Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2010

TRƯỚC TRẬN CHUNG KẾT CHAMPIONS LEAGUE 2009 – 2010: THAM VỌNG BÁ QUYỀN

Vào 1 giờ 45 giờ ngày 23/ 5 (giờ VN), Inter Milan và Bayern Munich sẽ bước ra sân vận động huyền thoại Santiago Bernabeu để giành cú ăn ba lịch sử. Inter là ”ông chủ” Serie A suốt 5 mùa bóng gần đây nhưng luôn bị xem là “học việc” tại Champions League. Bayern Munich còn tệ hơn khi thỉnh thoảng họ bị Wolfsburg, Stuttgart qua mặt ở Bundesliga. Nên, giành chức vô địch Champions League là cơ hội ngàn năm để thiết lập chu kì thời gian xưng “bá” cho mỗi đội bóng.

Xét về nhân sự, “trình” của Inter rõ ràng nhỉnh hơn; thêm nữa, tiền vệ cánh trái F. Ribery của Bayern Munich không thể thi đấu vì bị treo giò. Hai cầu thủ khả dĩ đóng thế cho “gã mặt sẹo” là Hamit Altintop và B. Schweinsteiger tuy không “xoàng” nhưng không có kĩ thuật siêu hạng để quấy rối hàng phòng ngự Inter và trả ngược bóng cho hai chuyên gia sút xa M. van Bommel, A. Tymoshchuk dứt điểm. Nên, hướng tấn công chủ yếu của Bayern sẽ dồn hết sang “đôi chân pha lê” của A. Robben bởi Bayern sẽ rất khó tấn công trung lộ khi mà Inter đang sở hữu hàng loạt tiền vệ trung tâm như W. Sneijder, S. Muntari, E. Cambiasso đang có phong độ cao với khả năng giữ bóng luôn đạt gần 60% trong mỗi trận.

Đã qua, cái thời người ta đá bóng hết sức “lãng mạn” mang tính bản năng. Phần lớn công lao trong chiến thắng của một trận bóng là nhờ HLV. Ai đưa ra đấu pháp thích hợp, có khả năng “đọc” trận đấu và điều chỉnh chiến thuật mang tính “liệu cơm gắp mắm” thì khả năng giành chiến thắng rất cao. Người trẻ như J. Guardiola vẫn có thể thắng “ông già gân” Sir Alex Ferguson ở Roma năm ngoái là minh chứng rõ nhất.

L. van Gaal và J. Mourinho – một già, một trẻ có tính cách trái ngược nhưng đều là những HLV xuất sắc nhất ở các giải đấu cúp. J. Mourinho từng là trợ lý cho L. van Gaal ở Barcelona nên học được không ít từ lối chơi tấn công tổng lực của HLV người Hà Lan áp dụng thời Barcelona bị “Hà Lan hóa”. Dấu ấn rõ nhất là ở các trận knockout, Inter luôn chơi tấn công phủ đầu một cách nhanh và đẹp mắt như … “cơn lốc màu da cam” khiến người ta suýt quên Inter là một đội bóng Italia. Tất nhiên, khi lâm vào tình thế phải phòng ngự như lượt về bán kết với Barcelona, “người đặc biệt” sẵn sàng sử dụng “đặc sản” là “đặt xe buýt” trước khung thành đội nhà. Ngược lại, Bayern khi gặp các đội bóng “rắn mặt” thì triển khai một lối chơi thực dụng như cách J. Mourinho từng áp dụng thành công ở Chelsea. Chơi chặt chẽ suốt cả trận đấu và chỉ bung sức ở những thời điểm khi đối phương lơ là hoặc đuối sức thì Bayern sẽ tung đòn kết liễu. Có lẽ, không có sự tình cờ nào mà đúng ra là hai HLV này đã “học lỏm” nhau. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện hai HLV thừa nhận đã tiếp thu có sáng tạo “bài” của đối thủ bởi niềm kiêu hãnh của “cái tôi” to đùng ngăn cản; mặt khác, điều đó sẽ tạo tâm lí không tốt cho cầu thủ trước khi bước vào trận chung kết.

Lần gần đây nhất mà hai đội gặp nhau là ở vòng bảng Champions League mùa giải 2006 – 2007. Lượt đi Inter thua 2 – 0, ở lượt về hai đội hòa 1 – 1. Thành tích đối đầu trên không có mấy giá trị khi mà cả hai đội đều “lột xác” so với dưới thời hai HLV cũ R. Mancini và F. Magath. Theo lẽ thường, hai đội chưa gặp nhau nhiều sẽ thi đấu thăm dò ở hiệp 1 bằng một lối chơi chặt chẽ sẽ khiến trận chung kết diễn ra khá tẻ nhạt. Một kịch bản khác được nhiều chuyên gia đưa ra là hai đội sẽ kéo nhau đi… “đấu súng”. Dự đoán chỉ là dự đoán, bởi đã là một trận chung kết đỉnh cao như Champions League thì mọi chuyện đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu đội bóng nào lâm vào tình thế bất lợi như mất người, cầu thủ quan trọng bị chấn thương phải ra sân hay bị dẫn bàn sớm… sẽ không có chuyện đội bóng ấy thi đấu buông xuôi do ảnh hưởng tâm lí. Qua con đường lọt vào đến trận chung kết, cả Inter và Bayern đã thể hiện một tinh thần thép khi đều vượt qua những đối thủ cực kì nặng kí.

Vì vậy, rút cục, ai lên ngôi cũng đều xứng đáng và cùng với đó là sự bá quyền của lối chơi thực dụng. Những người yêu bóng đá đẹp sẽ rất buồn nhưng đó là điều khó tránh khỏi như một diễn trình lịch sử: có khi thịnh, có khi suy.

LINH THIÊN
(Bút danh mới :)) 

Thứ Năm, 20 tháng 5, 2010

KẾT QUẢ BÓNG ĐÁ CHÂU ÂU MÙA 2009- 2010: KẾT THÚC CÓ HẬU!

Thêm một mùa giải bóng đá châu Âu khép lại, chưa bao giờ người ta chứng kiến các cuộc đua đến ngôi vô địch lại hấp dẫn đến tận phút cuối. Cuối cùng, “cái kết có hậu” lại diễn ra khi đội bóng chơi hay hơn, ổn định hơn suốt cả mùa giải đã lên ngôi xứng đáng.

CHELSEA: ĐẾ CHẾ ANCELOTTI?

Sau hai năm liền vô địch Ngoại hạng, J. Mourinho bị “trảm” vì lí do không vô địch Champions League. Nhiều người đã trách ông chủ R. Abramovich tự phá “đế chế” mà ông cất công dựng lên. Những “kiến trúc sư” tài giỏi khác đến kiến tạo lại “The Blues” đều ít nhiều để lại dấu ấn song chưa thể đem Chelsea trở lại thành công như dưới thời “người đặc biệt”.

C. Ancelotti – người từng hai lần đưa A.C Milan vô địch Champions League được kì vọng đưa Chelsea trở lại thời hoàng kim. Suốt cả mùa giải Chelsea thường ngự ở ngôi vị cao nhất, ở những giai đoạn cuối trong khi M.U tỏ ra hụt hơi thì Chelsea bản lĩnh về đích bằng chiến thắng “8 sao” trước Wigan. “Đặc biệt” hơn, C. Ancelotti còn giúp Chelsea trở thành CLB thứ 7 ở Anh giành cú đúp trong một mùa giải. Tuyệt vời hơn khi D. Drogba giành danh hiệu “vua phá lưới” với 29 bàn thắng. Nhưng, C. Ancelotti thừa biết đội hình Chelsea đang càng “lão hóa” như đội hình AC Milan mà ông từng dẫn dắt. Đội hình lão tướng đó không thể căng mình ra thi đấu 4 giải đấu vào năm sau. Trẻ hóa lực lượng là đòi hỏi tất yếu cho Chelsea ở mùa hè này.

Tuy chưa thể đi xa ở đấu trường Champions League nhưng rõ ràng đó là thành công vượt ngoài mong đợi. Đáng nói hơn, C. Ancelotti đã tạo định hình một lối chơi đẹp hơn, giàu sức tấn công. Đó là lí do vì sao các fan của Chelsea hoàn toàn có thể mơ về một thời đại mới mang tên “đế chế Ancelotti”.

SERIE A: “SÂN TẬP” CHO INTER!

Serie A có lẽ là giải đấu mà sự cạnh tranh ở ngôi vô địch dường như ít hấp dẫn nhất. Inter Milan đã biến giải đấu danh giá nhất của Italia ở thành “sân tập” dành cho việc “luyện quân” trước khi chinh chiến ở Champions League.

Dù cuối mùa, AS Roma bỗng dưng… vùng lên khiến Inter phải chuyên tâm một chút ở “sân sau”. Với đội hình chất lượng và bản lĩnh 4 lần vô địch thì việc qua mặt AS Roma chỉ là… “chuyện nhỏ”. Cũng giống như Chelsea, năm nay Inter lập được “cú đúp”. Nhưng mùa giải tuyệt vời dành cho Inter vẫn chưa chấm dứt bởi có thể họ còn dành được “cú ăn ba” nếu thắng Bayern tại Champions League vào 22/ 5 sắp tới.

Lần vô địch thứ 5 này có thể xem là may mắn cho Inter khi mà AS Roma tự thua ở những vòng đấu cuối. Thêm nữa, những đối thủ truyền kiếp của Inter trở nên yếu đuối ở lượt về. Juventus trẻ trung nhưung lại thi đấu với một tinh thần rệu rã và thân xác mệt mỏi không khác gì một “lão bà”. Trong khi AC Milan, thi đấu vật vờ y như phong độ của niềm cảm hứng Ronaldinho.

AC Milan đã chia tay Leonardo, Juventus cũng sẽ thay HLV mới, AS Roma sẽ tuyển thêm quân. Vậy là, nếu muốn lần thứ 6 lên ngôi ở Serie A rõ ràng Inter cũng cần “cải tổ”.

MỘT “NGÔI SAO” CHO BARCELONA!

Ở Serie A, nếu một đội vô địch 10 lần sẽ thêm được một ngôi sao trên áo đấu. Tiếc là ở La Liga không có thông lệ ấy nếu không Barcelona sẽ có thêm ngôi sao thứ hai bởi đây đã là lần thứ 20 Barcelona đăng quang tại giải đấu cao nhất Tây Ban Nha.

Danh hiệu này phần nào an ủi thầy trò J. Guardiola khi họ không bảo vệ chức vô địch Champions League. Hơn nữa, danh hiệu vô địch lần này có giá hơn khi mà suốt cả màu giải họ bị “đại kình địch” Real Madrid bám đuổi sít sao. Mục tiêu lớn nhất của “dải ngân hà 2” ở mùa giải này là vô địch Champions League trên sân nhà, và họ cũng không quên đấu trường La Liga – nơi Barcelona đang “làm mưa làm gió”.

Nhìn lại mùa giải, Real Madrid vừa không thể hiện là một đội bóng có lối chơi được định hình vừa không áp chế được những đối thủ “có sừng có mỏ” như Valencia hay Sevilla. Trong khi đó, Barcelona băng băng về đích mà không gặp quá nhiều trở ngại. L. Messi có một mùa giải bùng nổ khi dành Chiếc dành vàng với 34 bàn thắng. Các cầu thủ còn lại chỉ thi đấu tròn vai, cũng may cho J. Guardiola khi các cầu thủ trẻ như Pedro, S. Busquets đang ngày càng tiến bộ.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

SEX - ĐỀ TÀI "HIỂM ĐỊA"

Sau vụ việc tiểu thuyết Sợi xích của ca sĩ Lê Kiều Như bị thu hồi thì phần đông dư luận cho rằng: Sách ba xu sẽ không còn dịp trình làng vì các cơ quan quản lí đã cảnh giác với sách khiêu dâm giả danh tác phẩm văn học. Nhưng còn lâu mới có “cái kết có hậu” cho giới xuất bản bởi có ba nguy cơ. Thứ nhất là trào lưu “tự quảng cáo” của văn hóa đại chúng sẽ còn tăng lên; mà đề tài sex chẳng khác một thỏi nam châm hút dư luận. Theo sau là năng lực nhân sự và lương tâm của các nhà xuất bản. Nếu hai nguy cơ đầu đã rõ như ban ngày, được báo chí thỉnh thoảng làm “chiến dịch” phê phán thì nguy cơ cuối khó giải quyết nhất chính là ranh giới mong manh giữa tính nghệ thuật và sự khiêu dâm của sex trong văn chương (và các ngành nghệ thuật khác cũng không phải là ngoại lệ).

Truyền thống văn hóa ở nước ta xem sex là điều nếu không cấm kị thì cũng không nên phát ngôn công khai. Vì thế, các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung lấy sex làm đề tài luôn bị xem là “phi chính thống”. Đó là câu chuyện trước Đổi mới, ngày nay, mọi việc đã thông thoáng hơn. Đa số giới nghiên cứu lẫn sáng tác đều xem đề tài không còn quá quan trọng. Mọi đề tài đều bình đẳng với nhau. Chuyện viết cái gì không quan trọng nữa thì sẽ dẫn đến yêu cầu viết như thế nào. Chính việc viết thế nào sẽ chứng tỏ tài năng của nhà văn. Một tác phẩm văn học có giá trị nhất thiết phải đa nghĩa nằm trong một “cấu trúc mở” được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Người đọc (1995) của nhà văn Đức B. Schlink tràn ngập chuyện sex giữa “cậu ấm” Michael (15 tuổi) với Hanna (36 tuổi) - từng gia nhập Đức quốc xã và vì mù chữ đã phạm tội ác chiến tranh. Tác giả tả tỉ mỉ “màn” sex của “đôi đũa lệch” khá nhiều nhưng bất kì ai đọc đều cảm thấy hay mà không hề có chút khiêu dâm. Vì đơn giản, đằng sau câu chuyện sex là cái nhìn về chiến tranh, sự hòa giải thông qua hai thế hệ hoàn toàn khác nhau về giai cấp và học vấn… Chiều sâu nhân bản và triết lí đã giúp Người đọc không những bán được 7 triệu bản, được dựng thành phim mà còn nằm trong chương trình giáo dục phổ thông ở Đức.

Một tác phẩm viết về sex nếu chỉ đơn thuần mô tả chuyện sex mà không còn có một ý nghĩa nào khác thì tác phẩm đó coi như… bỏ đi. Ở ta, rất ít người viết lấy sex làm đề tài sáng tác suốt đời. Họa hoằn lắm mới có một vài đoạn viết thành công. Do không có truyền thống; thêm nữa, bản thân viết về sex rất khó, chẳng khác gì một “hiểm địa”. Không có phông văn hóa và hiểu biết về sex rất dễ sa vào kiểu mô tả thuần túy theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Việc các nhà văn trẻ đua nhau viết về sex không cần phải làm ầm lên. Khi người ta trẻ thì việc thích cái mới và những điều thử thách là chuyện đương nhiên. Ngoài một số nhà văn và một vài “sao” giải trí cố tình dùng sex để “đánh bóng thương hiệu” thì hầu hết người viết về sex không có dụng ý xấu. Song, có lẽ các nhà văn hễ “động bút” đến sex nên cân nhắc kĩ vì không khéo vừa làm hỏng văn nghiệp của mình lẫn hại những “người đọc tích cực”.

Hàm Đan

Thứ Năm, 13 tháng 5, 2010

"NHÁI"

Nếu ai hay xem truyền hình cáp thì sẽ biết thừa một thực tế là các chương trình truyền hình nước ta hầu hết đều được mua bản quyền từ các chương trình nước ngoài như: Chuyện phiếm (Đài PT & TH Hà Nội) mua của Hàn Quốc, Tòa tuyên án (VTV6) mua của Nga, Camera công sở (VTV3) mua của Pháp… cho đến một số phim truyền hình Cô gái xấu xí, Những người độc thân vui vẻ, Ngôi nhà hạnh phúc… cũng được mua bản quyền để “Việt hóa”. Tiếng lóng gọi các sản phẩm truyền hình mua bản quyền nước ngoài này là “nhái”. “Nhái” cũng có nhiều cấp độ, có cấp độ “nhập khẩu 100%”, có cấp độ cho “sửa chữa” để với tâm lí người Việt Nam.

Chuyện mua bản quyền chương trình truyền hình ăn khách ở nước ngoài không có gì đáng phê phán. Ngay cả ở một nước có công nghệ truyền hình hàng đầu thế giới như nước Mỹ vẫn mua bản quyền phim sitcom Cô gái xấu xí của Colombia giống như ở ta. Điều đáng nói là, khả năng “Việt hóa” các chương trình còn thấp, nhất là phim truyền hình khiến “nhà đài” phải ngừng sản xuất. Đã thế, tỉ lệ các chương trình truyền hình “Made in Vietnam” trình chiếu thật khiếm tốn; chương trình hay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người đặt câu hỏi: Số lượng người được đào tạo từ các trường báo chí, ngữ văn, sân khấu – điện ảnh và các ngành xã hội – nhân văn khác rất nhiều nhưng tại sao lại hiếm các kịch bản chương trình hay? Câu trả lời nằm ngay chất lượng giáo dục đại học mà báo chí đã tốn nhiều giấy mực. Mớ lí thuyết trong trường không làm sao để các cử nhân sáng tạo ra chương trình truyền hình vừa sát với thực tế cuộc sống để thu hút nhiều người xem.

Vài vị “của hiếm” (xin giấu tên) chuyên viết kịch bản truyền hình kêu: Đành rằng, chương trình truyền hình “nhái” chiếm đa số là do số người đủ “trình” sáng tạo ra một chương trình truyền hình không nhiều. Nhưng phía các kênh truyền hình có thói quen “nhái” của nước ngoài vừa nhanh, tiết kiệm chi phí sản xuất mà nguy cơ chương trình ế người xem là thấp so thuê đội ngũ “của nhà trồng được” để thực hiện chương trình. Đã thế, không hiểu từ đâu lại nảy ra tâm lí chỉ có… “bọn dốt” mới đi làm văn hóa, viết lách; cho nên, nhiều người có óc sáng tạo cao từ bỏ công việc viết kịch bản chương trình truyền hình chuyển sang làm truyền thông vì đãi ngộ thấp.

Các chương trình hay, bổ ích đến đâu nhưng nếu tồn tại quá lâu thì cũng khiến người ta chán vì yêu cầu mới lạ để giải trí trên truyền hình là khá cao. Các chương trình như “Đường lên đỉnh Olympia” nếu dừng sản xuất thì đòi hỏi từ lứa tuổi học sinh phổ thông sẽ làm đau đầu “nhà đài”. Sáng tạo ra một kịch bản chương trình truyền hình nghiêm túc cho lứa teen Việt là rất khó. Giải pháp “nhái” hẳn lại được ưu tiên. Nói là nói vậy nhưng nếu nhìn vào những con người còn tha thiết với truyền hình đã dựng lên một chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” thì chắc “nhà đài” sẽ có nhiều phương án A, B, C gì đó. Nên, không cần quá bi quan mà nên lạc quan chờ ngày hàng “nhái” chỉ chiếm thiểu số.

Hàm Đan

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2010

TRƯỚC TRẬN GIAO HỮU VIỆT NAM – EINTRACHT FRANKFURT: SẼ CHƠI HẾT MÌNH!

Trận đấu sẽ khai cuộc vào 19 giờ (12/ 5) tại sân Mỹ Đình nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức.

Trong buổi tập cuối cùng của đội tuyển Việt Nam, HLV Calisto yêu cầu các cầu thủ phối hợp với nhau bằng các đường chuyền ngắn, xệt và nhanh chóng đẩy cao đội hình mỗi khi có bóng. 15 phút họp báo sau buổi tập, ông Calisto nhấn mạnh: Mục tiêu của trận giao hữu với CLB Eintracht Frankfurt là thi đấu hết khả năng để cống hiến cho người xem một trận đấu sôi nổi; đồng thời, giúp các tân binh và các cầu thủ ít được ra sân quen với môi trường ở đội tuyển quốc gia. Đội trưởng Như Thành lạc quan về hiện trạng đội tuyển khi thiếu vắng các cầu thủ trụ cột. Anh cho rằng: “Hai ngày tập trung là đủ cho một trận giao hữu. Tuy thiếu vắng nhiều cầu thủ giỏi nhưng tôi tin nếu thi đấu hết mình thì đội tuyển hoàn toàn đạt đến 80 % đến 90% phong độ tốt nhất vốn có.”

Về phía CLB Eintracht Frankfurt, đội bóng Đức đã đem tới Việt Nam đội hình mạnh nhất. Trong đội hình của họ có một số được gọi lên đội tuyển quốc gia như: I. Amanatidis, N. Liberopoulos (Hy Lạp), R. Clark (Mỹ), Halil Altintop (Thổ Nhĩ Kỳ), Z. Bajramović (Bosnia & Herzegovina) … nhưng các cầu thủ này cũng thường mài đũng quần trên ghế dự bị và một vài nhân tố trẻ từ đội U21 nước Đức nên kinh nghiệm thi đấu chưa nhiều. Mặt khác, đội hình một của Eintracht Frankfurt có tuổi đời khá cao gần xấp xỉ 30 tuổi. Cho nên, dù là câu lạc bộ đến từ Bundesliga nhưng việc thắng Eintracht Frankfurt không phải là nhiệm vụ bất khả thi đối với đội tuyển Việt Nam. Nếu quyết tâm thi đấu và có đấu pháp hợp lí, thì “cửa thắng” của đội tuyển Việt Nam không hề hẹp.

Thêm vào đó, yếu tố thời tiết nắng nóng mùa hè ở Việt Nam cũng là một bất lợi cho đội bóng Đức như ông trưởng đoàn Thomas Kühn cho biết trong buổi họp báo. Ông cũng có nhận xét rằng sân Mỹ Đình ngang bằng với sân Commerzbank-Arena ở Frankfurt. Hậu vệ Patrick Ochs thì “thật thà” khi tiết lộ: Anh không hề biết gì về bóng đá Việt Nam nhưng có biết chút ít về V- League. Khi được hỏi: “Một ngày nào đó anh có sang thi đấu ở V – League không?” P. Ochs trả lời: “Tôi không chắc. Nhưng trời nóng như thế này thì tôi ngại lắm.” Ông trưởng đoàn làm các phóng viên Việt Nam bất ngờ khi ông nói rằng: “Người Đức không gọi đội tuyển quốc gia nước họ là “xe tăng Đức” như người Việt Nam”. Ông pha trò: “Chúng tôi sẽ không đá bóng như cách chiếc xe tăng di chuyển mà sẽ thi đấu mềm mại của lối bóng đá đẹp”. Cũng giống như ông Calisto, ông trưởng đoàn nói rằng: “Kết quả không quan trọng, chỉ mong các cầu thủ chơi hết mình”.

Đáng tiếc trong buổi họp báo, vắng mặt ông HLV trưởng Michael Skibbe nên không rõ đội hình xuất phát cũng như lối chơi của Eintracht Frankfurtvào ngày mai. Buổi tập sau họp báo cũng không thấy các bài phối hợp “độc” của Eintracht Frankfurt mà chỉ thấy chia đội hình và thi đấu “quân xanh”, “quân đỏ” thoải mái. Có lẽ, tinh thần giao hữu là thế chăng?

Hàm Đan

TRĂM NĂM NHÌN LẠI!

1. Phở là niềm vinh dự của người Việt và đất Việt, nhưng nhắc đến phở là người ta đột nhiên gắn nó với Hà Nội. Người Hà Nội được tiếng thế lấy làm tự hào lắm. Tự hào là một chuyện còn có hiểu biết về phở thì dám chắc trừ mấy ông bên ngành xã hội “nhăn răng” (nhân văn) thì cũng chẳng mấy ai biết rõ. Nguồn gốc của phở đang còn nhiều tồn nghi vì nhiều người cho rằng quê hương của phở là ở Nam Định; nhưng có điều chắc chắn những bước thăng trầm của phở đều diễn ra ở Hà Nội. Người ta có thể viết lịch sử Hà Nội thế kỷ XX thông qua các cuộc chiến nhưng cũng có thể viết song hành lịch sử Hà Nội cùng với phở. Phở không chỉ là món ăn, phở là một kí ức.

2. Năm 1909, nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi bắt đầu kinh doanh vận tải đường sông. Với tinh thần dân tộc, ông chỉ tuyển dụng nhân công người Việt. Bến sông Hồng trở nên đông đúc, hệ quả là tạo ra nhu cầu ẩm thực cho người bình dân. Các hàng quán ăn dựng ở bến sông, trong đó có món “xáo trâu”. Hình ảnh gánh “xáo trâu” đầu thế kỷ có thể hình dung được qua gánh đánh đa riêu cua bây giờ. Một bên quang gánh là chiếc thúng ủ kỹ chiếc nồi đất lớn đựng canh xáo trâu giữ nóng bằng ổ bện rơm. Bên kia một chiếc thúng to khác, dưới đựng bún, trên đậy cái mẹt úp chồng bát chiết yêu, đũa, hũ nước mắm, đĩa chanh ớt, gia vị. Nhiều người sẽ thắc mắc: Sao lại là trâu mà không phải là bò từ đầu? Vì hồi đầu thế kỷ, người Việt không khoái ăn thịt bò. Bữa cơm người Việt có cơ cấu gồm: cơm, rau, cá (nhà sang thì thịt lợn) kèm nước mắm hoặc tương. Một thời gian sau, cũng không rõ vì sao người ta lại chuyển sang “xáo bò”? Phải chăng trâu thời đó để kéo cày, đắt đỏ hơn chăng? Thịt bò sẵn hơn, xương bò vốn cho không trước đây, nay lại hữu dụng, ninh lên làm nước dùng.

Thấy món quà người Việt đắt hàng, các chú khách (cách gọi người Hoa) cũng quảy gánh bán “xáo bò”. Từ Ô Quan Chưởng lan khắp Hà Nội. Các chú khách gọi món này là “Ngưu nhục phấn” (bánh thịt trâu) nhưng khi rao lên lai Hán Việt thành ra: “Ngầu nhục phắn a!”. Dần dần nó được dân gian hoá, rút gọn thành: “phắn a”! “phớ ơ”! cuối cùng định ra cái tên “Phở”. Điều này có thể đúng, vì người Việt là chuyên nói tắt như Vũng Tàu được người Pháp gọi Cap Saint Jacques nhưng người Việt gọi tắt là Cấp cho nó tiện. Danh từ “Phở” được chính thức hoá ấn hành lần đầu trong cuốn Việt Nam tự điển (xuất bản năm 1931) do hội Khai trí Tiến Đức soạn có ghi rõ tên phở bắt nguồn từ chữ “phấn” và giải thích đó là món ăn bằng bánh thái nhỏ nấu với thịt bò.

Trên kia là cái thuyết ra đời của phở được nhiều người chấp nhận nhất. Việc tìm chính xác năm ra đời của phở gần như không thể. Chỉ có mấy tư liệu vắn tắt đáng tin cậy:

Nguyễn Công Hoan (sinh năm 1904) người được xem là có trí nhớ tốt nhất trong số các nhà văn đã viết: “1913…trọ số 8 Hàng Hài…thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3xu, 5 xu)”. Phở rong đã khá thịnh hành nên bị chính quyền đánh thuế: “…người bán phở phải mua hai hào tem thuế mỗi ngày. Tính ra mỗi năm là 73 đồng”.

Đặc biệt, Henri Oger chỉ ở Việt Nam có hai năm 1908 - 1909 đã cho vẽ lại hình ảnh phở gánh trong cuốn sách tranh: “Kỹ thuật của người An Nam” (bản tiếng Việt xuất bản năm 2009).

….

Vậy phở ra đời chỉ trong khoảng 1900 đến 1910, tính ra vào dịp kỷ niệm Hà Nội nghìn năm cũng có thể kỷ niệm một trăm năm phở.

3. Nói kỷ niệm phở cho có không khí long trọng, thêm hoạt động cho đất rồng bay nghìn tuổi chứ phở đã quá nổi tiếng, kỷ niệm chỉ tốn tiền thuế. Và nhất là vui vẻ gì khi phở đang khiến người ta “ăn phở khó thấy ngon”.

Lúc sắp qua đời, Nguyễn Tuân có đồng ý với ý kiến của một bạn văn rằng: phở phản ánh trung thực cho bộ mặt xã hội. Nói thế e quá chăng? Hay lại cái bệnh “cường điệu”, “ngoa dụ” từ các ông nhà văn? Thực tế ý nghĩ đó lại hoàn toàn chính xác.

Phở ra đời từ nhu cầu cuộc sống của nhân dân đầu thế kỷ. Thời điểm này, Hà Nội là mảnh đất mà các nền văn minh va chạm với nhau. Sau phở nước, có thêm phở xào. Phở xào được xác định ra đời sau thời kỳ kinh tế khủng khoảng (1929 - 1933). Bánh phở cháy cạnh, thịt bò xào cần tây, hành tây với nước sốt xệt thêm rau xà lách búp, cà rốt xu hào ngâm dấm ăn kèm. Rõ ràng ẩm thực Pháp đã ảnh hưởng mạnh như thế nào. Dấu ấn ẩm thực Tàu cũng hiện diện trong phở. Đầu năm 1928, ở con phố Jean De Puis (nay là phố Hàng Chiếu) có món phở có vị hung lìu, dầu vừng, đậu phụ. Thạch Lam đại diện cho khẩu vị người Việt đầu thế kỷ chê thẳng thừng những “phát minh” với cách “nói mát” là “phở cải lương”.

Những năm sau, chiến tranh liên miên. Cuộc sống thời chiến là cuộc sống đặc biệt, bất bình thường. Phở cũng thích ứng thời chiến trở nên có nhiều điều kì quái. “Phở không người lái” 3 hào lõng bõng nước và bánh phở, 5 hào có thịt nhưng thời chiến đào đâu ra thịt ngon. Đến cả gia vị là chanh ớt, hạt tiêu bói cũng không có. Tất cả đều phân phối, tem phiếu. Không khí ăn càng tệ hại. Tô Hoài hay ăn phở đêm ở chỗ hàng ông Thìn Hàng Dầu, đang ăn mà máy bay rú ầm lên, lại bưng cả bát phở xuống hầm tránh bom. Phở vẫn sống nhưng dưới mác “phở mậu dịch”. Thực phẩm khan hiếm, dân gian nghĩ ra phở cơm nguội, phở quẩy. Người ta ăn phở để no. Từ cái thời ăn dễ dãi đó di họa không ít cho “gu” phở ngày nay.

Phở mang đặc tính linh hoạt mềm dẻo của người Việt. Thời thực dân có lệnh cấm thứ sáu không được bán thịt bò. Trong cái khó ló cái khôn, người ta nghĩ ra phở gà. Bát phở gà với húng láng, gà ta, thêm ít lá chanh… khiến từ sản phẩm “chính thống” phở bò lao đao. Phở gần giống một thứ đạo, đi đâu nó cũng tự biến đổi thành các tùy thể để phù hợp cái “gu” của dân bản xứ. Năm 1954, gần một triệu người miền Bắc di cư miền Nam, phở Bắc chiếm lĩnh dần mặt tiền các khu phố trung tâm Sài gòn đẩy các xe, quán hủ tiếu, mì vằn thắn vào đường hẻm hoặc cứ địa người Hoa trong Chợ lớn. Phở Nam bộ mang một phong cách riêng. Cái phong cách dễ dãi, dễ thích nghi thêm giá sống, rau thơm, thêm sắc ngọt của đường. Tô phở trong Nam đầy nước và cái đến nỗi người Bắc vào chơi ít khi ăn hết một tô.

4. Hà Nội – thánh địa của phở, giờ đây luôn đầy rẫy cửa hàng chuyên về phở. Loạn đến độ không biết thế nào là phở ngon. Hồi trước 1954, giới sành ăn đánh giá một bát phở ngon là: Nước dùng ninh từ xương bò đúng 6 tiếng, thịt bò thứ thiệt không lẫn các thứ thịt “giời ơi” khác. Bánh phở không nát. Thịt bò chín thái mỏng. Thường người ta chỉ dùng hạt tiêu không dùng chanh, ớt, đường để được hưởng vị ngọt của nước dùng xương. Nay, có vẻ như sự ngon của phở gắn với sở thích của từng cái nhân. Có vị chỉ chuyên ăn phở gà, độc hơn chỉ ăn phở… phao câu. Có vị ăn phở cho mấy thìa nước tương cay như ăn bún bò Huế… Đến đây, thiết nghĩ, có thể gắn cho phở hiện nay thêm một ý nghĩa nữa theo một câu cách ngôn nổi tiếng: hãy nói cho tôi biết anh ăn phở gì tôi sẽ nói anh là người thế nào!

Cũng có những người ở thời hiện đại ăn phở như đặc sản. Họ không ăn hàng ngày mà chỉ thỉnh thoảng thưởng thức. Họ quan niệm: phở ngon là phở do mình nấu. Các hàng phở ngày nay chạy theo lợi nhuận. Nước dùng có thể ninh 6 tiếng nhưng không hẳn chỉ mỗi xương bò. Đã thế lại còn pha chế để bán được nhiều thành thử khiến nước dùng chẳng còn vị ngọt nguyên chất nữa. Họ cứu chữa bằng cách cho mì chính. Chẳng thế mà, lắm khi đến hàng phở cứ phải dặn nhà bếp: “Một bát phở không mì chính”. Không trách các nhà hàng được vì họ kinh doanh thì phải lời, với lại phở xuống cấp mà có ai kêu đâu người ta vẫn cứ ăn phở rào rào, thành thử cần gì phải nghiêm túc học tập các “cụ âm lịch”.

Những kẻ ngoan cố cuối cùng có tôn chỉ riêng: Muốn ăn phở ngon hãy tự nấu lấy. Nguyên liệu sẵn và thực ra nấu phở cũng không mất thời gian như người ta hay nghĩ. Về cách nấu phở ngon đã có sách. Nhiệm vụ của bài báo này không phải để dạy cách nấu phở! Mà là thứ “văn chơi” loanh quanh về phở như cách “ăn chơi” phở từ trăm năm nay.

Hàm Đan