Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

THẾ GIỚI HOÀI NIỆM CỦA MARGUERITE DURAS

Nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras (Ma-ga-rít Đuy-rát, 1914-1996) là một trong số những nhà văn có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất. Sự ưu ái này chắc chắn không phải do tác phẩm của M. Đuy-rát dễ đọc như các tác phẩm ăn khách của “bà hoàng truyện trinh thám” A-gát Crít-xti hay nhà văn chuyên viết truyện diễm tình Quỳnh Dao. Phải chăng sự gần gũi với Việt Nam từ cuộc đời lẫn trong những trang sách đã khởi sự niềm hứng thú cho nhiều dịch giả chuyển ngữ tác phẩm của M. Đuy-rát sống lại trên quê hương thứ hai của bà? Việt Nam hay cụ thể là vùng đất Nam Bộ được xem là khởi nguồn thế giới văn chương đầy hoài niệm kéo dài hơn nửa thế kỷ với gần 50 tác phẩm của M. Đuy-rát. Thậm chí, giới nghiên cứu còn chứng minh sự lai chủng ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Pháp trong văn bản của M. Đuy-rát…

     M. Đuy-rát sinh ngày 4-4-1914 tại Gia Định (TP Hồ Chí Minh ngày nay) khi bố mẹ bà đang làm trong ngành giáo dục Pháp ở Nam Kỳ. Cuộc sống thời thơ ấu của M. Đuy-rát ở Việt Nam không mấy hạnh phúc khi cha bà mất sớm, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của người mẹ là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Điều không may là số tiền dành dụm của gia đình lại mua phải một đồn điền hằng năm bị nước biển tràn lên phá hết hoa màu khiến cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó. Sự bế tắc trong cuộc sống ở Đông Dương đã được M. Đuy-rát viết lại gần như là tự thuật qua tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương” (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Văn học, 1997) in năm 1950. Đây là tác phẩm thứ ba của M. Đuy-rát nhưng là tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang trên văn đàn Pháp, báo hiệu một tài năng sẽ còn tiến triển không ngừng. Trong tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương”, M. Đuy-rát đã tài tình dẫn dắt một cốt truyện đơn điệu trở nên vô cùng hấp dẫn bằng lối viết cổ điển, cùng với sự phân tích tâm lý nhân vật đa chiều.

     Lối viết tiểu thuyết cổ điển với nhân vật có tính cách rõ ràng trở lại ở cuối sự nghiệp của M. Đuy-rát với tiểu thuyết “Người tình” (Đình Kinh Hiệt dịch, NXB Trẻ, 1989) in năm 1984. Cuốn sách trở thành sách bán chạy toàn cầu và nhận giải Goncourt-giải thưởng văn chương cao quý nhất nước Pháp. Qua tiểu thuyết “Người tình”, M. Đuy-ra đã bất tử hóa mối tình ở tuổi 15 mãnh liệt, dị thường của bà với một người Hoa giàu có tên là Huỳnh Thủy Lê. Sự khác biệt về chủng tộc và giai cấp đã ngăn trở mối tình, M. Đuy-rát trở về Pháp sau khi tốt nghiệp tú tài; và từ đây, Đông Dương và tình yêu trở thành nỗi hoài niệm khôn nguôi trong tâm hồn M. Đuy-rát. Bây giờ ở Thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn đó, trở thành nới ghé thăm của nhiều du khách để hiểu thêm về một mối tình đã thành huyền thoại.

HÀM ĐAN

CÙNG BÀN LUẬN (XX): THOÁT NGHÈO BỀN VỮNG

Theo Quyết định 15/2013/QĐ-TTg ngày 23-2 vừa qua, các hộ cận nghèo sẽ được vay vốn sản xuất bắt đầu từ ngày 16-4-2013. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội và hộ cận nghèo vay vốn thỏa thuận phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. 
Hiện cả nước còn hơn 1,5 triệu hộ cận nghèo, tỷ lệ hộ tái nghèo hằng năm vẫn còn cao. Có thể xem quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện để hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thực tế hiện nay, không ít hộ nghèo được ưu đãi vay vốn sản xuất đã thoát nghèo, sắm được nhiều vật dụng nhưng vẫn muốn… nghèo trở lại để được tiếp tục nhận ưu đãi. Theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015, hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng và hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng, với thu nhập như vậy thật khó để các hộ cận nghèo trang trải nhiều chi phí trong cuộc sống, chứ chưa nói đến việc có vốn để sản xuất dài hơi. Mặt khác, tỷ lệ các hộ thoát nghèo ở vùng sâu, vùng xa chưa thực sự bền vững vì thực tế điều kiện kinh tế và kỹ năng sản xuất giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo chẳng khác nhau bao nhiêu. Chỉ cần một đợt thiên tai, bệnh dịch hay gia đình có người đau ốm,… là hộ cận nghèo có thể lại tái nghèo. Do vậy các hộ cận nghèo rất cần tiếp tục được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, bên cạnh việc bố trí nguồn tín dụng để các đối tượng  tiếp tục được vay cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng  Chính sách xã hội cần quy định thời hạn cho vay phù hợp theo chu kỳ sản xuất, thu hoạch, thu nợ. Quá trình cho vay cần được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đồng vốn ưu đãi đến đúng địa chỉ người cần.

Bản thân các hộ cận nghèo cần xác định vay vốn ưu đãi là chính sách lâu dài nên phải tận dụng hiệu quả nguồn tín dụng, tính toán phù hợp với lộ trình sản xuất kinh doanh của hộ gia đình để việc vay vốn mang lại hiệu quả thực sự lâu dài. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là khuyến nông tư vấn bà con chọn cây trồng, vật nuôi thích hợp, có hiệu quả kinh tế cao./. 

HÀM ĐAN

ĐƯA LỊCH SỬ ĐẾN GẦN VỚI THỰC TẠI

     Nhà văn I-ta-li-a I-ta-lô Ca-vi-nô (Italo Calvino, 1923-1985) được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của thế giới nửa cuối thế kỷ XX, đồng thời, ông còn được xem là nhà văn hậu hiện đại tiêu biểu nhất. Cách đây vài chục năm khi các nhà triết học vẫn đang hệ thống hóa lý thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại thì nhiều nghệ sĩ trong đó có I. Ca-vi-nô đã có những tác phẩm đi trước, cụ thể hóa các luận điểm lý thuyết.

     Tác phẩm đậm tính hậu hiện đại, được giới “siêu độc giả” ca ngợi nhất của I. Ca-vi-nô là tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” xuất bản năm 1979 (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2011). Nhưng tác phẩm này không phải dành cho tất cả mọi người vì sự phức tạp trong cấu trúc tác phẩm. Độc giả rộng rãi yêu mến I. Ca-vi-nô thông qua bộ ba tiểu thuyết mang tên “Tổ tiên của chúng ta” gồm các tác phẩm “Tử tước chẻ đôi” (1952), “Nam tước trên cây” (1957) và “Hiệp sĩ không hiện hữu” (1959) đều do Vũ Ngọc Thăng dịch, được NXB Văn học và Nhã Nam phát hành từ năm 2009 đến năm 2012.

     I. Ca-vi-nô đưa người đọc về thế giới xa xưa của các hiệp sĩ và quý tộc thời Trung Cổ ở Âu châu với những câu chuyện kỳ thú. “Tử tước chẻ đôi” kể về tử tước Mê-đác-đô trúng đạn đại bác, thân thể bị xẻ làm đôi thiện và ác; nhờ tình yêu với cô thôn nữ Pa-mê-la mà hai nửa thân thể lại nhập thành một. “Nam tước trên cây” là câu chuyện về nam tước Cô-xi-mô suốt đời sống trên cây nhưng vẫn tham gia công việc thế sự; cuối cùng thì bay lên trời bằng một khinh khí cầu. “Hiệp sĩ không hiện hữu” là câu chuyện về hiệp sĩ A-gi-lu-phu không hề có hình hài nhưng vẫn tham gia chiến đấu để bảo toàn tước vị hiệp sĩ của mình cho đến khi siêu thoát.

     Nội dung các cuốn tiểu thuyết có thể được tóm tắt ngắn gọn là vì I. Ca-vi-nô đưa ra những cốt truyện mạch lạc, hoàn toàn đọc một mạch từ đầu đến cuối. Nhưng khác với các tiểu thuyết hiệp sĩ trước đó, I. Ca-vi-nô không sa vào các chi tiết sinh hoạt thời kỳ này hoặc không chêm vào các đoạn ngoại đề làm cốt truyện thêm rắc rối. Phương châm của I. Ca-vi-nô là kéo căng cốt truyện, luôn luôn gây dựng sự kịch tính để tạo ra sự giải trí mà I. Ca-vi-nô muốn dành cho chính mình và tặng người đọc.

     Mặt khác, trong mỗi cuốn tiểu thuyết, I. Ca-vi-nô đều đưa ra một luận đề triết học hiểm hóc. “Nam tước trên cây” là câu chuyện về sự nhẹ nhõm mà cuộc đời con người có thể đạt đến. “Tử tước chẻ đôi” là luận đề về sự nhất thể hóa tinh thần con người. Và cuối cùng, “Hiệp sĩ không hiện hữu” là một sự luận giải về vấn đề hiện hữu và hiện diện của con người. Khác với những nhà văn hiện sinh Pháp như: Giăng Pôn Xác (1905-1980), An-be Ca-muy (1913-1960)... viết tiểu thuyết thực chất là để minh họa cho các luận điểm của triết học hiện sinh; I. Ca-vi-no hòa tan các luận đề vào trong câu chuyện đến mức không thể tách rời. Chưa kể, trong “Hiệp sĩ không hiện hữu” còn sử dụng cấu trúc “truyện lồng trong truyện”, thực chất là để suy tư về công việc viết tiểu thuyết. Có thể nói, tài năng tiểu thuyết của I. Ca-vi-no đạt đến độ chín thông qua bộ ba tiểu thuyết, khi kết hợp tài tình giữa khoa học với nghệ thuật.

     Trong tác phẩm nổi tiếng của I. Ca-vi-nô được in sau khi qua đời là “Những bài giảng Mỹ-Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỷ tới” (Cao Việt Dũng dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 1 và 4-2007). Từ kinh nghiệm sáng tác bản thân, I. Ca-vi-nô đã khái quát những đặc điểm văn chương hậu hiện đại dành cho thiên niên kỷ tới là: “Nhẹ”, “nhanh”, “chuẩn”, “rõ”, “nhiều” và “nhất quán”. Nhờ việc tìm tòi lối viết thâu nạp các đặc tính văn chương thời đại mới mà I. Ca-vi-nô đã diễn giải lịch sử theo cách độc đáo. Các hiệp sĩ và quý tộc hiện lên với những tính cách phi thời gian, với những suy tư phổ quát mang tính người nói chung; tất cả rất trung tính để phù hợp với các luận đề cần giải quyết. Ví dụ như, hiệp sĩ A-gi-lu-phu trong “Hiệp sĩ không hiện hữu” không hề có hình hài mà giống như người vô hình mặc áo giáp nhưng nhờ tính trung thực, thẳng thắn; chàng vẫn hiện diện nổi bật trong đội quân của Hoàng đế Sác-lơ-ma-nhơ. Chàng A-gi-lu-phu là sự đối lập với các hiệp sĩ khác có hình hài bằng xương bằng thịt nhưng chẳng hề hiện diện ngoài những lời nói khoác lác. I. Ca-vi-nô để lại bài học là con người muốn chứng minh sự tồn tại của mình phải thông qua những việc làm có ích cho mọi người. Sự tài tình của I. Ca-vi-nô đã khiến những bài học đạo đức từ câu chuyện lịch sử xa xưa và phi thực lại rất gần với những câu chuyện cuộc sống hiện đại-vì con người hiện đại là con người làm nên chính bản thân mình thông qua hành động cá nhân.

     I. Ca-vi-nô ngay từ khi còn sống đã được xem là một “ảo thuật gia” tự sự khi mỗi một tiểu thuyết của ông đều chứa đựng đủ mọi loại cách kể chuyện: Cổ tích, hiện thực, kỳ ảo, dòng ý thức, giễu nhại...; tất cả đều nhuần nhuyễn, không vênh nhau. Như vậy, tiểu thuyết của I. Ca-vi-nô, đặc biệt là bộ ba “Tổ tiên của chúng ta” đã mở ra nhiều con đường sáng tạo mới cho văn học khi biết kết hợp các yếu tố rời rạc thành một chỉnh thể.

HÀM ĐAN

YÊU BIẾT BAO MÀU XANH ÁO LÍNH!

     Mấy chục năm trước, một bài thơ hay sẽ lan truyền nhanh chóng, nhiều người chép lại với nhiều dị bản khác nhau. Bởi lúc đó sách vở đâu có nhiều, chuyện chép nhầm câu chữ và đôi khi thiếu cả khổ thơ không phải là hiếm. Nhưng quan trọng, bài thơ đã được người đọc nơi nơi thay nhau chép sẽ in sâu trong trí nhớ lớp lớp người đọc tận sau này. Như trường hợp bài thơ “Chiếc áo màu xanh” của Đại tá, nhà thơ Lê Văn Vọng thì mỗi người đọc nhớ một bản khác nhau, không đúng với bản gốc. Bài thơ cũng không nhắc đến một địa danh, mốc sự kiện cụ thể nào để người đọc mường tượng xuất xứ và cảm hứng để nhà thơ sáng tác bài thơ nổi tiếng. Đó là lý do thôi thúc chúng tôi tìm đến nhà riêng của nhà thơ Lê Văn Vọng trong ngõ nhỏ trên phố Dương Quảng Hàm (Hà Nội) để được nghe ông kể về bài thơ của mình.

     Nhà thơ Lê Văn Vọng kể: Bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời vào tháng 7-1975, khi đó nhà thơ Lê Văn Vọng đang công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng, hòa vào đoàn quân áo xanh tiếp quản Sài Gòn. Đa phần người dân Sài Gòn đều có thiện cảm với người lính cách mạng, bắt chuyện với nhau trên đường phố hết sức thoải mái. Nhưng cũng có người chưa hiểu rõ về những người lính cách mạng do ảnh hưởng tuyên truyền tâm lý chiến của địch kiểu như: Việt Cộng không có quân phục và hoang dã “răng đen mã tấu dép râu” hoặc quái dị hơn là "bảy thằng Việt Cộng leo cây đu đủ không gãy" (!). Thực tế trước mắt lại khác hẳn! Xuất hiện trên đường phố Sài Gòn là những người lính khỏe mạnh, đẹp trai, hiền lành và nổi bật là bộ quân phục màu xanh giản dị. Bộ quân phục của những người lính cách mạng không hầm hố như quân phục lính ngụy và cũng không góc cạnh như quân phục lính Mỹ. Người dân Sài Gòn thấy lạ lùng, khát khao được tìm hiểu những người lính cách mạng. Không khí chung đó đã nhen nhóm ý tưởng sáng tạo cho nhà thơ Lê Văn Vọng, nhưng cảm hứng trực tiếp để bài thơ “Chiếc áo màu xanh” ra đời lại xuất phát từ một hoàn cảnh cụ thể. Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng đóng trụ sở ở hai ngôi nhà liền kề trong một con hẻm trên đường Trương Minh Giảng (nay là đường Lê Văn Sỹ), đối diện đó là nhà dân. Nhà thơ Lê Văn Vọng nhìn sang và thấy cô gái trẻ ở ngôi nhà đối diện. Ông đoán cô gái vẫn còn đi học vì hằng ngày vẫn thấy cô diện tà áo dài trắng trong đi về trên chiếc xe đạp, cặp sách để ở giỏ xe trông thật dễ thương. Sự xuất hiện của cánh lính trẻ ở nhà đối diện khiến cô gái để ý. Nhìn thấy anh bộ đội là cô gái thoáng e lệ và lộ cả vẻ tò mò. Nhưng rồi không ai dám mở lời, cho tới khi Tạp chí Văn nghệ Quân giải phóng chuyển đi nơi khác. Nhà thơ biết rằng, cả hai bên sẽ hụt hẫng khi không còn nhìn thấy nhau bởi vẫn còn lưu luyến trong lòng, dù không giải thích được đó là thứ tình cảm gì. Chính bởi sự im lặng và hụt hẫng đó mà bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã được nhà thơ Lê Văn Vọng sáng tác rất nhanh, chỉ trong một đêm. Không lâu sau bài thơ được đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội.

     Dù đã viết 13 đầu sách và giành được nhiều giải thưởng văn học của địa phương, Bộ Quốc phòng…, nhưng hễ nhắc đến nhà thơ Lê Văn Vọng là người yêu thơ nghĩ ngay đến bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Bài thơ từ khi ra đời đã được người đọc trong và ngoài quân đội yêu thích và được phổ nhạc; với nhà thơ Lê Văn Vọng, đó là phần thưởng quý giá nhất.

   Có một kỷ niệm đáng nhớ với nhà thơ Lê Văn Vọng hồi Tết Kỷ Sửu 2009, một số quân nhân cùng công tác với vợ nhà thơ ở Phòng Hậu phương quân đội, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị đến chúc Tết gia đình. Cuộc hội ngộ đầu xuân đã trở thành buổi đàm đạo về bài thơ “Chiếc áo màu xanh”. Mỗi đồng chí đã thay nhau đọc từng đoạn thơ trong bài thơ, và họ thú thật đã thích bài thơ từ hồi còn là anh lính trẻ. Chỉ có thơ hay người ta mới nhớ lâu được như thế! Nhưng giải thích sức hấp dẫn đặc biệt của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đối với nhiều thế hệ chiến sĩ thì quả không dễ, ngay cả đối với nhà thơ Lê Văn Vọng.

     Bản thân vẻ đẹp đơn sơ và cuộc đời chiến đấu gian khổ của người chiến sĩ đã hấp dẫn người đọc mà ý tứ bài thơ gợi nên. Nhưng nếu không khéo tìm ra cách diễn đạt thích hợp, có thể bài thơ sẽ thiếu tính thuyết phục. Sự tinh tế của bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là nhà thơ đã mượn hình ảnh chiếc áo quân phục bình dị để làm biểu tượng cho cuộc đời chiến đấu và tâm hồn người lính. Cao tay hơn, nhà thơ Lê Văn Vọng không dùng “điểm nhìn” của một người chiến sĩ tự khen về áo xanh của mình và đồng đội; thay vào đó là tâm sự của một cô gái không quen biết. Chính giọng điệu trữ tình tự sự của bài thơ khiến nhiều người nghĩ bài thơ “Chiếc áo màu xanh” là thơ tình yêu. Thực ra bài thơ chỉ đề cập đến một thứ tình cảm quý mến nhau, chưa tới ngưỡng của tình yêu. Đây cũng là điểm khác lạ của bài thơ khi nhà thơ đã làm hữu hình hóa tình cảm thầm kín vô hình theo kiểu “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” của cô gái với người chiến sĩ.

     Trước khi tiễn chúng tôi ra về, nhà thơ Lê Văn Vọng còn gửi gắm một tâm sự: Đề tài người chiến sĩ không bao giờ nhàm chán, vấn đề nằm ở cách thể hiện mà thôi! Gần 40 năm trước, bài thơ “Chiếc áo màu xanh” đã ra đời làm lay động bao trái tim người đọc, để họ phải thốt lên: Yêu biết bao màu xanh áo lính! Để có thể chinh phục người đọc hôm nay về một đề tài người lính quen thuộc quả là khó, nhưng tìm cách diễn đạt mới mẻ có lẽ là “con đường sáng” mà nhà thơ Lê Văn Vọng gợi ý từ bài thơ “Chiếc áo màu xanh”.
HÀM ĐAN

Chiếc áo màu xanh


Nghe nhiều rồi bây giờ mới thấy đây
chiếc áo anh mang màu xanh của lá
khi mặc vào trông anh hiền quá
sớm lại chiều em cứ muốn nhìn thôi.

Hôm anh phơi chiếc áo tầng hai
thấy trời sắp mưa mà em sốt ruột
em muốn sang nhưng cầu chưa bắc
muốn cất áo cho anh lại sợ người ngoài.

Dãy nhà bên kia, dãy nhà bên này
chỉ cách nhau một con đường nhỏ
nhà em rộng sao anh không ở
để bây giờ em cất áo cho anh

Đôi chân anh đã đi bao miền
mà đế dép vẹt mòn đá sỏi.
ai thương anh, áo may đẹp vậy,
cây nghĩ gì, mà màu áo nhường cho?

Ở những nơi các anh đi qua
màu áo ấy đã thành kỷ niệm
các cô gái mỗi khi nhắc đến
lại gục vào vai nhau để giấu nụ cười.

Thành phố hôm nay say trong biển người
cái thế giới của âm thanh, màu sắc
màu áo đó giữa muôn ngàn ánh mắt
đứng chỗ nào cũng dễ nhận ra.

Mong áo màu xanh đã bao năm rồi
cái áo màu xanh thân thương giản dị
em cứ để nó hoài trong ý nghĩ
cả nụ cười làm đỏ vành tai.

Và bao điều em chẳng nói cho ai
cả chuyện trời mưa định sang cất áo
mà hôm nay đến trường con bạn em nó bảo
trong mắt mày có chiếc áo màu xanh.
LÊ VĂN VỌNG

THỜI ĐÀM (XXXV): ĐẰNG SAU MỘT KỶ LỤC

Một vạn cuốn thơ được bán hết veo trong vòng 50 ngày! Đó là thông tin các báo đưa đậm về kỷ lục mà tập thơ “Đi qua thương nhớ” (NXB Văn học và Công ty Văn hóa & Truyền thông Phương Đông) của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt (sinh năm 1980) đạt được. Con số trên quả thật rất ấn tượng trong tình cảnh in thơ “bốn triệu” (biếu trọn) chứ không thể bán.
     Nguyễn Phong Việt làm thơ từ khi còn là học sinh, in nhiều trên các báo và nhanh chóng có tiếng trong số các nhà thơ trẻ. Đến khi truyền thông xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam, thơ Nguyễn Phong Việt càng trở nên nổi tiếng với 1,5 vạn người yêu thích trang thơ của anh trên Facebook. Viết được bài thơ mới nào, Nguyễn Phong Việt đều đăng trên mạng để chia sẻ với người đọc-những cư dân mạng. Với chức năng “share” (chia sẻ) trên các mạng xã hội, dần dần số người đọc thơ Nguyễn Phong Việt trở nên đông đảo. Thơ Nguyễn Phong Việt ban đầu ngấm chầm chậm vào tâm trí người đọc, rồi từ từ mạnh hơn đến mức thói quen đọc thơ giống như một hình thức thư giãn (game, nhạc, hình ảnh, video...) nhan nhản trên môi trường ảo. Và chính những người đọc thơ Nguyễn Phong Việt muốn anh in tập thơ. Với một lượng bạn đọc hùng hậu sẵn có, không khó hiểu vì sao tập thơ “Đi qua thương nhớ” lại lập nên một kỷ lục ấn tượng.
     Qua hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt, chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Lâu nay, phần lớn những người làm nghệ thuật ở nước ta chưa để ý lắm đến việc quảng bá tác phẩm của mình. Sáng tạo xong một tác phẩm là họ phó mặc cho các cá nhân, đơn vị tiêu thụ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Cùng lắm là các nghệ sĩ chỉ xuất hiện ở buổi ra mắt tác phẩm chứ rất ít người lập các dự án quảng bá tác phẩm của mình, đặc biệt là trên Internet.
     Tất nhiên, dù có quảng bá rầm rộ nhưng nếu tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng không khéo dẫn đến tình trạng phản tuyên truyền. Như trường hợp thơ Nguyễn Phong Việt, có thể nhận xét thơ của anh không phải thơ của mấy anh chàng hứng chí gieo vần ngô nghê mà ít nhiều cũng có kỹ thuật làm thơ. Mặt khác, thơ Nguyễn Phong Việt nhận được sự đồng cảm lớn bởi hướng đến đối tượng trẻ với những vui buồn của lứa tuổi bắt đầu đối diện cuộc đời:
“Là những khi mệt mỏi mà không dám cúi xuống vì sợ đánh rơi một giọt nước mắt
Là những khi cô đơn mà không dám nói ra một lời vì sợ trái tim mình tan nát
Là những khi bình yên mà không biết làm cách nào giữ trên môi một tiếng cười thanh thoát
Là những khi ngơ ngác không biết mình là ai…
Chúng ta đến trong cuộc đời và điều đầu tiên xin từ chối là những đắng cay
Bản năng đâu dạy con người biết yêu thương những điều mất mát
Nên đi qua một bình minh thì cảm ơn bình minh vừa tắt
Đi qua một ngày mưa thì cảm ơn một ngày mưa nhiều mưa xám
Sống như mong muốn sống thật lòng!”
(Bài thơ “Là những khi”)

     Đề tài lặp đi lặp lại trong thơ Nguyễn Phong Việt là tình yêu tuổi trẻ không thành. Với người trẻ không có gì đáng nhớ hơn những cuộc tình đẹp, đầy mơ mộng nhưng không bao giờ thành hiện thực. Người ta hay nói mối tình đầu bao giờ cũng là tình cuối là như vậy! Nguyễn Phong Việt đã đề cập đến rung động đầu đời, những cảm xúc khá tinh tế trong tình yêu của tuổi trẻ hiện đại. Đồng thời, thơ của anh rất dễ đọc với xu hướng văn xuôi hóa tãi câu thơ dài ra, để mọi dồn nén tình cảm được bung vỡ:
“Ngày chúng ta gặp nhau thuộc về những ngày xưa
Có một cái tựa vai nhau rất khẽ
Có giọt nước mắt của người này níu tiếng cười người kia để không còn rơi nữa
Có những tin nhắn bắt đầu bằng một từ - Nhớ…
Có lời hứa nhìn thấy nhau mỗi ngày…”
(Bài thơ “Nhưng tại sao không thể tha thứ cho một người?”)

     Có thể khái quát công thức thành công của thơ Nguyễn Phong Việt là: Thơ dễ đọc dễ hiểu, phản ánh những vấn đề tâm tư tình cảm chung nhất của giới trẻ và đăng tải, quảng bá thơ trên mạng. Thành công về số lượng, nhưng thơ Nguyễn Phong Việt "chất sến" vẫn quá đậm đặc và không có những tìm tòi trong cách thể hiện để thực sự khác với những bài thơ tình học trò thời trước (như thơ Hoàng Nhuận Cầm) và cùng thời với anh. “Thơ ô mai học trò” kiểu như Nguyễn Phong Việt thường chỉ tồn tại được một thời gian vì khi người trẻ trưởng thành sẽ có những mối bận tâm khác không còn giống như thủa ban đầu.

     Kỷ lục của “Đi qua thương nhớ” thực sự đáng hoan nghênh trong bối cảnh sách văn chương hiện tại, nhưng cần bình tĩnh đánh giá chất lượng nghệ thuật theo những tiêu chí mỹ học văn học để tránh tình trạng tung hô những hiện tượng sáng tác chỉ mang tính thời sự và thành công nhờ những tác động phi văn chương.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

"NGƯỜI ĐƯA THƯ" CỦA TRƯỜNG SA

    
Nghề nghiệp của Đoàn Bắc (sinh năm 1975) là một kiến trúc sư (KTS), nhưng anh được biết nhiều hơn với danh xưng là nhà sưu tầm ảnh xưa. Thời gian qua anh đã thực hiện một dự án ảnh đương đại tại địa danh làm thổn thức bao trái tim người Việt, mang cái tên nhiều ý nghĩa: “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế”.

                        Lưu giữ 7000 khoảnh khắc quá khứ

   Dù trò chuyện với KTS Đoàn Bắc nhiều lần, tôi vẫn chưa hiểu động lực nào khiến anh làm nhiều công việc đúng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Cho tới lần nghe tâm sự của nhà giáo dạy sử Đoàn Thịnh - người cha của Đoàn Bắc, mới tìm ra “đáp án”. Hóa ra từ nhỏ, Đoàn Bắc đã được người cha truyền cho tình yêu  đất nước qua những câu chuyện lịch sử. Để rồi khi trở thành một KTS, Đoàn Bắc vẫn nuôi những dự định vun đắp tình yêu đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay bằng những hình ảnh xưa cũ.

     Anh đến với thú sưu tầm ảnh xưa tình cờ bởi nghề KTS buộc anh phải tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu cũ. Song, mãi đến năm 2008, anh mới có ý thức sưu tập một cách có hệ thống. Ngoài việc tự mình tìm kiếm, Đoàn Bắc cũng nhận được sự giúp đỡ của những người sở hữu ảnh xưa không quen biết. Như chuyện ông Pi-e Xa-đu tặng cho Đoàn Bắc 40 bức ảnh xưa của ông nội là bác sĩ người Pháp Lui-i Xa-đu chụp cảnh Hoàng thành Thăng Long xưa kia.

