Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

VỀ CHƯƠNG TRÌNH DU LỊCH CỘNG ĐỒNG Ở HUYỆN BÁT XÁT (LÀO CAI): MỘT MŨI TÊN... TRÚNG NHIỀU ĐÍCH


Ảnh: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt (thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung)-một trong năm điểm du lịch cộng đồng của huyện Bát Xát. 

Với dân “phượt”, những địa danh như Y Tý, Sàng Ma Sáo, A Mú Sung, Mường Hum… (huyện Bát Xát, Lào Cai) luôn là niềm mơ ước khi đã lấy xê dịch làm lạc thú ở đời. Giờ đây, tất cả mọi người đều có thể đặt chân đến những miền đất nguyên sơ kể trên để khám phá văn hóa của các tộc người bản địa thông qua hình thức du lịch cộng đồng.


1. Du lịch dựa vào cộng đồng (gọi tắt là Du lịch cộng đồng) đã có mặt ở Việt Nam cuối thập kỷ 1990 với các khu du lịch như Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình)… Tháng 5 vừa qua, địa phương mới nhất phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta là huyện Bát Xát (Lào Cai). Năm điểm du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác thông qua bốn tuyến du lịch thử nghiệm trong ba năm gồm: Thứ nhất, điểm du lịch Lũng Pô (xã A Mú Sung)-nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, gắn với làng văn hóa du lịch H’Mông tại thôn Lũng Pô II. Thứ hai, điểm du lịch cộng đồng thôn Lao Chải (xã Y Tý) nơi cội nguồn của Hà Nhì đen tại Lào Cai. Thứ ba, điểm du lịch cộng đồng tại cụm thôn trung tâm xã Dền Sáng gắn với văn hóa người Dao đỏ. Thứ tư, điểm du lịch xã Mường Hum gắn với chợ văn hóa vùng cao. Cuối cùng là điểm du lịch tại xã Bản Xèo gắn với văn hóa tộc người Giáy.   

          Là địa phương đi sau, Bát Xát đã thu được nhiều kinh nghiệm từ trong lẫn ngoài nước để hình thành một đề án công phu, nổi bật ở việc lập các địa điểm du lịch gắn với từng cộng đồng tộc người thiểu số tạo ra tính địa-văn hóa độc đáo. Khách trong nước ai cũng muốn được một lần đến nơi sông Hồng chảy vào đất Việt-để từ đó hình thành nền văn minh “gốc” của dân tộc. Khách du lịch nước ngoài đều thích “ba cùng” với tộc người địa phương, đặc biệt là tộc người Hà Nhì đen tại xã Y Tý với số dân tập trung cao nhất ở tỉnh Lào Cai. Thêm vào đó, các địa điểm trên quanh năm mát mẻ, về mùa đông ở xã Y Tý thường có tuyết rơi.

Tiềm năng thì sẵn có như vậy, song theo ông Bùi Hữu Lợi (Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Bát Xát) cho hay: Khó khăn lớn nhất của Bát Xát trong việc phát triển cộng đồng ngay trước mắt là cơ sở hạ tầng để phục vụ du lịch còn chưa đầy đủ. Đặc biệt là đường giao thông, từ Thị trấn Bát Xát đến điểm du lịch xa nhất là xã Y Tý phải mất 90 km trên một con đường… xóc nổ đom đóm mắt! Việc làm mới và sửa chữa các con đường nối các điểm du lịch, ngân sách của huyện chỉ có thể gánh vác được một phần, rất cần sự hỗ trợ của Trung ương để giao thông được thông suốt. Một khi vấn đề giao thông được giải quyết, chắc chắn, du lịch cộng đồng ở Bát Xát sẽ thu hút lượng khách rất lớn.

          2. Du lịch cộng đồng khác hẳn các hình thức du lịch khác khi sử dụng cư dân bản địa cung cấp dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường; qua đó, chính cộng đồng được hưởng quyền lợi vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch.

          Dựa vào những chính sách và chương tình cụ thể phát triển du lịch cộng đồng mà các cơ quan chức năng huyện Bát Xát đang triển khai đều dựa vào cộng đồng và đem lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng làm du lịch. Lấy ví dụ ở thôn Lao Chải (xã Y Tý), cơ quan chức năng chỉ làm nhiệm vụ chọn ra vài chục hộ khá giả, nhà có đủ các trang thiết bị, công trình vệ sinh tối thiểu để khách du lịch có thể ăn nghỉ tại nhà người dân. Đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch, đặc biệt là kĩ năng giao tiếp với khách cho các tất cả các hộ dân để làm “vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi”. Sắp tới, huyện Bát Xát sẽ thành lập Đội quản lý liên ngành trong đó kết hợp hai chức năng quan trọng nhất bao gồm: bộ phận chuyên cung cấp thông tin cho khách du lịch và bộ phận chuyên kiển tra các hoạt động du lịch và sẵn sàng can thiệp những hành vi “chặt chém” vô tội vạ. Cũng giống như các địa phương khác, du lịch cộng động sẽ là cơ hội “vàng” để các cộng đồng dân cư Bát Xát có dịp thương mại hóa các đặc sản, đồ thủ công mỹ nghệ như: nghề đan lát của người Hà Nhì đen, nghề kéo bạc và tắm thuốc lá của người Dao đỏ…

Bên cạnh lợi ích làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, du lịch cộng đồng còn góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Chỉ nói ngay du khách trong nước không phải ai cũng biết đến Lễ cấp sắc của người Dao đỏ hay Tết “khô già già” cùng đồng bào Hà Nhì đen… Và còn có gì tuyệt hơn khi du khách được trực tiếp tham gia các hoạt động văn hóa độc đáo nói trên? Không chỉ có các di sản phi vật thể, đến ngay cả di sản vật thể cũng được chính quyền huyện Bát Xát lưu ý giữ gìn. Ví dụ, nhà trình tường truyền thống của Hà Nhì đen lợp bằng cỏ, nhiều nhà dân vốn trước lợp bằng mái tôn nay quay về lợp cỏ như thời các cụ; hoặc lãnh đạo xã Mường Hum-nơi tổ chức chợ văn hóa vùng cao tỏ ý quyết tâm giữ nguyên trạng không gian chợ, họ hiểu rằng chẳng có du khách nào đi hàng trăm cây số đến dự phiên chợ vùng cao mà lại được xây kiên cố như ở dưới xuôi!

Một trong những mục tiêu lớn nhất của du lịch cộng đồng ở bất cứ đâu đó là phải bảo được môi trường thiên nhiên với tất cả sự đa dạng về sinh học. Riêng ở xã Y Tý vẫn còn khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ vài trăm năm tuổi, dưới tán lá cao là “rừng” cây thảo quả được bà con địa phương chăm sóc, sẽ là địa điểm thú vị cho du khách dã ngoại, khám phá vẻ đẹp giàu có của rừng nhiệt đới.

Ông Bùi Xuân Tiến (Trường phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bát Xát) còn cho chúng tôi hay, một trong những mục tiêu khác mà du lịch cộng đồng ở Bát Xát hướng đến đó chính cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường ở các điểm làm du lịch. Bên cạnh việc tuyên truyền để người dân thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn môi trường thông qua việc lồng ghép trong chương trình tập huấn du lịch, hy vọng đến khi triển khai các hoạt động du lịch người dân mới thực sự ý thức được việc cải tạo môi trường sống của để níu chân du khách.

          Với một chiến lược bài bản và với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, hy vọng trong tương lai gần Bát Xát sẽ là điểm sáng của du lịch cộng đồng ở nước ta; hoàn thành các mục tiêu đề ra với phương châm: “Một mũi tên… trúng nhiều đích”.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

VỀ DỰ ÁN "LẦN ĐẦU LÀM PHIM VỚI DISCOVERY": HỌC TÍNH CHUYÊN NGHIỆP

 
Việc 4 bộ phim của Việt Nam vừa được trình chiếu trên kênh Discovery có thể xem là một sự kiện của điện ảnh Việt Nam trong năm 2011 vì lẽ Discovery là kênh truyền hình chuyên về phim tài liệu hàng đầu thế giới với 431 triệu thuê bao ở 170 quốc gia thông qua 33 ngôn ngữ khác nhau. Đằng sau niềm tự hào được giới thiệu cuộc sống và văn hóa Việt Nam đến với bạn bè năm châu, dự án còn giúp các nhà làm phim Việt Nam làm quen với quy trình làm phim tài liệu chuyên nghiệp.

1. Dự án làm phim tài liệu “Lần đầu tiên làm phim với Discovery” (FTFM) của kênh Discovery ra đời năm 1995 tại châu Âu. Đến tháng 9-2000, dự án FTFM lần đầu tiên thực hiện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương với seri về 6 bộ phim của Ô-xtrây-li-a. Sau đó, dự án đến với các quốc gia châu Á khác như In-đô-nê-xi-a, Xin-ga-po, Thái Lan, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a…  

Trong gần hai năm phát động, có 68 hồ sơ đăng ký tham gia tham dự cuộc thi FTFM dành riêng cho Việt Nam. Cuối cùng, ngoại trừ bộ phim “Thành phố đam mê” của đạo diễn Phan Ý Ly không được phát sóng vì không hoàn thành kịp, còn lại 4 bộ phim của Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Mạnh Hà, Đào Thanh Tùng và Phan Duy Linh đều sản xuất đúng tiến độ và lên sóng lần lượt trên kênh truyền hình Discovery.

Discovery đã đưa ra tiêu chí đồng thời cũng là “đề bài” thử thách cho các nhà làm phim tài liệu Việt Nam đó là khám phá những chuyển biến nhanh chóng của quá trình đô thị hoá ở Việt Nam. “Đề bài” này có tính khả thi cao bởi Việt Nam đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa, các ý tưởng cho kịch bản là nhiều vô kể. Tuy nhiên, do đặc thù của Discovery là một kênh truyền hình trả tiền nên đề tài phải thực sự có tính mới mẻ, gây được hứng thú cho người xem; vì vậy để tìm một đề tài đáp ứng cả hai đòi hỏi nói trên là thực chất không hề dễ dàng.

Song, cả bốn bộ phim đều tìm được những đề tài thích hợp nhằm thỏa mãn những yêu cầu khách quan để tiến hành sản xuất. Bộ phim “Jam Busters” (tựa Việt: Những chiến binh chống tắc đường) của đạo diễn Phan Duy Linh phản ánh vấn nạn ùn tắc giao thông ở Hà Nội vào thời kỳ kinh tế phát triển “nóng” khác rất xa một Hà Nội yên tĩnh, thanh bình 20 năm trước. Bộ phim “Mr Long’s travelling cinema” (tựa Việt: Rạp chiếu phim di động của ông Long) của đạo diễn Hoàng Mạnh Cường kể về chiếc máy chiếu phim tự tạo độc đáo và cổ lỗ của ông Long trong bối cảnh người người đến rạp xem phim 3D. Bộ phim “City of a thousand years” (tựa Việt: Thành phố một nghìn năm) của đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà là câu chuyện của những thị dân Hà Nội vừa níu giữ nét văn hóa truyền thống như ca trù, vừa tìm cách truyền bá đặc sắc của văn hóa đương đại như nghệ thuật thị giác. Và cuối cùng là bộ phim “Digging up the death” (tựa Việt: Câu chuyện cải táng) của đạo diễn Đào Thanh Tùng giới thiệu một tập tục cải táng người chết vô cùng kì lạ của Việt Nam đang ngày càng ít phổ biến ở thành phố do quỹ đất hạn chế.

          Ông Vích-ram Chan-na, Phó Chủ tịch phụ trách sản xuất và phát triển của Discovery Networks khu vực châu Á-Thái Bình Dương đánh giá cao 4 bộ phim của Việt Nam: “Mỗi bộ phim tài liệu đều thể hiện được những ý tưởng độc đáo lồng vào những câu chuyện cụ thể về sự chuyển biến ở Việt Nam thời kỳ đô thị hóa dưới nhãn quan của chính người Việt”. Phản ứng của người xem đa phần là lời khen, song nhiều người vẫn còn băn khoăn ở nội dung của một số bộ phim, chẳng hạn trong phim “Những chiến binh chống tắc đường” nhiều khán giả dị ứng với cách dùng các sinh viên tình nguyện để chắn đường trong một phương án chống ùn tắc. Sự khen chê là điều dễ hiểu vì không tác phẩm nào có thể chiều lòng tất cả mọi người, điều quan trọng là 4 bộ phim đã gây được sự chú ý rộng rãi của người xem trên toàn cầu.

2. Phim tài liệu từ trước đến nay luôn là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam do đặc trưng phản ánh khách quan hiện thực của phim tài liệu phù hợp với tinh thần tả thực của nghệ thuật Việt Nam. Phim tài liệu là thể loại phi hư cấu nên dễ “tha hóa” thành những thước phim nhàn nhạt, vô thưởng vô phạt. Một bộ phim tài liệu hay là phải phát hiện một mâu thuẫn hoặc một xung đột đằng sau câu chuyện đời sống bình dị đang tiếp diễn. Ví dụ, bộ phim “Câu chuyện cải táng” về bản chất là giới thiệu một phong tục cải táng quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại vô cùng kì dị với những nước ngoài. Song, bộ phim còn phản ánh những quan niệm của những người khác thế hệ. Chị Mai-người con dâu kể lại mong ước của bố chồng lúc sinh thời muốn được cải táng vì hỏa táng sẽ khiến cụ “nóng trong người”; còn chị Mai lại tâm sự, bản thân chị sau này chỉ muốn hỏa táng để tránh sự đau buồn cho người còn sống và những điều phiền toái khác của lễ cải táng. Đồng thời, bộ phim còn được lồng vào sự vui buồn nghề nghiệp của những công nhân bốc mộ khi lễ cải táng ngày một ít đi. Như vậy, muốn tạo ra sự mâu thuẫn và xung đột, bộ phim cần phải tạo dựng ra nhiều tuyến nhân vật, nhiều cách kể chuyện… xoay quanh câu chuyện về lễ cải táng.

Đó mới chỉ là nội dung, để có thể được phát sóng trên kênh Discovery, về phần hình thức và kĩ thuật cũng phải đạt các tiêu chuẩn mà Discovery đề ra ví dụ như: quay phim chuẩn HD, âm thanh stereo, tách, thậm chí thu đồng bộ. Phỏng vấn một nhân vật 2-3 lần cùng một câu hỏi…

Discovery không áp đặt mà chỉ trao đổi với các nhà làm phim, nhất là trong cách tiếp nhận hiện thực để nhà làm phim thỏa sức sáng tạo. Đơn cử như phim “Những chiến binh chống tắc đường”, đạo diễn Phan Duy Linh đã chọn âm nhạc nhẹ nhàng và hơi nghịch nghịch tạo nên cảm xúc ngạc nhiên và hài hước trong cảnh những người khách du lịch nước ngoài tìm cách sang đường ở phố cổ Hà Nội; qua đó, giúp một đề tài chính luận trở nên gần gũi với người xem hơn.

Với một quy trình chuyên nghiệp như trên, dễ hiểu vì sao các bộ phim phát sóng trên kênh Discovery ít khi bị nhận lời chê trách. Từ kinh nghiệm làm phim với kênh Discovery có thể hy vọng chất lượng phim tài liệu Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ được nâng lên, chiếm lĩnh những đỉnh cao nghệ thuật mới.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

WIMBLEDON 2011: KHỞI ĐẦU CỦA MỘT HUYỀN THOẠI?


  
Danh hiệu vô địch đơn nữ giải quần vợt Wimbledon 2011 đã có chủ, và đó là một cái tên mới: Pê-tra Vi-tô-va. Nói là mới bởi đây là lần đầu tiên tay vợt 21 tuổi người Cộng hòa Séc giành quyền lọt vào chung kết một giải Grand Slam; thứ nữa với vị trí hạt giống số 8 khi bước vào giải đấu, cô được xem là một “ngựa ô” chứ không phải là ứng cử viên vô địch.  

Sau một tiếng rưỡi thi đấu với hạt giống số 4 Ma-ri-a Sa-ra-pô-va, có thể nói, chiến thắng hoàn toàn xứng đáng dành cho Vi-tô-va. Nhìn lại trận đấu, rõ ràng, lối đánh thiên về thể lực, đầy mạnh mẽ của Sa-ra-pô-va đã không phát huy hiệu quả trước một tay vợt có phong cách thi đấu tương tự. Không những thế, bằng những cú dứt điểm chéo sân có độ chính xác cao, Vi-tô-va còn khiến “búp bê Nga” luôn bị đặt vào tình thế phải căng mình chống đỡ. Lối chơi mạnh mẽ với những cú đánh tay trái đầy uy lực cộng với những pha mắc lỗi của Sa-ra-pô-va trong những thời điểm quyết định nhất đã giúp Vi-tô-va dễ dàng giành chiến thắng 6-2 và 6-4.

Với chức vô địch Wimbledon 2011, Vi-tô-va đã bỏ túi số tiền thưởng 1,1 triệu bảng Anh và hứa hẹn sẽ tăng nhiều hạng trên bảng xếp hạng WTA sắp công bố. Nhưng quan trọng hơn, Vi-tô-va đã thực hiện đúng lời khuyên của thần tượng hồi bé là huyền thoại quần vợt người Mỹ gốc Séc Mắc-ti-na Na-ra-ti-lô-va: “Cô có thể trở thành bất kỳ ai nếu cô muốn”.

Pê-tra Vi-tô-va sinh ngày 8-3-1990 tại thị trấn Bilovec (Tiệp Khắc, ngày nay thuộc Cộng hòa Séc) trong một gia đình không có ai theo nghiệp thể thao. Người cha của Pê-tra Kvitova là người đầu tiên đưa cô đến với môn quần vợt. Ki-tô-va bắt đầu chơi quần vợt chuyên nghiệp vào năm 2006, song cái tên của cô bắt đầu được chú ý vào năm 2008 khi cô đánh bại tay vợt số 1 lúc đó là Vê-nớt Uy-li-am tại Cellular South Cup. Tuy nhiên, ở các giải đấu Grand Slam, cô vẫn chỉ đạt được những thành tích khiêm tốn: Roland Garros (lọt vào vòng 4 năm 2008, 2011), Mỹ mở rộng (lọt vào vòng 4 năm 2009), Ốt-xtrây-li-a mở rộng (tứ kết năm 2011). Wimbledon 2011 là lần đầu tiên Vi-tô-va tham dự giải Grand Slam tổ chức tại nước Anh và thật lạ lùng, cô đã giành chức vô địch.

Kì lạ hơn, Vi-tô-va một công dân Séc lại tiếp nối nhiệm vụ chấm dứt những triều đại nhàm chán tại Wimbledon đơn nữ. Năm 1998, đồng hương của Vi-tô-va là Gian-na Nô-vốt-na đăng quang, đặt dấu chấm hết cho chuỗi ngày thống trị của huyền thoại người Đức Xtê-phi Grát. Và vào 2011, Pê-tra Vi-tô-va chơi một trận chung kết thăng hoa trước đàn chị Sa-ra-pô-va đang có phong độ tốt, và rồi trở thành nhà vô địch Wimbledon sau quãng thời gian 2000-2010 chị em nhà Uy-li-am thay nhau thống trị với 9 chức vô địch.

Ngày Vi-tô-va đăng quang chức vô địch Grand Slam đầu tiên hai tay vợt nổi tiếng một thời của Séc là Mắc-ti-na Na-ra-ti-lô-va và Gian-na Nô-vốt-na đều đến dự. Người ta hy vọng, chức vô địch Wimbledon 2011 sẽ là bước khởi đầu để Vi-tô-va nối tiếp thần tượng Na-ra-ti-lô-va bước vào danh sách các huyền thoại quần vợt với vô số danh hiệu lớn chứ không phải là một đối thủ đáng gờm nhưng chỉ có một danh hiệu Grand Slam như Nô-vốt-na.

                                                                             HÀM ĐAN