Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

THỜI ĐÀM (XIV): BÌNH THƯỜNG NHƯ... CÂN ĐƯỜNG HỘP SỮA!



Mãi đến những tháng cuối năm 2011, lĩnh vực xuất bản mới có một ấn phẩm tạo ra dư luận chia làm hai phe khen-chê sôi nổi. Bất ngờ hơn, không phải một cuốn sách ken đầy chữ mà chỉ là cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh mang tên Sát thủ đầu mưng mủ (NXB Mỹ thuật và Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam) của họa sĩ Thành Phong mới nguyên do của những tranh cãi bất phân thắng bại.

Việc biên soạn những từ ngữ “lệch” này đã có tiền lệ với cuốn Sổ tay từ-ngữ lóng tiếng Việt (NXB Công an nhân dân, 2008) do Đoàn Tử Huyến và Lê Thị Yến soạn theo kiểu từ điển bỏ túi, giải thích nghĩa các từ lóng rõ ràng. Sát thủ đầu mưng mủ rất khác bởi ngoài những từ lóng ghép thành câu có ý nghĩa (ví dụ: Phi công trẻ lái máy bay bà già), nhiều câu thành ngữ được tuyển chọn chỉ là cách chơi chữ về âm (ví dụ: Đau khổ như con hổ) mà không có ý nghĩa nào cụ thể. Chưa kể một số hình minh họa khá thô, diễn đạt chưa đúng ý nghĩa của thành ngữ. Đó là những cơ sở cho những người chê cuốn truyện tranh là nhảm nhí, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Họ đặt câu hỏi chính đáng: Sẽ ra sao nếu như những người trẻ chưa đủ hiểu biết, sử dụng bừa bãi những thành ngữ sành điệu này?

Ở chiều ngược lại, những người thích cuốn truyện tranh cũng có lý khi lập luận rằng: Những thành ngữ trên chỉ là những câu nói dùng trong tán gẫu của một bộ phận thanh niên thời nay, cộng với những minh họa ngộ nghĩnh có tác dụng xả “xì-trét”. Một vài hình minh họa vô cùng sáng tạo đầy ý nghĩa, ví dụ: Dã man như con ngan là câu vô nghĩa nhưng họa sĩ đã vẽ hình một ngan già cầm cổ ngan con bắt ăn, gợi người đọc đến chuyện các bảo mẫu hành hạ trẻ em từng khiến dư luận căm phẫn. Về cơ bản, cuốn truyện tranh này chỉ đọc cho vui, chứ có cho tiền cũng chẳng ai dại dùng thành ngữ sành điệu vào trong văn bản hành chính hoặc trong ngữ cảnh giao tiếp sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực! Vì vậy, không nên quá lo lắng đến mặt chưa tích cực của cuốn sách.  

Muốn khen hay chê cuốn thành ngữ sành điệu bằng tranh hay nói rộng ra là ngôn ngữ lóng cần phải hiểu đúng bản chất của hiện tượng ngôn ngữ này. Giả dụ, đây là lần đầu tiên và cuối cùng kiểu ấn phẩm tập hợp những câu nói thời thượng được phát hành thì cũng không thể ngăn chặn cách nói này ngừng lan truyền, vì nó vẫn tiếp tục tồn tại ở môi trường internet với tốc độ nhanh như… tên lửa. Sâu xa hơn, cơ chế sản sinh của những thành ngữ này là cách diễn đạt hài hước xuất phát từ hiện thực cuộc sống; chẳng hạn, lối sống thực dụng của một vài kiều nữ luôn cặp với đại gia ngày càng phổ biến thì câu: Trăm lời anh nói không bằng làn khói A còng, sớm muộn gì cũng xuất hiện! Vì mang trong mình “chất sống” của hiện thực mà ngôn ngữ lệch chuẩn này đi vào đời sống và văn chương (tiểu thuyết Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, Số đỏ của Vũ Trọng Phụng…) một cách tự nhiên. Với những câu chỉ là biến tấu từ vỏ âm thanh mà vô nghĩa thì chắc chắn vẫn sẽ sinh sôi vì tiếng Việt là ngôn ngữ đa âm tiết, giàu nhạc tính sẽ gây cảm giác thích thú khi nghe. Chính những lí do trên mà ở nước ta lẫn các nước trên thế giới, chưa một nhà ngôn ngữ học lẫn người quản lý văn hóa nào có ý định “dẹp bỏ” triệt để những ngôn ngữ không chuẩn mực!

Đã không thể kiểm soát được sự sinh sôi của thành ngữ sành điệu thì chỉ có cách hướng dẫn những người sử dụng, nhất là giới trẻ dùng đúng nơi đúng lúc. Sự giáo dục kiên trì và lâu dài mới hình thành thói quen văn hóa kiểu như việc đi lễ chùa thì không ăn mặc hở hang! Với những người vô văn hóa, họ sẽ ít dùng những câu thành ngữ hài hước vài ba từ này, vì những con người kể trên ít không có tính hài hước, hễ bực tức sẽ phun ra một đến hai từ ngắn gọn và đầy tục tĩu. Vì vậy, không nên quá lo lắng vì mặt trái của những thành ngữ sành điệu, hãy cứ để mọi việc phát triển bình thường như… cân đường hộp sữa!

                                                HOÀNG BÌNH PHƯƠNG