Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2010

KHI TIỂU NÔNG ĐỘC QUYỀN...

Gần đây, dư luận đang phẫn nộ với vụ việc dịch vụ truyền hình vệ tinh K+ nâng giá thuê bao sau khi có bản quyền tất cả các giải bóng đá hấp dẫn nhất trong ba mùa giải bắt đầu từ mùa giải 2010-2011. Muốn xem vọn vẹn các trận cầu vào cuối tuần thì các fan của trái bóng tròn phải bỏ ra 1,5 triệu đồng mua đầu thu của K+ và phải trả thuê bao 250 nghìn đồng/tháng cho gói kênh Premium nghĩa là gấp 4 lần số tiền trước đây để xem tất cả trận bóng đá ở các dịch vụ truyền hình khác. Với thị dân rõ ràng để hưởng sự sung sướng từ môn thể thao vua là “chuyện nhỏ” nhưng với vùng nông thôn là cả một sự nâng lên đặt xuống khi mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ có tăng chứ không giảm.

Không ai phủ nhận muốn xem chương trình truyền hình hay thì cần phải trả tiền nhưng điều đó không có nghĩa là muốn tăng bao nhiêu cũng được một khi có bản quyền phát sóng, tăng giá vô tội vạ là biểu hiện của độc quyền trong kinh doanh. Ngoài bản quyền bóng đá, 70 kênh của gói kênh Premium của K+ không khác số kênh của Trung tâm truyền hình cáp Việt Nam (VCTV) – hình thức truyền hình trả tiền mà đa số người dân đang sử dụng; nghĩa là K+ “bắt buộc” số thuê bao VCTV phải chuyển đổi trong khi hai dịch vụ truyền hình này đều có “cha chung” là Đài truyền hình Việt Nam (VTV). Cần nhắc lại rằng: 51% cổ phần của K+ do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) nắm giữ. Suy ra, VTV đi ngược lại nhiệm vụ chính trị vì đã hạn chế nhu cầu chính đáng của đông đảo người dân là được thưởng thức những trận cầu hay vào mỗi dịp cuối tuần. Xem bóng đá sẽ là rất có ích cho giới trẻ hơn là mấy trò giải trí độc hại như game online. Việc K+ giữ độc quyền phát sóng các giải đấu bóng đá với chi phí đầu tư cao là không thể chấp nhận, thể hiện cách nhìn thiển cận đặc trưng của người tiểu nông khi chỉ thấy lợi nhuận trước mắt mà quên đi cái hại đang tiềm ẩn.

Ngoài việc lên tiếng tẩy chay K+, có ý kiến cho rằng: Các đài truyền hình cần liên kết thành một hiệp hội truyền hình rồi mua bản quyền để cùng hạ giá thuê bao. Điều này khó thực hiện bởi hiện tại, đầu óc của người kinh doanh truyền hình vẫn mang nặng tính tự trị, cục bộ địa phương của văn hóa làng xã nên mới có cảnh tranh nhau mua và cùng nhau chèn ép khách hàng; trong khi truyền thống kinh doanh của phương Tây là nhà đầu tư nào mạnh thì liên kết với khách hàng để triệt hạ đối thủ. Đã thế, theo phản ánh của những người mới dùng K+ thì chất lượng hình ảnh, lỗi từ đầu thu và thái độ của nhân viên K+ là không như những lời cam kết “có cánh” trước đó. Chữ tín trong văn hóa kinh doanh đang bị vi phạm trắng trợn nhưng người xem không biết kêu ai và không thể chuyển sang dịch vụ khác tốt hơn.

Nếu diễn biến vụ việc không có gì đổi khác, e rằng nó sẽ tạo tiền lệ xấu không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mà gián tiếp làm văn hóa trong ứng xử đi xuống.

HÀM ĐAN