Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

THỜI ĐÀM (XXI): HY VỌNG GÌ Ở TIỂU THUYẾT TƯƠNG TÁC?

Tiểu thuyết tương tác (Interactive novel) là hình thức tiểu thuyết vẫn còn khá mới mẻ trên thế giới nhưng đã có mặt ở Việt Nam khi NXB Dân trí thuộc Hội Khuyến học Việt Nam đứng ra thực hiện tiểu thuyết tương tác mang tên “Lựa chọn”.

Nói một cách vắn tắt, tiểu thuyết tương tác là hình thức hư cấu thông qua trang web, vì thế mà có người dùng thuật ngữ “wovel” (viết tắt web novel). Tiểu thuyết hình thành dựa trên một số chương mở đầu do một người viết, sau đó đăng tải trên trang web. Từ một khởi đầu câu chuyện và nhân vật cho sẵn, bất cứ ai cũng có thể viết thêm phần bổ sung để phát triển cốt truyện. Chính người khởi thảo câu chuyện hoặc một nhóm người sẽ lựa chọn những đoạn ưng ý nhất, sau đó ráp lại thành một tiểu thuyết.

Cách làm của NXB Dân trí không có gì khác biệt. Nhà văn Tô Hải Vân-tác giả tập truyện ngắn độc đáo “Bỗng dưng có một ngày” (NXB Hội Nhà văn, 2007) viết hai chương mở đầu tiểu thuyết “Lựa chọn” về hai nhân vật cậu bé Hoan và cô bé Hà. Hai chương tiểu thuyết trên đã đăng trên hai trang web: http://nxbdantri.com.vnhttp://vanhien.vn/. NXB gợi ý các phần tiếp theo hình thành câu chuyện phải “đầy nhân văn, thấm đẫm tình người, rất Việt Nam, không chấp nhận bạo lực, ám chỉ, và những điều mà Luật Xuất bản nghiêm cấm”; “khuyến khích cách viết và kỹ thuật viết mới mẻ, sáng tạo”. Cây bút nào muốn thử tài có thể gửi phần tiếp nối về địa chỉ email: tuongtaccungdantri@gmail.com. Ban Biên tập NXB Dân trí sẽ lựa chọn phần viết thích hợp nhất nối vào tác phẩm và công bố tiếp lên hai trang web nói trên. Cứ như vậy, tác phẩm được hoàn thiện với sự đóng góp của nhiều tác giả. Cuối cùng, tác phẩm sẽ được in thành sách. Các tác giả có phần viết được lựa chọn sẽ được ghi tên tương ứng với phần viết của mình, hưởng nhuận bút theo quy định.

Xét về bản chất, tiểu thuyết tương tác nằm trong dạng sáng tác tập thể, rất gần gũi với văn học dân gian. Văn học dân gian phổ biến thông qua hình thức truyền miệng, tác phẩm gốc đầu tiên sẽ được nhiều người thêm thắt để tạo ra các phiên bản khác tùy theo quan điểm của từng cá nhân. Sau đó, phiên bản nào được nhiều người dùng nhất sẽ xem là bản chính thức, những phiên bản khác gọi là dị bản. Tiểu thuyết tương tác có khác một chút là môi trường tương tác được tạo dựng nhờ internet nên những cây bút muốn đóng góp các phần tiếp theo sẽ dễ dàng theo dõi câu chuyện đang được phát triển và sẽ tự điều chỉnh ý tưởng mới.  

Nếu nhìn sự việc theo bề nổi, hẳn nhiều người sẽ hy vọng tiểu thuyết tương tác sẽ cho ra đời tác phẩm chất lượng. Nhưng thực tế chứng minh, việc nhiều người tham gia cùng viết tiểu thuyết nói chung hay thể loại hư cấu nói riêng chưa bao giờ thành công! Lý do rất đơn giản, mỗi người viết có nền tảng văn hóa khác nhau, lối viết văn khác nhau…; nhiều người cùng viết một tiểu thuyết sẽ gây ra nghịch cảnh là tác phẩm không còn là một chỉnh thể nghệ thuật. Chỉnh thể nghệ thuật là sự thống nhất các yếu tố như: Nội dung, hình thức, ngôn ngữ, giọng điệu, cấu trúc… Sự thống nhất này phải đạt đến độ không thể tách rời, đến mức chỉ có thể dùng một kiểu ngôn ngữ và giọng điệu mới có thể biểu đạt tối đa nội dung; nói nôm na như câu: “Nồi tròn úp vung tròn, nồi méo úp vung méo”. Cũng vì lý do trên mà người ta luôn cho rằng: Kiệt tác văn chương ra đời là do thiên tài của cá nhân!
         
Dĩ nhiên, hình thức tiểu thuyết tương tác vẫn có thể cho ra đời một tiểu thuyết không quá kém. Yếu tố quyết định ngoài tài năng của các cây bút, giá trị tiểu thuyết tương tác còn phải nhờ vào “con mắt” biên tập, định hướng nghệ thuật của ban biên tập dự án. Nếu cốt truyện tiểu thuyết phát triển một cách tự phát, các yếu tố còn lại ban biên tập có thể uốn nắn để theo một chiến lược nghệ thuật đã vạch sẵn nhằm hình thành một tác phẩm chí ít ở mức độ “đọc được”. Nhưng như vậy, có thể những bước đột phá cực kỳ bất ngờ mang tính thiên khải nhiều khả năng sẽ không được sử dụng; đồng thời cũng giảm đi nhiều bản chất tương tác.

Ở thời điểm khi tác phẩm vẫn đang hoàn thiện, chưa thể đánh giá hiệu quả của hình thức tiểu thuyết tương tác. Tuy nhiên, một dự án ít tốn kém và cho phép các cây bút thỏa sức sáng tạo, hình thức tiểu thuyết tương tác chí ít cũng thành công khi tạo ra “sân chơi” kết nối những người yêu tiểu thuyết lại gần với nhau.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2012

NGÀY HỘI SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC 2012: CHẤT LƯỢNG CHƯA XỨNG TẦM


Với chủ đề “Sách-chìa khóa của thành công” và thông điệp “Đọc sách cho cuộc sống tốt đẹp hơn”, “Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012” (gọi tắt là Ngày hội sách) đã trở thành hoạt động văn hóa mang tầm Quốc gia với sự tham gia hưởng ứng của nhiều địa phương. Nhưng dư âm Ngày hội sách năm nay vẫn còn đó nhiều băn khoăn về chất lượng chưa đuổi kịp quy mô.

Mở rộng quy mô
       
Hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới” (World Book and Copyright Day) 23-4, năm nay, với tên gọi “Ngày hội sách và văn hóa đọc 2012”, Ban tổ chức (BTC) đã quyết định mở rộng quy mô Ngày hội sách ở tầm Quốc gia để trở thành hoạt động thiết thực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII sẽ thông qua Luật Thư viện; song, mục tiêu quan trọng nhất là Ngày hội sách sẽ nâng cao nhận thức của người dân đặc biệt là lớp trẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách, khuyến khích đọc sách, đưa văn hóa đọc lan tỏa rộng rãi tới người dân.

Địa điểm chính của Ngày hội sách 2012 vẫn được tổ chức ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội). Rút kinh nghiệm từ lần trước, do lượng người tham dự đông và có nhiều hoạt động nhưng chỉ diễn ra trong một ngày nên xảy ra tình trạng “quá tải”; BTC đã quyết định ngày hội sẽ diễn ra trong hai ngày 21 và 22-4. Các hoạt động của Ngày hội sách năm nay cũng nhiều hơn năm ngoái với tổng cộng 14 hoạt động.

Có thể kể ra hoạt động đáng chú ý như: Chương trình giao lưu, tọa đàm giữa các nhà quản lý, nhà nghiên cứu khoa học là GS-TS Chu Hảo-Giám đốc NXB Tri thức; bà Lê Thị Bích Hồng-Phó vụ trưởng Vụ Văn hóa, Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; nhà văn Nguyễn Quang Thiều-Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam... với công chúng xung quanh các vấn đề nâng cao văn hóa đọc. TS Nguyễn Mạnh Hùng (Giám đốc Công ty sách Thái Hà) - một diễn giả lâu năm về văn hóa đọc đã thuyết trình về vấn đề “Sách-chìa khóa của thành công” khi ví von tri thức có được nhờ đọc sách là thứ “của cải” vô giá không thể bị phá hủy. Với những độc giả nhí, Ngày hội sách năm nay trở nên sôi động khi có “sân chơi” là thi vẽ tranh theo sách, tô màu theo tranh, chơi trò chơi trí tuệ... Các hoạt động hoàn toàn mới của Ngày hội sách năm nay thu hút sự chú ý của người dân tham dự nhất là trình diễn thơ và văn xuôi của các cây bút trẻ như: Thụy Anh, Mai Anh Tuấn, Vũ Anh Vũ, Vũ Thiên Kiều...; và một điều đặc biệt của năm nay là mỗi người đến tham dự Ngày hội sách đóng góp sách để BTC chuyển đến các vùng nông thôn nhằm góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ngoài địa điểm Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) cũng đã tổ chức triển lãm “Sách hay, sách đẹp, sách quý” giới thiệu các sách hay đoạt Giải thưởng sách Việt Nam từ năm 2005 đến năm 2011; các sách quý, sách cổ, sách trên những chất liệu đặc biệt, sách có kích thước to nhất, nhỏ nhất...

Không chỉ sôi động ở Hà Nội, Ngày hội sách năm nay còn diễn ra tại hơn 30 địa phương trong cả nước bởi sự chủ động hưởng ứng của các thư viện tỉnh. Điển hình như tỉnh Bắc Kạn - một địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vẫn tổ chức Ngày hội sách với chủ đề “Tuổi trẻ đọc sách cho ngày mai” khá sôi động với các chương trình: Tặng sách giờ vàng, tặng quà cho độc giả làm thẻ thư viện…

Mới qua hai lần tổ chức mà đã có tới hơn 50% số địa phương trên cả nước hưởng ứng Ngày hội sách thì có thể lạc quan tiên đoán Ngày hội sách sẽ có sức sống bền bỉ, trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu với người dân.

Vẫn còn những băn khoăn

Một hoạt động vì cộng đồng như Ngày hội sách nhưng công tác quảng bá chưa được tốt, dẫn đến chưa kêu gọi sự hưởng ứng hết mình của người dân. Điển hình như: Chỉ còn 4 ngày diễn ra khai mạc nhưng BTC mới loan tin việc kêu gọi người dân đóng góp sách xây dựng nông thôn mới, nên không có nhiều người mang sách khi đến với Ngày hội sách. 

Hoạt động quảng bá thương hiệu và bán sản phẩm ở các quầy sách của các NXB và nhà sách không sôi động như năm ngoái. Mặc dù các công ty sách, các NXB tích cực níu chân khán giả như tạo hình nhân vật hoạt hình, lưu lại nét bút của khán giả làm kỷ niệm hay xếp sách nghệ thuật... nhưng không ít bạn đọc đến với Ngày hội sách tỏ ra thất vọng bởi các gian hàng sách vẫn còn nhỏ lẻ, sách nhiều nhưng không có nhiều sách hay và mới. Các NXB và công ty sách uy tín cũng không tham dự đầy đủ… Vì vậy, người đến với Ngày hội sách cũng chỉ đến một ngày cho biết.
Nhiều người trong giới xuất bản cũng chưa thực sự hài lòng vì BTC chưa có hoạt động cụ thể nào đề cập tới vấn đề bản quyền. Cần nhắc lại, ngày 23-4 hằng năm không chỉ có việc tôn vinh văn hóa đọc mà còn có vấn đề bản quyền. Hiện nay, câu chuyện vi phạm trắng trợn bản quyền sách đang là vấn đề “nóng” ở nước ta. Rất khó để có dịp tập hợp người yêu sách đông đảo như Ngày hội sách, lẽ ra BTC cần tận dụng sự kiện này để tuyên truyền người dân “nói không” với sách lậu.

Một vấn đề khác mà BTC cần rút kinh nghiệm là mỗi Ngày hội sách nên tập trung vào một hoạt động trọng tâm, tránh tình trạng đưa ra một chủ đề chi phối chung chung. Nỗi băn khoăn nói trên không phải không có cơ sở vì đã qua hai lần tổ chức, các hoạt động dù hay đến đâu thì lâu ngày cũng sẽ mang đến cảm giác nhàm chán cho người dự. Thiết nghĩ, không chỉ đổi mới từng hoạt động tại địa điểm chính là Hà Nội mà mỗi địa phường, tùy theo hoàn cảnh cũng cần tích cực sáng tạo các hoạt động để thu hút người dân tham dự Ngày hội sách  trong những năm tới.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

TITANIC-A CENTURY LATER: CÁI KẾT CÓ HẬU CỦA MỘT BI KỊCH


Ngày 14-4 năm nay là tròn một thế kỷ con tàu Titanic bị đắm, cướp đi sinh mạng của 1.514 người. Thời gian càng lùi xa nhưng huyền thoại Titanic vẫn vẹn nguyên gắn với những câu chuyện nhân văn lay động lòng người trong hơn hai tiếng tàu chìm dần vào lòng đại dương sâu thẳm.

1. Một câu hỏi của nhiều người là tại sao một thảm họa hàng hải lại chiếm trọn sự quan tâm của nhiều thế hệ, trở thành chất liệu cho các loại hình văn học nghệ thuật suốt một thế kỷ qua?

Lý giải câu hỏi đó, cần phải hiểu “đẳng cấp” tàu Titanic ở thời đại con tàu ra đời. Titanic là con tàu lớn nhất (dài 269m, rộng 28m ở sườn ngang, nặng 46.328 tấn) và sang trọng nhất thời bấy giờ. Titanic không đơn thuần chỉ là đỉnh cao kỹ thuật đóng tàu mà còn là sản phẩm kết tinh của trí tuệ, tính thẩm mỹ của châu Âu hùng mạnh nói chung và văn minh nhân loại nói riêng. Sau tai nạn, xảy ra một chấn thương tâm lý cho cả một thế hệ: Một kỳ công nhân tạo tưởng không bao giờ chìm lại “thua” một hiện tượng tự nhiên là một núi băng trôi. Nhiều người nhận ra: Số phận con người quá mong manh; con người đã phải trả giá khi xem thường sức mạnh tự nhiên. Nhiều người còn xem vụ chìm tàu Titanic là một trong những sự kiện chấm dứt thời đại hưng thịnh và lạc quan của châu Âu để bước vào thời kỳ lụi tàn khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) nổ ra hai năm sau đó.   

Ám ảnh trực tiếp từ vụ chìm tàu Titanic do các nguyên nhân bị che lấp dẫn đến thảm họa. Do hạn chế của khoa học cộng với việc bưng bít của chủ tàu nên các cuộc điều tra đã không có kết luận cuối cùng. Ngay cả chuyện rất đơn giản là con tàu thực sự đã chìm như thế nào? Nhiều nhân chứng đã xác nhận con tàu vỡ làm đôi, nhưng nhiều người muốn hướng dư luận tin rằng con tàu chìm nguyên vẹn để tránh bi kịch hóa vụ đắm tàu! Màn sương bí ẩn bao bọc quanh vụ đắm tàu đưa Titanic trở thành một huyền thoại. Không ít nhà “Titanic học”, họa sĩ, đạo diễn... thành danh kể rằng tuổi thơ của họ đã dành trọn cho nỗi đam mê muốn khám phá những bí ẩn về Titanic. Đến năm 1985, nhà hải dương học người Mỹ Robert Ballard đã phát hiện xác tàu Titanic ở độ sâu 4km. Sau đó, nhờ các công nghệ hiện đại và đội ngũ “Titanic học” hùng hậu, người ta mới dần giải mã những bí ẩn.

Thảm họa Titanic là tổng hợp từ sự bất cẩn của con người và phần lớn là bất lợi do tự nhiên đem đến; song kỳ lạ ở điểm, tất cả mọi yếu tố bất lợi đều tập trung cùng thời điểm khiến khối người mê tín tin rằng, chính Chúa đã làm chìm tàu. Thời điểm đầu hè 1912, lượng băng tan nhiều bất thường, gấp đôi các năm khác. Trong đêm định mệnh, tàu Titanic đã đi vào vùng giao nhau giữa hai dòng hải lưu nóng và lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn dẫn đến khúc xạ ánh sáng gây ra hiện tượng “chân trời ảo” (còn gọi là “ảo ảnh gương”) khiến hoa tiêu dù tập trung cũng không nhìn ra núi băng có trọng lượng gấp 6 lần Titanic đang ở rất gần. Cũng chính hiện tượng trên mà thuyền trưởng tàu California là Stanley Lord chỉ cách Titanic khoảng 16km (mất nửa tiếng di chuyển) không nhận ra con tàu trong tầm nhìn ống nhòm là Titanic. Có người còn tin rằng, khoảnh khắc mà S. Lord quan sát là thời điểm phần mũi tàu Titanic đã ở dưới mặt nước nên ông tưởng chỉ là con tàu cỡ nhỏ. Sáng hôm sau, S. Lord mới biết Titanic bị chìm ngay trước mắt và ông bị mang nỗi oan “thấy chết không cứu” cho đến hết đời.

Vẫn là tàu California, lúc 23 giờ (40 phút trước thảm họa), Cyril Evans-nhân viên điện tín duy nhất của tàu này đã gửi cảnh báo về núi băng cho Titanic, nhưng do hai tàu quá gần nhau nên tín hiệu từ tàu California làm Jack Phillips-nhân viên điện tín Titanic, suýt thủng màng nhĩ. Mệt mỏi vì phải gửi điện tín cho khách, J. Phillips đã không tiếp nhận lời cảnh báo. Trong lúc tàu chìm, J. Phillips đánh điện cầu cứu nhưng khi đó C. Evans đã đi ngủ!

          Về nguyên nhân từ con người là do trong quá trình đóng tàu Titanic, người ta đã không lường được độ yếu của 3 triệu đinh tán trên vỏ tàu. Thử nghiệm khoa học chứng minh, do pha nhiều xỉ vào sắt khiến các đinh tán yếu và cú va quệt vào mạn phải Titanic dư sức làm gãy đinh tán và nước tràn vào gây chìm tàu.     



2. Những phát hiện khoa học đã “hồi sinh” lại Titanic, nhưng để Titanic bất tử trong văn hóa đại chúng phải nhờ bộ phim “Titanic” (1997) của đạo diễn James Cameron. Trong phim có nhiều chi tiết không đúng như thực tế, ví như độ nghiêng đuôi tàu không quá lớn từng khiến người xem phim hãi hùng. J. Cameron quyết không sửa lại trong bản 3D phát hành tháng 4 này, vì điều quan trọng là tính ẩn dụ của bộ phim vẫn còn giá trị thời sự. Tàu Titanic như một thế giới thu nhỏ, nếu không cẩn trọng dễ gặp thảm họa ngay trước mắt mà không thể tránh nổi, như chuyện thời sự biến đổi khí hậu trẻ em cũng biết. Một khi thảm họa xảy ra, chỉ có những người thuộc tầng lớp dưới lãnh đủ như trong phim hành khách vé hạng 2 và 3 không kịp đi lên thuyền cứu sinh.

Phim “Titanic” để lại ấn tượng sâu đậm nhờ mối tình lãng mạn giữa chàng Jack và nàng Rose, nhưng rút cuộc chỉ là hư cấu; nhưng ở vụ đắm tàu Titanic, tồn tại nhiều câu chuyện nhân văn gây xúc động được kể đi kể lại tận ngày nay. Titanic là một trong số ít tàu chìm có tỷ lệ phụ nữ và trẻ em được cứu sống cao hơn đàn ông và thủy thủ đoàn; nghĩa là việc ưu tiên phụ nữ và trẻ em trong điều kiện không đủ thuyền cứu sinh thay vì cảnh chen lấn thường thấy. Những người thợ máy sẵn sàng chết để cố gắng thoát nước giúp con tàu không bị chìm nhanh, nếu không số người sống chắc ít hơn 710 người. Ban nhạc 7 người trên tàu Titanic đã chơi bản thánh ca như lời cầu nguyện lúc tàu dần chìm. Và không thiếu những câu chuyện chia ly rơi lệ: Rất nhiều người vợ đã nhìn chồng lần cuối sau khi xuống thuyền cứu sinh, có người đàn ông chết mà không biết rằng vợ mình đang mang thai đứa con đầu lòng...



Tất cả các yếu tố hợp lại khiến Titanic có một lượng fan khổng lồ, và có thể Titanic lại “chìm” lần nữa do quá được yêu mến. Một tờ giấy ghi thực đơn bữa ăn cuối cùng trên tàu Titanic của một hành khách sống sót sau một thế kỷ có giá gần 2,5 tỷ đồng Việt Nam thì những di vật của tàu Titanic dưới biển còn đắt gấp bội. Nguy cơ bọn săn cổ vật làm hỏng xác tàu là điều hiển nhiên. Chưa kể, việc các tàu lặn phục vụ tham quan đáp xuống xác tàu cũng khiến xác tàu hư hại nhiều. Nhưng may mắn là trước thời điểm 100 năm Titanic bị đắm, xác tàu đã được đặt dưới sự bảo vệ của UNESCO thông qua Công ước bảo vệ di sản văn hóa dưới nước. Thêm vào đó, R. Billard-người phát hiện xác tàu đầu tiên đã đề nghị dùng những chú robot làm sạch vỏ tàu và dùng loại sơn đặc biệt chống ăn mòn. Những robot cũng sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ khi các tàu lặn muốn tiếp cận xác tàu bất hợp pháp. Vậy là, sau một thế kỷ của bi kịch mang tên Titanic là một cái kết có hậu!

          HÀM ĐAN

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

HỘI THẢO KHOA HỌC “NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ PHÊ BÌNH VĂN HỌC”: SÔI NỔI HIẾN KẾ


Hội thảo mang tầm chiến lược

Ngày 10-4, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương (LLPBVHNTTƯ) phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học”. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đã tới dự. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tới dự và chỉ đạo Hội thảo. Nhiều nhà phê bình văn học nghệ thuật trong nước tham dự và bàn luận về những vấn đề “nóng” của phê bình văn học hôm nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao việc tổ chức hội thảo quan trọng này. Chủ tịch nước gợi ý, Hội đồng LLPBVHNTTƯ cần sớm ra mắt tạp chí chuyên đề để làm diễn đàn trao đổi lý luận định hướng sự phát triển đúng hướng của văn học nghệ thuật đất nước theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 23 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Bộ Chính trị khóa X. Các thành viên Hội đồng cần tập hợp ý kiến, mạnh dạn đề xuất những chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật nói chung và phê bình văn học nói riêng.

Về vai trò của phê bình văn học, đồng chí Đinh Thế Huynh nêu rõ: Phê bình văn học là một bộ phận cấu thành của đời sống văn học, của quá trình vận động và phát triển văn học. Phê bình văn học giữ vai trò vừa đồng hành với sáng tác để hiểu và đồng cảm với sáng tác, vừa góp phần rất quan trọng trong việc đánh giá, dự báo, góp phần định hướng cho sáng tác và cho dư luận. Phê bình văn học không chỉ là tiếng nói của các nhà phê bình, mà ở những tầm mức khác nhau, còn phản ánh thái độ, ý thức của công chúng xã hội đối với những giá trị và khuynh hướng văn học, nêu lên những đòi hỏi chính đáng của công chúng, của xã hội đối với các nhà văn, nhà thơ, với cả nền văn học và những tác phẩm văn học cụ thể.

Đánh giá của Hội đồng LLPBVHNTTƯ cho rằng: Hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X, nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức nhằm thảo luận những vấn đề quan trọng về lý luận và thực tiễn để kiến nghị những giải pháp thiết thực nhằm góp sức thúc đẩy phê bình văn học có bước phát triển tích cực. Bên cạnh một số kết quả tích cực, phê bình văn học hiện nay còn nhiều mặt yếu kém. Điều này biểu hiện trên các phương diện: Phê bình văn học chưa bám sát được sự phong phú của đời sống văn chương sôi động, chưa định hướng cho độc giả tìm đến những tác phẩm có giá trị. Tìm ra nguyên nhân sự tụt hậu của phê bình văn học rất quan trọng, song trọng tâm của Hội thảo là tìm lời giải cho câu hỏi: Cần làm gì và và làm như thế nào để khắc phục thực trạng trên? Với mục tiêu như vậy, có thể xem Hội thảo lần nay là hội thảo mang tầm chiến lược giúp định hướng cho phê bình văn học phát triển đúng đắn.

Nhìn thẳng vào yếu kém

Việc chỉ ra nguyên nhân dẫn đến yếu kém của phê bình văn học hiện nay không khó. Ngay cả một người không chuyên môn cũng nhận ra đời sống tinh thần ở nước ta đang dần chuyển sang văn hóa đại chúng. Theo PGS, TS La Khắc Hòa (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), xu hướng nói trên là tất yếu bởi thời đại hôm nay văn hóa đại chúng ở vị trí trung tâm, nó sẽ đẩy những hoạt động như phê bình văn học sang vị trí ngoại vi.

Khó khăn khách quan nói trên không chỉ có ở Việt Nam mà đó là hiện tượng mang tính toàn cầu. Nguyên nhân chính khiến phê bình văn học yếu kém được các chuyên gia đồng tình là ở vấn đề con người. Đã đành, ở thời nào những người làm công việc nghiên cứu đều là “của hiếm” song chưa bao giờ số người làm phê bình văn học lại mỏng như hiện nay. Ngoài yếu tố đam mê, để trở thành nhà phê bình văn học cần một quá trình tích lũy kiến thức khá lớn không chỉ văn chương mà cả các ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Sự khó khăn tự thân của phê bình văn học khiến nhiều cây bút trẻ nản lòng dấn thân vào nghề nghiệp. Điều đáng quan ngại hơn là chất lượng những người làm phê bình hiện nay, nhất là đội ngũ trẻ còn yếu. PGS, TS Phạm Quang Trung (Trường Đại học Đà Lạt) lấy ví dụ từ các bài phê bình văn học trên báo chí có chất lượng thấp do những người chịu trách nhiệm giới thiệu tác phẩm văn học hay nhìn nhận vấn đề văn học thường không có chuyên môn dẫn đến những bài phê bình cảm tính gây nhiễu loạn các giá trị thẩm mỹ.  

Các nguyên nhân khác cũng được đề cập đến như: Chính sách đãi ngộ cho những người làm phê bình văn học còn chưa tương xứng với công sức bỏ ra. TS Lê Thanh Nghị (Hội Nhà văn Việt Nam) còn chỉ ra một nguyên nhân khác là hiện tượng một số nhà phê bình có năng lực nhưng ngại va chạm, không muốn làm mất lòng người khác nên đứng ngoài cuộc trước những vấn đề bức xúc trong đời sống văn học.

Những nguyên nhân nói trên đã dẫn đến chất lượng khoa học và tính chuyên nghiệp của phê bình văn học bị xem nhẹ; xuất hiện lối phê bình cảm tính, thiếu một hệ thống tin cậy để đánh giá tác giả và tác phẩm. Không thể một sớm một chiều giải quyết những bất cập của phê bình văn học hiện nay; song nếu không hành động ngay từ bây giờ, một nền phê bình văn học yếu kém sẽ trực tiếp làm giảm năng lực tiếp nhận cái hay, cái đẹp của người đọc.

Gợi mở nhiều giải pháp

Một trong những giải pháp lâu dài nhưng hết sức quan trọng được các chuyên gia lưu tâm là phải xây dựng một nền phê bình văn học có tính hệ thống thông qua việc dịch và giới thiệu các lý thuyết phê bình trên thế giới. Từ khi Đổi mới đến nay, nhiều lý thuyết phê bình văn học đã được giới thiệu ở Việt Nam như: Chủ nghĩa hình thức (Formalism), Chủ nghĩa cấu trúc (Structuralism), Phân tâm học (Psychoanalysis)..., đã thay đổi hệ hình phê bình khiến phê bình khoa học hơn, lý giải sâu sắc hơn các hiện tượng văn học mới mẻ và tái phát hiện đối tượng tưởng chừng đã cạn kiệt ý nghĩa. Bên cạnh tiếp tục giới thiệu các lý thuyết phê bình văn học tiên tiến của thế giới như: Nữ quyền luận (Feminism), Giải cấu trúc (Deconstruction), Tân duy sử (New Historicism), Hậu hiện đại (Postmodernism)...; còn cần phải dịch các công trình mang tính tổng kết các trường phái để người làm phê bình văn học có cái nhìn hệ thống tri thức một cách nhanh và hiệu quả, giúp cho lớp trẻ đi vào con đường phê bình văn học dễ dàng hơn; đồng thời, giúp phê bình văn học nước nhà khỏi nguy cơ tụt hậu ở cấp độ tư duy, nhận thức, tri thức. Khối lượng công việc khổng lồ nói trên cần có sự chung tay của các cá nhân và tổ chức dựa trên sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của Nhà nước mới sớm trở thành hiện thực.

Việc quy hoạch đội ngũ, bố trí lực lượng phê bình văn học được chính những người trong cuộc xem là giải pháp đột phá cần giải quyết nhanh chóng. Đối tượng được tập trung ưu tiên là các nhà phê bình trẻ. Đa số các ý kiến đều cho rằng, nguồn nhân lực trẻ cho phê bình vẫn nằm ở trong các khoa ngữ văn ở các trường đại học. Trên cơ sở rà soát lại lực lượng, có kế hoạch đào tạo lại một cách có hệ thống thông qua hình thức cung cấp thông tin, vừa tiến hành thảo luận những vấn đề cơ bản, thời sự của văn học, bồi dưỡng lớp trẻ trở thành lực lượng nòng cốt trong tương lai. GS, TS Mai Quốc Liên (Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt) nêu ý kiến: Cần lựa chọn những người có am hiểu về văn học để phụ trách biên tập các trang, mục, chương trình liên quan đến văn học trên các phương tiện truyền thông đại chúng; đồng thời bồi dưỡng họ vững vàng về mặt chính trị giúp họ nâng cao trách nhiệm trong công việc.

Một giải pháp khác được các đại biểu nhất trí cao là phải hình thành Quỹ hỗ trợ phê bình văn học để trợ giúp các hội thảo và in ấn sách phục vụ công tác phê bình. Cần hỗ trợ cụ thể về kinh phí những công trình phê bình văn học nghiêm túc, có giá trị khoa học, có phát hiện mới mẻ để sớm đến được với công chúng.

Sau cuộc Hội thảo này, Hội đồng LLPBVHNTTƯ sẽ đưa các kiến nghị cụ thể đến các cơ quan chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, một số viện nghiên cứu, trường đại học... để các giải pháp nhanh chóng được thực hiện và phát huy hiệu quả giúp chấn hưng phê bình văn học nước nhà.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

"BA ƠI, MÌNH ĐI ĐÂU?"


Có những tác phẩm văn chương chỉ nên đọc một lần, không phải vì chất lượng tác phẩm không đáng để lần giở lại mà vì sức ám ảnh quá lớn, không mấy người có dũng khí đọc lần thứ hai. Như tiểu thuyết “Ba ơi, mình đi đâu?” (Phùng Hồng Minh dịch, NXB Hội Nhà văn, 2009) của nhà văn Pháp Jean-Louis Fournier chẳng hạn; đọc xong, nhiều người sẽ để nó trên giá sách và chuyển sang đọc một cuốn sách khác để nhanh chóng tạm quên những ám ảnh mà cuốn sách đem lại.

Không ám ảnh sao được khi “Ba ơi, mình đi đâu?” là lời tự thuật của người cha viết cho hai đứa con trai bị bệnh thiểu năng và dị tật bẩm sinh khiến chúng vừa ngu ngơ vừa không thể vận động được. Người cha trong cuốn tiểu thuyết chính là tác giả J. L. Fournier vì ngoài đời thực ông có hai đứa con trai tật nguyền. J. L. Fournier là một nhà văn kiêm đạo diễn điện ảnh nổi tiếng; sau nhiều năm, ông mới viết về hai đứa con tật nguyền vì nghệ thuật làm bất tử hóa bất cứ hình tượng nào: “Một cuốn sách ba viết cho các con. Để không ai quên được các con, để các con không chỉ hiện hữu trên một bức ảnh trong tấm thẻ chứng nhận tật nguyền”.

Đọc tiểu thuyết mỏng hơn 150 trang này, khó ai có thể quên bi kịch giáng xuống nhân vật người cha J. L. Fournier mà ông phải tự nhận: “Tôi có tới hai ngày tận thế”. Đó là hai ngày mà Mathieu và Thomas ra đời, cả hai lần bác sĩ đều thông báo hai đứa trẻ vĩnh viễn không phát triển bình thường. Khi rơi vào bi kịch, theo bản năng người viết dễ sa vào giọng oán hờn; nhưng ngược lại “Ba ơi, mình đi đâu?” viết bằng giọng văn “hài hước đen” né tránh ủy mị. Đó là điều cốt yếu khiến cuốn tiểu thuyết trở nên độc đáo khi tác giả cười trên nỗi đau khổ của chính bản thân.

Gần như trong trang sách nào, J. L. Fournier đều kể lại những điều hài hước trong nhiều năm chăm sóc hai đứa con tật nguyền: “Mathieu luôn phát ra những tiếng “brừm-brừm” từ miệng. Thằng bé nghĩ mình là một chiếc ô tô... Đã nhiều lần tôi phải yêu cầu nó tắt ngay động cơ nhưng vô ích... Tôi không thể ngủ, ngày hôm sau tôi phải dậy sớm... Tôi tự an ủi mình bằng suy nghĩ ngay cả những đứa trẻ bình thường cũng khiến cha mẹ chúng mất ngủ. Thật đáng đời họ”. Thường thì cái cười là khởi điểm nhưng kết thúc của một tình huống lại là sự cay đắng cho người cha và cho chính người đọc: “Mới đây, tôi gặp một chuyện rất xúc động. Mathieu đã say sưa đọc một cuốn sách. Tôi lại gần, vô cùng hồi hộp. Nó cầm quyển sách ngược”.   

Sự lặp đi lặp lại một cách viết dưới cùng một góc nhìn không làm độc giả cảm thấy nhàm chán vì “Ba ơi, mình đi đâu?” là tiểu thuyết viết dưới hình thức thư. Hình thức thư đưa đến cho độc giả một nghệ thuật kể chuyện bông lơn và cách diễn đạt hóm hỉnh tinh tế. Hơn nữa, thư vốn là hình thức linh hoạt nên sẽ giúp người kể chuyện thoải mái trong suy nghĩ, vượt mọi khoảng cách về không gian và thời gian mà không làm tổn hại đến trình tự diễn biến của cốt truyện.


J. L. Fournier đã tiếp nối truyền thống các tiểu thuyết viết bằng thư từ các nhà văn trước như: “Nàng Héloise tân thời” của Jean-Jacques Rousseau (1712-1778), “Những mối quan hệ nguy hiểm” của Pierre Choderlos de Laclos (1741-1803), “Alexis hay thỏa ước của trận chiến vô nghĩa” của Marguerite Yourcenar (1903-1987)… Việc tìm đến với hình thức viết thư có thể xem là tất yếu trong lựa chọn “cái biểu đạt” cho nội dung “Ba ơi, mình đi đâu?” vì kỹ thuật viết thư cho phép mang lại sự hư cấu tưởng tượng một bề ngoài chân thực nói như nhà phê bình Thụy Sĩ Jean Rousset (1910-2002) trong tiểu luận “Hình thức và ý nghĩa” (1963): “Tiểu thuyết dưới hình thức thư làm cho người đọc gần gũi với tình cảm đã trải nghiệm đúng như người ấy đã sống”. Cho nên, dù là người ngoài và không tận mắt chứng kiến cuộc sống của người cha với hai đứa con tật nguyền nhưng chẳng ai sau khi đọc cuốn sách có thể nghi ngờ về sự tự nhiên trong cảm giác hài hước lẫn cay đắng hòa làm một của người cha trong tiểu thuyết.

Viết thư khiến người ta có thể suy ngẫm, và có thể sửa chữa những thiếu sót khuyết điểm của mình như nhân vật người cha sám hối với hai đứa con: “Thường thì ba không chịu đựng nổi các con, thật khó để có thể thương yêu các con. Với các con, cần phải có lòng kiên nhẫn vô tận của một thiên thần, mà ba thì không phải thiên thần”.   

“Ba ơi, mình đi đâu?” là một cuốn sách của những câu chuyện giản dị nhưng ý nghĩa khái quát sâu nhất của tác phẩm lại đụng đến câu hỏi bản thể muôn đời: Ta từ đâu đến? Làm gì? Đi đâu? Nó giống như câu hỏi thường trực của cậu bé tật nguyền Thomas hỏi người cha: “Ba ơi, mình đi đâu?”. Người cha chỉ còn cách im lặng: “Đến lần hỏi thứ mười “Ba ơi, mình đi đâu?” thì tôi không trả lời nữa... Ba cũng chẳng biết rõ chúng ta đi đâu, Thomas tội nghiệp của ba à”.

          “Một cuốn sách hướng con người đến cái thiện”-Christine Jordis (Trưởng ban giám khảo giải Fémina) đã phát biểu như vậy sau khi “Ba ơi, mình đi đâu?” được trao giải thưởng danh giá Fémina năm 2008. Không chỉ trở thành tâm điểm của mùa sách văn học Pháp 2008, mà kể từ khi ra đời, kiệt tác nhỏ đầy tính nhân bản này đã được đọc và được yêu thích khắp thế giới.

          HÀM ĐAN

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (VIII): XÂY DỰNG QUY CHẾ CHẨN ĐOÁN VÀ CHỮA BỆNH TỪ XA

Trong phiên họp thứ 6 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn cho biết: Phấn đấu đến 2015, việc giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện sẽ có bước tiến rõ nét. Trong khi chờ lời hứa từ Bộ Y tế trở thành sự thực, một hy vọng góp phần làm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên được mở ra khi Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh chính thức vận hành hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa.

Hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa được triển khai dựa trên thiết bị MCU (thiết bị hỗ trợ điều khiển hội nghị truyền hình đa điểm) và sử dụng đường truyền MegaWan của mạng MetroNet TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, hệ thống này được lắp đặt tại 3 bệnh viện tuyến hỗ trợ gồm: Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình. Các bệnh viện này sẽ hỗ trợ chuyên môn cho các tuyến cơ sở gồm: Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai, Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang, Bệnh viện đa khoa Kiên Giang.

Trước đây, ở nhiều bệnh viện tuyến trên mới chỉ có hình thức chẩn đoán bệnh từ xa thông qua điện thoại nhưng hiệu quả không cao. Nay, thông qua hệ thống, các bác sĩ tuyến trên có thể xem trực tiếp hình ảnh của bệnh nhân để tư vấn, đưa ra hướng giải quyết chính xác. Điển hình cho hiệu quả hệ thống là Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã giúp Bệnh viện đa khoa Nguyễn Đình Chiểu cứu sống một ca mắc bệnh tay chân miệng độ 4 không kịp chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Không chỉ giúp các bác sĩ tuyến cơ sở yêu cầu được tư vấn, hỗ trợ khi gặp bất cứ ca bệnh khó, vượt quá khả năng chuyên môn mà hệ thống cũng có thể sử dụng trong huấn luyện, đào tạo theo định kỳ hoặc đột xuất cho các đơn vị tuyến dưới để phục vụ tốt hơn bệnh nhân ở cơ sở. Qua đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên tại TP Hồ Chí Minh khi mà hiện tại khoảng 30 đến 50% bệnh nhân điều trị nội trú là từ tỉnh khác chuyển lên.

Trong thời gian tới, hệ thống sẽ tiếp tục hoàn chỉnh và mở rộng, có thể nâng số bệnh viện hỗ trợ lên 11 và số tuyến nhận hỗ trợ lên 100 tuyến. Lợi ích hệ thống chẩn đoán và chữa bệnh từ xa đã rõ và có thể nhân rộng cả nước; tuy nhiên các cơ quan chức năng vẫn chưa xây dựng được cơ sở pháp lý quy định quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên liên quan. Người bệnh với những đặc tính sinh học vốn thay đổi nên khó đảm bảo tất cả các ca chẩn đoán, chữa bênh từ xa đều thành công mỹ mãn. Một ca mổ ở tuyến dưới, các bác sĩ ở tuyến trên nhìn qua màn hình chỉ đạo, nếu chuyện không may xảy ra thì trách nhiệm thuộc về ai? Vậy nên, song song với mở rộng hệ thống, các bên liên quan cần sớm xây dựng quy chế để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm vận hành hệ thống hiệu quả nhất. 

HÀM ĐAN