Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

DỰ THẢO LUẬT THƯ VIỆN: KỲ VỌNG PHÁT TRIỂN VĂN HÓA ĐỌC


Dự kiến, trong chương trình làm việc của Quốc hội khóa XIII, dự thảo Luật Thư viện sẽ được các đại biểu xem xét, thảo luận. Hiện nay, dự thảo lần II Luật Thư viện có 6 chương với 37 điều, những người trong nghề tin rằng, khi văn bản luật này được thông qua sẽ có tác động tích cực tới hoạt động của các thư viện, qua đó tạo đà phát triển văn hóa đọc lên một tầm cao mới.
         
Luật hóa hoạt động thư viện

Để xây dựng dự thảo Luật Thư viện, Ban soạn thảo luật này đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến của các thư viện tỉnh thành phố và chuyên ngành trên toàn quốc. Chính quá trình thảo luận dân chủ kết hợp với tham khảo nhiều bộ luật Thư viện nước ngoài, đã xây dựng dự thảo được xem là bám sát với tình hình hoạt động của các thư viện Việt Nam hiện nay và phù hợp với quan niệm, mô hình hoạt động của các thư viện trên thế giới.

Dù vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, song về cơ bản dự thảo Luật Thư viện đã có nhiều điểm đổi mới mang tính đột phá so với Pháp lệnh Thư viện số 31/2000 PL-UBTVQH có hiệu lực từ ngày 1-4-2001, cách đây đúng một thập kỷ. Xin lấy một vài ví dụ: Trong dự thảo Luật Thư viện đặc biệt quan tâm đến các dạng tài liệu mới là dạng tài liệu điện tử vốn đang phát triển mạnh do sự tiến bộ không ngừng của công nghệ thông tin. Ngoài ra, trong Điều 8 của dự thảo đã cho phép thành lập thư viện tư nhân và khoản 3, Điều 14 xếp thư viện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có phục vụ người đọc vào loại hình thư viện chuyên ngành-nghĩa là cũng thuộc sự quản lý của Luật Thư viện.

Không chỉ có nhiệm vụ quy định về tổ chức và hoạt động thư viện; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện mà Luật Thư viện còn có nhiều mục tiêu khác. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), việc cần có Luật Thư viện với hiệu lực pháp lý cao hơn Pháp lệnh Thư viện là nhằm tăng cường sự đầu tư của Nhà nước và xã hội đối với một thiết chế văn hóa đặc thù không thể thiếu trong thời buổi đất nước đang hội nhập sâu với quá trình toàn cầu hóa như hiện nay. Luật Thư viện cũng sẽ gián tiếp thúc đẩy việc xây dựng một thế hệ đọc tương lai và làm sao việc đọc sách báo trở thành một phong trào trong xã hội, hoàn thành các mục tiêu trong chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.   

Song song với quá trình hoàn thiện Luật Thư viện, các văn bản dưới luật cũng đang trong quá trình xây dựng để quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều khoản được giao trong luật giúp các thư viện hoạt động có hiệu quả. Đơn cử, nhiều khả năng sẽ có một thông tư mới điều chỉnh lại một số quy định trong Thông tư 56/2003/TT-BVHTT ngày 16-9-2003 hướng dẫn chi tiết về điều kiện thành lập thư viện. Chẳng hạn, theo quy định của Thông tư 56, thư viện của viện, trung tâm nghiên cứu khoa học phải có 20 chỗ ngồi đọc và mỗi chỗ ngồi chiếm diện tích 2,5m2. Trên thực tế, quy định này không khả thi, chẳng hạn, ngay kho sách của Thư viện Viện Dân tộc học đã quá chật hẹp phải để sách trên nóc giá sách thì không thể đáp ứng tiêu chuẩn 20 chỗ ngồi; mặt khác, hầu hết người đọc là cán bộ trong viện nên họ thường mượn tài liệu về đọc chứ ít khi ngồi tại phòng đọc. 
           
Chủ động tháo gỡ khó khăn

Tình hình phát triển của văn hóa đọc ở nước ta trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin gặp những thử thách. Theo thống kê của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Sách Thái Hà - thành viên Ban tổ chức “Ngày hội đọc sách Việt Nam 2011”: Mỗi người Việt Nam chỉ mua 3,3 cuốn sách, đọc 2,8 cuốn/năm. Theo các nghiên cứu về văn hóa đọc, tối thiểu phải là 50 cuốn/người/năm thì chúng ta mới có thể tạo dựng văn hóa đọc. Sách đã có nhiều hơn, nhưng vẫn còn đến 80% nông dân không đọc sách. Để nâng cao văn hóa đọc trong toàn dân cần phải có nhiều giải pháp từ nhiều ban, ngành mà trong đó thư viện đóng vai trò quan trọng bởi hệ thống thư viện công cộng đã phát triển tới cấp xã trên phạm vi toàn quốc giúp người dân dễ dàng tiếp nhận với thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Song, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thanh Mai: So với yêu cầu phát triển của Việt Nam, cũng như trình độ chung của các nước trong khu vực, chúng ta còn một khoảng cách khá xa. Dịch vụ và phương thức phục vụ ở ngành thư viện của ta đều chậm hơn các nước trong khu vực từ 10 đến 15 năm. Trên thực tế, hoạt động của các thư viện gặp vô số khó khăn như: Một số thư viện thiếu kinh phí để làm giàu thêm vốn tài liệu và mua sắm các thiết bị phục vụ thư viện (giá sách, máy quét…), số thư viện khác có đủ kinh phí lại mắc khuyết điểm là mua các tài liệu không phù hợp với đối tượng mà thư viện phục vụ, ngoài ra còn có tình trạng đội ngũ làm công tác thư viện vừa thiếu lại vừa yếu về chuyên môn… 

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Ngô Văn Chung (Giám đốc Thư viện Quân đội) cho rằng: Chính vào thời điểm này, Luật Thư viện ra đời là thích hợp, chính văn bản luật này sẽ trao quyền chủ động để các thư viện tháo gỡ khó khăn gặp phải. Cũng như các loại hình thư viện khác, hệ thống thư viện trong quân đội đón nhận dự thảo Luật Thư viện với sự phấn khởi vì nhiều điều kiện mới cho hoạt động thư viện tốt hơn sẽ được quy định bằng các điều luật, nhất là Điều 28 nói về việc Nhà nước thực hiện chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thư viện như sau: "Xây dựng, nâng cấp trụ sở theo hướng chuẩn hóa, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thư viện; hiện đại hóa trang thiết bị, phương tiện và kỹ thuật; cấp thiết bị, phương tiện vận chuyển cho các thư viện cấp tỉnh để luân chuyển vốn tài liệu thư viện phục vụ lưu động ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, nông thôn, phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân; dành quỹ đất xây dựng thư viện công cộng trong quy hoạch của địa phương”. Trên cơ sở sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động thư viện, Thư viện Quân đội sẽ tiếp tục đề xuất quy hoạch lại thư viện trong quân đội để tạo nguồn lực thông tin tập trung, phù hợp với đặc thù của ngành.

Cũng theo Đại tá Ngô Văn Chung, trong khi chờ đợi Luật Thư viện được Quốc hội thông qua, Thư viện Quân đội sẽ chủ động thực hiện các hoạt động thiết thực nhằm phát huy tính đổi mới đúng đắn của luật để phục vụ đời sống tinh thần của toàn quân và góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của đất nước. Thời gian tới, Thư viện Quân đội sẽ tham mưu với Thủ trưởng Tổng cục Chính trị xây dựng thư viện thân thiện trong toàn quân. Thư viện Quân đội sẽ tích cực chủ động hiện đại hóa cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị điện tử để trở thành thư viện hiện đại. Vấn đề con người cũng được đặc biệt coi trọng, nhân viên thư viện không chỉ là người giữ sách mà phải có trình độ tin học và ngoại ngữ để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đặc biệt, Thư viện Quân đội sẽ mở rộng đối tượng phục vụ ngoài quân đội, qua đó góp phần vào sự nghiệp nâng cao văn hóa đọc của đất nước.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 15 tháng 9, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (III): ĐẦU TƯ ĐÚNG CHỖ...

Nhiều người trong ngành điện ảnh đang bức xúc tình trạng chất lượng nghệ thuật của các bộ phim ngày càng đi xuống do thiếu kinh phí đầu tư. Lý do này thoạt chừng có vẻ hợp lý vì điện ảnh không phải là sản phẩm của con nhà nghèo.

Nhưng nếu nhìn lại sự thành công về mặt nghệ thuật của những bộ phim Việt Nam thời kỳ bao cấp khó khăn trăm bề hoặc những bộ phim kinh phí thấp của điện ảnh I-ran đã làm thế giới say mê gần đây, rõ ràng tiền không phải là “chìa khóa vạn năng” quyết định chất lượng bộ phim.

Trong bối cảnh kinh phí mà nhà nước chi để hoàn thành một bộ phim cao lắm chỉ hơn chục tỷ đồng thì những nhà làm phim phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Con nhà nghèo thì không nên chơi sang! Đã là phim nghệ thuật thì những chi tiết tưởng chừng vụn vặt trở đi trở lại, đôi mắt thoáng buồn của nhân vật... cũng có thể trở thành nghệ thuật, ám ảnh người xem mà không nhất thiết phải đi theo phong cách dựng những đại cảnh hoành tráng như phim Hollywood. Cho nên, các cấp quản lý cần phải kiên quyết “nói không” với dự án điện ảnh đòi hỏi đạo cụ tốn kém và kỹ xảo quá hiện đại, thay vào đó là tập trung đi vào những chiều kích của thân phận con người trong những câu chuyện đời sống bình dị. Hướng đi này vốn đã từng làm nên thương hiệu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trước đây, ví dụ bộ phim kinh điển “Cánh đồng hoang” không mô tả cảnh chiến trận hoành tráng mà chỉ đơn giản kể về số phận một gia đình vùng Đồng Tháp Mười trong chiến tranh chống Mỹ. Đó là vấn đề tài năng.

Với nền điện ảnh đang chập chững làm quen với cơ chế thị trường như hiện nay, sự hỗ trợ của nhà nước vẫn phải đóng một vai trò nhất định. Song, những tác động chỉ nên giới hạn ở mức tối thiểu và mang tính gián tiếp thông qua việc đầu tư trường quay và các thiết bị sản xuất phim, các cơ chế chính sách thông thoáng... Việc đầu tư cho các dự án điện ảnh phải mang tính tập trung cao độ tránh tình trạng đầu tư theo kiểu dàn trải mỗi hãng phim một chút kinh phí hoặc lại quá dồn sức cho những phim mang tính hiếu hỷ. Sự đầu tư trực tiếp có chăng chỉ ở những phim thực sự có nhiều điểm mới lạ trong nội dung, cách tân về hình thức.

Song song với quá trình thực hiện những bộ phim còn được cấp kinh phí, các hãng phim vốn quen với cơ chế xin-cho, cần tích cực chủ động gia nhập vào guồng quay sản xuất phim thương mại hiện nay. Muốn trở thành một người giỏi nghề, ngoài kiến thức nhà trường cần làm nghề nghiêm túc trong một quãng thời gian liên tục. Thực tế đã chứng minh, vô số đạo diễn và diễn viên phim nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới đều từng trải qua thời kỳ đầu sự nghiệp “ngụp lặn” tham gia sản xuất những phim truyền hình, các phim quảng cáo vô thưởng vô phạt. Chính cơ chế thị trường sẽ sàng lọc tất cả; khi đó chỉ những người có tài và yêu nghề mới tồn tại để tiếp tục nuôi giấc mơ làm phim nghệ thuật. Và cũng chỉ có tài năng thực sự mới có thể trình làng những bộ phim hay, dù cho sự đầu tư rất khiêm tốn. 

Một vấn đề nữa cần đề cập là bên cạnh việc đầu tư cho điện ảnh về tiền bạc và cơ chế để nuôi dưỡng tài năng, thì vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư đang là thời sự. Một đất nước vừa thoát ngưỡng ngước nghèo, thu nhập thấp, chậm phát triển như nước ta thì khoản tiền hơn 40 tỷ đồng "biến mất" của ngành điện ảnh là rất lớn. Tuy vậy, dư luận còn băn khoăn rất nhiều về những khoản đầu tư cho điện ảnh, về những bộ phim từng được "đầu tư khủng" mà chất lượng thấp. Con số hơn 40 tỷ đồng chỉ là "giọt nước tràn ly" để xã hội thêm một lần bức xúc với điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, cũng có thể từ đây, sau những mổ xẻ, phán quyết của các cơ quan chức năng và công luận, ngành điện ảnh có một cơ hội thay đổi mang tính bước ngoặt?! Hy vọng như thế.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

THỜI ĐÀM (XIII): CÓ HỌC VẪN HƠN


Có những vấn đề trong văn chương không đến nỗi là một mớ bòng bong nhưng người ta vẫn cứ cãi nhau từ năm này qua năm khác, một trong số đó là vấn đề: Người viết trẻ (tuổi nghề) có nên đi học các khóa học viết văn không?

Mô hình trường viết văn khá phổ biến trên thế giới với các lớp ngắn hạn vài tháng (cấp chứng chỉ) hoặc 4 đến 5 năm (cấp bằng đại học). Điều đáng chú ý nhất trong các trường viết văn là việc các nhà thơ, nhà văn đã có tác phẩm để đời đến dạy về viết văn. Từ đây, người ta bắt đầu có những hoài nghi xuất phát từ thực tế: Nhiều người đã từng học viết văn đều không có tác phẩm lớn, đa số nhà văn lớn đều không học trường viết văn; và từ đó rút ra kết luận sáng tác văn chương là thứ không thể dạy được, cho nên, việc tồn tại các trường dạy viết văn là điều phi lý.

Có lẽ không cần phải lấy ví dụ để chứng minh cho thực tế không phải ai đều làm đúng nghề đã học (vì nghề chọn người!) và tạo dựng được sự nghiệp từ cái nghề đã học. Văn chương cũng không phải ngoại lệ! Có người hiểu chuyện đã nói thẳng: Nếu một lớp viết văn chừng 40 người mà chỉ có duy nhất 1 người trở thành nhà văn lớn, 39 người còn lại biết cảm thụ tích cực văn chương thì hiệu quả giảng dạy coi như đã đạt yêu cầu!
  
Văn chương luôn để lại nỗi ám ảnh cho người viết, vì vậy dẫu có làm nghề gì để sống rốt cuộc nhà văn vẫn sẽ viết như bị “ma làm”. Cũng vì con đường học vấn của nhiều nhà văn lớn trên thế giới không liên gì đến văn chương nên nhiều nhà văn ở nước ta lầm tưởng: Muốn có tác phẩm hay thì cần phải viết một cách tự nhiên theo cảm xúc, không nên để các lý thuyết này nọ ngăn cản “cơn lũ cảm hứng”. Đó là một quan niệm có lẽ chỉ ở nền văn chương kém phát triển mới có. Từ lâu, các nhà văn trên thế giới đề đi theo một hình mẫu là: Nghệ sĩ kếp hợp với nhà khoa học. Cá biệt, có những nhà văn đồng thời là triết gia (người sản sinh các triết thuyết) như nhà văn Pháp Jean-Paul Sartre với chủ nghĩa hiện sinh. Một trong những điều mà văn chương Việt Nam không có tên trên bản đồ thế giới do thiếu tầm tư tưởng. Cho nên, một nhà văn nước ta thường chỉ có một tác phẩm nổi lên, chứ ít khi có sự nghiệp kéo dài đến khi… nhắm mắt xuôi tay.

Những nhà văn thành danh trên thế giới đa phần đều không học trường viết văn nhưng họ đều có khả tự học một cách bền bỉ và hiệu quả. Đọc tiểu thuyết Trò chuyện trong quán La Catedral của Mario Vargas Llosa (Nobel 2010) với kết cấu đảo lộn trật tự thời rất gần với tiểu thuyết Âm thanh và cuồng nộ của William Faulkner (Nobel 1949). Bản thân M. V. Llosa thừa nhận Âm thanh và cuồng nộ là cuốn tiểu thuyết duy nhất khiến ông phải vừa đọc vừa ghi chép một cách tỉ mẩn. Không chỉ học kĩ thuật viết mà hầu hết các nhà văn lớn trên thế giới đều xây dựng một phong văn hóa rộng với nguồn chất liệu khổng lồ phục vụ cho tác phẩm; như nhà văn Trung Quốc Khương Nhung đã mất 20 năm để nghiên cứu văn hóa du mục Mông Cổ để sau đó mất thêm 6 năm nữa để viết tiểu thuyết nổi tiếng Tôtem sói.

Cái lợi nhất khi học các khóa viết văn là học viên được cung cấp những tri thức nền tảng về văn hóa, phân biệt được các kỹ thuật viết khác nhau và nhất là tạo dựng khả năng sáng tạo một cách độc lập. Những người tự khám phá thế giới văn chương đương nhiên đi chậm hơn, đôi khi “mất học phí” với những tìm tòi văn chương tưởng là mới mẻ nhưng hóa ra nhiều người đã thực hành từ lâu. Những người sau khi học trường viết văn xong vẫn tiếp tục tự học để không bị tụt hậu so với tình hình văn chương thế giới. Vấn đề còn lại viết sao cho hay thì việc học viết văn không có liên quan, mỗi người viết khi đó vừa là thầy vừa là trò của chính mình: Mỗi người viết là một nhà phê bình đủ nhận ra văn chương mình đến mức nào!

Tóm lại, việc duy trì các lớp viết văn là điều cần thiết cho nhu cầu những người muốn viết văn một cách nghiêm túc; nhưng nếu không học các khóa viết văn cũng chẳng nên lấy thế làm buồn mà cứ kiên trì đọc và nghiền ngẫm rồi thể nào cũng sẽ có tác phẩm. Thế mới biết trong chuyện viết văn, cái câu cửa miệng của các cụ: “Có học vẫn hơn!”, xem ra chẳng sai chút nào.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

DI TÍCH ĐỀN BẮC HÀ


Thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) là nơi thu hút nhiều khách tham quan với các sản phẩm du lịch là: Chợ phiên vào ngày Chủ nhật, Dinh thự Hoàng A Tưởng và đặc biệt là ngôi đền Bắc Hà đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia vào ngày 29-10-2003.

Đền Bắc Hà được nhân dân địa phương góp công sức xây dựng từ thế kỷ XIX. Đền thờ Gia Quốc Công Vũ Văn Mật-người có công huy động các tộc người thiểu số địa phương trấn giữ một vùng biên ải rộng lớn phía Bắc Tổ quốc từ thời Lê Chiêu Tông (từ năm 1516) sang thời Nhà Mạc (từ năm 1527).

Thời Vua Lê Chiêu Tông, tại làng Ba Động, huyện Gia Phúc (nay là huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) có hai anh em nhà họ Vũ là Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật lên trấn Đại Đồng, phủ Tuyên Quang sinh sống. Tù trưởng trấn Đại Đồng tàn ác nên nhân dân oán giận, anh em họ Vũ đã tập hợp người dân địa phương nổi dậy, trở thành người cai trị trấn Đại Đồng. Lúc đó, chính sự rối ren, Vua Lê Chiêu Tông phong cho hai anh em làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang để yên một cõi. Anh em họ Vũ chọn vùng đất Phúc Khánh (phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai ngày nay) xây dựng căn cứ. Người Kinh từ xuôi lên sát cánh cùng người Tày, người Nùng, người Dao... làm cho vùng đất theo triền sông Chảy lên tận tổng Ngọc Uyển (xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà ngày nay) phồn thịnh.

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi Nhà Hậu Lê. Hai anh em họ Vũ giữ vững cả miền Tuyên Quang, Hưng Hóa, cát cứ một phương, không chịu theo Nhà Mạc. Năm 1551 thời Lê Trung Tông, hai anh em họ Vũ theo lệnh Vua Lê, mang quân phối hợp với tướng Nhà Mạc mới về hàng Nhà Lê là Lê Bá Ly tiến đánh Thăng Long. Hai anh em đem quân xuống lấy các phủ Tam Đái, Bắc Hà rồi sai người đi phủ dụ dân Thái Nguyên, Lạng Sơn. Quân Lê Bá Ly tiến sát kinh thành khiến Vua Mạc Tuyên Tông bỏ chạy, để Mạc Kính Điển ở lại chống giữ.

Năm 1556, Vua Lê Anh Tông lên ngôi, Phụ chính Trịnh Kiểm cất quân đánh Mạc tới Tuyên Quang, Vũ Văn Uyên ra đón. Trịnh Kiểm rất mừng, cho ông trấn giữ Đại Đồng và ban quyền thế tập trấn giữ Tuyên Quang. Vũ Văn Uyên chết không có con, em là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia Quốc Công. Vũ Văn Mật dời căn cứ từ thành Nghị Lang sang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Từ đó, nhân dân thường gọi ông là Vua Bầu. Sau khi Vũ Văn Mật qua đời, họ Vũ còn truyền thêm 4 đời thay nhau hùng cứ một vùng rộng lớn biên giới phía Bắc gần 200 năm.
Tưởng nhớ công lao của Gia Quốc Công Vũ Văn Mật, nhân dân Bắc Hà lập đền thờ tại thị trấn Bắc Hà. Đền Bắc Hà trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng của không chỉ người Việt mà còn của các tộc người khác trên địa bàn huyện Bắc Hà. Vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm, nhân dân Bắc Hà tổ chức lễ hội để nhân dân trong vùng và khách du lịch thập phương ngưỡng vọng người có công với đất nước.  

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

PHIM HÈ 2011: "BƯỚC QUA LỜI NGUYỀN"


Khi điện ảnh Việt Nam chỉ ra rạp hai phim ít ấn tượng là Sài Gòn Yo!Giữa hai thế giới, nên mùa hè 2011, mọi sự chú ý đều đổ dồn về các phim “bom tấn” Hollywood. Gần như tất cả bộ phim hè 2011 đình đám nhất đều được các công ty nhập khẩu phim rước về Việt Nam đủ khiến người xem băn khoăn: Tối nay xem gì?

Siêu anh hùng “đổ bộ”

Để dọn đường cho siêu phẩm “móc túi” khán giả suốt gần 3 tháng hè, công việc quảng bá cho các “bom tấn” đặc biệt được coi trọng, ngay cả một thị trường điện ảnh không phải là lớn như Việt Nam cũng áp dụng những chiêu thức PR mới mẻ. Đặc biệt như trường hợp phim Transformers 3: Dark of the moon (Transformers 3: Phần khuất của mặt trăng) ra mắt công chúng Việt Nam vào tối 28-6 trước cả thị trường Mỹ. Hơn 200 khán giả TP HCMinh đã thức thâu đêm để thưởng thức cả 3 phần của loạt phim Transformers và phần 3 siêu phẩm này đã ra mắt vào nửa đêm lần đầu tiên ở Việt Nam. Hai bộ phim dành cho trẻ em là RioThe Smurfs (Xì Trum) được các diễn viên nổi tiếng như: Minh Hằng, Đại Nghĩa, Minh Tiệp, Thành Lộc, Mỹ Duyên lồng tiếng theo tiêu chuẩn Hollywood tạo được sự gần gũi nhất định với người xem Việt Nam

Hiệu quả kinh doanh từ các phim “bom tấn” mùa hè 2011 tại Việt Nam cũng tạo lập một kỉ lục mới với việc phim hoạt hình Kungfu Panda 2 thu về 2 triệu USD chỉ sau 3 tuần công chiếu. Nếu tình theo doanh thu toàn cầu, 3 bộ phim hè 2011 gồm: Harry Potter và bảo bối tử thần 2 (không chiếu ở Việt Nam), Pirates of the caribbean: On stranger tides (Cướp biển Caribbean: Suối nguồn tuổi trẻ) và Transformers 3 nằm trong danh sách 10 bộ phim đoạt doanh thu cao nhất mọi thời đại với lợi nhuận đều trên 1 tỷ USD; cho nên người đi xem mới đùa nhau: “Một mùa hè cháy túi!”  

Về nội dung các bộ phim, mùa hè 2011 có thể xem là cuộc “đổ bộ” của các siêu anh hùng (superhero) vốn đã nổi tiếng từ các ấn phẩm truyện tranh. Matthew Vaughn-đạo diễn X-Men: First Class (Dị nhân: Lớp học đầu tiên) đã phải thốt lên: “Quá đông siêu anh hùng. Thể loại này rồi sẽ chết vì khán giả sẽ ngán đến tận cổ”. Chưa biết thể loại phim siêu anh hùng có thật sự đi xuống ngya trong năm tới hay không, nhưng hiện tại “cơn sốt” siêu anh hùng đã lên tới đỉnh điểm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đi đầu là Marvel Studios với phim Thần sầm Thor có lai lịch từ thần thoại Bắc Âu, Captain America: The First Avenger (Đội trưởng Mỹ; Kẻ báo thù đầu tiên)-anh hùng cản bước Đầu lâu đỏ thời Đệ nhị thế chiến, X-Men: First Class là câu chuyện về thế hệ dị nhân đầu tiên dưới trướng của thủ lĩnh tinh thần là Giáo sư X… Ngoài ra, siêu nhân xanh lá cây với sức mạnh từ hành tinh Sector 2814 trong phim Green Lantern (Đèn lồng xanh) của DC Comics.

Làm tiếp vẫn hay!

Thông thường, các bộ phim làm tiếp đều dở hơn phần đầu nên có người coi đó như một “lời nguyền” dành cho phim làm tiếp (sequel). Nguyên do nằm ở việc do sa đà tìm một câu chuyện khác cho nhân vật cũ vốn đã kết thúc có hậu ở phần đầu. Mùa phim hè 2011 nổi bật với kỉ lục là mùa phim hè có số lượng phim làm tiếp nhiều nhất từ trước đến nay: 27 phim. Nhờ sự cố công cách tân của các nhà sản xuất nên chất lượng các bộ phim làm tiếp đều bước qua lời nguyền dở hơn phần trước.

Điển hình như sê-ri Transformers. Phần 2 Transformers ra rạp cách đây 2 năm bị chính… đạo diễn là Michael Bay chê! Nguyên nhân chính nằm ở kịch bản phim dở, do Michael Bay rơi vào thế bị động khi phải viết kịch bản trong vòng có 3 tuần với 14 trang ý tưởng. Phần 3 Transformers được đầu tư kịch bản kỹ lưỡng trong 8 tháng và chất lượng hơn hẳn, không còn là những pha hành động thuần túy mà khai thác khía cạnh tâm lý nhân vật (kể cả các robot biến hình). Tương tự các bộ phim làm tiếp khác như Kungfu Panda 2, Cars 2… đều tìm kiếm một kịch bản mới mẻ hơn và tạo ra cho các nhân vật nhiều thử thách qua đó hoàn thiện bản thân; quá trình các nhân vật “vượt khó” đã gián tiếp đưa đến những bài học đậm tính nhân văn cho người xem. Chẳng hạn, Kungfu Panda 2 là một hành trình ngộ về tĩnh tâm để đạt đến tuyệt đỉnh kungfu. Trên đường cứu nguy cho Trung Hoa khỏi bàn tay Thái tử Shen; gấu Po cũng khám phá ra được quá khứ, qua đó Po ngộ được chân lý của tĩnh tâm... Thông điệp bộ phim thì đến người lớn cũng phải thừa nhận sâu sắc đó là: Nguồn gốc của bạn không phải là vấn đề, mà quan trọng là bạn muốn trở thành người như thế nào! Dĩ nhiên, cũng có những bộ phim dở như Green Lantern với cốt truyện sơ lược thuần túy hành động như bao bộ phim diêu anh hùng khác, trong khi không có một thông điệp nhân văn nào kèm theo.

Một bộ phim hay không chỉ dựa vào mỗi kịch bản tốt mà các kĩ xảo điện ảnh đi kèm đòi hỏi sự cải tiến tối đa. Kỹ thuật 3-D vẫn đang là thời thượng nổi bật với bom tấn là Transformers 3 với máy quay IMAX, ngoài ra, Michael Bay đã thuê lại nguyên đội hình từng làm Avatar của James Cameron. James Cameron sau khi xem Transformers 3 đã cho rằng: “Đây là phim 3-D hay nhất từ thời Avatar”. Hai hãng phim hoạt hình là Pixar với Cars 2 và Dream Works với Kungfu Panda 2 cũng trình làng hai bộ phim hoạt hình 3-D với những pha hành động tuyện vời dựa trên sức mạnh của chiều không gian thứ ba.

Các bộ phim hè 2011 còn mang lại một điều tích cực khác là trình làng của hàng loạt những diễn viên mới đầy triển vọng. Nữ diễn viên 17 tuổi Saoirse Ronan trong phim Hanna vào vai một cô gái sống tách biệt không biết giao tiếp với con người và có nhiệm vụ ám sát một phụ nữ. Thiên thần nội y của Victoria's Secret là Rosie Huntington-Whiteley có vai diễn đầu tiên vô cùng ăn ý với Shia LaBeouf trong Transformers 3,  dàn diễn viên nhí trong Super 8 diễn xuất như đã vào nghề từ lâu…

Mùa hè 2011 còn là sự trình chiếu rộng rãi của các phim nghệ thuật đã từng giành giải cao ở Oscar 2011 là The king’s speech (Diễn văn của nhà vua) và Cannes 2011 là phim The tree of life (Cây đời). The king’s speech là phim độc lập với 8 triệu USD kinh phí nhờ giành 4 tượng vàng Oscar đã có doanh thu hơn 400 triệu USD ngang ngửa với siêu phẩm Cars 2 được đầu tư gần 200 triệu USD. Thế mới biết, hãy cứ là phim hay thì dù ra rạp ở thời điểm nào cũng sẽ thắng lớn mà chẳng cần gắn mác “bom tấn”.

HÀM ĐAN