Thứ Tư, 1 tháng 8, 2012

THỜI ĐÀM (XXV): TRE GIÀ MĂNG MỌC



Khoa nghiên cứu văn học chia làm ba bộ phận là: Lịch sử văn học, phê bình văn học và lý luận văn học. Ở Việt Nam, may mắn là lĩnh vực nào cũng có những thế hệ nối tiếp nhau để nghiên cứu theo chiều sâu, để lại ít nhiều thành tựu. Thế nhưng, thế hệ những người am hiểu văn hóa phương Tây lẫn phương Đông đã ở tuổi xưa nay hiếm, sức làm việc kém đi nhiều. Những tiếng nói có thẩm quyền nhất trong nghiên cứu văn học hiện nay là những người được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa cũng sắp lui vào “hậu trường”. Khoảng trống nhân lực trong khoa nghiên cứu văn học bỗng lộ ra. Những người chỉ quan tâm đến số lượng hẳn sẽ chỉ ra rất nhiều cây bút trẻ đang là nghiên cứu viên, nhà báo, nhà giáo… kiêm “nghề phụ” nghiên cứu văn học. Nhưng câu hỏi là những cây bút trẻ này liệu có thể đưa khoa nghiên cứu văn học ở nước ta phát triển hơn trong tương lai?
Không giống như bên sáng tác có thể có tài năng tuổi 16 như Chế Lan Viên hay Nguyên Hồng, đã làm nghiên cứu văn học là phải biết dằn lòng chờ đợi. Sớm nhất là phê bình văn học cũng phải tầm “tam thập nhi lập” mới có thể hành nghề bằng các bài phê bình báo chí. Riêng với lịch sử văn học và lý luận văn học, để có thành tựu phải ở tầm ngoài tuổi 40! Điều này có nghĩa, phải chờ thời gian mới có thể đánh giá thành quả của một thế hệ nghiên cứu văn học 7X và 8X. Tuy nhiên, nếu xem xét các khởi điểm của thế hệ này, sự lạc quan về số lượng sẽ qua đi, chỉ còn lại nỗi âu lo.
Không lo sao được khi không nhiều người được học hành bài bản các lý thuyết văn học một cách trực tiếp bằng con đường du học, làm nghiên cứu sinh. Đa phần đều tự đọc sách (hầu như là sách dịch mà đôi khi dịch cũng không chính xác!) nên kiến thức không thành hệ thống mà rất lỗ mỗ. Số người biết ngoại ngữ để có thể đọc nguyên bản các tài liệu lý thuyết văn học cũng không phải là nhiều. Đó là chưa kể yếu tố khách quan về vật chất cho nghiên cứu văn học cơ bản kém như bao ngành nghiên cứu khác.
Vừa rồi, tại một cuộc gặp mặt những người nghiên cứu văn học, một cây bút trẻ viết phê bình văn học đã đưa ra nhiều giải pháp để lý luận phê bình trẻ mạnh lên như: Lập một tạp chí chuyên về phê bình trẻ; hỗ trợ về kinh phí trong việc in ấn cũng như trả nhuận bút cho các tác phẩm phê bình; cần có những trại nghiên cứu như trại sáng tác dành riêng cho phê bình trẻ... Những giải pháp nói trên không có gì mới, nhiều giải pháp thực tế không cần thiết như cần lập tạp chí cho phê bình trẻ vì có khi trang web chuyên phê bình sẽ là giải pháp hiệu quả ở thời đại số.
Nhiều người khi đọc lướt qua những giả pháp trên sẽ cho rằng, nhà nước phải ra tay thì nghiên cứu văn học nước nhà mới sớm “cất cánh”. Thật ra, cốt lõi để có một tác phẩm nghiên cứu có chất lượng hay sự xuất hiện của một nhà nghiên cứu văn học tầm cỡ đương nhiên vẫn là ý chí, phương pháp làm việc của bản thân nhà nghiên cứu trẻ. Mọi hỗ trợ dù đầy đủ đến mấy mà nhà nghiên cứu trẻ không chịu khó nghiền ngẫm, tìm ra phương pháp tối ưu thì kết quả vẫn là con số không tròn trĩnh.
Sự hỗ trợ của nhà nước có chăng là tạo điều kiện để công việc nghiên cứu văn học trở nên chuyên nghiệp hơn, nhanh hơn. Ví dụ, nhà nước có thể lập một trung tâm dịch thuật các tác phẩm khoa học xã hội nhân văn kinh điển. Khi các tác phẩm liên quan đến lý thuyết văn học và các ngành bổ trợ cho nghiên cứu văn học được dịch cẩn thận, những người làm phê bình văn học sẽ lẳng lặng áp dụng để giải mã tác phẩm, chứ không còn mất công đọc và tự dịch lý thuyết để làm việc nữa.   
Có thể thế hệ nghiên cứu văn học hôm nay sẽ không làm được nhiều việc như các thế hệ trước, tạo ra một sự “đứt gãy” cho lịch sử nghiên cứu văn học; nhưng tin rằng nếu mỗi người nghiên cứu làm tốt phần việc của mình, chắc chắn vẫn sẽ góp phần nghiên cứu sâu văn học nước nhà. Và chính những điều chưa làm được của thế hệ nghiên cứu văn học hôm nay sẽ là tiền đề cho thế hệ sau bước tiếp và vượt qua để trưởng thành như quy luật “tre già măng mọc”!
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG