Thứ Tư, 9 tháng 2, 2011

VUA LẠI LÀM VUA?

623 tuần, trong đó có 281 tuần liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng các tay golf nam; đó chính là thành tích vĩ đại của tay golf người Mỹ Tiger Woods đã lập được. Kì tích của Woods đã phá sâu kỉ lục của làng golf và hẳn nó sẽ còn nối dài thêm nếu như không có những bê bối riêng tư.

Chẳng ai ngờ ngày “vua” lại mất ngai sớm đến như vậy. Năm ngoái, T. Woods mới chỉ 35 tuổi-một độ tuổi vẫn còn trẻ ở môn golf và nếu cứ duy trì phong độ, T. Woods hẳn còn tại vị hơn chục năm nữa. Nhưng sự đời chẳng ngờ lại rẽ hướng, xoay vần trong chớp mắt! Đầu năm 2010, vụ scandal tình ái của T. Woods bị báo chí khui ra, dư luận mới ngã ngửa, ngôi sao T. Woods-được xem là mẫu người đàn ông của gia đình có tới... 12 cô bồ; chưa kể, những đêm ăn chơi theo kiểu “nhất dạ đế vương” cứ như trong tiểu thuyết viết về xã hội đen.

Thiệt hại về tài chính đến ngay lập tức, ngoài mất tiền để “bịt mồm” nhân tình, mỗi ngày T.Woods mất 600 ngàn bảng thu được nhờ sử dụng hình ảnh. Ly dị vợ, rồi vào trung tâm cai nghiện sex là hệ lụy sau khi scandal tình ái vỡ lở. Song, điều tệ hại với Woods là thành tích thi đấu của anh xuống dốc không phanh. Trong 12 giải lớn đấu nhỏ mà Tiger Woods tham gia sau vụ bê bối tình ái, vị trí tốt nhất mà anh có được chỉ là thứ 4. Thậm chí tại giải Bridgestone Ivitational diễn ra hồi tháng 8-2010, tay golf người Mỹ còn kết thúc với vị trí 78/79, một thành tích đáng xấu hổ với tay golf được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử. Cuối cùng, ngày 31-11-2010 trở thành ngày đáng quên của T. Woods khi anh chính thức mất ngôi số 1 thế giới. Ba tháng sau, Tiger Woods mất tiếp vị trí thứ hai vào tay Martin Kaymer (Đức)-người mới đăng quang tại giải Abu Dhabi HSBC Golf Championship tổ chức ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). T. Woods không thi đấu tại Abu Dhabi, vì thế Kaymer chỉ cần giành vị trí thứ 7 tại giải này sẽ chiếm ngôi số hai thế giới. Những gì mà tay golf 26 tuổi thể hiện ở UAE còn hơn thế. Ở ngày thi đấu cuối cùng, Kaymer đánh ít hơn 6 gậy so với tiêu chuẩn (đạt 66 gậy) và qua đó giành chức vô địch với tổng thành tích 24 gậy ít hơn tiêu chuẩn (264 gậy).

Người ta không ngạc nhiên lắm với việc T.Woods tụt xuống vị trí thứ 3, thậm chí có người bi quan còn cho rằng đó chưa phải “đáy” của lần xuống dốc phong độ bởi lẽ golf là môn thể thao mà muốn chơi tốt cần sự tập trung tinh thần một cách tối đa. Những chuyện không hay ở đời sống đã làm cho Woods bị phân tâm, phong độ không đi xuống mới là điều lạ. Điều mà không chỉ các fan của T. Woods mà cả những người yêu golf quan tâm là: Bao giờ T. Woods sẽ trở lại với phong độ của vị vua làng golf?

Vụ bê bối tình ái của T.Woods cùng thời điểm với những vụ “lâm nạn” của W. Rooney, A. Cole, J. Terry... Thế nhưng, các ngôi sao túc cầu dính vào bê bối tình ái lấy lại phong độ cực nhanh, thậm chí họ còn chơi hay hơn như chưa có gì xảy ra. Người ta tin chính khát khao tự khẳng định mình sau bê bối đã giúp cho các ngôi sao sân cỏ đá bóng hay hơn. Hiển nhiên, phải là một vận động viên thực sự chuyên nghiệp và có tinh thần thép, kể cả “mặt dày”... ngồi xổm trên dư luận mới trở lại đỉnh cao nhanh chóng như vậy. Tinh thần thép trong thi đấu khi còn là “vua” là một chuyện, trở lại làm “vua” sau khi đã “thất thế” lại là chuyện khác. Nếu vượt qua được thử thách lần này, T.Woods mới chứng tỏ anh vĩ đại hơn tất cả những tay golf khác một cách toàn diện!

HÀM ĐAN

GIAN NAN PHÁT TRIỂN PHIM TÀI LIỆU

Điểm son gần đây của điện ảnh Việt là sự trỗi dậy của phim truyện nhựa giải trí. Chính những bộ phim như Khi yêu đừng quay đầu lại, Để mai tính, Cánh đồng bất tận... đang là “đầu tàu” kéo điện ảnh Việt phát triển biểu hiện ở doanh thu tăng chóng mặt; đồng thời là những bước tiến chuyên nghiệp trong quy trình sản xuất.
Trong lúc đang say sưa với thời kỳ phục hưng của điện ảnh Việt, dư luận đã quên mất sự hiện diện của một “người hùng thầm lặng” đó là phim tài liệu. Ví phim tài liệu là “người hùng” bởi lẽ chính phim tài liệu là thể loại phim giành nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế nhất, đặc biệt là giai đoạn từ Đổi Mới đến nay. “Công” thì lớn nhưng chưa bao giờ phim tài liệu lại có thể đường hoàng “sống” nhờ tiền bán vé; đã vậy dù phim có hay đến mấy mà không đoạt giải thưởng nào đó thì ít khi được dư luận chú ý.

Nghịch lý này xuất phát từ sự thờ ơ của khán giả với phim tài liệu. Nếu ở nước ngoài, những bộ phim tài liệu có chất lượng đều ra rạp và có lãi nhờ bán vé, dĩ nhiên lãi chỉ “cò con” không thể nào bằng các phim “bom tấn”; nhưng việc phim tài liệu có khán giả ở rạp, chứng tỏ khán giả nước ngoài không có sự phân biệt các thể loại phim. Ở nước ta thì khác, đa phần khán giả đều cho rằng tất cả những gì được gọi là điện ảnh đều nằm tất ở phim truyện nhựa hoặc phim truyền hình, còn phim tài liệu thì được đánh giá là có cũng được mà không thì cũng chẳng sao. Số ít những người muốn xem phim tài liệu thì cũng không biết có phim tài liệu nào mới, và nếu muốn xem phim cũ cũng chỉ có thể chờ bộ phim đó được chiếu trên truyền hình. Sự lạnh nhạt của số đông khán giả đã khiến hệ thống nhập phim chưa mặn mà với phim tài liệu. Điều này cũng dễ hiểu vì bản thân các bộ phim truyện hay của Hollywood nhiều khi cũng ế chỏng vó như trường hợp phim No country for old men (Không có chỗ cho người già) “chìm nghỉm” ở các rạp Việt Nam trước khi “hot” trở lại với việc giành 4 giải Oscar 2008.

Việc làm cốt yếu mà nhiều người lên tiếng ủng hộ đó là đưa phim tài liệu tới gần khán giả. Ngoài các đợt chiếu phim nhân các ngày lễ lớn, hiện nay, chỉ có Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương tổ chức chiếu miễn phí hàng tháng. Hoạt động trên đã được sự hưởng ứng của người xem, đơn cử như buổi chiếu phim tháng 12 rơi đúng vào ngày Việt Nam thi đấu với Ma-lai-xi-a ở trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2010 nhưng khán giả vẫn đến rất đông. Tác động tích cực đã thấy rõ, song nhân rộng hoạt động trên là khó bởi cần kinh phí để thực hiện bởi Hãng phim chỉ có được cấp kinh phí để sản xuất phim chứ không có kinh phí phát hành hay quảng bá phim.

Ngoài việc duy trì quảng bá phim, việc nâng cao chất lượng phim tài liệu hơn nữa cũng cần phải được chú trọng. Mấy năm gần đây, ngoài “anh cả” Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương mỗi năm sản xuất hàng chục bộ phim và hàng ngàn mét phim tư liệu thì các Đài truyền hình, các công ty truyền thông cũng đã chú ý sản xuất phim tài liệu; trong số đó, một vài bộ phim đã ghi được dấu ấn đậm nét như Mê Kông ký sự của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh, Ký sự những nẻo đường của VTV... Nhưng nhiều phim tài liệu ra đời chủ yếu làm nhiệm vụ “lấp sóng”, mang tính chất ghi chép thực tế đơn thuần mà không có tính phát hiện một vấn đề ẩn dấu đằng sau thực tế. Chỉ có phát hiện vấn đề mới mẻ và sâu sắc mới ghi lại dấu ấn trong lòng người xem.

Thành tựu huy hoàng trong quá khứ có thể xem là điểm tựa để phát triển phim tài liệu; song để thương mại hóa phim tài liệu mà vẫn duy trì chất lượng nghệ thuật xem ra là việc làm của nhiều tổ chức, với những hành động cụ thể và khoa học.

HÀM ĐAN