Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XI): ĐỐI THOẠI THƯỜNG XUYÊN VỚI DÂN


Vụ việc tiểu thương chợ Bỉm Sơn đòi UBND thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) phải hủy quyết định bàn giao chợ Bỉm Sơn cho Tổng công ty Thương mại và Xây dựng Đông Bắc (TP Thanh Hóa) do chưa bàn bạc với các hộ kinh doanh đã kéo dài nhiều tháng. Sự việc diễn biến theo chiều hướng xấu khi các tiểu thương tụ tập trước trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh đòi chính quyền tỉnh Thanh Hóa phải giải quyết rốt ráo việc này. Trước tình hình đó, mới đây, đồng chí Mai Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chủ trì buổi đối thoại với các tiểu thương chợ Bỉm Sơn nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, sớm đưa chợ Bỉm Sơn trở lại hoạt động.

Tại cuộc đối thoại, đồng chí Mai Văn Ninh đã đi xuống phía người dân ngồi và  lần lượt giải đáp các khúc mắc của người dân. Đồng chí Mai Văn Ninh khẳng định: UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo UBND thị xã Bỉm Sơn quyết định hủy bỏ việc bàn giao chợ cho Tổng Công ty thương mại và xây dựng Đông Bắc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu kiểm điểm Ban Thường vụ Thị ủy, UBND thị xã Bỉm Sơn và một số đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ Bỉm Sơn không đúng với tinh thần của Chính phủ và của UBND tỉnh. Cũng trong cuộc đối thoại, đồng chí Mai Văn Ninh cũng phân tích cái sai của các tiểu thương là tụ tập nhiều ngày gây mất an ninh trật tự. Sau buổi đối thoại trên, các tiểu thương đều hài lòng với giải pháp nhanh chóng, minh bạch của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; bày tỏ sự đồng tình với chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ Bỉm Sơn nếu có sự bàn bạc, thỏa thuận, đi đến thống nhất giữa chính quyền thị xã, chủ đầu tư và các tiểu thương.

Vụ việc chợ Bỉm Sơn là bài học cho việc các quyết định hành chính không hợp lòng dân, đi ngược lại lợi ích nhân dân sẽ phản tác dụng gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn. Điều đáng trách là khi xảy ra tình huống bất đồng của người dân với quyết định hành chính, UBND thị xã Bỉm Sơn đã không có hướng xử lý dứt điểm. Song, cái kết của vụ việc chợ Bỉm Sơn có thể xem là có hậu khi các tiểu thương đồng tình và dư luận hoan nghênh cách giải quyết thấu tình đạt lý của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Một việc đáng lẽ phải xem là bình thường, đã là người lãnh đạo phải gặp gỡ người dân, lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của người dân để đưa ra những hướng giải quyết hợp lòng dân lại trở thành một hiện tượng được xem là đáng quý?
Thiết nghĩ, không chỉ chờ đến khi nảy sinh những vụ việc phức tạp, chính quyền và người lãnh đạo mới tổ chức đối thoại với người dân; mà việc làm này cần phải tiến hành thường xuyên. Nếu nhân rộng những cuộc đối thoại minh bạch như cách làm của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa qua, không chỉ để dịp hứa hẹn nhằm an lòng nhân dân mà đây có thể xem là cơ hội “vàng” để các cấp chính quyền kiểm tra các quyết sách có hợp lòng dân hay không để có phương án xử lý sớm, tránh những mâu thuẫn nảy sinh đến mức phức tạp.

Và xét cho cùng, việc thường xuyên đối thoại với nhân dân chính là một hành động cụ thể, thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Học tập tấm gương Bác Hồ không chỉ là học tập tư tưởng, đạo đức mà còn phải học cả phong cách của Người: Luôn giản dị, gần dân và nguyện làm người đầy tớ trung thành của nhân dân.

          HÀM ĐAN