Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

"NGƯỜI ĐƯA THƯ" CỦA TRƯỜNG SA

    
Nghề nghiệp của Đoàn Bắc (sinh năm 1975) là một kiến trúc sư (KTS), nhưng anh được biết nhiều hơn với danh xưng là nhà sưu tầm ảnh xưa. Thời gian qua anh đã thực hiện một dự án ảnh đương đại tại địa danh làm thổn thức bao trái tim người Việt, mang cái tên nhiều ý nghĩa: “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế”.

                        Lưu giữ 7000 khoảnh khắc quá khứ

   Dù trò chuyện với KTS Đoàn Bắc nhiều lần, tôi vẫn chưa hiểu động lực nào khiến anh làm nhiều công việc đúng là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Cho tới lần nghe tâm sự của nhà giáo dạy sử Đoàn Thịnh - người cha của Đoàn Bắc, mới tìm ra “đáp án”. Hóa ra từ nhỏ, Đoàn Bắc đã được người cha truyền cho tình yêu  đất nước qua những câu chuyện lịch sử. Để rồi khi trở thành một KTS, Đoàn Bắc vẫn nuôi những dự định vun đắp tình yêu đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay bằng những hình ảnh xưa cũ.

     Anh đến với thú sưu tầm ảnh xưa tình cờ bởi nghề KTS buộc anh phải tiếp xúc với nhiều nguồn tư liệu cũ. Song, mãi đến năm 2008, anh mới có ý thức sưu tập một cách có hệ thống. Ngoài việc tự mình tìm kiếm, Đoàn Bắc cũng nhận được sự giúp đỡ của những người sở hữu ảnh xưa không quen biết. Như chuyện ông Pi-e Xa-đu tặng cho Đoàn Bắc 40 bức ảnh xưa của ông nội là bác sĩ người Pháp Lui-i Xa-đu chụp cảnh Hoàng thành Thăng Long xưa kia.

     Tính đến nay, KTS Đoàn Bắc đã có trong tay gần 7000 bức ảnh xưa, trong đó có 5000 bức ảnh về Hà Nội. Lý do của sự “thiên vị” này đơn giản là Đoàn Bắc yêu Hà Nội-nơi anh sinh ra và lớn lên. Tháng 7-2010, triển lãm ảnh mang tên “Ký ức Hà Nội xưa” của Đoàn Bắc diễn ra tại Hà Nội, trưng bày 1.820 bức ảnh Hà Nội từ thế kỷ XIX đến năm 1954. Toàn bộ các bức ảnh xưa đều được Đoàn Bắc phục chế  tại TP Hồ Chí Minh với các công nghệ in ấn hiện đại nhất. Thế mới biết “nghề chơi cũng lắm công phu”! Triển lãm không chỉ thu hút người có tuổi mà cả nhiều bạn trẻ muốn tìm hiểu lịch sử Hà Nội. Nhận ra sức hút của những bức ảnh xưa, Đoàn Bắc đã tiếp tục tổ chức triển lãm lưu động tại bốn trường học tại Hà Nội. Đến bây giờ, hễ có điều kiện là Đoàn Bắc lại đưa những bức ảnh xưa về Hà Nội ra trưng bày. Anh còn lồng ghép việc trưng bày ảnh với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để thu hút thêm người xem. Việc làm tốt đẹp của Đoàn Bắc đã bước đầu được ghi nhận khi được đề cử Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012 do Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức.

   Lưu giữ 7000 tấm ảnh xưa quý hiếm nhưng Đoàn Bắc không phải là người hoài cổ bởi anh luôn tìm mọi cách chia sẻ cho mọi người. Anh còn muốn dùng bức ảnh xưa để phục vụ cho các mục đích đương đại. Không lâu sau khi Vịnh Hạ Long được công nhận là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới mới vào tháng 11-2011, Đoàn Bắc đã thực hiện dự án “Khám phá Vịnh Hạ Long - cái nhìn xuyên ba thế kỷ”. Điểm mới mẻ của dự án là các bức ảnh xưa sẽ là căn cứ để Đoàn Bắc và những cộng sự thực hiện lại bằng ảnh toàn cảnh panorama 360 độ, giúp người xem có cảm giác đang đứng tại vị trí người chụp và có thể nhìn các hướng xung quanh. Được ngắm những bức ảnh panorama 360 độ ở Hà thành mà như có cảm giác đang đứng giữa biển trời Hạ Long đầy nắng gió.

   Biết trọng, biết giữ và biết chia sẻ những hình ảnh đất nước trong quá khứ là một cách yêu quê hương, đất nước lặng thầm và có thể là sự nghiệp của một nam nhi, chứ không còn là chuyện chơi thuần túy. Đoàn Bắc thực sự đã giúp cho nhiều người trẻ hiểu thêm về lịch sử thăng trầm của đất nước.

   Để Trường Sa… không xa

   Nhớ lần gặp KTS Đoàn Bắc để tìm hiểu dự án ảnh xưa về Vịnh Hạ Long, anh đã bật mí cho tôi về dự định thực hiện một triển lãm ảnh về Trường Sa. Ít lâu sau, anh mời tôi tham dự một buổi gặp gỡ với các cựu chiến binh từng tham gia xây dựng nhà giàn DK1 và một số nhà báo từng đến Trường Sa. Ở đó, Đoàn Bắc đã giới thiệu dự án “Trường Sa - Việt Nam có một nơi thiêng liêng và đẹp như thế” với mục đích quảng bá vẻ đẹp của quần đảo Trường Sa, kết nối tình cảm của người dân Việt Nam với quần đảo Trường Sa và quan trọng hơn là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa thông qua các hoạt động văn hóa. Đếm sơ sơ các hoạt động lên tới hàng chục, tôi cảm thấy ái ngại cho anh phải thực hiện quá nhiều công việc.

   Đoàn Bắc trái lại không ngợp trước núi công việc đó. Anh nhanh chóng cùng ê-kíp là các tay máy ảnh, nhà báo của Báo Quân đội nhân dân, TTXVN đi về các địa phương để thực hiện bộ ảnh hậu phương các quân nhân ở Trường Sa và nhà giàn DK1. Được gợi ý từ đoạn thơ trong bài “Những người lính đi qua thành phố” (1983) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Nếu em là vợ lính, dẫu thời bình/ Hãy xem bài cho con sau mỗi lần tan học/ Con khó bảo đừng một mình ngồi khóc/ Đừng đợi anh xách nước thổi cơm chiều/ Mẹ già ơi thương nhớ dẫu dâng trào/ Mẹ cứ nhắc tên con, đừng lo con vấp ngã/ Lối con đi - nào lối mòn thuở nhỏ/ Và mẹ là Mẹ lính - dễ dàng đâu!...”; ê-kíp đã ghi lại những hình ảnh chân thực về sinh hoạt thường ngày của người thân các quân nhân đang làm nhiệm vụ nơi biển, đảo xa xôi. Mục đích của Đoàn Bắc là đưa những “lá thư” bằng hình ảnh để làm an lòng những quân nhân đang làm nhiệm vụ canh giữ biển, đảo của Tổ quốc mà không thể làm tròn vai trò người đàn ông trong gia đình.

      Dưới sự bảo trợ của Quân chủng Hải quân, tháng 5-2012, Đoàn Bắc đã thực hiện mong ước được đặt chân đến quần đảo Trường Sa và thực hiện triển lãm ảnh “Những lá thư nhà gửi Trường Sa”. Không như ở đất liền, triển lãm ảnh không hoành tráng mà chỉ treo những tấm pa-nô được in nhiều nhất có thể những bức ảnh lên trên. Với anh, không có gì hạnh phúc hơn khi công việc đơn giản của anh lại là món quà tinh thần rất lớn cho những quân nhân khi tận mắt thấy cha mẹ già vẫn khỏe mạnh, những đứa con thơ vẫn chăm chỉ học hành ở quê nhà.

   Rời Quần đảo Trường Sa, công việc của Đoàn Bắc chưa kết thúc, đúng hơn mới chỉ bắt đầu. Đoàn Bắc tiếp tục làm “người đưa thư” của Trường Sa nhưng ở chiều ngược lại. Trong “Ngày hội sinh viên với biển đảo quê hương” tổ chức tại Hà Nội ngày 21-10-2012, người xem đã rất xúc động trước những bức ảnh được in đè những dòng tâm sự của quân và dân Trường Sa gửi tới đất liền qua triển lãm ảnh “Những lá thư từ Trường Sa”. Đó có thể là bức ảnh ghi lại tâm trạng sung sướng của Thiếu tá Nguyễn Cảnh Hưng (Phó chỉ huy trưởng cụm chiến đấu 3, đảo Song Tử Tây) được nhìn thấy hậu phương ở Thủ đô và gửi gắm những tâm sự sẽ tiếp tục vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đơn giản hơn là dòng chữ run run, hồn nhiên, chưa trau chuốt của cô bé Hiền (học sinh lớp 5 ở đảo Sinh Tồn): “Cảm ơn các bạn đã gửi cho chúng mình những món quà, những quyển sách… Ở đảo có những bãi biển trải dài và những bãi cát trắng cùng với những hàng cây xanh mát”. Những bức ảnh sau triển lãm đã được anh trao tặng Cục Chính trị (Quân chủng Hải quân), Bảo tàng Hải quân và Báo Hải quân. Đến đây, “người đưa thư” Đoàn Bắc đã hoàn thành nhiệm vụ từ mệnh lệnh của trái tim với Trường Sa thân yêu.

   Nhưng, người tâm trí chẳng chịu nhàn như Đoàn Bắc sẽ tiếp tục hành động khi va vào những vấn đề mới. Anh nhận ra người dân ở đất liền, nhất là các em nhỏ đều quan tâm đến Trường Sa nhưng không phải ai cũng có thể trực tiếp đến Trường Sa để tìm hiểu. Nghĩ ra cách thức để nâng cao sự hiểu biết về Trường Sa, giáo dục chủ quyền biển, đảo cho các em nhỏ là hết sức cần thiết! Đoàn Bắc tiếp tục lao vào một công việc mới và lại nhanh chóng có được một sản phẩm đáng chú ý. Ngày 25-1-2013 vừa qua, anh và các cộng sự đã giới thiệu tới các em nhỏ cuốn sách ảnh “Tổ quốc nơi đầu sóng” (NXB Kim Đồng). Cuốn sách tuyển chọn hơn 200 bức ảnh và tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài nội dung phong phú, cuốn sách còn được trình bày sinh động, dễ hiểu, hợp với nhận thức của các em nhỏ. Hiệu quả thấy được ngay khi 2000 cuốn sách đã bán hết trong 5 ngày và sắp được tái bản.
      Từ khi cuốn sách ra mắt, tôi vẫn chưa gặp KTS Đoàn Bắc để hỏi thêm những sản phẩm tiếp theo anh dự định thực hiện. Nhưng tôi tin, một con người luôn có sẵn trong mình tình yêu với quê hương, với biển, đảo như anh sẽ tiếp tục sáng tạo những sản phẩm văn hóa để làm cầu nối Trường Sa với đất liền, để Trường Sa… không xa.

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét