Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

THỜI ĐÀM (XVII): GIỮ TINH THẦN PHẢN BIỆN


Trong một cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ, một nhà văn kiêm nhà báo đã phỏng vấn các đồng nghiệp một câu hỏi: “Anh/chị có đọc văn chương Việt không?”. Kết quả có thể khiến nhiều người “sốc” khi 80% trả lời “rất ít đọc” và 20% thẳng thừng “hoàn toàn không đọc”.

Hiện tượng trên tưởng là lạ, nhưng nếu theo dõi kỹ đời sống văn chương mấy năm qua thì đây là điều tất yếu. Văn học nước ngoài sau thời gian ở tình trạng “có gì in nấy”, nay đã chọn lọc hơn. Các tác phẩm của những nhà văn hàng đầu thế giới như: Italo Calvino, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera, Jean-Marie Gustav Le Clézio, Philip Roth, Orhan Pamuk, Haruki Murakami... đã dịch sang tiếng Việt một cách nghiêm túc; ngoài ra, các tác phẩm đoạt các giải thưởng uy tín như: Giải Goncourt, giải Fémina, giải Pulitzer, giải Man Booker, giải thưởng Viện hàn lâm Pháp... cũng nhanh chóng được dịch sang tiếng Việt sau khi được vinh danh. Nếu tác phẩm văn chương được so sánh như “món ăn tinh thần”, thì khi số lượng và chất lượng văn chương nước ngoài đi lên, hiển nhiên các nhà văn Việt Nam khó cưỡng với “món ăn ngoại”.

Một trong những nguyên nhân khác khiến nhà văn Việt không đoái hoài đến văn chương nước nhà vì văn chương Việt Nam ít có tác phẩm hay để các nhà văn đọc và tự nghiền ngẫm cho sáng tác của bản thân. Những tác phẩm ít ỏi có chất lượng lại bị vùi lấp trong bạt ngàn những tác phẩm thường thường bậc trung, nên “chìm” đi nhanh chóng. Đơn cử, tiểu thuyết “Và khi tro bụi” (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng được đánh giá là một tác phẩm đỉnh cao vài chục năm mới xuất hiện, tác phẩm này đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2007; thế nhưng không gây được tiếng vang do không được quảng bá tốt. “Tiếp sức” cho tình trạng văn chương Việt bị lép vế là sự lệch lạc trong phê bình văn học. Rất ít các nhà phê bình nghiêm túc đọc tác phẩm văn học Việt Nam đương đại nên không hướng dẫn cho người đọc (trong đó có các nhà văn) tìm các tác phẩm đáng đọc.

Về thực chất, nhà văn đọc sách gì cũng tốt, còn hơn là kiểu nhà văn lười đọc tác phẩm người khác, luôn tự tin ở năng khiếu trời ban vốn chóng hết. Tuy nhiên, nếu nhà văn Việt mà chỉ đọc văn chương nước ngoài, vô hình trung đánh mất mối liên lạc với đời sống văn chương trong nước, không biết vị trí tác phẩm của chính mình đang ở đâu. Ví dụ, có nhà thơ ghi lại những ý tưởng thoáng qua trong tâm trí thành một thứ thơ “vụt hiện”, anh ta cứ tưởng thơ mình là mới, mà không ngờ vài chục năm trước, có nhà thơ Việt đã làm vài bài thơ theo thi pháp nói trên.

Thêm vào đó, bản thân xã hội và tâm lý con người Việt Nam do nhiều yếu tố không giống các nước phương Tây đã đành, mà còn không hoàn toàn giống với các nước “đồng văn, đồng chủng” Á châu. Vì vậy, để nhìn nhận đúng thân phận con người Việt Nam theo nhiều tầng là: Sinh lý, tâm lý, tâm linh..., thì dù đọc văn học nước ngoài nhiều cũng không thể là giải pháp tối ưu. Cái cốt yếu vẫn là nhà văn tự tìm hiểu và suy tư về những đề tài ám ảnh có mối quan hệ sâu xa với số phận con người nói chung và dân tộc nói riêng.

Lợi ích của văn học nước ngoài có chăng chính là các kỹ thuật viết, sự đổi mới ở các hình thức tác phẩm. Lâu nay, văn chương Việt Nam quá chú trọng đến vấn đề “viết cái gì”- một câu hỏi thường dành cho báo chí-mà ít quan tâm đến vấn đề không kém phần quan trọng là “viết như thế nào”; khiến tác phẩm văn chương rơi vào tình trạng cũ mòn. Nhưng để đổi mới các yếu tố hình thức không phải bắt chước nguyên xi là xong, mà điều quan trọng, sự đổi mới là một nhu cầu tự thân. Mặt khác, mỗi một hình thức mới không phải từ trên trời rơi xuống, mà là một quá trình thoát thai hoặc điều chỉnh từ các hình thức cũ; do vậy, chưa hiểu sâu sắc lịch sử hình thức thì khó có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn.
Với văn học Việt, việc tiếp thu tinh hoa văn chương nước ngoài là điều cực kỳ cần thiết nhưng phải trên một tinh thần phản biện, có vậy mới mong sáng tạo ra tác phẩm thực sự có ích cho văn chương, cho xã hội.

                                               HOÀNG BÌNH PHƯƠNG