Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

PHIM HOẠT HÌNH HÈ 2012: TIẾP TỤC CUỘC CHIẾN!


Gần 20 năm trở lại đây, phim hoạt hình có nhiều cuộc cách mạng về nội dung và cả hình thức. Tuy nhiên những bộ phim hoạt hình đình đám nhất chỉ tập trung vào một số hãng có thực lực; nổi lên trong số đó là hai “đại gia” DreamWorks và Pixar. Mùa hè 2012, cuộc chiến lại nổi lên khi DreamWorks tùng ra phần 3 của loạt phim Madagascar, còn Pixar trình làng bộ phim hoàn toàn mới mẻ là “Brave” (tựa Việt: Công chúa tóc xù).

“Madagascar 3”, bbữa tiệc tiếng cười

Mùa hè này, sư tử Alex cùng những người bạn của mình trong “Madagascar 3”tiếp tục trở lại màn ảnh rộng, với sự xuất hiện của các nhân vật mới trong chuyến phiêu lưu đầy màu sắc tới châu Âu.

Trong “Madagascar 3”, sư tử Alex, ngựa vằn Marty, hà mã Gloria và hươu cao cổ Melman quyết tâm tìm đường về với Vườn thú Trung tâm tại thành phố New York. Bỏ lại châu Phi, nhóm bạn lên đường sang châu Âu tìm những chú chim cánh cụt và đội tinh tinh với hy vọng công nghệ cao của chúng sẽ đưa tất cả về Mỹ. Tuy nhiên khi vừa tới Monte Carlo và làm náo loạn một sòng bạc ở đây, nhóm bạn đã lọt vào tầm ngắm của nữ cảnh sát trưởng người Pháp thuộc sở quản lý động vật tên là Chantel Dubois.

Với mục tiêu không để cho bất cứ loài động vật nào được bay nhảy tự do ngoài đường phố, Chantel Dubois quyết tâm truy đuổi nhóm bạn và mơ về chiến tích bắt được chú sư tử đầu tiên trong sự nghiệp. Nhóm của Alex phải trốn vào một gánh xiếc rong và đi tour tới nhiều thành phố ở châu Âu. Tại đây, họ gặp những người bạn mới như chú hải sư Stefano, nàng báo gợi cảm Gia và chú hổ nóng tính Vitaly. Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khiến cho mục đích của sư tử Alex và những người bạn thay đổi hoàn toàn...

Giống như hai phần trước, “Madagascar 3” tiếp tục khai thác lợi thế về mặt hình ảnh và các tình tiết gây cười. Mỗi nhân vật trong phim đều có sự hài hước, hóm hỉnh riêng. Ở phần ba xuất hiện rất nhiều nhân vật mới nhưng có lẽ để lại nhiều ấn tượng hơn cả là nữ cảnh sát Chantel Dubois. Có khứu giác nhạy bén và bản tính ưa bạo lực, Chantel quyết tâm theo đuôi bằng được nhóm sư tử Alex, tạo nên một màn truy bắt kịch tính nhưng không kém phần vui nhộn trên khắp châu Âu. Tạo hình nữ cảnh sát này rất quái dị và đầy tính châm biếm.

Các nhân vật trong “Madagascar 3” cả cũ lẫn mới đều được hòa quyện rất ăn ý. Ở phần này, Vua khỉ Julien XIII phải lòng một nàng gấu khổng lồ trong gánh xiếc. Chuyện tình này là một trong những điểm hấp dẫn nhất trong câu chuyện lần này, bên cạnh các tuyến chuyện khác. Lấy ý tưởng chủ đạo là rạp xiếc nên “Madagascar 3” có rất nhiều màn biểu diễn công phu, rực rỡ màu sắc và gây bất ngờ. Hiệu ứng 3D tuy không tương tác nhiều với khán giả nhưng lại khiến các cảnh quay trở nên sống động, đẹp mắt hơn.

Câu chuyện của “Madagascar 3” mang tính giải trí cao nhưng cũng có tính giáo dục và ý nghĩa nhân văn. Phim đem đến những thông điệp về tình bạn, sự hy sinh, nghị lực của bản thân để vượt qua nỗi sợ hãi, hướng tới tương lai... được cài cắm nhẹ nhàng trong từng tuyến nhân vật, tiếp cận được với khán giả nhỏ tuổi một cách tài tình mà không bị giáo điều. Sau những bom tấn hành động, giả tưởng nặng ký đầy rẫy các siêu anh hùng (superhero) từ đầu hè đến giờ như một bộ phim hoạt hình 3D như “Madagascar 3” sẽ khiến bữa tiệc phim hè trở nên vui nhộn, nhẹ nhàng hơn.


“Công chúa tóc xù”, phim tâm lý “đội lốt” hoạt hình

Chỉ cần một lần xem qua “Công chúa tóc xù” dễ dàng nhận ra bộ phim chịu ảnh hưởng từ phong cách truyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Christian Hans Andersen và anh em nhà Grimm. “Công chúa tóc xù” là câu chuyện của công chúa tóc xù Merida-một nữ cung thủ tài ba và là cô con gái cứng đầu của nhà vua Fergus và hoàng hậu Elinor. Quyết tâm đi theo con đường riêng, Merida không làm theo một phong tục lâu đời được đặt ra bởi các lãnh chúa của vương quốc: Lãnh chúa to béo MacGuffin, Lãnh chúa hay cáu kỉnh Macintosh và Lãnh chúa hay gây gổ Dingwall.

Những hành động của Merida đã gây ra sự náo loạn và tức giận trong vương quốc. Khi tìm đến một mụ phù thủy lập dị, nàng nhận được một điều ước đầy rủi ro. Những sự kiện và mối đe dọa sau đó đã buộc Merida phải dùng tới mọi kỹ năng và nguồn lực của nàng - bao gồm cả ba cậu em trai sinh ba thông minh và láu lỉnh - để đảo ngược một lời nguyền trước khi quá muộn, qua đó khám phá ra ý nghĩa đích thực của lòng quả cảm. Có thể xem “Công chú tóc xù” là câu chuyện về quá trình tìm kiếm chính mình, tạo ra số phận cho mình của một cô gái trẻ nhưng vô cùng dũng cảm. Merida, nhân vật chính trong phim, phải cân bằng giữa hình ảnh mà thế giới nhìn nhận về cô và hình ảnh mà cô tự nhìn nhận mình. Cho nên, nhiều nhà phê bình điện ảnh cho rằng, “Công chúa tóc xù” thực ra là phim tâm lý dưới hình thức một bộ phim hoạt hình không có diễn viên đóng diễn.

Điểm đáng nhớ của “kỳ quan” hoạt hình thứ 13 của Pixar lần đầu tiên có nhân vật chính là nữ của “đại gia hoạt hình” Pixar. Điều đáng nhớ khác của bộ phim nằm ở độ phức tạp của hình ảnh; cho nên con số kinh phí khổng lồ 185 triệu USD là hoàn toàn hợp lý.

Mệnh lệnh đổi mới

Trong gần 10 năm canh tranh khốc liệt của hai đại gia hoạt hình DreamWorks và Pixar, xét về giải thưởng diện ảnh lớn (nhất là giải Oscar) và tính theo doanh thu thì Pixar đang chiếm thế thượng phong.

Tuy nhiên, gần đây, Pixar đang tỏ vẻ yếu thế. Một phần, xưởng phim hoạt hình này dần trở nên kém sáng tạo hơn khi không đưa ra được một nhân vật nào mới, cách kể truyện lặp đi lặp lại rất dễ đoán được kết cục.

Xưởng phim Pixar nhận ra ngay các hạn chế và tìm cách thay đổi. “Công chú tóc xù” có thể xem là bước thử khi đưa nội dung cốt truyện hoàn toàn người lớn đội cái lốt phim hoạt hình. Tuy nhiên, bước thử này tỏ vẻ không hiệu quả, chí ít xét về mặt doanh thu. Với 189 triệu USD kinh phí nhưng sau hơn một tháng công chiếu, bộ phim chỉ thu về chưa đến 280 triệu USD Trong khi đó, cũng được công chiếu vào đầu tháng 6-2012, “Madagascar 3” có kinh phí thấp hơn (145 triệu USD) nhưng thu về gần 500 triệu USD. Một sự chênh lệch quá lớn và khó san lấp, và mùa hè này có thể xem là thuộc về DreamWorks.

Lý giải thất bại của “Công chúa tóc xù” có thể chỉ nằm ở chính sự thử nghiệm của họ. Vấn đề tạo hình nhân vật và kỹ thuật làm phim không có gì đáng chê trách. Tuy nhiên, cốt truyện bộ phim và kỹ thuật kể chuyện khiến bộ phim này chỉ dành cho các bé gái và những người ưa phim tâm lý lâm ly! Nên nhớ, 12 bộ phim trước của Pixar từ đứa trẻ tiểu học đến cụ già 70 đều say mê vì trong một bộ phim có tât cả các yếu tố để thu hút mọi lứa tuổi.

Tất nhiên, không thiết phải quá lo lắng cho Pixar vì với trình độ nhân lực và kỹ thuật tiến tiến trong tay, xưởng phim hoạt hình huyền thoại này chắc chắn sẽ tìm ra con đường mới. Nhưng vấn đề là họ phải sớm tìm ra con đường đó, chớ dò dẫm những bước thử kiểu như “Công chúa tóc xù”. Đơn giản, ai cũng biết: Điện ảnh không phải là một thứ nghệ thuật vị nghệ thuật thuần túy; lợi nhuận là ưa tiên hàng đầu. 

Và chính bản thân người thắng trong hè 2012 là DreamWorks sau “Madagasdar 3” chắc chắn cũng phải làm một bộ phim mới để duy trì lợi thế tạm thời. Vì vậy, cuộc chiến giữa hai đại gia hoạt hình này vẫn sẽ tiếp tục ột cách dài dài...   

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2012

GS-TSKH, NGND PHƯƠNG LỰU: CHO ĐI LÀ HẠNH PHÚC!


   Hàng ngàn học trò của Giáo sư-Tiến sĩ khoa học (GS-TSKH), NGND Phương Lựu ở mái trường Đại học Sư phạm Hà Nội (ĐHSPHN) hoặc chỉ là một độc giả đọc sách của ông đều phải thừa nhận: Ông là một nhà khoa học nghiêm túc, một chuyên gia hàng đầu về lý luận văn học. Nhưng chuyện trò với ông về đời tư, thế sự mới vỡ lẽ, ông không phải là mẫu nhà nghiên cứu “tháp ngà” mà luôn trăn trở với thời cuộc, luôn tìm cách giúp đỡ những mảnh đời kém may mắn.

 “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện”

      Tôi có may mắn quen biết một số nhà nghiên cứu văn học từng là học trò của GS-TSKH Phương Lựu nên đã biết ông có thói quen hỏi người tới làm việc với ông đã chuẩn bị được bao nhiêu tư liệu về ông? Đã đọc bao nhiêu sách của ông? Nhắc lại điều này, ông vui vẻ cho biết: Chẳng phải tôi khó tính đâu. Hỏi thế là để thuận lợi cho cả hai trong làm việc. Công trình nào anh đã đọc rồi thì tôi sẽ nói lướt qua, những công trình còn lại sẽ nói kỹ hơn.  
      Yêu cầu cao với người khác là vậy, nhưng chính ông cũng không nhớ rõ mình đã viết bao nhiêu cuốn sách, giành được bao nhiêu giải thưởng. Tra lại các cuốn kỷ yếu thì chính ông cũng giật mình với những gì đã làm được. Từ cuốn sách đầu tiên “Lỗ Tấn, nhà lý luận văn học” (1977), đến nay GS-TSKH Phương Lựu đã có hơn 22 cuốn sách riêng, 40 cuốn giáo trình và sách chung. Những giải thưởng đi kèm cùng những đầu sách nhiều chẳng kém. Ngoài một số Giải thưởng hằng năm của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, NXB Giáo dục…; ông còn nhận được các Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng của Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học-Công nghệ, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật và mới nhất là Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học-Công nghệ.
      Xuyên suốt khối lượng tác phẩm đồ sộ là phương châm nghiên cứu nhất quán, vừa có tính mở đường mà cũng có ý nghĩa lâu dài đó là xây dựng một nền lý luận văn học dân tộc-hiện đại. Chỉ có thật hiện đại mới góp phần khám phá sâu hơn những vấn đề của văn học dân tộc. Ngược lại, cũng chỉ có sát hợp hơn với văn hóa dân tộc thì phương hướng hiện đại mới có triển vọng đóng góp trở lại làm phong phú cho kho tàng lý luận chung.
      Khi mới khởi nghiệp, ông cũng như bao nhiêu nhà nghiên cứu cùng thời, làm lý luận phải quán triệt đường lối văn nghệ của Đảng và tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin. Tuy nhiên, ông đã có những suy nghĩ đổi mới đó là: Vẫn kiên trì tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin nhưng dứt khoát phải mở rộng ra để làm phong phú nền lý luận văn học nước nhà. Điều này khá giống câu châm ngôn của nhà thơ Đỗ Phủ: “Chuyển ích đa sư thị nhũ sư” (học cái hay ở nhiều nơi, đó mới là thầy ta). Và ông đã thực hiện bằng những công trình cơ bản của mình theo hai hướng: Từ đường lối văn nghệ của Đảng mở rộng ra di sản lý luận văn nghệ của dân tộc từ xưa đến nay với các công trình: “Tìm hiểu một nguyên lý văn chương” (1983), “Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam” (1985), “Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học trung đại Việt Nam” (1997)… Hướng nghiên cứu thứ hai là từ tư tưởng văn nghệ Mác - Lê-nin mở rộng ra di sản lý luận của nhân loại qua các cuốn sách nổi tiếng: “Tinh hoa lý luận văn học cổ điển Trung Quốc” (1989), “Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại” (1995)”, “Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại” (1999), “Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây” (2007), “Lý thuyết văn học hậu hiện đại” (2011)…
 Sự nghiệp nghiên cứu của GS-TSKH Phương Lựu trải trên nhiều “mặt trận” nhưng ông không thuộc loại nhà nghiên cứu “quảng canh”, kiểu ham hố góp vài dòng để “đánh trống ghi tên”; mà đã nghiên cứu ở hướng nào đều ít nhiều để lại thành tựu. Điều này càng quý nếu đặt trong truyền thống khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam: Ai cũng thích nói về lý luận nhưng số người thực sự làm lý luận thì chỉ đếm trên đầu ngón tay!
       Với những gì đã làm được cho nền lý luận văn học Việt Nam, GS-TSKH Phương Lựu nghiễm nhiên được thừa nhận là một tiếng nói uy tín trong học thuật. Nhưng nếu để ý, hầu như các trận “bút chiến” nổi lên, rất ít lần ông tham gia. Ông lý giải: Nhiều tranh cãi không phải vì mục đích khoa học nên có tham gia tranh luận cũng chẳng có ích gì. Nhờ việc ít tham gia những việc ngoài lề học thuật nên ông mới có thể dành thời gian nghiên cứu khi đời người thì hữu hạn mà tri thức nhân loại thì mênh mông.
        Nhiều người hẳn từng nghĩ, GS-TSKH Phương Lựu ngay từ hồi bé nung nấu mộng văn chương. Sự thật thì ngược lại, hồi đi học ông thích toán, rất ghét văn. Đến nỗi, thầy giáo dạy văn hồi ở Trường Trung học Lê Khiết (Quảng Ngãi) của Phương Lựu là GS, NGND Lê Trí Viễn cứ nhìn bài văn ghi tên Bùi Văn Ba (tên thật của GS-TSKH Phương Lựu) là cho ngay điểm “zero”! Ghét văn đến tận khi được cử đi học đại học ở Trung Quốc, cấp trên bắt Bùi Văn Ba học văn chương thì ông tìm cách xin đổi. Đổi mãi không được, ngồi buồn đọc tiểu thuyết Trung Quốc “Hồng lâu mộng” lại thấy thích.
 Năm 1960, ông tốt nghiệp và về nước dạy tại Trường ĐHSP Hà Nội liên tục gần nửa thế kỷ. Cái nghiệp anh giáo bắt buộc ông phải nghiên cứu mới mong giảng hay và sâu cho học trò. Cứ thế, các chuyên đề và chuyên luận ban đầu dùng để giảng dạy, sau đó xuất bản thành những cuốn sách khác nhau.    
       Có thể việc đến với nghề là duyên số vì nghề chọn người chứ ít khi người chọn nghề; nhưng để trở thành một sự nghiệp cần nỗ lực phi thường. GS-TSKH Phương Lựu thực sự là tấm gương về ý chí lập nghiệp. Chí tự học của Phương Lựu chẳng nhìn đâu xa, cứ lật danh mục các tài liệu tham khảo sau mỗi cuốn sách của ông quả đáng ngưỡng mộ. Có cuốn sách ông viết 600 trang mà phải tham khảo gần 200 cuốn sách bằng ba ngoại ngữ tiếng Trung, tiếng Nga và tiếng Pháp. Và cũng không nên quên rằng, phần lớn quãng đời nghiên cứu của ông ở vào thời chiến tranh và bao cấp thiếu thốn về vật chất và sách vở cũng không đầy đủ như bây giờ.
      Ở tuổi 76, ông vẫn đang tiếp tục viết những cuốn sách mới và hướng dẫn các học trò làm luận văn về lý luận văn học. Sự miệt mài trong công việc của ông có thể gợi nhớ đến câu nói của Khổng Tử: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” (học không biết chán, dạy không biết mỏi).

         20 năm làm từ thiện

          Nhiều người chưa trò chuyện với ông có thể cho rằng: Việc dấn thân trở thành một nhà lý luận văn học là chịu ảnh hưởng tinh thần “hành đạo” của Nho giáo. Kỳ thực, động lực để ông trở thành nhà khoa học lại bắt nguồn từ những câu chuyện cảm động về quê hương và gia đình.
       GS-TSKH Phương Lựu sinh năm 1936 tại thôn Vạn An, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Khi mới 2 tuổi, người cha của ông qua đời. Mẹ ông quyết chí một mình nuôi hai đứa con trai phải học giỏi nhất họ. Mong muốn ấy mạnh mẽ đến mức, dù xinh đẹp và còn trẻ, bà đã từ chối 47 người đàn ông (kể cả trai tân) muốn kết hôn nhưng không thể đáp ứng điều kiện phải nuôi dạy hai đứa con riêng của bà.       
        Học giỏi và có người anh trai là liệt sĩ nên cuối thời kháng chiến chống Pháp ông được Đảng bộ Liên khu V chọn vào đoàn học sinh vượt Trường Sơn 3 tháng để ra Việt Bắc đi du học. Năm 1965, ông nhận được tin dữ là người mẹ của ông hy sinh. Nợ nước nay có thêm thù nhà, ông xin vào Nam chiến đấu nhưng cấp trên không cho vì gia đình đã có anh trai là liệt sĩ. Đeo nặng trong mình nỗi niềm “ngày Bắc đêm Nam”, ông chỉ còn biết phấn đấu tạo dựng sự nghiệp để làm rạng danh quê hương, để làm yên lòng mẹ hiền nơi suối vàng.
     Chiến tranh qua đi, khi đã công thành danh toại, GS-TSKH Phương Lựu luôn quan tâm đến người khác, đến công việc chung. Ông quan niệm: Cho đi là hạnh phúc. Mỗi lần dời nhà, sách vở chồng chất như núi, chỉ mang theo được một phần thiết yếu nên ông lần lượt gọi học trò đến cho bớt. Đáng kể hơn, gần 20 năm qua, được nhiều giải thưởng, ông đều đem toàn bộ tiền thưởng biếu lại cho các ngôi trường gắn bó với cuộc đời là: Tiểu học Vạn An, Trung học Lê Khiết, Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ĐHSPHN. Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng góp phần giúp cho một số học sinh nghèo vượt khó. Ngoài ra, hằng năm, ông đều dành một khoản tiền (5 đến 10 triệu đồng) hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông nói nhỏ, có khi tiền làm từ thiện là do bà xã cho thêm!
      Cuối đời, ông lại suy nghĩ rằng: Mình được sống yên lành để có nhiều thành tựu nghiên cứu; trong khi nhiều người, có những người bạn giỏi chẳng kém gì ông lại hy sinh ở chiến trường hoặc bị tù đày, nên không thể hoàn thành sự nghiệp. Vì vậy, đầu năm 2012, ông đã quyết định trao toàn bộ tiền thưởng 200 triệu đồng của Giải thưởng Hồ Chí Minh tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Ông tâm sự: Số tiền 200 triệu đồng quả là rất lớn với một nhà giáo nghỉ hưu như ông. Nhưng, nó rất bé trước sự hy sinh hoặc phải chịu cảnh tù đày của những bạn bè đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân và ước mơ khoa học cho sự nghiệp giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Nó lại càng nhỏ bé hơn nữa khi đem hiến tặng cho nạn nhân da cam-những người đau khổ nhất sau khi chiến tranh đã kết thúc.
        Việc hiến toàn bộ tiền thưởng của Giải thưởng Hồ Chí Minh, với ông đó là việc làm bình thường như những lần làm từ thiện khác trong suốt 20 năm qua. Mong muốn của ông bây giờ là giữ sức khỏe tốt để hoàn thành công trình ấp ủ bấy lâu: “Thi học cổ điển Trung Hoa: Hệ thống, phạm trù, mệnh đề”.
 Ông tâm sự: "Tiếc là tôi không giàu để làm từ thiện, thôi thì viết sách cho mọi người đọc vậy". Viết sách để lại chữ nghĩa được xem là “lập ngôn” để đi vào cõi của những người bất tử. Nhưng với ông, viết sách lý luận đơn giản là công việc ông có thể làm tốt nhất, mà làm tốt công việc của mình sẽ là một cách giúp ích cho nhiều người. Cốt lõi cũng là một cách cho mà thôi! 

THH

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2012

THỜI ĐÀM (XXIV): SAO PHẢI "XOẮN"?


Sau bao ngày chờ đợi, sự kiện thể thao lớn nhất trong năm là Olympic London 2012 cũng chính thức khai cuộc hôm nay. Với đoàn thể thao Việt Nam, đây là kỳ Olympic có số lượng vận động viên tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Đáng mừng hơn, 18 vận động viên đều tranh tài ở các môn thể thao cơ bản của Olympic. Điều này chứng tỏ thể thao Việt Nam đã có bước đi phù hợp; biết đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm.

Dẫu nhiều điểm tích cực nhưng nhiều người đã tiên liệu kịch bản xấu nhất là đoàn thể thao Việt Nam sẽ ra về tay trắng. Nếu điều đó xảy ra, sẽ chẳng mấy ai trách móc gì nhiều, vì Olympic là đấu trường thể thao khốc liệt nhất, mà thực lực của chúng ta còn yếu, tấm huy chương đồng với ta cũng là quý giá lắm! Vận động viên chúng ta tiến bộ, nhưng các anh tài nước bạn đâu có thiếu và cũng không ngừng nâng cao thành tích. Vì vậy, không nên quá kỳ vọng vận động viên nước ta sẽ làm nên chuyện đình đám ở Olympic kỳ này.

Ai đó từng nói đại ý rằng: Trong thể thao, kết quả mới là điều quan trọng nhất; kẻ thắng có quyền lớn tiếng và người thất bại nên im lặng! Điều này về cơ bản là đúng nhưng có những người thua lại xứng đáng được vinh danh. Nhiều người hẳn còn nhớ tại SEA Games 26 ở In-đô-nê-xi-a năm 2011, người hâm mộ đã phải cảm động trước ý chí thi đấu tuyệt vời của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Phương. Ở nội dung 3000m vượt rào nữ, khi cách đích 2m, cô đã kiệt sức và để vuột mất tấm huy chương vàng. Nhưng rồi cô lết, nhoài, vươn tới và tay chạm vào vạch đích để vừa đủ về nhì và sau đó là đi... cấp cứu. Cái đích chỉ cách có 2m, nhưng trong trường hợp của Phương khoảng cách đó dường như là bất tận. Chỉ là người về nhì nhưng Phương đã thể hiện được phẩm chất ngoan cường, vươn lên khó khăn trong mọi hoàn cảnh. Những biểu hiện làm rung động lòng người thì sẽ còn mãi và không chiến thắng nào có thể so sánh được. Ở trong trường hợp này, kẻ thua vẫn đáng được nhớ!

Có một điều kỳ lạ, vận động viên Việt Nam thường có thành tích tốt, thậm chí phá kỷ lục của chính họ tại đấu trường SEA Games, ấy thế mà bước vào các giải đấu lớn thế giới, các vận động viên không còn là chính mình. Ở kỳ Olympic 4 năm về trước, Nguyễn Tiến Minh đang nằm trong top 10 thế giới đã thất bại trước một tay vợt kém anh hơn 50 bậc. Cũng ở kỳ Olympic đó, kình ngư Nguyễn Hữu Việt đã thi đấu bết bát, kém xa những gì anh từng làm được tại đấu trường SEA Games. Sau khi thất bại, cả hai vận động viên đều không lý giải nổi thất bại của chính mình. Các chuyên gia chỉ kết luận đơn giản, đổ hết lỗi cho tâm lý thi đấu bất ổn. Vận động viên của chúng ta đã bị ngợp khi phải thi đấu ở một không khí, một môi trường hoành tráng với những đối thủ rất mạnh mới chỉ được nghe tên! Và thế là các vận động viên bỗng run tay, chùn chân...

Với một thứ trừu tượng là tâm lý thi đấu sợ sệt, ngôn ngữ vỉa hè có từ thật trừu tượng để miêu tả là “xoắn”! Lẽ ra ở một đấu trường không bị bệnh thành tích chi phối, đáng lẽ các vận động viên phải thi đấu với một tinh thần thoải mái, như là... không có gì để mất. Đã rất khó khăn để giành vé tới Olympic và không biết Olympic lần tới có được góp mặt hay không, vậy tại sao các vận động viên không thi đấu hết mình? Sao phải “xoắn”? Tại sao không tái hiện lại những hành động mạnh thể chất và đẹp tâm hồn như ở SEA Games hay ASIAD? Sao không mạnh mẽ nghĩ rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế, mình có thể tự thay đổi số phận? Biết người biết ta là cần, biết người mà khinh người là dại, nhưng biết người mà sợ người đến mức co cúm lại là bản lĩnh thi đấu yếu kém.

Ở thì tương lai, vận động viên Việt Nam dư sức hoàn tất “giấc mơ vàng” Olympic. Nhưng điều quan trọng trong thể thao không hẳn là thành tích, vì vậy cần gạt bỏ sự tự ti và những áp lực vô hình để thi đấu sòng phẳng, chớ để mang tiếng “chưa đánh đã hàng”. Mỗi vận động viên cần phải thể hiện tinh thần thi đấu trên 100% phong độ vì danh dự bản thân và vì màu cờ sắc áo. Chắc chắn, ý chí sắt đá, tinh thần quả cảm trong thi đấu của các vận động viên sẽ lan tỏa đến quần chúng, nhất là lớp trẻ để cùng hướng vào những mục tiêu cao đẹp của đất nước trong giai đoạn mới. Đó mới là lợi ích sâu xa mà thể thao mang lại cho xã hội!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Tư, 11 tháng 7, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XIV): HỌC TỪ THẤT BẠI


Từ vật nuôi làm giàu, tu hài (hay còn gọi là ốc vòi voi) đang là nguồn cơn nguy khốn của bà con nông dân huyện Vân Đồn (Quảng Ninh). Hơn 6 tháng đầu năm 2012 có đến 200 triệu con tu hài giống chết, gây thiệt hại ước chừng 300 tỷ đồng.  
Theo kết quả xét nghiệm ban đầu, tu hài chết là do mắc nội ký sinh trùng Perkinsus Spp.  Dịch bệnh là chuyện thường trong nghề nông, nhưng điều đáng nói là từ đầu năm nay, khi phát hiện ra bệnh trên tu hài nhưng chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã không có biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh hiệu quả khiến dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, gây thiệt hại lớn. Dịch bệnh trên tu hài ở huyện Vân Đồn lại một lần nữa cảnh báo cho cách thức nuôi trồng thiếu quy hoạch, phi khoa học của nông nghiệp nước ta. Chỉ trong vài năm, từ vài ba hộ nuôi thử nghiệm, đến nay cả huyện Vân Đồn đã có 700 doanh nghiệp và hộ dân nuôi tu hài. Điều này gợi nhớ những đợt dịch bệnh trên tôm hùm, tôm sú, cây tiêu... nhà nông thiệt hại bạc tỷ mà chỉ biết đứng nhìn!  
          Nông dân ta có ý chí và khát vọng làm giàu, nhiều hộ gia đình biết làm ăn và thành công lớn. Nhưng có một điểm yếu chí tử là nhiều hộ làm kinh tế gia đình một cách tự phát, thấy bà con chòm xóm làm được thì mình cũng làm theo. Tâm lý làm ăn theo phong trào, đôi khi bất chấp khoa học kỹ thuật, không tính toán lo xa là nguyên nhân không ít thất bại và đổ vỡ, khiến nhiều nông dân trở thành những "con nợ" khó có khả năng thanh toán.       
        Vân Đồn là vùng nuôi trồng thủy hải sản lớn của Quảng Ninh. Lẽ đương nhiên, những thành công hay thất bại của người dân trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản đều liên quan đến chính quyền cơ sở và đặc biệt là các nhà khoa học. Trong số 700 cơ sở, hộ dân nuôi tu hài đã có bao nhiêu phần trăm được khuyến cáo tạm dừng đầu tư hay phổ biến phương pháp phòng, trị bệnh? Khi tu hài giống được nhập về từ nhiều nguồn, mạnh ai nấy làm, đã có sự khuyến cáo nào của các cơ quan chức năng? Việc mải mê làm giàu nhưng thiếu tính toán của người dân dẫn đến đổ vỡ là bài học cay đắng, thật đáng thông cảm và xót xa, nhưng trong thất bại ấy có trách nhiệm của chính quyền cơ sở và các nhà khoa học thủy sản trong việc dự báo, cảnh báo, hướng dẫn và hỗ trợ khoa học, quy hoạch vùng nguyên liệu và các giải pháp đối phó với bệnh dịch.
Đối với Vân Đồn, việc trước mắt là tìm ra nguyên nhân gây bệnh dịch để nhanh chóng dập dịch và tiếp tục nuôi trồng thủy hải sản. Kế đó là có biện pháp giúp bà con về mặt tài chính để ổn định cuộc sống và ổn định vùng hàng hóa. Bài học không mới nhưng nóng bỏng đặt ra cho Vân Đồn và bà con nông dân trên mọi miền đất nước đó là khi có ý định đầu tư làm ăn lớn thì phải có kiến thức khoa học, hoặc phải được hỗ trợ về khoa học, đồng thời phải nghiên cứu thị trường để nâng cao hiệu quả kinh tế. Vậy nên, cùng với vốn đầu tư và ý chí làm giàu của bà con nông dân, chính quyền và các hiệp hội ngành nghề cần xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, trù liệu đầu vào, đầu ra cho sản phẩm; nhà khoa học phải đồng hành với bà con trong sản xuất thì mới có thắng lợi trong nuôi trồng. 

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

THỜI ĐÀM (XXIII): PHÊ BÌNH NGHỆ SĨ


Trong cuốn “Sinh lý học phê bình” (1930) của nhà phê bình văn học Pháp Albert Thibaudet (1874-1936) đã có sự phân chia kinh điển về phê bình văn học thành ba loại: Phê bình nói, phê bình chuyên nghiệp và phê bình nghệ sĩ. Sau gần một thế kỷ, cách phân chia trên đã lỗi thời vì chỉ chú trọng đến nhân thân và nghề nghiệp của nhà phê bình hơn là bản chất của phê bình. Ở nước ta, khi phê bình văn học vẫn đang ở tình trạng tiền lý thuyết, dựa vào cảm tính là chính thì cái gọi là phê bình nghệ sĩ vẫn còn khá nhiều và được người đọc rộng rãi thích thú.

Hiểu một cách ngắn gọn, phê bình nghệ sĩ là một dạng phê bình mà người viết phê bình không làm công tác nghiên cứu văn học thường xuyên mà thay vào đó họ viết văn. Lý do để những nhà văn đi viết phê bình văn học rất đa dạng: Nào là do thích nhận xét; hoặc tự rút kinh nghiệm cho việc sáng tạo; thậm chí, có người ác khẩu còn bảo do nhà văn sáng tác thất bại nên quay ra viết phê bình để cứu vãn danh tiếng…

Điểm mạnh của phê bình nghệ sĩ nằm ở “trực giác nghệ thuật” sẵn có của người sáng tạo. Cái gọi là “trực giác nghệ thuật” khá… huyền bí! Ở nhà văn, “trực giác nghệ thuật” là năng khiếu sáng tác cho họ sự nhạy cảm đến mức chỉ cần nhìn lá rơi là đã có một bài thơ bất hủ. Trong lĩnh vực phê bình văn học, "trực giác nghệ thuật" thể hiện ở khả năng cảm thụ văn chương. Một người chỉ cần đọc qua một bài thơ hay một truyện ngắn thì anh ta sẽ biết tác phẩm hay hoặc dở, dù anh ta chưa thể lý giải được tác phẩm đó hay/dở ở điểm nào! “Trực giác nghệ thuật” không phải ai cũng có và nếu có thì mức độ không giống nhau. Điều này giải thích vì sao có nhà phê bình văn học chuyên nghiệp rất giỏi các lý thuyết văn chương nhưng do không có “trực giác nghệ thuật” nên không thể “ngửi” ra văn hay/dở!

Vì biết rõ “bếp núc” nghề nghiệp, nhà phê bình nghệ sĩ sẽ thuyết phục người đọc khi trình bày quá trình tạo sinh ra tác phẩm như: tứ thơ, hình tượng nhân vật... Thêm vào đó, cách viết của người sáng tạo chủ yếu là bình tán nên linh hoạt, sinh động và dễ hiểu; do đó được đại đa số người đọc ưu chuộng.

Nhiều điểm mạnh là vậy, nhưng có một sự thật hiển nhiên là chỉ một số ít nhà phê bình nghệ sĩ là có “thương hiệu”. Đến đây, vai trò của “trực giác nghệ thuật”-tức phát hiện cái hay, cái đẹp không còn quan trọng bằng việc lý giải vì sao lại hay và đẹp? Muốn lý giải đương nhiên cần có nền tảng về lý thuyết văn học nói riêng và rộng ra là “phông” văn hóa. Ai đọc nhiều, hiểu biết nhiều sẽ lý giải tác phẩm sâu sắc hơn, thuyết phục hơn. Đơn cử như trường hợp nhà thơ-dịch giả Dương Tường. Ngoài làm thơ, tên tuổi của ông được dựng lên là nhờ các tác phẩm dịch, song ông nổi tiếng là nhà phê bình có uy tín. Biết ngoại ngữ nên Dương Tường có thể tự đào tạo và trở thành người uyên bác ở nhiều ngành nghệ thuật. Ông không chỉ có tài phê bình văn học mà còn đưa ra “ánh sáng” nhiều tài năng hội họa đang còn trong “bóng tối”.

Đáng tiếc số người phê bình nghệ sĩ có tầm như Dương Tường không có nhiều. Đa số các nhà phê bình nghệ sĩ thường viết bình giảng mà nếu dùng khái niệm gọi là phê bình ấn tượng. Phê bình ấn tượng lấy cái tôi chủ quan của nhà phê bình để đánh giá tác phẩm. Khi cái tôi phê bình của nghệ sĩ tương thích với tác phẩm sẽ có thể tạo ra một bài phê bình văn học giá trị. Nhưng khi cái tôi nghệ sĩ không thể hiểu hoặc không thích một tác phẩm mới lạ thì chỉ dẫn đến những bài viết chê bai! Đây chính là điểm dở của phê bình nghệ sĩ khi gặp phải tác phẩm cách tân vượt ra tầm hiểu biết; khi đó phê bình nghệ sĩ trở nên bảo thủ, ủng hộ những giá trị thẩm mỹ cũ. Và đây là lúc phê bình học thuật phát huy “tác dụng” bởi sử dụng lý thuyết để “giải mã” những những điểm mới. Xin mở ngoặc: Đa số cái mới là mới ở Việt Nam chứ không mới trên thế giới!

Nhận ra điểm mạnh/yếu của phê bình nghệ sĩ để có ý thức rằng: Không có một cách thức phê bình nào ở ngôi vị “vua”, có thể bao trùm hết mọi chức năng của phê bình văn học. Việc mới đây một nhà thơ ra mắt một tuyển tập các bài bình thơ được các bạn văn văn khen ngợi hết lời là đáng suy nghĩ. Đa số những lời khen ngợi tập bình thơ nói trên đều rất cảm tính. Trong bối cảnh, phê bình văn học Việt Nam cần trở nên lý tính và thu nạp nhanh chóng các lý thuyết văn học trên thế giới để lý giải sâu sắc các đỉnh cao văn học dân tộc thì việc khen một tập bình thơ chỉ làm tụt hậu phê bình văn học nước nhà.

Khen nhau thế chẳng hóa bằng mười phụ nhau!

          HOÀNG BÌNH PHƯƠNG