Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

THẾ GIỚI HOÀI NIỆM CỦA MARGUERITE DURAS

Nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras (Ma-ga-rít Đuy-rát, 1914-1996) là một trong số những nhà văn có tác phẩm được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất. Sự ưu ái này chắc chắn không phải do tác phẩm của M. Đuy-rát dễ đọc như các tác phẩm ăn khách của “bà hoàng truyện trinh thám” A-gát Crít-xti hay nhà văn chuyên viết truyện diễm tình Quỳnh Dao. Phải chăng sự gần gũi với Việt Nam từ cuộc đời lẫn trong những trang sách đã khởi sự niềm hứng thú cho nhiều dịch giả chuyển ngữ tác phẩm của M. Đuy-rát sống lại trên quê hương thứ hai của bà? Việt Nam hay cụ thể là vùng đất Nam Bộ được xem là khởi nguồn thế giới văn chương đầy hoài niệm kéo dài hơn nửa thế kỷ với gần 50 tác phẩm của M. Đuy-rát. Thậm chí, giới nghiên cứu còn chứng minh sự lai chủng ngôn ngữ giữa tiếng Việt và tiếng Pháp trong văn bản của M. Đuy-rát…

     M. Đuy-rát sinh ngày 4-4-1914 tại Gia Định (TP Hồ Chí Minh ngày nay) khi bố mẹ bà đang làm trong ngành giáo dục Pháp ở Nam Kỳ. Cuộc sống thời thơ ấu của M. Đuy-rát ở Việt Nam không mấy hạnh phúc khi cha bà mất sớm, kinh tế gia đình chỉ trông vào đồng lương của người mẹ là hiệu trưởng một trường tiểu học ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Điều không may là số tiền dành dụm của gia đình lại mua phải một đồn điền hằng năm bị nước biển tràn lên phá hết hoa màu khiến cuộc sống gia đình càng thêm khốn khó. Sự bế tắc trong cuộc sống ở Đông Dương đã được M. Đuy-rát viết lại gần như là tự thuật qua tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương” (Lê Hồng Sâm dịch, NXB Văn học, 1997) in năm 1950. Đây là tác phẩm thứ ba của M. Đuy-rát nhưng là tác phẩm đầu tiên gây tiếng vang trên văn đàn Pháp, báo hiệu một tài năng sẽ còn tiến triển không ngừng. Trong tiểu thuyết “Đập ngăn Thái Bình Dương”, M. Đuy-rát đã tài tình dẫn dắt một cốt truyện đơn điệu trở nên vô cùng hấp dẫn bằng lối viết cổ điển, cùng với sự phân tích tâm lý nhân vật đa chiều.

     Lối viết tiểu thuyết cổ điển với nhân vật có tính cách rõ ràng trở lại ở cuối sự nghiệp của M. Đuy-rát với tiểu thuyết “Người tình” (Đình Kinh Hiệt dịch, NXB Trẻ, 1989) in năm 1984. Cuốn sách trở thành sách bán chạy toàn cầu và nhận giải Goncourt-giải thưởng văn chương cao quý nhất nước Pháp. Qua tiểu thuyết “Người tình”, M. Đuy-ra đã bất tử hóa mối tình ở tuổi 15 mãnh liệt, dị thường của bà với một người Hoa giàu có tên là Huỳnh Thủy Lê. Sự khác biệt về chủng tộc và giai cấp đã ngăn trở mối tình, M. Đuy-rát trở về Pháp sau khi tốt nghiệp tú tài; và từ đây, Đông Dương và tình yêu trở thành nỗi hoài niệm khôn nguôi trong tâm hồn M. Đuy-rát. Bây giờ ở Thị xã Sa Đéc, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê vẫn còn đó, trở thành nới ghé thăm của nhiều du khách để hiểu thêm về một mối tình đã thành huyền thoại.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét