Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

THỜI ĐÀM (IX): CHẦM CHẬM TỚI MÌNH

Quãng những năm cuối thập niên 1980, văn đàn Việt Nam xuất hiện một lứa nhà văn tuổi nghề trẻ nhưng có những tác phẩm đầu tay xuất sắc. Những tác phẩm “nhung tuyết” đầu đời ấy đến giờ dù đã tái bản nhiều lần mà vẫn còn được bạn đọc ngợi khen. Ấy vậy mà gần đây, không rõ nguyên nhân từ đâu, có một vài nhà văn và cả các nhà phê bình cho rằng thành tựu đổi mới văn chương của thế hệ nhà văn trẻ cách đây hơn hai mươi năm chẳng qua là do “cập thời vũ” (mưa đúng lúc)-ám chỉ sự ăn may.

Đem lời nhận xét ấy làm ví dụ cho mô hình khái quát về động lực chung cho mọi sự sinh thành nghệ thuật của nhà phê bình người Pháp Hippolyte Taine (1828-1893) bao gồm: Chủng tộc, môi trường và thời điểm, xem ra khá thích hợp. Rõ ràng, không khí những ngày đầu Đổi Mới đất nước mà các nhà văn trẻ hồi ấy đã mạnh dạn đổi mới đề tài phản ánh, đồng thời ra sức thể nghiệm các kỹ thuật viết văn tân kì qua đó tạo ra hàng loạt tác phẩm giá trị. Song, bối cảnh văn hóa không phải là nguyên nhân quyết định sự thành công của một thế hệ nhà văn như nhiều người lầm tưởng. Bằng chứng rõ nhất là sự xuất hiện đông đảo của lớp nhà văn 7X, 8X đương đại được sống và viết trong bối cảnh tự do, bản thân những người viết văn này có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với thế giới hơn các tiền bối nhưng lại chưa có những tác phẩm đẳng cấp.

Nếu đi tìm nguyên nhân thất bại của các nhà văn trẻ, hẳn sẽ phải cần cả một cuốn sách để diễn đạt tường minh. Song, chỉ cần nêu ra một nguyên nhân căn bản nhất cũng đã chứng minh được phần nào, đó là ý thức về bản thể công việc viết văn chưa được đổi mới, nếu không muốn nói là thụt lùi. Bản chất của viết văn thực ra là một “trò chơi”. Theo định nghĩa ngắn của Johan Huizinga trong tác phẩm Homo Ludens: “Chơi là một hoạt động tự do, tách ra một cách tương đối khỏi cuộc đời “thường nhật” như là một sự “không nghiêm trọng” song đồng thời lại có khả năng cuốn hút người chơi mãnh liệt và tuyệt đối. Nó là một hoạt động không gắn với một quan tâm vật chất nào và vụ lợi nào”. Không ít nhà văn trẻ ngày nay chỉ chăm chăm biến tác phẩm trở thành best-seller, hay dùng mọi cách thức để PR bản thân để nhanh chóng có “thương hiệu”. Hai biểu hiện dễ nhận biết trên chứng tỏ những nhà văn trẻ đã bị biến văn chương thành công cụ phi nghệ thuật, đó là điều đi ngược lại với bản chất văn chương.

Sự thành công của một thế hệ nhà văn đơn giản chỉ là phép cộng của những tài năng cá nhân. Dẫu trình độ lịch sử văn hóa và truyền thống có thuận lợi đến mấy mà bản thân nhà văn không tích lũy nền tảng văn hóa, đào sâu tư duy tìm kiếm trong bản thể cá nhân thì còn lâu mới có tác phẩm giá trị. Thế hệ nhà văn Đổi Mới thua kém nhà văn trước 1945 về học vấn liên thông thế giới và nếu so với đời sống vật chất cũng kém các nhà văn đương đại. Song, họ viết văn hay là nhờ biết đọc sâu và nghiền ngẫm kĩ những sách vở có trong tay và khát khao sáng tạo mãnh liệt giúp họ vượt qua những khó khăn khách quan và nhất là ý thức viết văn vô tư không cầu lợi ích theo tâm niệm: “Chầm chậm tới mình” (ý thơ Trúc Thông).

Bài học thành công của thế hệ nhà văn Việt những năm 1980 khá tương đồng với cuộc đời của những nhà văn vĩ đại có xuất phát điểm vô cùng khó khăn, chẳng hạn nhà thơ đoạt giải Nobel 1992 Derek Walcott sinh tại vùng lãnh thổ Saint Lucia nhỏ bé đến nỗi phải dùng kính lúp mới nhìn rõ trên bản đồ, dân số trên đảo chỉ bằng 1/2 số dân quận Đống Đa (Hà Nội); hay nhà văn Bồ Đào Nha Jose Saramago (Nobel 1998) phải đi làm thợ sửa xe vào ban ngày để mưu sinh còn ban đêm thì tự học ở thư viện. Dẫn ra hai ví dụ như vậy, để nói rằng, dù nước ta mới chỉ là nước có thu nhập trung bình nhưng động lực hỗ trợ cho nhà văn trẻ rất đầy đủ, chẳng qua họ thiếu khát vọng sáng tạo lớn lao, ít có những suy tư mang tầm tư tưởng để thể hiện trong tác phẩm nên tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện.

Thế nên, đổ lỗi sự thất bại trong viết văn cho hoàn cảnh hay bác bỏ tài năng tự đào tạo của những nhà văn có tài là nhờ ăn may hoàn cảnh chỉ là những ngụy biện lỗi thời đáng chê trách!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG