Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

CHÙA THẦY ĐANG… MẤT THIÊNG!



Chùa Thầy từ hàng trăm năm nay là danh thắng của xứ Đoài gắn với tên tuổi của Đức thánh Láng Từ Đạo Hạnh (1072 - 1116); là nơi lưu dấu nét văn hóa làng quê Bắc Bộ cổ truyền. Vậy mà, với tốc độ đô thị hóa cùng sự quản lí kém và lối làm du lịch “ăn xổi” của người dân đã làm cho một chốn linh thiêng dần mất thiêng.


Không gian Việt cổ đã mất!

Nếu so sánh hai bức ảnh chụp đầu và cuối thế kỷ 20 thì sẽ khó mà nhận ra những thay đổi cảnh vật xung quanh chùa Thầy. Vẫn là Thủy đình nằm giữa ao Long Chiểu nên thơ; đôi mái nhà tranh hoặc ngói phủ rêu xanh cổ kính xen lẫn kiến trúc chùa uy nghiêm nằm dưới chân núi Thầy sừng sững. Thế nhưng, chỉ sau một thập niên của thế kỷ 21, quang cảnh chùa Thầy khiến nhiều người ngỡ đang đi trên phố phường Hà Nội. Dưới chân núi Thầy nhà cao tầng mọc lên san sát phá vỡ hoàn toàn kiến trúc làng quê Bắc Bộ.

Điều đáng buồn hơn, bản thân các công trình thuộc quần thể chùa Thầy đều biến dạng. Rõ nhất là cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi. Phần mái cong của cầu đã được đắp xi măng hoàn toàn sai với nguyên bản trong những bức ảnh còn lưu ở Viện khoa học xã hội Việt Nam. Cần phải nhắc lại rằng, mục đích lớn nhất của trùng tu là bảo tồn di tích gốc và chỉ khôi phục khi có những chứng cứ khoa học tại chỗ. Bài học “đắp xi măng” làm biến đổi di tích gốc còn nhãn tiền ở đền Bình Thạnh (Tây Ninh), cổng thành cổ Nghệ An… lại tiếp tục tái diễn ở chùa Thầy. Theo những người dân địa phương cho biết, việc tôn tạo cầu Nguyệt Tiên là do một công ty xây dựng đang đứng chân ở địa bàn thực hiện để cung tiến. Một đơn vị không có chức năng trùng tu lại “hồn nhiên” đi làm việc “sửa sang” di tích mà không có cơ quan chức năng nào vào cuộc để ngăn chặn.

Để làm rõ hơn hiện trạng hiện nay về không gian văn hóa ở chùa Thầy, chúng tôi tìm gặp PGS-TS văn hóa học Đỗ Lai Thúy - một người sinh ra gần núi Thầy để nghe những đáng giá của ông. Ông cho biết: “Hơn 10 năm trước đây, có một dự án của Ý định di dời toàn bộ những ngôi nhà gần chân núi để mở rộng ao Long Chiểu đến sát chân núi Thầy nhằm tái hiện lại không gian cổ. Tiền đền bù di dời đã được phía bạn cam kết tài trợ. Tuy nhiên, do chính quyền địa phương khi ấy cảm thấy thủ tục đền bù quá phiền hà nên sự án không thể thực hiện được. Vùng Sài Sơn có 17 ngọn núi đã bị biến thành nguyên liệu cho nhà máy xi măng Sài Sơn. Cảnh vật tự nhiên và làng quê quanh chùa Thầy thực sự không còn tồn tại. Giờ đây, dự án khu vui chơi, nhà ở, sân golf… của công ty Tuần Châu Hà Tây bên cạnh chùa Thầy hoàn thành thì những bờ ruộng cũng biến mất khi đó núi Thầy chỉ còn là… hòn non bộ mà thôi”.

Mới đây, Asian News Channel trình chiếu một phóng sự về một khu du lịch sinh thái nằm canh những ruộng lúa ở Indonesia. Khách du lịch được sống như những người nông dân bản xứ: trồng lúa, đánh bắt cá, tự nấu cơm, ngủ trong những nhà sàn, đi chùa… Giả sử, dự án năm xưa được hoàn thành như mục đích đề ra thì có thể xây dựng quanh chùa Thầy một làng Việt cổ trở thành điểm du lịch sinh thái dân tộc học mà Indonesia đã làm được. Khi ấy, chùa Thầy sẽ là nơi níu khách ngoại quốc lưu trú dài ngày chứ không chỉ ở lại một vài giờ hay chỉ để những du khách Việt đến để cầu may hoặc… xem bói.

Quản lí tồi!

Dù quang cảnh chùa Thầy xưa chỉ còn trong hoài niệm nhưng trong tâm thức khách thập phương thì chùa Thầy vẫn là nơi để người ta tìm đến mong có được cảm giác bình an, thanh tịnh.

Thế nhưng, đến chùa Thầy vào ngày thường cũng khiến nhiều người cảm thấy bực mình. Mới đặt chân đến chân núi Thầy, chúng tôi bị một “đạo quân” mời mọc mua hương, thuê đèn pin để xuống hang Cắc Cớ. Sau khi đã hết lời từ chối, leo vội vàng lên khuôn viên chùa thì gặp ngay một đội quân khác với các “dịch vụ” xem bói, bán bùa túi, túi thơm, thẻ lộc… Đặc biệt hơn, họ còn “tự nguyện” làm hướng dẫn viên khi thao thao bất tuyệt về lịch sử của chùa mặc cho khách có muốn nghe hay không.

Ban quản lí không những không can thiệp vào tình trạng lộn xộn mà còn có những hành động vô văn hóa với khách tham quan đến mức khó tin. Ban quản lí chỉ thu phí khi có đoàn khách đến còn những khách riêng lẻ thì cứ lên chùa mà không trả đồng tiền nào; đã vậy, một người đàn ông của ban quản lí khi thu phí tham quan một đoàn sinh viên đến tham quan với giọng đe nẹt ngay trong khuôn viên chùa bằng những ngôn từ ở… vỉa hè. Thu phí (5 ngàn đồng/ người) nhiều nhưng không thấy đầu tư trở lại phục vụ du lịch, bằng chứng là rác ở các lối đi nhiều vô kể, không có lấy một thùng rác nào để những người còn có ý thức giữ gìn cảnh quan đựng rác. Khi ra về, chúng tôi còn để ý tấm biển chỉ dẫn đường vào chùa cắm ven đường cao tốc Láng – Hòa Lạc bụi mịt mù đã không còn nữa. Chỉ khổ những du khách chưa quen đường chắc sẽ mất nhiều thời gian để dò hỏi; hẳn họ sẽ tự an ủi: “Muốn đến cửa Phật phải qua… khổ nạn!”.

Ngày mùng 5 tháng ba âm lịch sắp tới, chùa Thầy lại mở hội. Với tình trạng như trên thì sẽ có bao nhiêu người quay lại vãn cảnh chùa? Chùa Thầy theo thời gian liệu có còn là một chốn linh thiêng trong lòng người?

Hàm Đan