Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

THỜI ĐÀM (XXXV): ĐẰNG SAU MỘT KỶ LỤC

Một vạn cuốn thơ được bán hết veo trong vòng 50 ngày! Đó là thông tin các báo đưa đậm về kỷ lục mà tập thơ “Đi qua thương nhớ” (NXB Văn học và Công ty Văn hóa & Truyền thông Phương Đông) của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Phong Việt (sinh năm 1980) đạt được. Con số trên quả thật rất ấn tượng trong tình cảnh in thơ “bốn triệu” (biếu trọn) chứ không thể bán.
     Nguyễn Phong Việt làm thơ từ khi còn là học sinh, in nhiều trên các báo và nhanh chóng có tiếng trong số các nhà thơ trẻ. Đến khi truyền thông xã hội phát triển mạnh ở Việt Nam, thơ Nguyễn Phong Việt càng trở nên nổi tiếng với 1,5 vạn người yêu thích trang thơ của anh trên Facebook. Viết được bài thơ mới nào, Nguyễn Phong Việt đều đăng trên mạng để chia sẻ với người đọc-những cư dân mạng. Với chức năng “share” (chia sẻ) trên các mạng xã hội, dần dần số người đọc thơ Nguyễn Phong Việt trở nên đông đảo. Thơ Nguyễn Phong Việt ban đầu ngấm chầm chậm vào tâm trí người đọc, rồi từ từ mạnh hơn đến mức thói quen đọc thơ giống như một hình thức thư giãn (game, nhạc, hình ảnh, video...) nhan nhản trên môi trường ảo. Và chính những người đọc thơ Nguyễn Phong Việt muốn anh in tập thơ. Với một lượng bạn đọc hùng hậu sẵn có, không khó hiểu vì sao tập thơ “Đi qua thương nhớ” lại lập nên một kỷ lục ấn tượng.
     Qua hiện tượng thơ Nguyễn Phong Việt, chúng ta cần xem xét một cách nghiêm túc về vấn đề quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật. Lâu nay, phần lớn những người làm nghệ thuật ở nước ta chưa để ý lắm đến việc quảng bá tác phẩm của mình. Sáng tạo xong một tác phẩm là họ phó mặc cho các cá nhân, đơn vị tiêu thụ được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Cùng lắm là các nghệ sĩ chỉ xuất hiện ở buổi ra mắt tác phẩm chứ rất ít người lập các dự án quảng bá tác phẩm của mình, đặc biệt là trên Internet.
     Tất nhiên, dù có quảng bá rầm rộ nhưng nếu tác phẩm nghệ thuật kém chất lượng không khéo dẫn đến tình trạng phản tuyên truyền. Như trường hợp thơ Nguyễn Phong Việt, có thể nhận xét thơ của anh không phải thơ của mấy anh chàng hứng chí gieo vần ngô nghê mà ít nhiều cũng có kỹ thuật làm thơ. Mặt khác, thơ Nguyễn Phong Việt nhận được sự đồng cảm lớn bởi hướng đến đối tượng trẻ với những vui buồn của lứa tuổi bắt đầu đối diện cuộc đời:
“Là những khi mệt mỏi mà không dám cúi xuống vì sợ đánh rơi một giọt nước mắt
Là những khi cô đơn mà không dám nói ra một lời vì sợ trái tim mình tan nát
Là những khi bình yên mà không biết làm cách nào giữ trên môi một tiếng cười thanh thoát
Là những khi ngơ ngác không biết mình là ai…
Chúng ta đến trong cuộc đời và điều đầu tiên xin từ chối là những đắng cay
Bản năng đâu dạy con người biết yêu thương những điều mất mát
Nên đi qua một bình minh thì cảm ơn bình minh vừa tắt
Đi qua một ngày mưa thì cảm ơn một ngày mưa nhiều mưa xám
Sống như mong muốn sống thật lòng!”
(Bài thơ “Là những khi”)

     Đề tài lặp đi lặp lại trong thơ Nguyễn Phong Việt là tình yêu tuổi trẻ không thành. Với người trẻ không có gì đáng nhớ hơn những cuộc tình đẹp, đầy mơ mộng nhưng không bao giờ thành hiện thực. Người ta hay nói mối tình đầu bao giờ cũng là tình cuối là như vậy! Nguyễn Phong Việt đã đề cập đến rung động đầu đời, những cảm xúc khá tinh tế trong tình yêu của tuổi trẻ hiện đại. Đồng thời, thơ của anh rất dễ đọc với xu hướng văn xuôi hóa tãi câu thơ dài ra, để mọi dồn nén tình cảm được bung vỡ:
“Ngày chúng ta gặp nhau thuộc về những ngày xưa
Có một cái tựa vai nhau rất khẽ
Có giọt nước mắt của người này níu tiếng cười người kia để không còn rơi nữa
Có những tin nhắn bắt đầu bằng một từ - Nhớ…
Có lời hứa nhìn thấy nhau mỗi ngày…”
(Bài thơ “Nhưng tại sao không thể tha thứ cho một người?”)

     Có thể khái quát công thức thành công của thơ Nguyễn Phong Việt là: Thơ dễ đọc dễ hiểu, phản ánh những vấn đề tâm tư tình cảm chung nhất của giới trẻ và đăng tải, quảng bá thơ trên mạng. Thành công về số lượng, nhưng thơ Nguyễn Phong Việt "chất sến" vẫn quá đậm đặc và không có những tìm tòi trong cách thể hiện để thực sự khác với những bài thơ tình học trò thời trước (như thơ Hoàng Nhuận Cầm) và cùng thời với anh. “Thơ ô mai học trò” kiểu như Nguyễn Phong Việt thường chỉ tồn tại được một thời gian vì khi người trẻ trưởng thành sẽ có những mối bận tâm khác không còn giống như thủa ban đầu.

     Kỷ lục của “Đi qua thương nhớ” thực sự đáng hoan nghênh trong bối cảnh sách văn chương hiện tại, nhưng cần bình tĩnh đánh giá chất lượng nghệ thuật theo những tiêu chí mỹ học văn học để tránh tình trạng tung hô những hiện tượng sáng tác chỉ mang tính thời sự và thành công nhờ những tác động phi văn chương.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét