Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

THỜI ĐÀM (XXXIV): ĐỀ VĂN NÊN MỞ HƠN


Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào đạo, các trường có tuyển sinh khối nghệ thuật (H, N, S) trong số 10 trường đại học, cao đẳng thuộc khối văn hóa-nghệ thuật này sẽ không tổ chức thi môn Ngữ văn như trước đây mà xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm tổng kết 3 năm học THPT.
     Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây ra chia rẽ dư luận thành hai luồng ý kiến. Bên phản đối cho rằng, văn chương là gốc của mọi loại hình văn hóa, nghệ thuật. Một người không có văn liệu có cảm thụ được tính thẩm mỹ của một vở kịch, một điệu múa, hay một câu hát, cuốn phim? Khi không hiểu được vẻ đẹp của nghệ thuật thì làm sao có thể sáng tạo nghệ thuật vốn đòi hỏi sự sáng tạo rất cao. Ngược lại, bên đồng ý với quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi tốt nghiệp phổ thông đã thi môn Văn rồi thì cũng không nhất thiết phải thi thêm một lần nữa ở đầu vào của đại học. Cái quan trọng ở các trường có tuyển sinh năng khiếu là tìm ra người có năng khiếu chứ không phải tìm ra người biết cảm thụ văn hay biết sáng tác văn học như các khoa dạy viết văn.
     Thoạt xem bên nào cũng có cái lý của mình. Theo thiển ý của tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ thi môn Văn ở các trường có tuyển sinh năng khiếu khối nghệ thuật là điều đáng tiếc, cùng với đó là đáng trách việc dạy và học Văn gần đây chất lượng giảm sút.
     Quả thật, học Văn giỏi ở phổ thông chỉ cần trí nhớ tốt thuộc thơ và nhớ cốt truyện.  Về phương pháp làm bài thi không có gì phức tạp, tất cả đều phải viết bài theo phương pháp suy luận diễn dịch. Ví dụ, đề bài về chủ nghĩa nhân đạo trong tác phẩm văn học nào đó thường có 5 ý, sau khi tóm tắt 5 ý trong phần mở bài, phần thân bài sẽ có 5 đoạn tương ứng với 5 ý đã nêu và cuối cùng là kết luận. Lưu ý một chút là câu mở đầu của mỗi đoạn sẽ là đại ý cho cả đoạn văn, phần sau thì muốn viết gì thì viết.  Cách làm văn “mẫu mực” đó giúp bao người thi đỗ đại học đã được truyền tụng ở vùng đất tỉnh lẻ hiếu học nơi tôi học phổ thông. Lý do đơn giản, chẳng có mấy ai chấm thi lại có thể đọc kỹ từng chữ một, mà đều “đọc chéo”, đều cố mò ra trong bài làm văn của thí sinh có ý gì trùng với đáp án để cho điểm. Cách làm bài theo “mẹo” diễn dịch này đưa các “ý ăn điểm” ngay các câu mở đầu khiến người chấm thi dễ dàng phát hiện bài thi “văn hay chữ tốt” của thí sinh sáng láng. Cũng vì thế mà một người chữ xấu vô cùng như tôi phải cố sống cố chết nắn nót chữ thật đẹp mỗi câu mở đầu, các câu sau thì cứ thế “viết láu” kinh hoàng như... chữ Ả Rập. Với những học sinh có năng khiếu văn học thật, họ thấy khó chịu với kiểu làm bài thi văn theo công thức đó, nhưng tự hiểu không đỗ đại học thì "đời mờ" nên không thích cũng phải làm. Với kiểu học văn như vẹt học nói, thật khó cho những người có năng khiếu nghệ thuật có thể nâng cao khả năng cảm thụ ngôn từ, nghệ thuật thông qua việc học văn trong thời phổ thông. Từ đây, mới nảy sinh sự cảnh giác của các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh khối nghệ thuật với thí sinh trúng tuyển có điểm văn cao mà năng khiếu lại chẳng có mấy.
     Vậy, thật ra văn chương có vai trò thế nào với văn học nghệ thuật? Nhìn lại lịch sử nghệ thuật có thể thấy văn học và nghệ thuật có mối quan hệ chặt chẽ. Chữ “văn” trong quan niệm của Khổng giáo ảnh hưởng ở các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) hiểu là văn chương để dạy làm người, dạy đạo đức. Rõ ràng, chức năng “tải đạo” để răn dạy con người sống lương thiện là chức năng quan trọng của văn chương nhưng không phải hàng đầu. Cứ nhìn xung quanh sẽ thấy, rất nhiều người sống tử tế, lương thiện nhưng họ không có hiểu biết về văn học, khả năng cảm thụ nghệ thuật ngôn từ và các loại hình nghệ thuật khác rất kém.
     Chức năng hàng đầu của văn chương là tái tạo hiện thực thông qua ngôn từ đã được nghệ thuật hóa. Cho nên, bản chất văn chương chỉ là loại hình nghệ thuật như bao ngành nghệ thuật khác. Song, ngôn từ là chất liệu vận động khác với chất liệu vô tri như gỗ, đá...; nên văn chương được những người thưởng thức chuộng hơn. Đọc và hiểu văn chương đúng sẽ thuận lợi hơn cho sáng tạo nghệ thuật, chẳng hạn một nhạc sĩ đặt lời bài hát sẽ hay hơn, khi họ là văn sĩ, hoặc hiểu biết sâu sắc văn chương. Tuy nhiên, văn học không quyết định đối với sự phát triển của các ngành nghệ thuật khác, thậm chí, có rất nhiều nhà thơ đã vận dụng lối tạo hình siêu thực của mỹ thuật để sáng tạo ra thơ siêu thực. Văn học và nghệ thuật xoắn quyện với nhau, đôi khi khó phân định.
     Thế nên, các trường đại học, cao đẳng có tuyển sinh năng khiếu mà không thi môn Văn là đáng tiếc. Có điều, nên có đề thi riêng, mở hơn để học sinh khối nghệ thuật có cơ hội phô diễn khả năng diễn đạt. Kiến thức văn học, "chất bổ" từ văn học sẽ theo người làm nghệ thuật suốt đời. Cắt bớt đi một nguồn cảm hứng sáng tạo như thế, liệu chất lượng sinh viên nghệ thuật ra trường sẽ ra sao?
     

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét