Nhiều
người trong ngành điện ảnh đang bức xúc tình trạng chất lượng nghệ
thuật của các bộ phim ngày càng đi xuống do thiếu kinh phí đầu tư. Lý do
này thoạt chừng có vẻ hợp lý vì điện ảnh không phải là sản phẩm của con
nhà nghèo.
Nhưng
nếu nhìn lại sự thành công về mặt nghệ thuật của những bộ phim Việt Nam
thời kỳ bao cấp khó khăn trăm bề hoặc những bộ phim kinh phí thấp của
điện ảnh I-ran đã làm thế giới say mê gần đây, rõ ràng tiền không phải
là “chìa khóa vạn năng” quyết định chất lượng bộ phim.
Trong
bối cảnh kinh phí mà nhà nước chi để hoàn thành một bộ phim cao lắm chỉ
hơn chục tỷ đồng thì những nhà làm phim phải biết “liệu cơm gắp mắm”.
Con nhà nghèo thì không nên chơi sang! Đã là phim nghệ thuật thì những
chi tiết tưởng chừng vụn vặt trở đi trở lại, đôi mắt thoáng buồn của
nhân vật... cũng có thể trở thành nghệ thuật, ám ảnh người xem mà không
nhất thiết phải đi theo phong cách dựng những đại cảnh hoành tráng như
phim Hollywood. Cho nên, các cấp quản lý cần phải kiên quyết “nói không”
với dự án điện ảnh đòi hỏi đạo cụ tốn kém và kỹ xảo quá hiện đại, thay
vào đó là tập trung đi vào những chiều kích của thân phận con người
trong những câu chuyện đời sống bình dị. Hướng đi này vốn đã từng làm
nên thương hiệu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam trước đây, ví dụ bộ
phim kinh điển “Cánh đồng hoang” không mô tả cảnh chiến trận hoành tráng
mà chỉ đơn giản kể về số phận một gia đình vùng Đồng Tháp Mười trong
chiến tranh chống Mỹ. Đó là vấn đề tài năng.
Với
nền điện ảnh đang chập chững làm quen với cơ chế thị trường như hiện
nay, sự hỗ trợ của nhà nước vẫn phải đóng một vai trò nhất định. Song,
những tác động chỉ nên giới hạn ở mức tối thiểu và mang tính gián tiếp
thông qua việc đầu tư trường quay và các thiết bị sản xuất phim, các cơ
chế chính sách thông thoáng... Việc đầu tư cho các dự án điện ảnh phải
mang tính tập trung cao độ tránh tình trạng đầu tư theo kiểu dàn trải
mỗi hãng phim một chút kinh phí hoặc lại quá dồn sức cho những phim mang
tính hiếu hỷ. Sự đầu tư trực tiếp có chăng chỉ ở những phim thực sự có
nhiều điểm mới lạ trong nội dung, cách tân về hình thức.
Song
song với quá trình thực hiện những bộ phim còn được cấp kinh phí, các
hãng phim vốn quen với cơ chế xin-cho, cần tích cực chủ động gia nhập
vào guồng quay sản xuất phim thương mại hiện nay. Muốn trở thành một
người giỏi nghề, ngoài kiến thức nhà trường cần làm nghề nghiêm túc
trong một quãng thời gian liên tục. Thực tế đã chứng minh, vô số đạo
diễn và diễn viên phim nghệ thuật nổi tiếng nhất trên thế giới đều từng
trải qua thời kỳ đầu sự nghiệp “ngụp lặn” tham gia sản xuất những phim
truyền hình, các phim quảng cáo vô thưởng vô phạt. Chính cơ chế thị
trường sẽ sàng lọc tất cả; khi đó chỉ những người có tài và yêu nghề mới
tồn tại để tiếp tục nuôi giấc mơ làm phim nghệ thuật. Và cũng chỉ có
tài năng thực sự mới có thể trình làng những bộ phim hay, dù cho sự đầu
tư rất khiêm tốn.
Một vấn đề nữa
cần đề cập là bên cạnh việc đầu tư cho điện ảnh về tiền bạc và cơ chế để
nuôi dưỡng tài năng, thì vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư
đang là thời sự. Một đất nước vừa thoát ngưỡng ngước nghèo, thu nhập
thấp, chậm phát triển như nước ta thì khoản tiền hơn 40 tỷ đồng "biến
mất" của ngành điện ảnh là rất lớn. Tuy vậy, dư luận còn băn khoăn rất
nhiều về những khoản đầu tư cho điện ảnh, về những bộ phim từng được
"đầu tư khủng" mà chất lượng thấp. Con số hơn 40 tỷ đồng chỉ là "giọt
nước tràn ly" để xã hội thêm một lần bức xúc với điện ảnh nước nhà. Tuy
nhiên, cũng có thể từ đây, sau những mổ xẻ, phán quyết của các cơ quan
chức năng và công luận, ngành điện ảnh có một cơ hội thay đổi mang tính
bước ngoặt?! Hy vọng như thế.
HÀM ĐAN
HÀM ĐAN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét