Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

DỊCH GIẢ THÚY TOÀN: "VĂN HỌC NGA CÒN NHIỀU ĐỈNH CAO CHƯA ĐƯỢC GIỚI THIỆU"


Mới đây, Hội Nhà văn Việt Nam đã công bố quyết định thành lập Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga (gọi tắt là Qũy). Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn dịch giả Thúy Toàn-Giám đốc Quỹ về quá trình hình thành và những phương hướng hoạt động trong thời gian tới của tổ chức non trẻ này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết, ý tưởng về Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga bắt nguồn từ đâu?

Dịch giả Thúy Toàn: Ý tưởng thành lập một tổ chức dịch thuật chuyên nghiệp của Việt Nam tương tự như ở một số nước đã có từ lâu. Tôi và dịch giả tiếng Hàn Quốc Lê Đăng Hoan đã từng đề xuất với Hội Nhà văn Việt Nam về việc cần có một trung tâm dịch thuật chính thống đứng ra kết nối, tổ chức, thực hiện thay cho nỗ lực riêng lẻ của cá nhân hay đơn vị tư nhân. Trong khi chờ một trung tâm dịch thuật đa ngữ hình thành, việc ra đời Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt-Nga được xem là bước thử. Bắt nguồn truyền thống giao lưu văn học giữa Việt Nam và Nga, gần đây, phía các bạn Nga có một đề án cấp nhà nước, đề nghị chúng ta giới thiệu một số tác phẩm văn học trong giai đoạn gần đây để dịch sang tiếng Nga. Trong chuyến công tác của đoàn nhà văn Việt Nam tại Nga gần đây, đề xuất này được cả hai bên nhất trí triển khai.

Theo quyết định của Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam, tôi sẽ đảm nhiệm vai trò Giám đốc Quỹ, còn hai Phó Giám đốc là dịch giả Lê Đức Mẫn và TS Thụy Anh. Hội đồng cố vấn về chuyên môn của Quỹ có sự tham gia của PGS, TS Phạm Vĩnh Cư, nhà thơ-dịch giả Bằng Việt, các dịch giả Đoàn Tử Huyến, Vũ Thế Khôi, Từ Thị Loan. Hiện tại, Quỹ trực thuộc BCH Hội Nhà văn Việt Nam; sau này trung tâm dịch thuật ra đời, Quỹ có thể sẽ sát nhập để phục vụ mục đích chung.

PV: Về lâu về dài, những dự án nào để giới thiệu văn học hai nước sẽ được Quỹ quan tâm hỗ trợ?

Dịch giả Thúy Toàn: Chúng tôi đang lên chương trình giới thiệu cho phía bạn dịch các tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng, “Mưa mùa hạ” của Ma Văn Kháng, “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh cùng hai tuyển truyện ngắn, thơ đương đại khác. Phía bạn cũng sẽ giới thiệu với ta một số tác phẩm tiêu biểu của văn học Nga. Nhiều người lầm tưởng văn học Nga đã được giới thiệu quá đầy đủ ở Việt Nam nhưng sự thật văn học Nga còn nhiều đỉnh cao chưa được giới thiệu. Ví dụ như các tác phẩm của Na-bô-cốp, Rút-xốp, Xta-nhiu-cô-vích... Phương châm của chúng tôi là hễ tác phẩm nào hay của văn học hai nước mà chưa được người đọc biết đến thì sẽ dịch và giới thiệu chứ không tập trung vào một giai đoạn văn học cụ thể nào.

Trước mắt, dự kiến vào ngày 24-7 tới, tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga (501 Kim Mã, Hà Nội), Quỹ sẽ giới thiệu bản dịch tiếng Nga đầu tiên cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” do TS Lê Nhân và PGS-TS Anatoly Sô-cô-lốp dịch.

PV: Nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của Quỹ đến từ đâu, thưa ông?

Dịch giả Thúy Toàn: Kinh phí của Quỹ bắt đầu từ số không. Chúng tôi hiểu rằng, trông chờ vào ngân sách Nhà nước hiện nay là khá khó khăn nên chủ yếu phải tự thân vận động. Nhờ sự đóng góp của bạn bè và sức lực anh chị em tham gia xây dựng mà ngay trong ngày ra mắt Quỹ đã có được cuốn sách đầu tiên: “Marian Tkachev, người bạn tài hoa và chí tình” (NXB Hội Nhà văn) gồm tuyển các bài viết của nhà văn-dịch giả Nga suốt đời gắn bó với văn học, văn hóa Việt Nam M.Tkachev… Đến nay, triển vọng tài chính của Quỹ là từ Quỹ Tổng thống Nga để bắt tay vào thực hiện chương trình dịch sách do Hội Nhà văn Việt Nam đề xuất và phía Nga đã có trả lời chấp thuận.

PV: Ông có lo ngại sự xuất hiện của một loạt các tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam hiện nay sẽ không được chào đón như trong quá khứ?

Dịch giả Thúy Toàn: Trước đây, việc dịch các tác phẩm văn học Nga khá tốt do có sự phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các nhà xuất bản và quan trọng nhất là được sự trợ giúp của Nhà nước. Kinh tế thị trường đã khiến cho văn học Nga phải chịu sự cạnh tranh với các các tác phẩm dịch từ các nền văn học khác bởi giá trị văn chương lẫn các thức quảng bá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tôi lạc quan về sự tái xuất của văn học Nga lần này vì từ chính nhu cầu thực tế là độc giả Việt Nam bị mất “liên lạc” với tình hình văn học Nga hơn 20 năm qua. Mặt khác, nền văn học Nga là một nền văn học có nhiều tác phẩm có giá trị đích thực. Thêm vào đó, đất nước, con người và văn học Nga với Việt Nam thật hấp dẫn, gần gũi và có nhiều điểm tương đồng nên người đọc Việt Nam sẽ thấy “hình bóng tâm hồn” ở trong văn học Nga.

PV: Quỹ có kế hoạch nào để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ dịch giả tiếng Nga không?

Dịch giả Thúy Toàn: Quỹ mong tìm được những người biết tiếng Nga có nguyện vọng tham gia lĩnh vực dịch văn học. Nếu có khả năng, có đam mê họ sẽ được hỗ trợ kinh phí sang Nga học tập hoặc tham gia các khóa học ngắn hạn về dịch thuật. Nhưng trước mắt, Quỹ sẽ trình BCH Hội Nhà văn Việt Nam thông qua và đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin học bổng. Hiện nay, có rất nhiều dịch giả đang sinh sống ở các địa phương trong cả nước cũng đã liên hệ và bày tỏ sự quan tâm đến sự ra đời của Quỹ. Đây cũng là một đội ngũ người dịch văn học Nga tiềm năng không thể bỏ qua.

PV: Xin cảm ơn dịch giả!

HÀM ĐAN (thực hiện)

Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

CHỦ NGHĨA HÌNH THỨC NGA-TRƯỜNG PHÁI CÁC TÂN NHẤT THẾ KỶ XX


Đó là lời nhận xét của nhà phê bình văn học Pháp Jean-Yves Tadié về chủ nghĩa hình thức Nga. Trong thế kỷ XX, lý thuyết văn học phát triển phong phú nhưng không có trường phái nào ghi dấu ấn sâu đậm bởi tính cách tân như chủ nghĩa hình thức Nga. Đặc biệt, hầu hết người theo chủ nghĩa hình thức đều ở tuổi 20 nhưng đã có suy tư thiên tài về các vấn đề lý thuyết văn học.

Những nhà hình thức Nga là những sinh viên văn học và ngôn ngữ học ban đầu chia thành hai nhóm: Nhóm Ngôn ngữ học Mát-xcơ-va được thành lập năm 1915 với các thành viên nổi bật là Roman Jakobson (1896-1982), Boris Tomashevsky (1890-1957)… Nhóm thứ hai là Hội nghiên cứu ngôn ngữ thơ ca (OPOJAZ) được thành lập năm 1916 ở Saint Petersburg với các đại biểu là Viktor Shklovsky (1893-1984), Yury Tynyanov (1894-1941), Boris Eikhenbaum (1886-1959)…

Những nhà nghiên cứu trẻ tuổi kể trên đã đảo ngược nhận thức lâu đời về văn học khi cho rằng một tác phẩm văn chương là một chỉnh thể thống nhất, sinh động và có kết cấu. Điều này đặt ra vấn đề về tính tự trị của văn chương theo cách hoàn toàn mới mẻ. Chủ nghĩa hình thức Nga đã “chôn” phương pháp phê bình tiểu sử của Charles Augustin Sainte-Beuve (1804-1869) vốn nghiên cứu tác phẩm thông qua tác giả do quan niệm người ra sao thì văn cũng như vậy. Mạnh mẽ hơn, các nhà hình thức cho rằng: Văn chương không phải là sản phẩm quyết định luận của chính trị, kinh tế, tôn giáo... Họ cũng phê phán nốt quan điểm: Văn chương tư duy bằng hình ảnh của chủ nghĩa tượng trưng Nga đương thời.

Văn chương không thể thoát ly hiện thực nên trong tác phẩm ít nhiều có dấu vết của triết học, tâm lý học... Vì vậy, các nhà hình thức Nga tuyên bố: Đối tượng nghiên cứu của khoa học văn chương không phải là toàn bộ các yếu tố có trong tác phẩm văn chương mà chỉ là “tính văn chương” (literariness), tức cái làm cho một tác phẩm nào đó thành tác phẩm văn học. Và đó chính là hình thức.

Quan niệm truyền thống xem hình thức là phương tiện-chỉ là phụ, nội dung mới là chính, là mục đích như câu nói: “Bình cũ rượu mới”. Với các nhà hình thức Nga, hình thức không chỉ là phương tiện mà còn là mục đích. Chính hình thức (form) sẽ tổ chức các chất liệu (material) từ đời sống và ngôn từ hỗn độn trở thành nội dung (inhalt). Khi nội dung đã được hình thức hóa tức đã mang tính nghệ thuật sẽ tạo ra một văn phẩm nghệ thuật. Mối tương quan chặt chẽ giữa nội dung và hình thức được nhà triết học Đức G. W. F. Hegel (1770-1831) khái quát qua câu nói nổi tiếng: “Nội dung chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của hình thức vào nội dung, và hình thức chẳng là gì cả ngoài sự hoán chuyển của nội dung vào hình thức”.

Với quan niệm trên, các nhà hình thức Nga đã cấp nghĩa mới cho  hình thức, và đưa hình thức trở thành trung tâm của văn học. Nhưng làm thế nào mà hình thức lại tạo ra tính văn chương? Các nhà hình thức Nga trả lời đó là nhờ thủ pháp (device). Thủ pháp nghệ thuật (trong đó có văn học) là các cách thức biến những chất liệu chỉ có giá trị tiêu dùng, được sử dụng một cách phổ biến trở thành hạt nhân thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, những bức ảnh phong cảnh bình thường được nhà văn Pháp André Breton (1896-1966) đưa vào trong tiểu thuyết “Nadja” (Bửu Ý dịch, NXB Hội nhà văn, 2003) với mục đích thay các đoạn tả cảnh; vì với ông, miêu tả là vô bổ.

Viktor Shklovsky trong bài viết nổi tiếng “Nghệ thuật như là thủ pháp” (1917) đi sâu hơn khi cho rằng: Không phải bất cứ thủ pháp nào cũng có giá trị mà chỉ có những thủ pháp “lạ hóa” (defamiliarization) mới có tính nghệ thuật. Ông lý luận rằng, con người nói chung (trong đó gồm cả nhà văn và người đọc) có xu hướng “tự động hóa” cảm thụ để tiết kiệm năng lượng nên bằng lòng “chung thủy” với một số hình thức nhất định; từ đó, ông cho rằng: Thủ pháp nghệ thuật phải tạo ra hình thức khó hơn, làm cho sự cảm thụ trở nên khó hơn và dài hơn. Ông đưa ra kết luận nổi tiếng: “Nghệ thuật là sự cảm nhận cách làm ra sự vật, còn cái được làm ra trong nghệ thuật thì không quan trọng”. Nhận định này thực sự táo bạo vì nó không coi trọng ý nghĩa có trong tác phẩm; đi ngược lại mục đích của tất cả các kiểu nghiên cứu theo khuynh hướng đạo đức, chính trị, xã hội, tâm lý học và phân tâm học.

Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ nên các thủ pháp “lạ hóa” ngôn ngữ được quan tâm hơn cả. Nhiệm vụ của nhà nghiên cứu văn học là phân tích sự khác biệt trong ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ hàng ngày; phát hiện thủ pháp “lạ hóa” độc sáng gọi là chủ âm (the dominant)-tức là yếu tố chủ đạo. Chủ âm vốn là khái niệm mượn từ âm nhạc nay để chỉ yếu tố nào chủ đạo trong một thể loại, thậm chí cả một nền văn học. Chẳng hạn, yếu tố chủ đạo trong thơ Việt Nam trước thời kỳ Đổi mới là sự hài hòa âm thanh, sử dụng vần lưng và vần chân; 20 năm trở lại đây, chủ âm thơ Việt là hình thức tự do, ít chuộng tính nhạc.

Dù có nhiều đột phá trong lý thuyết nhưng chủ nghĩa hình thức Nga cũng đã có một số nhận định chưa đúng đắn. Chẳng hạn, do quá đề cao thủ pháp nên các nhà hình thức cho rằng: Nghệ sĩ chỉ cần hiểu rõ các thủ pháp là có ngay “chìa khóa vạn năng” để tạo dựng tác phẩm nghệ thuật. Điều này đã biến nghệ sĩ không khác người thợ thủ công làm theo “mẫu”. Chính vì thế những khiếm khuyết của chủ nghĩa hình thức Nga đã được các phương pháp khác như xã hội học, phân tâm học… bổ sung.

Chủ nghĩa hình thức Nga chỉ tồn tại khoảng 20 năm nhưng cũng đủ gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của các trường phái sau này đặc biệt là chủ nghĩa cấu trúc. Những đại diện hoặc những người chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hình thức Nga như: Roman Jakobson, Mikhail Bakhtin (1895-1975), Vladimir Propp (1895-1970)… vẫn tiếp tục phát triển những nền tảng lý thuyết đã đạt được để trở thành những người “khổng lồ” trong khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ XX.  

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XIII): GIỌT MÁU CHO ĐI VÀ NHỮNG CUỘC ĐỜI Ở LẠI


Thêm 100 “anh hùng thầm lặng” - những người tự bớt một phần máu của mình để cứu giúp đồng loại - đã được tôn vinh vào ngày 10-6, đúng vào dịp các nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng về “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện” (14-6) với thông điệp “Mọi người hiến máu đều là anh hùng”.

Trong số 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay, có rất nhiều người đã hiến máu từ 20 lần trở lên. Số khác không chỉ hiến máu mà còn vận động được hàng trăm người khác cùng tham gia việc nghĩa này. 100 đại biểu tiêu biểu thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nhân ái của dân tộc, là những “anh hùng” đại diện cho hàng triệu lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, hàng trăm gia đình có hầu hết các thành viên cùng hiến máu.

Dù số người hiến máu nhân đạo ở nước ta liên tục tăng đều trong những năm qua, nhưng thực tế lượng máu thu được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh nên tình trạng thiếu máu vẫn xảy ra. Bởi lẽ, cả nước ta mới chỉ có 0,8% dân số tham gia hiến máu, trong khi đó khuyến cáo của WHO là 2% dân số tham gia hiến máu mới đảm bảo đủ máu phục vụ người bệnh. Phần lớn trong số bệnh nhân cần sử dụng đến máu thuộc vào những tai nạn nghiêm trọng, những ca bệnh hiểm nghèo mà truyền máu được coi như biện pháp chính để cứu sống người bệnh. Không có máu và các chế phẩm máu an toàn, nhiều biện pháp điều trị hiện đại cũng khó có thể được triển khai và áp dụng thành công như: Điều trị hóa chất, tia xạ, ghép phủ tạng... Hiến máu là một hành động từ thiện đặc biệt bởi máu chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh và sẵn sàng giúp đỡ với người bệnh. Những hành động đáng trân trọng của những “anh hùng” hiến máu đã giúp cho nhiều người bệnh thoát khỏi hiểm nghèo, giúp cho ngành y tế bớt đi khó khăn về máu phục vụ cấp cứu, điều trị, và hơn nữa, là tấm gương sáng về tình thương yêu con người.

Những người tham gia hiến máu tình nguyện dù thành phần, giới tính, trình độ, nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều xuất phát từ suy nghĩ cao cả “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Họ không bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày đẹp trời sẽ được tôn vinh như những “anh hùng”. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc vinh danh những người hiến máu chưa được chú trọng đúng mức. Hành động hiến máu tình nguyện thường được lồng ghép với các phong trào thi đua khác, thậm chí có khi không được nhắc đến, khiến cho việc hiến máu nhân đạo trở thành việc của một nhóm nhỏ thanh niên nhiệt huyết, hoặc chỉ là "thời vụ" ở một số cơ quan tổ chức hiến máu tập thể.

Thiết nghĩ, ngoài việc tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong toàn quốc hằng năm, mỗi địa phương, cơ quan, nhà trường, đơn vị...nên tổ chức biểu dương những người tích cực hiến máu và vận động người khác cùng tham gia hiến máu vào dịp 14-6. Điều này không chỉ góp phần làm nổi bật ý nghĩa nhân đạo của việc hiến máu, mà còn là một cách tuyên truyền hiệu quả để thu hút đông đảo cá nhân, tập thể tích cực tham gia hiến máu.

Ngoài ra, những kinh nghiệm vận động hiến máu nhân đạo của những “anh hùng” hiến máu cần được tổng kết và phổ biến để việc hiến máu nhân đạo trở thành việc làm thường xuyên, rộng khắp trong cộng đồng.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2012

TRẬN ĐẤU MỞ MÀN EURO 2012 BA LAN – HY LẠP: ĐỒNG CHỦ NHÀ BA LAN HÒA THẤT VỌNG


 Tại Sân vận động Quốc gia (Thủ đô Vác-sa-va, Ba Lan), trận đấu mở màn Euro 2012 đã diễn ra giữa đội đồng chủ nhà Ba Lan với nhà vô địch Euro 2004 Hy Lạp.

Với sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả nhà, “Đại bàng trắng” Ba Lan đã nhanh chóng chiếm thế thượng phong. Ngay phút thứ 5, tiền vệ Rafal Murawaski đã thử tài thủ môn Kostas Chalkias bằng cú sút kỹ thuật ngoài vòng cấm.  

Ba Lan tiếp tục sự hưng phấn cao độ làm khốn đốn hàng thủ Hy Lạp. Phút thứ 14, tiền đạo ngôi sao bên phía Ba Lan Robert Lewandowski đã có pha đánh đầu hụt sau nỗ lực xuyên phá hành lang phải của Lukasz Piszczek làm thót tim các cổ động viên Hy Lạp

Chỉ 3 phút sau, vẫn từ pha lật bóng từ cánh phải của L. Piszczek và vẫn là R. Lewandowski, lần này anh đã “chuộc lỗi” với pha đánh đầu quá đơn giản mở tỷ số cho Ba Lan.

Ba Lan tiếp tục khai thác hành lang cánh phải của Hy Lạp nơi mà hậu vệ Jose Holebas không thể làm tốt nhiệm vụ “bảo kê”. Không muốn bị “đè” quá sớm, hàng công của Hy Lạp nỗ lực tiếp cận khung thành Ba Lan; song sự thiếu liên kết giữa các mũi nhọn khiến Hy Lạp không tạo nên được bất cứ một tình huống nguy hiểm nào.

Phút 30, Ba Lan được hưởng cú đá phạt cố định, bóng đến chân trung vệ Damien Perquis lên tham gia tấn công, dù đứng rất gần khung thành nhưng với cái chân quen phá bóng, D. Perquis đã đá chệch khung thành trong gang tấc.

Phút 43, hậu vệ mang áo số 19 của Hy Lạp là Sokratis Papastathopoulos phạm lỗi với tiền vệ Ba Lan R. Murawski. Dù chỉ là pha đẩy nhẹ, nhưng ông trọng tài Tây Ban Nha Carlos Velasco Carballo đã không ngần ngại rút thẻ vàng thứ 2, đồng nghĩa với việc Hy Lạp từ đây chỉ còn chơi với 10 người trên sân.

Hiệp 1 kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về đội đồng chủ nhà Ba Lan.

Ngỡ tưởng với lợi thế có được ở hiệp 1, Ba Lan sẽ tiếp tục tràn lên, kết thúc sơm trận đấu. Song, chính Hy Lạp mới là đội chơi hay hơn ở những phút đầu hiệp 2. Phút 50, tiền đạo vào sân thay người Dimitris Salpigidis đã bất ngờ gỡ hòa cho Hy Lạp. Từ một tình huống sai lầm của thủ thành đang chơi cho “pháo thủ” Arsenal Wojciech Szczesny, D. Salpigidis đã dễ dàng sút bóng vào khung thành bỏ trống của Ba Lan.

Sau khi bị gỡ hòa, Ba Lan tụt hưng phấn rõ rệt, Hy Lạp như thể “lột xác” chơi đôi công sòng phẳng với Ba Lan.

Kịch tính của trận đấu lên đến đỉnh điểm ở phút 68, hàng thủ Ba Lan sơ hở để lọt D. Salpigidis; bất đắc dĩ, thủ thành số 1 Ba Lan đành phạm lỗi trong vòng cấm. Ông trọng tài C. V. Carballo lại chứng tỏ sự nghiêm khắc của mình khi nhanh chóng “tặng” cho W. Szczesny thẻ đỏ trực tiếp và cho Hy Lạp được hưởng quả đá phạt đền. Người đội trưởng đã 35 tuổi giàu kinh nghiệm của Hy Lạp Giorgos Karagounis căng thẳng thực hiện pha sút phạt đền nhưng thủ môn “đóng thế” Przemyslaw Tyton đã ngả người đúng hướng, dập tắt sự mơ mộng của người Hy Lạp về một câu chuyện “thần thoại” mới.

Không nao núng trước bàn thắng mười mươi bị hỏng ăn, Hy Lạp tiếp tục gây sức ép lên khung thành Ba Lan. D. Salpigidis suýt nữa có cú đúp   nhưng trọng tài lại không công nhận bàn thắng cho Hy Lạp bởi D. Salpigidis đã rơi vào thế việt vị.

Liên tiếp bỏ lỡ những tình huống nguy hiểm, Hy Lạp dường như cũng muốn trận đấu kết thúc với tỷ số hòa. Đương nhiên, Ba Lan không chấp nhận một kết quả hòa như thua ở ngày mở màn, “đại bàng trắng” dồn đội hình lên để tìm bàn thắng thứ 2. Tuy nhiên, hàng thủ Hy Lạp đã chơi tập trung, “bẻ gãy” dễ dàng các đợt tấn công tất tay của Ba Lan.

Những phút cuối trận trở nên tẻ nhạt bởi sự “cò cưa” của cả hai đội. Trận đấu đã kết thúc với tỷ số 1-1 với sự thất vọng của người Ba Lan trong trận đấu mở màn. Với kết quả này, Hy Lạp và Ba Lan cùng có 1 điểm và cùng tạm dẫn đầu bảng A Euro 2012.

HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012

CÓ MỘT QUANG DŨNG KHÁC NGOÀI "TÂY TIẾN"...


Mới đây, Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) phối hợp với Công ty cổ phần Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam tổ chức buổi tọa đàm đồng thời giới thiệu tinh tuyển thơ “Mắt người Sơn Tây” (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2012) của nhà thơ Quang Dũng.
Nhắc đến con người Quang Dũng là nhắc đến một nhà thơ tài hoa, nhân hậu, ưa xê dịch. Trong cuộc tọa đàm, nhà thơ Vân Long cho biết, hai niềm đam mê lớn nhất của đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”. Ông luôn mang trong lòng giấc mộng phiêu du và bạn bè dường như là điều quý giá nhất với ông, hơn cả thơ. Nhà thơ Quang Dũng thường dửng dưng với thơ của mình, ông làm thơ xong thường để đâu đó và không quan tâm đến nó, nên thơ của ông thất lạc rất nhiều. Nhưng với bạn bè, ông là một người đôn hậu, hiền hòa, cởi mở, tình bạn rộng khắp.
Nhà thơ Vân Long nhận xét, thơ là hệ quả tất yếu từ hai điều quan trọng nhất trong đời Quang Dũng là “đi” và “bạn”, nhưng dường như khi đặt cạnh hai yếu tố này, thơ bỗng trở nên không chút quan trọng. Ông đưa ra ví dụ về bài thơ “Mai chị về”, được Quang Dũng chép tặng rất nhiều bạn bè, khiến tất cả những ai đọc bài thơ đều cho rằng đó là Quang Dũng. Ban đầu bài thơ được đưa vào tập thơ duy nhất của Quang Dũng lúc sinh thời “Mây đầu ô” (NXB Tác phẩm mới, 1986); nhưng khi đưa nhà thơ xem, ông đã kiên quyết từ chối và có đưa manh mối giúp nhà thơ Vân Long tìm ra tác giả thật của bài đó là ông Phan Quang Chấn-Nguyên trưởng ban Quân y trung đoàn Tây Tiến.
Nói về thơ Quãng Dũng, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm đều nhấn mạnh vai trò của bài thơ “Tây Tiến” như một dấu son trong thi nghiệp Quang Dũng, cũng như thơ ca thời chống Pháp (1946-1954). Hơn hết, “Tây Tiến” có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng, một bài thơ được kỷ niệm 60 năm ngày sáng tác (năm 2008), một bài thơ làm sống dậy cả một trung đoàn, khiến địa danh Tây Tiến trường tồn trong lịch sử và ký ức mỗi người.
Do sự nổi tiếng của bài thơ “Tây Tiến”, vô hình trung khiến Quang Dũng nghiễm nhiên trở thành “nhà thơ một bài” bất đắc dĩ. Tuy nhiên, nếu đọc tinh tuyển thơ “Mắt người Sơn Tây”, người đọc lập tức có một hình dung về tài thơ Quang Dũng phong phú hơn nhiều với những bài thơ hay không hề kém “Tây Tiến” như: “Chiêu Quân”, “Mắt người Sơn Tây”, “Đêm Bạch Hạc”, “Cố quận”...
Thơ ca thời chống Pháp có nét rất đặc biệt đó chất lãng mạn của thơ ca Tây phương hòa với cảm hứng yêu nước, chất hùng ca. Thời kỳ này cũng rất đặc biệt khi xuất hiện một lớp nhà thơ mới như: Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Quang Dũng, Hữu Loan, Hoàng Cầm… Thế hệ nhà thơ tài hoa này đã làm nên thơ ca thời chống Pháp một cách kịp thời trong khi các nhà thơ nổi tiếng trước 1945 như: Xuân Diệu, Huy Cân, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư... vẫn đang loay hoay “tìm đường”. Trong số này các nhà thơ kể trên, không ngoa khi cho rằng Quang Dũng là một trong gương mặt thi nhân tiêu biểu nhất của thơ ca chống Pháp bởi sự nhất quán trong thi pháp, chất lãng mạn đậm đặc nhưng vẫn mang hồn cốt dân tộc:
“...Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn chiều lưu lạc
Thương vườn ruộng khôn khuây

Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng.

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?”
(Bài thơ “Mắt người Sơn Tây”)

          Một cuộc tọa đàm đương nhiên không thể nói hết về thơ Quang Dũng mà cần những công trình dài hơi, mang tính khoa học cao. Và nếu nghiên cứu thấu đáo gia tài thơ Quang Dũng, giới nghiên cứu văn học có thể tiệm cận với các đặc trưng thơ ca chống Pháp; từ đó, tổng kết một giai đoạn thơ ca đặc biệt của nước ta thời hiện đại.

           HÀM ĐAN


Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

FESTIVAL TRUYỆN TRANH LẦN III: CHỦ NHÀ GÂY THẤT VỌNG


Festival truyện tranh lần III do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức diễn ra từ ngày 31-5 đến 8-6 tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội). Với nhiều hoạt động chất lượng, Festival truyện tranh lần III đã nhận được sự tham dự đông đảo của bạn đọc hơn hẳn hai lần tổ chức trước. Tuy nhiên, sự chậm tiến của các “cây cọ” chủ nhà lại chính là điều đáng quên tại Festival truyện tranh lần này.

Mãn nhãn “nghệ thuật thứ 9”

Với bạn đọc nhí Việt Nam, hình tượng nhân vật hoạt hình như nhà báo Tintin, chàng cao bồi Lucky Luke... đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, ít người biết, “cha đẻ” các nhân vật hoạt hình trên đều là người Bỉ.

Tại những khu vực sử dụng tiếng Pháp của Bỉ (Cộng đồng Wallonie-Bruxelles), truyện tranh được gọi là “nghệ thuật thứ 9” bởi truyền thống lâu đời và ảnh hưởng xã hội to lớn. Phần lớn các gia đình Bỉ đều sưu tập truyện tranh. Hơn một nửa lượng sách được xuất bản hay sản xuất tại Bỉ đều là những an-bum truyện tranh. Đặc biệt hơn, gần một nghìn họa sĩ vẽ truyện tranh và tác giả kịch bản đã khiến Wallonie-Bruxelles trở thành xứ sở của truyện tranh từ gần một thế kỷ nay.

Triển lãm “Du hành trong nền nghệ thuật thứ 9: Truyện tranh của Wallonie-Bruxelles” chính là tâm điểm của Festival truyện tranh lần III. Triển lãm đã giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam đến với 40 họa sĩ truyện tranh bậc thầy của Bỉ như: Morris (1923-2001)-tác giả Lucky Luke, André Franquin (1924-1997)-người sáng tạo ra khỉ đuôi dài Marsupilami nổi tiếng, Peyo (1928-1992)-“cha đẻ” những người xanh tí hon Xì-trum (The Smurfs)...

Điều hấp dẫn của truyện tranh Bỉ không chỉ ở việc tạo hình nhân vật vui nhộn với phong cách vẽ riêng biệt mà còn thể hiện ở nội dung độc đáo của các bộ truyện tranh. Các chủ đề được đề cập tới trong truyện tranh của Bỉ phản ánh muôn mặt đời sống xã hội, có giá trị nhân văn; có tính giáo dục rất tốt cho trẻ em và tính giải trí cao cho người lớn. Ví dụ, làng của những người xanh tí hon Xì-trum như là một ẩn dụ về xã hội con người với nhân vật hư cấu được nhân cách hóa: Thông minh, lười biếng, điệu đà, nóng tính....  Ngoài ra, truyện tranh của Bỉ tỏ rõ sự năng động đáng kinh ngạc khi pha trộn được nhiều thể loại nhiều khi đối nghịch nhau: Phiêu lưu, lịch sử, hài hước, huyền ảo, hiện thực, hư cấu...

Dù triển lãm lần này chỉ là phần rất nhỏ trong bức tranh đa dạng và rộng lớn của truyện tranh Bỉ. Nhưng có tận mắt chứng kiến mới thấy ngạc nhiên bởi vị trí “đầu tàu” trong ngành công nghiệp giải trí ở Bỉ. Điều này khiến ngay cả người xem thờ ơ nhất hiểu rằng: Nếu thực sự đầu tư chiều sâu với tính chuyên nghiệp cao thì bất cứ một lĩnh vực tưởng là “nhỏ” lại có thể mang lại những điều tốt đẹp lớn lao.

Truyện tranh Việt: Chưa thay đổi nhận thức

Song hành triển lãm truyện tranh Bỉ là triển lãm “Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh” của các họa sĩ trẻ Việt Nam. Triên lãm này là lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam có một triển lãm truyện tranh đúng nghĩa. Quy tụ hơn 30 bức tranh của 11 tác giả vừa là họa sĩ đồng thời là những tác giả kịch bản truyện tranh. Giới hạn trong 6 trang-tương đương với một truyện tranh ngắn hoàn chỉnh, các họa sĩ các ý tưởng đã thể hiện mối quan tâm của các họa sĩ đến rất nhiều vấn đề xã hội.

Các truyện tranh ngắn của các họa sĩ Việt Nam đã gây “cười” cho người xem nhưng nằm ở việc khá nhiều chữ trong lời dẫn hoặc lời thoại... sai chính tả! “Hạt sạn” này có thể thông cảm ít nhiều do công tác tổ chức chưa chuyên nghiệp, và bản thân các truyện tranh ngắn này mới chỉ là bản phác thảo ý tưởng.

Nhiều người xem cũng chưa thực sự hài lòng về cách tạo hình nhân vật, phong cách vẽ vẫn na ná các bộ truyện tranh nổi tiếng nước ngoài như: “Ô Long viện” (Đài Loan); “Jindo”, “Subasa”, “Teppi” (Nhật Bản)... Điều này không thực sự đáng chê trách vì việc đòi hỏi các họa sĩ Việt Nam đi sau hơn nửa thế kỷ mà tạo dựng ngay một phong cách vẽ riêng, tạo hình nhân vật độc đáo là điều không tưởng!

Điều đáng lo ngại cho sự phát triển của truyện tranh Việt Nam chính là nhận thức của các tác giả về chính mục đích và phương pháp biểu đạt của truyện tranh. Mục đích của truyện tranh là phải mang tính giải trí gây cười; sau đó các ẩn ý mang tính nhân văn và giáo dục phải được cài cắm khéo léo, đi vào trí nhớ độc giả một cách tự nhiên nhất, ấn tượng nhất. Tuy nhiên, các họa sĩ Việt Nam mắc “bệnh” quá các chú trọng đến các thông điệp, không biết cách “hòa tan” các thông điệp vào câu chuyện khiến truyện tranh thành một kiểu tranh cổ động. Ví dụ, tác phẩm “Mưa lớn” (tác giả Nguyễn Thế Linh) kể chuyện một trận mưa lớn bất thường gây đảo lộn cuộc sống và để kết thúc, tác giả “ném” thẳng vào người xem khẩu hiệu: “Hãy hành động trước khi trái đất thay đổi bạn!”.

Phương pháp biểu đạt truyện tranh của các họa sĩ Việt nam cũng chưa khiến người xem cảm thấy thích thú. Truyện tranh là hình thức kể một câu chuyện bằng hình ảnh tĩnh có khi được thêm một ít lời dẫn hoặc lời thoại. Đã là một hình thức kể chuyện ngắn gọn thì các yêu cầu về ý tưởng, kết cấu, cấu trúc... cũng mang tính nghệ thuật tương tự như kể một câu chuyện trong truyện ngắn! Hầu hết các truyện tranh Việt Nam có ý tưởng tốt nhưng các họa sĩ không có khả năng triển khai các ý tưởng để cuốn hút người xem. Đa số các bức hình không ăn nhập khiến người đọc “vắt óc” mới hiểu được những bộ tranh rối rắm có khi lại rời rạc.

Sẽ mất khá nhiều thời gian, các hạn chế của truyện tranh Việt Nam mới trở thành quá khứ. Nhưng tin tưởng rằng, với sự năng động và chịu khó tìm tòi sáng tạo của một thế hệ họa sĩ trẻ và với một “thị trường” người đọc rộng lớn thì việc có một nền truyện tranh Việt Nam chuyên nghiệp không phải là một ước mơ viển vông.

HÀM ĐAN