tiền mua vé tranh nhau suýt “tẩn” nhau để giành chỗ. Nhiều phim quá đông người xem so với dự kiến của BTC nên khán giả đến muộn phải xem phim… ngồi bệt. Người xem lấp đầy các rạp là điều đáng mừng nhất của LHP dù cho họ biết đến LHP nhờ phương pháp truyền miệng truyền thống hơn là nhờ quảng bá của BTC.

Nơi hậu trường cũng không lắm chuyện bi hài. Không khó nhận ra số người làm nhiệm vụ tại LHP (phóng viên, an ninh, tình nguyện viên…) nhiều hơn số khán giả hâm mộ đứng hai bên thảm đỏ. Có thông tin “rỉ tai” rằng: trong số những “fan” đứng bên hai thảm đỏ đa số chẳng phải là người yêu điện ảnh mà là người ở… đâu đâu được kéo đến để lấp chỗ trống. Nhiều người trong nghề lên tiếng góp ý, lẽ ra, tất cả mọi hoạt động của LHP nên ở Nhà hát Lớn thì gần gũi hơn với người dân đúng tính chất festival hơn là tổ chức ở Trung tâm hội nghị quốc gia.

Những hoạt động bên lề LHP được đánh giá là là điểm nhấn tích cực. Đơn cử, tại toạ đàm “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam”, các bên liên quan quyết tâm: Nói không với điện ảnh nghiệp dư; và đề ra biện pháp giải quyết là: con người tốt và phương tiện làm phim tốt. Những điều trên bao lần hội thảo trước đã đề cập đến; nên, có nhiều vị trưởng lão điện ảnh ngồi dưới khán phòng chép miệng: “Biết rồi, khổ lắm. Nói mãi!”. Hội thảo kết thúc không có lời hứa hẹn nào từ Cục Điện ảnh là có cử người đi học ở nước ngoài không? Và bao giờ chấm dứt tình trạng phim Việt Nam phải mang sang nước ngoài làm hậu kì. Điều người yêu điện ảnh chờ đợi là các cơ quan quản lí hành động để nâng tầm điện ảnh nước nhà chứ không chỉ nói suông.

Cứu “thua” ở… phút 90

Dù ngay từ đầu LHP đã đề ra mục tiêu là chuyện thắng thua không quan trọng, thế nhưng chính những giải thưởng được trao ở đêm bế mạc đã cứu LHP khỏi sự thất bại toàn diện chẳng khác nào pha cứu thua ở phút... 90 trong bóng đá.

Các giải thưởng LHP đã được trao đúng chủ nhân. Về Giải phim ngắn xuất sắc nhất được trao cho phim tài liệu Luôn ở bên con (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải) là chính xác và không làm ai bất ngờ bởi đề tài được phản ánh là cuộc chiến chống ung thư máu của bé Phương khiến bộ phim nhận được sự đồng cảm lớn. Điều đáng mừng đây là bộ phim tài liệu về thời bình nối tiếp những phim tài liệu về chiến tranh luôn là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam như: Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm “khùng”, Trở lại Ngư Thuỷ…

Riêng, Giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất của Nhật Kim Anh (chung giải với nữ diễn viên Hồng Kông Fiona Sit) có người cho là mang tính “cơ cấu”, nói toạc ra là thiên vị chủ nhà. Cần phải phân biệt rạch ròi, phim Long Thành cầm giả ca không phải là phim hay nhưng không có nghĩa diễn xuất của Nhật Kim Anh trong vai cô Cầm là dở, nếu không muốn nói là tốt. Và nếu ai theo dõi những vai diễn của Nhật Kim Anh ở các phim truyền hình từ 39 độ yêu cho đến Hạnh phúc mong manh đều thấy dù diễn vai phụ nhưng Nhật Kim Anh đều diễn xuất tốt, có những tập phim cô lấn át luôn diễn viên chính. Cho nên, giải thưởng mà Nhật Kim Anh giành được hoàn toàn xứng đáng.

Hai giải thưởng quan trọng nhất của LHP là Đạo diễn và Phim truyện nhựa xuất sắc nhất được trao cho phim Xin-ga-po Lâu đài cát (đạo diễn Boo Junfeng) là một bài học giành cho điện ảnh Việt Nam. Đó là không cần một cốt truyện ly kì, những cảnh “nóng”, cần nhiều kĩ xảo mà xoay quanh dựa trên một câu chuyện tình tinh khôi đã đủ chứa đựng tính nhân văn, các xử lí đầy tính nghệ thuật. Điều lạ ở chỗ điện ảnh Việt Nam từng thành công khi đi theo hướng trên qua những phim như: Đến hẹn lại lên, Cánh đồng hoang, Mối tình đầu… nhưng một sự “đứt gãy” thiếu kế thừa đã khiến điện ảnh Việt Nam sa dần vào phim thị trường nhàm và nhạt.

BTC không nói rõ LHP lần thứ II có tổ chức hay không nhưng nếu điện ảnh Việt Nam không đến tầm chuyên nghiệp cộng với cách tổ chức vội vàng như LHP vừa qua rõ ràng thà không nên tổ chức LHP còn hơn.

HÀM ĐAN