Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

ĐƯA LỊCH SỬ ĐẾN GẦN VỚI THỰC TẠI

     Nhà văn I-ta-li-a I-ta-lô Ca-vi-nô (Italo Calvino, 1923-1985) được xem là một trong những nhà văn lớn nhất của thế giới nửa cuối thế kỷ XX, đồng thời, ông còn được xem là nhà văn hậu hiện đại tiêu biểu nhất. Cách đây vài chục năm khi các nhà triết học vẫn đang hệ thống hóa lý thuyết chủ nghĩa hậu hiện đại thì nhiều nghệ sĩ trong đó có I. Ca-vi-nô đã có những tác phẩm đi trước, cụ thể hóa các luận điểm lý thuyết.

     Tác phẩm đậm tính hậu hiện đại, được giới “siêu độc giả” ca ngợi nhất của I. Ca-vi-nô là tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” xuất bản năm 1979 (Trần Tiễn Cao Đăng dịch, NXB Văn học và Nhã Nam, 2011). Nhưng tác phẩm này không phải dành cho tất cả mọi người vì sự phức tạp trong cấu trúc tác phẩm. Độc giả rộng rãi yêu mến I. Ca-vi-nô thông qua bộ ba tiểu thuyết mang tên “Tổ tiên của chúng ta” gồm các tác phẩm “Tử tước chẻ đôi” (1952), “Nam tước trên cây” (1957) và “Hiệp sĩ không hiện hữu” (1959) đều do Vũ Ngọc Thăng dịch, được NXB Văn học và Nhã Nam phát hành từ năm 2009 đến năm 2012.

     I. Ca-vi-nô đưa người đọc về thế giới xa xưa của các hiệp sĩ và quý tộc thời Trung Cổ ở Âu châu với những câu chuyện kỳ thú. “Tử tước chẻ đôi” kể về tử tước Mê-đác-đô trúng đạn đại bác, thân thể bị xẻ làm đôi thiện và ác; nhờ tình yêu với cô thôn nữ Pa-mê-la mà hai nửa thân thể lại nhập thành một. “Nam tước trên cây” là câu chuyện về nam tước Cô-xi-mô suốt đời sống trên cây nhưng vẫn tham gia công việc thế sự; cuối cùng thì bay lên trời bằng một khinh khí cầu. “Hiệp sĩ không hiện hữu” là câu chuyện về hiệp sĩ A-gi-lu-phu không hề có hình hài nhưng vẫn tham gia chiến đấu để bảo toàn tước vị hiệp sĩ của mình cho đến khi siêu thoát.

     Nội dung các cuốn tiểu thuyết có thể được tóm tắt ngắn gọn là vì I. Ca-vi-nô đưa ra những cốt truyện mạch lạc, hoàn toàn đọc một mạch từ đầu đến cuối. Nhưng khác với các tiểu thuyết hiệp sĩ trước đó, I. Ca-vi-nô không sa vào các chi tiết sinh hoạt thời kỳ này hoặc không chêm vào các đoạn ngoại đề làm cốt truyện thêm rắc rối. Phương châm của I. Ca-vi-nô là kéo căng cốt truyện, luôn luôn gây dựng sự kịch tính để tạo ra sự giải trí mà I. Ca-vi-nô muốn dành cho chính mình và tặng người đọc.

     Mặt khác, trong mỗi cuốn tiểu thuyết, I. Ca-vi-nô đều đưa ra một luận đề triết học hiểm hóc. “Nam tước trên cây” là câu chuyện về sự nhẹ nhõm mà cuộc đời con người có thể đạt đến. “Tử tước chẻ đôi” là luận đề về sự nhất thể hóa tinh thần con người. Và cuối cùng, “Hiệp sĩ không hiện hữu” là một sự luận giải về vấn đề hiện hữu và hiện diện của con người. Khác với những nhà văn hiện sinh Pháp như: Giăng Pôn Xác (1905-1980), An-be Ca-muy (1913-1960)... viết tiểu thuyết thực chất là để minh họa cho các luận điểm của triết học hiện sinh; I. Ca-vi-no hòa tan các luận đề vào trong câu chuyện đến mức không thể tách rời. Chưa kể, trong “Hiệp sĩ không hiện hữu” còn sử dụng cấu trúc “truyện lồng trong truyện”, thực chất là để suy tư về công việc viết tiểu thuyết. Có thể nói, tài năng tiểu thuyết của I. Ca-vi-no đạt đến độ chín thông qua bộ ba tiểu thuyết, khi kết hợp tài tình giữa khoa học với nghệ thuật.

     Trong tác phẩm nổi tiếng của I. Ca-vi-nô được in sau khi qua đời là “Những bài giảng Mỹ-Sáu điểm ghi nhớ cho thiên niên kỷ tới” (Cao Việt Dũng dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài số 1 và 4-2007). Từ kinh nghiệm sáng tác bản thân, I. Ca-vi-nô đã khái quát những đặc điểm văn chương hậu hiện đại dành cho thiên niên kỷ tới là: “Nhẹ”, “nhanh”, “chuẩn”, “rõ”, “nhiều” và “nhất quán”. Nhờ việc tìm tòi lối viết thâu nạp các đặc tính văn chương thời đại mới mà I. Ca-vi-nô đã diễn giải lịch sử theo cách độc đáo. Các hiệp sĩ và quý tộc hiện lên với những tính cách phi thời gian, với những suy tư phổ quát mang tính người nói chung; tất cả rất trung tính để phù hợp với các luận đề cần giải quyết. Ví dụ như, hiệp sĩ A-gi-lu-phu trong “Hiệp sĩ không hiện hữu” không hề có hình hài mà giống như người vô hình mặc áo giáp nhưng nhờ tính trung thực, thẳng thắn; chàng vẫn hiện diện nổi bật trong đội quân của Hoàng đế Sác-lơ-ma-nhơ. Chàng A-gi-lu-phu là sự đối lập với các hiệp sĩ khác có hình hài bằng xương bằng thịt nhưng chẳng hề hiện diện ngoài những lời nói khoác lác. I. Ca-vi-nô để lại bài học là con người muốn chứng minh sự tồn tại của mình phải thông qua những việc làm có ích cho mọi người. Sự tài tình của I. Ca-vi-nô đã khiến những bài học đạo đức từ câu chuyện lịch sử xa xưa và phi thực lại rất gần với những câu chuyện cuộc sống hiện đại-vì con người hiện đại là con người làm nên chính bản thân mình thông qua hành động cá nhân.

     I. Ca-vi-nô ngay từ khi còn sống đã được xem là một “ảo thuật gia” tự sự khi mỗi một tiểu thuyết của ông đều chứa đựng đủ mọi loại cách kể chuyện: Cổ tích, hiện thực, kỳ ảo, dòng ý thức, giễu nhại...; tất cả đều nhuần nhuyễn, không vênh nhau. Như vậy, tiểu thuyết của I. Ca-vi-nô, đặc biệt là bộ ba “Tổ tiên của chúng ta” đã mở ra nhiều con đường sáng tạo mới cho văn học khi biết kết hợp các yếu tố rời rạc thành một chỉnh thể.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét