Thứ Hai, 11 tháng 6, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XIII): GIỌT MÁU CHO ĐI VÀ NHỮNG CUỘC ĐỜI Ở LẠI


Thêm 100 “anh hùng thầm lặng” - những người tự bớt một phần máu của mình để cứu giúp đồng loại - đã được tôn vinh vào ngày 10-6, đúng vào dịp các nước đang tổ chức nhiều hoạt động hướng về “Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện” (14-6) với thông điệp “Mọi người hiến máu đều là anh hùng”.

Trong số 100 tấm gương hiến máu tiêu biểu được tôn vinh năm nay, có rất nhiều người đã hiến máu từ 20 lần trở lên. Số khác không chỉ hiến máu mà còn vận động được hàng trăm người khác cùng tham gia việc nghĩa này. 100 đại biểu tiêu biểu thực sự là những bông hoa đẹp trong vườn hoa nhân ái của dân tộc, là những “anh hùng” đại diện cho hàng triệu lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, hàng trăm gia đình có hầu hết các thành viên cùng hiến máu.

Dù số người hiến máu nhân đạo ở nước ta liên tục tăng đều trong những năm qua, nhưng thực tế lượng máu thu được vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu điều trị cho người bệnh nên tình trạng thiếu máu vẫn xảy ra. Bởi lẽ, cả nước ta mới chỉ có 0,8% dân số tham gia hiến máu, trong khi đó khuyến cáo của WHO là 2% dân số tham gia hiến máu mới đảm bảo đủ máu phục vụ người bệnh. Phần lớn trong số bệnh nhân cần sử dụng đến máu thuộc vào những tai nạn nghiêm trọng, những ca bệnh hiểm nghèo mà truyền máu được coi như biện pháp chính để cứu sống người bệnh. Không có máu và các chế phẩm máu an toàn, nhiều biện pháp điều trị hiện đại cũng khó có thể được triển khai và áp dụng thành công như: Điều trị hóa chất, tia xạ, ghép phủ tạng... Hiến máu là một hành động từ thiện đặc biệt bởi máu chỉ có thể được hiến tặng từ những người khỏe mạnh và sẵn sàng giúp đỡ với người bệnh. Những hành động đáng trân trọng của những “anh hùng” hiến máu đã giúp cho nhiều người bệnh thoát khỏi hiểm nghèo, giúp cho ngành y tế bớt đi khó khăn về máu phục vụ cấp cứu, điều trị, và hơn nữa, là tấm gương sáng về tình thương yêu con người.

Những người tham gia hiến máu tình nguyện dù thành phần, giới tính, trình độ, nghề nghiệp khác nhau, nhưng đều xuất phát từ suy nghĩ cao cả “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”. Họ không bao giờ nghĩ đến chuyện một ngày đẹp trời sẽ được tôn vinh như những “anh hùng”. Tuy nhiên, ở một số nơi, việc vinh danh những người hiến máu chưa được chú trọng đúng mức. Hành động hiến máu tình nguyện thường được lồng ghép với các phong trào thi đua khác, thậm chí có khi không được nhắc đến, khiến cho việc hiến máu nhân đạo trở thành việc của một nhóm nhỏ thanh niên nhiệt huyết, hoặc chỉ là "thời vụ" ở một số cơ quan tổ chức hiến máu tập thể.

Thiết nghĩ, ngoài việc tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong toàn quốc hằng năm, mỗi địa phương, cơ quan, nhà trường, đơn vị...nên tổ chức biểu dương những người tích cực hiến máu và vận động người khác cùng tham gia hiến máu vào dịp 14-6. Điều này không chỉ góp phần làm nổi bật ý nghĩa nhân đạo của việc hiến máu, mà còn là một cách tuyên truyền hiệu quả để thu hút đông đảo cá nhân, tập thể tích cực tham gia hiến máu.

Ngoài ra, những kinh nghiệm vận động hiến máu nhân đạo của những “anh hùng” hiến máu cần được tổng kết và phổ biến để việc hiến máu nhân đạo trở thành việc làm thường xuyên, rộng khắp trong cộng đồng.

HÀM ĐAN