Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

NGÀY DI SẢN VĂN HÓA VIỆT NAM LẦN THỨ VII-NGÀY VỀ NGUỒN (23-11-2011): CƠ HỘI "VÀNG" QUẢNG BÁ DI SẢN VĂN HÓA BẮC TRUNG BỘ


Từ ngày 21 đến 23-11, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII-Ngày về nguồn 2011 sẽ được tổ chức với chủ đề “Tuần văn hóa di sản Bắc Trung Bộ tại Hà Nội 2011”. Hoạt động này còn mở đầu công tác tuyên truyền, quảng bá Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.

Do đã nhiều lần tổ chức nên đơn vị được giao chủ trì tổ chức là Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam đã chủ động phối hợp cùng với 6 Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Bắc Trung Bộ lên kế hoạch từ một năm trước, để thống nhất nội dung, lựa chọn những di sản phi vật thể và vật thể tiêu biểu nhất của mỗi địa phương, giới thiệu với người dân Thủ đô và bạn bè quốc tế. Nhờ vậy, khung chương trình đã được “chốt” ngay từ đầu tháng 11. Bên cạnh đó, các công tác tuyên truyền, quảng bá sự kiện trên cũng đã được xúc tiến sớm, dự kiến “Đêm di sản văn hóa Bắc Trung Bộ tại Hà Nội năm 2011” sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam vào tối ngày 23-11.
         
Tuy chỉ diễn ra trong 2 ngày và chủ yếu tại khuôn viên Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam (2 Hoa Lư, Hà Nội) nhưng Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII sẽ dày đặc các hoạt động là: Ngày văn hóa xứ Thanh-nét đẹp văn hóa xứ Thanh, Ngày văn hóa Huế (biểu diễn nghệ thuật, thao diễn tay nghề truyền thống, ẩm thực Huế…), đêm giao lưu văn hóa nghệ thuật Bắc trung Bộ (hát ví, ca Huế…), thi thuyết trình du lịch, chương trình Road show giới thiệu quảng bá du lịch di sản Bắc Trung Bộ, tọa đàm tổng kết đánh giá kết quả ngày về nguồn. Hiệu quả các hoạt động quảng bá tác động tới du khách đến đâu còn là dấu hỏi mà phải chờ đến ngày hạ màn mới có thể kết luận. Nhưng, theo ông Phạm Văn Thủy-Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa-Nghệ thuật Việt Nam nhận định, Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII là cơ hội “vàng” quảng bá các di sản văn hóa Bắc Trung Bộ mà lâu nữa mới quay trở lại. Ông Thủy lấy dẫn chứng là sau 10 năm được tổ chức lần đầu, đến năm 2012 chương trình Những ngày văn hóa Tây Nguyên mới quay trở lại Thủ đô.   

Sau thành công của Năm Du lịch Quốc gia khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ-Phú Yên 2011, khu vực Bắc Trung Bộ được chọn để tổ chức Năm du lịch Quốc gia không phải vì luân phiên thay đổi vùng miền, mà còn gắn với việc tôn vinh các di sản văn hóa độc đáo. Trước tiên là những di sản văn hóa vật thể, mới nhất là việc Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cố đô Huế tuy đã có tiếng nhưng sẽ tiếp tục được quảng bá sâu rộng hơn để tuyên truyền trước cho Festival Huế 2012 có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII còn là cơ hội để các tỉnh Bắc Trung Bộ giới thiệu những giá trị văn hóa phi vật thể ít người biết đến. Ở thời trung đại, khu vực Bắc Trung Bộ vốn là vùng biên ải của nước Đại Việt nên nó vừa lưu giữ các nét văn hóa gốc của người Việt khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng, vừa giao thoa văn hóa với các nền văn hóa khác; cho nên, nó tạo ra sự đa dạng ngay trong nội tại vùng lãnh thổ. Ví dụ, hò sông Mã (Thanh Hóa), ví dặm (Nghệ An), ca Huế đều do cư dân vùng sông nước trình diễn nhưng không hề giống nhau; ẩm thực Huế hoàn toàn khác biệt với các tỉnh còn lại trong cách chế biến và nguyên liệu còn về mùi vị cơ bản lại giống.

          Sự giàu có tự thân của di sản văn hóa Bắc Trung Bộ, cộng với sự chuẩn bị chủ động, nội dung chương trình phong phú có thể tin tưởng, qua Ngày di sản văn hóa Việt Nam lần thứ VII các giá trị di sản văn hóa Bắc Trung Bộ sẽ được nhiều người biết đến, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp “không khói” của khu vực ngày một lớn mạnh.

          HÀM ĐAN

DỰ ÁN MỞ RỘNG "NÂNG CAO KHẢ NĂNG SỬ DỤNG MÁY TÍNH VÀ TRUY CẬP INTERNET CÔNG CỘNG Ở VIỆT NAM": BÌNH ĐẲNG HƯỞNG LỢI TỪ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN


Sau giai đoạn thí điểm thành công, dự án mở rộng “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” do Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF) tài trợ đã chính thức khởi động sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) làm chủ dự án, và có sự phối hợp của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), UBND của 40 tỉnh và các đơn vị liên quan. Các bên tham gia dự án kỳ vọng dự án sẽ hỗ trợ người dân nghèo, nhóm thiệt thòi và những người sống ở vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận bình đẳng, qua đó hưởng lợi từ công nghệ thông tin. 
           
          Dự án cho người nghèo       

Bà Deborah Jacobs (Giám đốc chương trình Thư viện toàn cầu của BMGF) giải thích lý do vì sao BMGF chọn Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á thực hiện dự án: Trước tiên, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện cho dự án được triển khai và có sự hỗ trợ của nhiều Bộ, ban, ngành và các công ty như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)… Ngoài ra, Việt Nam là đất nước mà nhiều người ở nông thôn vẫn chưa có điều kiện sử dụng thông tin từ Internet. Đồng thời, Việt Nam có những thiết chế văn hóa ở tận cấp xã giúp dự án triển khai dễ hơn nơi khác.   

Tuy có những điều kiện thuận lợi để thực hiện dự án nhưng trước khi mở rộng, vẫn phải thực hiện dự án thí điểm (BMGF viện trợ không hoàn lại 2,1 triệu USD) do Quỹ Viễn thông công ích Việt Nam thuộc Bộ TTTT chủ trì thực hiện từ tháng 2 đến 7-2009 tại 3 tỉnh là Thái Nguyên, Nghệ An và Trà Vinh. Dự án thí điểm đã xây dựng thành công 99 điểm truy nhập Internet ở các điểm bưu điện văn hoá xã (BĐVHX) và các thư viện công cộng (TVCC). Thành công của dự án không chỉ ở việc được Bộ Công nghệ thông tin và Truyền thông Ấn Độ trao Giải nhất “Giải thưởng quốc tế dành cho Dự án quản trị nông thôn” tại Niu Đê-li (Ấn Độ) vào tháng 8-2011; mà còn góp phần làm thay đổi cuộc sống những người dân theo hướng tích cực. Ông Phan Hữu Phong (Giám đốc Ban Quản lý dự án) lấy ví dụ: Tại Thái Nguyên, có người mẹ tìm lại được con sau 12 năm lưu lạc nhờ… e-mail. Người dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên) sử dụng thông tin qua Internet để nuôi lợn rừng, quảng bá chè Tân Cương. Giúp người dân nuôi gà thành công ở xã Mường Mọc (huyện Quế Phong, Nghệ An). Nông dân ở xã Ngũ Lạc (huyện Duyên Hải, Trà Vinh) nhờ thông tin từ Internet mà không bị tiểu thương ép giá nông sản. Đặc biệt, các cháu học sinh nghèo đã sử dụng tiện ích trường học trực tuyến để học tập đỗ đạt cao, giải toán trên mạng đoạt giải Olympic như trường hợp ở Nghệ An...
           
         Nhờ hiệu quả rõ ràng trên, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai mở rộng ra 40 tỉnh chia làm 3 giai đoạn trong thời gian từ 2011 đếm 2016 với tổng kinh phí là 50,5 triệu USD, trong đó BMGF tài trợ hơn 30 triệu USD, số còn lại là vốn đối ứng từ phía Việt Nam. Dự án sẽ cung cấp, lắp đặt 12.070 máy tính nối mạng Internet cho 1.900 điểm BĐVHX và TVCC. Người dân sẽ được miễn phí 100% khi sử dụng Internet tại TVCC và được giảm 50% giá cước truy cập tại BĐVHX. Dự án sẽ đào tạo kỹ năng cho 1.572 nhân viên BĐVHX và TVCC. Dự kiến trong giai đoạn thực hiện dự án sẽ có thêm 760.000 người ở nông thôn được sử dụng Internet.
           
         Ông Phan Hữu Phong cho biết, các bên liên quan đã nhất trí thông qua các tiêu chí lựa chọn địa phương nhận được sự hỗ trợ của dự án để bà con những nơi thực sự cần đến công nghệ thông tin có đời sống tốt hơn. Ông Phong cũng nói thêm về cách thức triển khai dự án mở rộng, theo đó, ở giai đoạn 1 dự án mở rộng, riêng ở miền Bắc, sẽ có 3 tỉnh thực hiện chương trình là Hà Giang, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Trong đó, tỉnh Thái Nguyên đã có kinh nghiệm thí điểm sẽ chia sẻ cách làm với 2 tỉnh còn lại. Tương tự, ở các giai đoạn tiếp theo, các tỉnh chưa thực hiện sẽ được phổ biến cách làm từ các tỉnh đã và đang thực hiện dự án. 

Duy trì tính bền vững của dự án
         
         Dự án sẽ trang bị cho mỗi điểm BĐVHX 5 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm, các chi phí khác cùng tiền lương cho 1 người phục vụ. Tại mỗi điểm truy nhập viễn thông công cộng kết hợp với thư viện địa phương, thư viện bệnh viện, thư viện trường học sẽ trang bị từ 5 đến 20 máy tính, 1 máy in và các trang thiết bị đi kèm và các chi phí khác. Để người dân, đặc biệt là nông dân có thể nhanh chóng hưởng lợi từ các thông tin từ Internet và cũng có thể kiểm soát tốt nội dung thông tin, dự án đã thành lập một trang web: http://www.i4ra.vn gồm tiếng Việt và tiếng Khơ-me cung cấp các dữ liệu cập nhật về nông nghiệp, giá cả thị trường, văn hóa, tư liệu học tập, văn bản pháp luật… và kết nối với các trang web hữu ích khác.
           
         Hiệu quả của dự án đạt được đến đâu, sau khi dự án kết thúc mới có thể đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, với sự đầu tư lớn và cách làm khoa học như trên có thể thấy tính khả thi của dự án là rất cao. Bà Nguyễn Thanh Mai (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL) cho biết thêm: Dự án triển khai đào tạo cho cán bộ quản lý, đồng thời đào tạo kỹ năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet cho người dân là một mục tiêu quan trọng của dự án. Như vậy, dự án sẽ là cơ hội để nâng cao cách thức phục vụ của hệ thống BĐVHX và TVCC ở những vùng còn khó khăn. Đồng thời, dự án sẽ góp phần giúp hoàn thành mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn giai đoạn 2010-2020.
          
         Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho biết thêm khi dự án kết thúc, các trang thiết bị hết thời hạn phục vụ dự án sẽ được chuyển giao cho những nơi từng quản lý để tiếp tục phục vụ nhu cầu của người dân. Mặt khác, đội ngũ nhân viên BĐVHX và TVCC đã được đào tạo sẽ tiếp tục duy trì tính bền vững của dự án, để dù dự án có đáo hạn thì hiệu quả vẫn sẽ tiếp tục được phát huy. 
          HÀM ĐAN