     Tính đến nay, KTS Đoàn Bắc đã có trong tay gần 7000 bức ảnh xưa, trong đó có 5000 bức ảnh về Hà Nội. Lý do của sự “thiên vị” này đơn giản là Đoàn Bắc yêu Hà Nội-nơi anh sinh ra và lớn lên. Tháng 7-2010, triển lãm ảnh mang tên “Ký ức Hà Nội xưa” của Đoàn Bắc diễn ra tại Hà Nội, trưng bày 1.820 bức ảnh Hà Nội từ thế kỷ XIX đến năm 1954. Toàn bộ các bức ảnh xưa đều được Đoàn Bắc phục chế  tại TP Hồ Chí Minh với các công nghệ in ấn hiện đại nhất. Thế mới biết “nghề chơi cũng lắm công phu”! Triển lãm không chỉ thu hút người có tuổi mà cả nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu lịch sử Hà Nội. Nhận ra sức hút của những bức ảnh xưa, Đoàn Bắc đã tiếp tục tổ chức triển lãm lưu động tại bốn trường học tại Hà Nội. Đến bây giờ, hễ có điều kiện là Đoàn Bắc lại đưa những bức ảnh xưa về Hà Nội ra trưng bày. Anh còn lồng ghép việc trưng bày ảnh với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thu hút thêm người xem. Việc làm tốt đẹp của Đoàn Bắc đã bước đầu được ghi nhận khi được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.

   Lưu giữ 7000 tấm ảnh xưa quý hiếm nhưng Đoàn Bắc không phải là người hoài cổ bởi anh luôn tìm mọi cách chia sẻ cho mọi người. Anh còn muốn dùng bức ảnh xưa để phục vụ cho các mục đích đương đại. Không lâu sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vào tháng 11-2011, Đoàn Bắc đã thực hiện dự án “Khám phá Vịnh Hạ Long - cái nhìn xuyên ba thế kỷ”. Điểm mới mẻ của dự án là các bức ảnh xưa sẽ là căn cứ để Đoàn Bắc và những cộng sự thực hiện lại bằng ảnh toàn cảnh panorama 360 độ, giúp người xem có cảm giác đang đứng tại vị trí người chụp và có thể nhìn các hướng xung quanh. Được ngắm những bức ảnh panorama 360 độ ở Hà thành mà như có cảm giác đang đứng giữa biển trời Hạ Long đầy nắng gió.

   Biết trọng, biết giữ và biết chia sẻ những hình ảnh đất nước trong quá khứ là một cách yêu quê hương, đất nước lặng thầm và có thể là sự nghiệp của một nam nhi, chứ không còn là chuyện chơi thuần túy. Đoàn Bắc thực sự đã giúp cho nhiều người trẻ hiểu thêm về lịch sử thăng trầm của đất nước.

   Để Trường Sa… không xa

   Nhớ lần gặp KTS Đoàn Bắc để tìm hiểu dự án ảnh xưa về Vịnh Hạ Long, anh đã bật mí cho tôi về dự định thực hiện một triển lãm ảnh về Trường Sa. Ít lâu sau, anh mời tôi tham dự một buổi gặp gỡ với các cựu chiến binh từng tham gia xây dựng nhà giàn DK1 và một số nhà báo từng đến Trường Sa. Ở đó, Đoàn Bắc đã giới thiệu dự án “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế” với mục đích quảng bá vẻ đẹp của quần đảo Trường Sa, kết nối tình cảm của người dân Việt Nam với quần đảo Trường Sa và quan trọng hơn là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa thông qua các hoạt động văn hóa. Đếm sơ sơ các hoạt động lên tới hàng chục, tôi cảm thấy ái ngại cho anh phải thực hiện quá nhiều công việc.

   Đoàn Bắc trái lại không ngợp trước núi công việc đó. Anh nhanh chóng cùng ê-kíp là các tay máy ảnh, nhà báo của Báo Quân đội nhân dân, TTXVN đi về các địa phương để thực hiện bộ ảnh hậu phương các quân nhân ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Được gợi ý từ đoạn thơ trong bài “Những người lính đi qua thành phố” (1983) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều/ Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào/ Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã/ Lối con đi - nào lối mòn thuở nhỏ/ Và mẹ là Mẹ lính - dễ dàng đâu!...”; ê-kíp đã ghi lại những hình ảnh chân thực về sinh hoạt thường ngày của người thân các quân nhân đang làm nhiệm vụ nơi biển, đảo xa xôi. Mục đích của Đoàn Bắc là đưa những “lá thư” bằng hình ảnh để làm an lòng những quân nhân đang làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo của Tổ quốc mà không thể làm tròn vai trò người đàn ông trong gia đình.

      Dưới sự bảo trợ của Quân chủng Hải quân, tháng 5-2012, Đoàn Bắc đã thực hiện mong ước được đặt chân đến quần đảo Trường Sa và thực hiện triển lãm ảnh “Những lá thư nhà gửi Trường Sa”. Không như ở đất liền, triển lãm ảnh không hoành tráng mà chỉ treo những tấm pa-nô được in nhiều nhất có thể những bức ảnh lên trên. Với anh, không có gì hạnh phúc hơn khi công việc đơn giản của anh lại là món quà tinh thần rất lớn cho những quân nhân khi tận mắt thấy cha mẹ già vẫn khỏe mạnh, những đứa con thơ vẫn chăm chỉ học hành ở quê nhà.

   Rời Quần đảo Trường Sa, công việc của Đoàn Bắc chưa kết thúc, đúng hơn mới chỉ bắt đầu. Đoàn Bắc tiếp tục làm “người đưa thư” của Trường Sa nhưng ở chiều ngược lại. Trong “Ngày hội sinh viên với biển đảo quê hương” tổ chức tại Hà Nội ngày 21-10-2012, người xem đã rất xúc động trước những bức ảnh được in đè những dòng tâm sự của quân và dân Trường Sa gửi tới đất liền qua triển lãm ảnh “Những lá thư từ Trường Sa”. Đó có thể là bức ảnh ghi lại tâm trạng sung sướng của Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hưng (Phó chỉ huy trưởng cụm chiến đấu 3, đảo Song Tử Tây) được nhìn thấy hậu phương ở Thủ đô và gửi gắm những tâm sự sẽ tiếp tục vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đơn giản hơn là dòng chữ run run, hồn nhiên, chưa trau chuốt của cô bé Hiền (học sinh lớp 5 ở đảo Sinh Tồn): “Cảm ơn các bạn đã gửi cho chúng mình những món quà, những quyển sách… Ở đảo có những bãi biển trải dài và những bãi cát trắng cùng với những hàng cây xanh mát”. Những bức ảnh sau triển lãm đã được anh trao tặng Cục Chính trị (Quân chủng Hải quân), Bảo tàng Hải quân và Báo Hải quân. Đến đây, “người đưa thư” Đoàn Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ từ mệnh lệnh của trái tim với Trường Sa thân yêu.

   Nhưng, người tâm trí chẳng chịu nhàn như Đoàn Bắc sẽ tiếp tục hành động khi va vào những vấn đề mới. Anh nhận ra người dân ở đất liền, nhất là các em nhỏ đều quan tâm đến Trường Sa nhưng không phải ai cũng có thể trực tiếp đến Trường Sa để tìm hiểu. Nghĩ ra cách thức để nâng cao sự hiểu biết về Trường Sa, giáo dục chủ quyền biển, đảo cho các em nhỏ là hết sức cần thiết! Đoàn Bắc tiếp tục lao vào một công việc mới và lại nhanh chóng có được một sản phẩm đáng chú ý. Ngày 25-1-2013 vừa qua, anh và các cộng sự đã giới thiệu tới các em nhỏ cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” (NXB Kim Đồng). Cuốn sách tuyển chọn hơn 200 bức ảnh và tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài nội dung phong phú, cuốn sách còn được trình bày sinh động, dễ hiểu, hợp với nhận thức của các em nhỏ. Hiệu quả thấy được ngay khi 2000 cuốn sách đã bán hết trong 5 ngày và sắp được tái bản.
      Từ khi cuốn sách ra mắt, tôi vẫn chưa gặp KTS Đoàn Bắc để hỏi thêm những sản phẩm tiếp theo anh dự định thực hiện. Nhưng tôi tin, một con người luôn có sẵn trong mình tình yêu với quê hương, với biển, đảo như anh sẽ tiếp tục sáng tạo những sản phẩm văn hóa để làm cầu nối Trường Sa với đất liền, để Trường Sa… không xa.

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (XXXIV): ĐỀ VĂN NÊN MỞ HƠN


Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào đạo, các trường có tuyển sinh khối nghệ thuật (H, N, S) trong số 10 trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa-nghệ thuật này sẽ không tổ chức thi môn Ngữ văn như trước đây mà xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.
     Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây ra chia rẽ dư luận thành hai luồng ý kiến. Bên phản đối cho rằng, văn chương là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có cảm thụ được tính thẩm mỹ của một vở kịch, một điệu múa, hay một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể sáng tạo nghệ thuật vốn đòi hỏi sự sáng tạo rất cao. Ngược lại, bên đồng ý với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi tốt nghiệp phổ thông đã thi môn Văn rồi thì cũng không nhất thiết phải thi thêm một lần nữa ở đầu vào của đại học. Cái quan trọng ở các trường có tuyển sinh năng khiếu là tìm ra người có năng khiếu chứ không phải tìm ra người biết cảm thụ văn hay biết sáng tác văn học như các khoa dạy viết văn.
     Thoạt xem bên nào cũng có cái lý của mình. Theo thiển ý của tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thi môn Văn ở các trường có tuyển sinh năng khiếu khối nghệ thuật là điều đáng tiếc, cùng với đó là đáng trách việc dạy và học Văn gần đây chất lượng giảm sút.
     Quả thật, học Văn giỏi ở phổ thông chỉ cần trí nhớ tốt thuộc thơ và nhớ cốt truyện.  Về phương pháp làm bài thi không có gì phức tạp, tất cả đều phải viết bài theo phương pháp suy luận diễn dịch. Ví dụ, đề bài về chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học nào đó thường có 5 ý, sau khi tóm tắt 5 ý trong phần mở bài, phần thân bài sẽ có 5 đoạn tương ứng với 5 ý đã nêu và cuối cùng là kết luận. Lưu ý một chút là câu mở đầu của mỗi đoạn sẽ là đại ý cho cả đoạn văn, phần sau thì muốn viết gì thì viết.  Cách làm văn “mẫu mực” đó giúp bao người thi đỗ đại học đã được truyền tụng ở vùng đất tỉnh lẻ hiếu học nơi tôi học phổ thông. Lý do đơn giản, chẳng có mấy ai chấm thi lại có thể đọc kỹ từng chữ một, mà đều “đọc chéo”, đều cố mò ra trong bài làm văn của thí sinh có ý gì trùng với đáp án để cho điểm. Cách làm bài theo “mẹo” diễn dịch này đưa các “ý ăn điểm” ngay các câu mở đầu khiến người chấm thi dễ dàng phát hiện bài thi “văn hay chữ tốt” của thí sinh sáng láng. Cũng vì thế mà một người chữ xấu vô cùng như tôi phải cố sống cố chết nắn nót chữ thật đẹp mỗi câu mở đầu, các câu sau thì cứ thế “viết láu” kinh hoàng như... chữ Ả Rập. Với những học sinh có năng khiếu văn học thật, họ thấy khó chịu với kiểu làm bài thi văn theo công thức đó, nhưng tự hiểu không đỗ đại học thì "đời mờ" nên không thích cũng phải làm. Với kiểu học văn như vẹt học nói, thật khó cho những người có năng khiếu nghệ thuật có thể nâng cao khả năng cảm thụ ngôn từ, nghệ thuật thông qua việc học văn trong thời phổ thông. Từ đây, mới nảy sinh sự cảnh giác của các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh khối nghệ thuật với thí sinh trúng tuyển có điểm văn cao mà năng khiếu lại chẳng có mấy.
     Vậy, thật ra văn chương có vai trò thế nào với văn học nghệ thuật? Nhìn lại lịch sử nghệ thuật có thể thấy văn học và nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ. Chữ “văn” trong quan niệm của Khổng giáo ảnh hưởng ở các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) hiểu là văn chương để dạy làm người, dạy đạo đức. Rõ ràng, chức năng “tải đạo” để răn dạy con người sống lương thiện là chức năng quan trọng của văn chương nhưng không phải hàng đầu. Cứ nhìn xung quanh sẽ thấy, rất nhiều người sống tử tế, lương thiện nhưng họ không có hiểu biết về văn học, khả năng cảm thụ nghệ thuật ngôn từ và các loại hình nghệ thuật khác rất kém.
     Chức năng hàng đầu của văn chương là tái tạo hiện thực thông qua ngôn từ đã được nghệ thuật hóa. Cho nên, bản chất văn chương chỉ là loại hình nghệ thuật như bao ngành nghệ thuật khác. Song, ngôn từ là chất liệu vận động khác với chất liệu vô tri như gỗ, đá...; nên văn chương được những người thưởng thức chuộng hơn. Đọc và hiểu văn chương đúng sẽ thuận lợi hơn cho sáng tạo nghệ thuật, chẳng hạn một nhạc sĩ đặt lời bài hát sẽ hay hơn, khi họ là văn sĩ, hoặc hiểu biết sâu sắc văn chương. Tuy nhiên, văn học không quyết định đối với sự phát triển của các ngành nghệ thuật khác, thậm chí, có rất nhiều nhà thơ đã vận dụng lối tạo hình siêu thực của mỹ thuật để sáng tạo ra thơ siêu thực. Văn học và nghệ thuật xoắn quyện với nhau, đôi khi khó phân định.
     Thế nên, các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh năng khiếu mà không thi môn Văn là đáng tiếc. Có điều, nên có đề thi riêng, mở hơn để học sinh khối nghệ thuật có cơ hội phô diễn khả năng diễn đạt. Kiến thức văn học, "chất bổ" từ văn học sẽ theo người làm nghệ thuật suốt đời. Cắt bớt đi một nguồn cảm hứng sáng tạo như thế, liệu chất lượng sinh viên nghệ thuật ra trường sẽ ra sao?
     

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

MÃI MÃI MỘT TÌNH YÊU TIẾNG NGA

Dù là đông hay hè và mặc cho ngã tư đường Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh có đông nghịt người giờ tan tầm, những người yêu tiếng nước Nga vẫn hẹn nhau mỗi chiều thứ 4 hàng tuần tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, để cùng hát vang những bài ca Nga đi cùng năm tháng.

Tiền thân của câu lạc bộ hát tiếng Nga chỉ là một nhóm những người hát karaoke tiếng Nga tự phát. Thấy cảnh nhiều người hát không khớp nhạc và phát âm chưa đúng nên nhà giáo, nhạc sĩ Phan Văn Bích đã có ý định thành lập một câu lạc bộ dành cho những người muốn hát tiếng Nga. Có thể nói, ngoài nhạc sĩ Phan Văn Bích thì khó ai có thể đảm trách tốt việc dạy hát tiếng Nga bởi lẽ ông vừa tốt nghiệp cử nhân văn chương lẫn âm nhạc tại hai trường đại học ở thành phố Rô-xtốp-trên-sông Đông. Nắm vững nhạc lý và tiếng Nga cùng với kinh nghiệm sư phạm, nhạc sĩ Phan Văn Bích đã tận tình chỉ dạy các học viên trong mỗi lời ca tiếng hát. Sau một thời gian, hầu hết các học viên sinh hoạt tại câu lạc bộ đã hát được đúng giai điệu nhiều bài hát Nga quen thuộc.

Những học viên trong câu lạc bộ hát tiếng Nga không chỉ là những người từng nhiều năm học tập và sinh sống tại Liên Xô trước đây mà còn cả những người chưa bao giờ được đặt chân đến xứ sở Bạch Dương. Họ tìm đến câu lạc bộ để hát bằng ngoại ngữ yêu mến qua những trang sách, những bộ phim Nga được hấp thụ từ thời trẻ. Và các học viên cũng không chỉ là những người ở độ tuổi U70 mà còn là những bạn trẻ từng học tiếng Nga ở trường học. Có người vì công việc mưu sinh đã không còn sử dụng tiếng Nga nhưng tình yêu tiếng Nga vẫn còn đó và đến sinh hoạt tại câu lạc bộ như là việc khỏa lấp nỗi nhớ tiếng Nga.

Trong lớp học hát tiếng Nga, có những người bạn của nhạc sĩ Phan Văn Bích là các giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự và Trường Đại học Hà Nội cũng là ca sĩ trong ban nhạc Bạch Dương. Hầu như buổi sinh hoạt nào liên quan đến nước Nga tại Hà Nội, ban nhạc Bạch Dương đều ôm đàn đến hát góp vui. Chính những thành viên nhóm nhạc dù rất bận bịu với công việc vẫn thường xuyên đến với câu lạc bộ để chung tay với nhạc sĩ Phan Văn Bích hướng dẫn các học viên.

Ngoài những bài hát Nga thân thương như: “Đàn sếu”, “Đôi bờ”, “Chiều Mát-xcơ-va”…, câu lạc bộ hát tiếng Nga còn học những bài hát do nhạc sĩ Phan Văn Bích sáng tác mang âm hưởng Nga phổ trên nền thơ của một số nhà thơ nổi tiếng như: “Tôi nhớ” (thơ X. Ê-xê-nhin), “Tỉnh mộng” (thơ A. Pút-xkin), “Hoài niệm” (thơ A. A-khơ-ma-tô-va)… Những bài hát của nhạc sĩ Phan Văn Bích được tất cả các học viên say mê luyện tập với tinh thần tự giác, nhiệt tình. Mặc dù các học viên có thể hát chưa điêu luyện nhưng mỗi khi có sự kiện tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga, những học viên đã thuộc bài hát đều sẵn sàng lên sân khấu để biểu diễn hết mình.

“Kìa ai say sưa theo tiếng Anh hay là theo tiếng Pháp. Còn tôi say yêu tiếng Nga như cuộc đời tha thiết… Tiếng Nga bên ta biết bao thân thương như người bạn yêu dấu… Mãi mãi tiếng Nga cùng ta”. Đó là những lời ca trong bài hát “Tiếng Nga mãi mãi cùng ta” của nhạc sĩ Phan Văn Bích và cũng là tâm niệm của nhiều thành viên câu lạc bộ hát tiếng Nga-những người gìn giữ tình yêu tiếng Nga thông qua âm nhạc.

Bài và ảnh: LINH THIÊN