Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

ĐỀ ÁN XÂY DỰNG BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM: CẦN SỚM HOÀN THIỆN HƠN



Như tin đã đưa, ngày 3-1 vừa qua, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội thảo Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại địa điểm mới. Đề án đã nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng vẫn còn đó nhiều điểm cần cân nhắc, bổ sung để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xứng tầm lịch sử giữ nước vĩ đại của dân tộc; đồng thời hướng đến mục tiêu là bảo tàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của của du khách trong và ngoài nước.

Yêu cầu hiện đại hóa cấp bách

Trong xu thế hiện đại hóa bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bộc lộ một số bất cập, chưa phản ánh đầy đủ và ngang tầm với lịch sử quân sự của dân tộc; phương tiện trang thiết bị trưng bày cũ kỹ, hệ thống trưng bày trong và ngoài trời lạc hậu theo phương pháp cách đây nửa thế kỷ. Thêm vào đó, kiến trúc tòa nhà cũng như khuôn viên bảo tàng chưa tương xứng với một bảo tàng quốc gia. Cho nên, yêu cầu xây mới và hiện đại hóa Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực sự cấp bách.

Sau một thời gian dài chuẩn bị, Đề cương chính trị Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt vào ngày 11-4-2012. Trên cơ sở quyết định này, Tổng cục Chính trị xây dựng Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây dựng mới sẽ giới thiệu xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển của lịch sử quân sự Việt Nam. Đó sẽ một công trình tổng hợp, đa năng, đặc biệt quan trọng, tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và quốc gia như chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, một số bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng địa phương như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Đắc Lắc, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... đã và đang tiến hành xây dựng, cải tạo theo hướng hiện đại với sự hợp tác quốc tế, bước đầu tiếp cận và có những đổi mới trong phương pháp trưng bày, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại trong bảo quản, lưu trữ, thông tin nhằm phát huy chức năng giáo dục của bảo tàng. Đây là cơ sở quan trọng để Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho Dự án.

Nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày và thiết kế

Phần III của Đề án là “Cấu trúc nội dung trưng bày” được xem là quan trọng nhất vì chỉ khi đưa ra một mô hình cấu trúc nội dung trưng bày mới có thể quyết định hình thức bảo tàng với những phương án thiết kế, quy hoạch, kiến trúc.

Trong dự thảo Đề án, có thể dễ dàng nhận ra nhiều điểm mới trong nội dung trưng bày. Ngoài việc trưng bày theo tiến trình lịch sử gồm 7 chủ đề còn có thêm trưng bày các chuyên ngành quân sự với 17 chuyên ngành và trưng bày 9 chuyên đề và sưu tập. Trong số 9 chuyên đề và sưu tập có những nội dung hứa hẹn hấp dẫn người xem như: “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Liên minh chiến đấu ba nước Đông Dương”, “Nghĩa tình đồng đội”, “Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”, “Thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến”.... Mới mẻ nhất là việc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ có không gian khám phá sáng tạo và tương tác. Nội dung hoạt động của không gian khám phá, sáng tạo tương tác sẽ hướng đến giới trẻ bao gồm: Trình diễn, thực hành, trải nghiệm, sáng tạo... các nội dung gắn liền với các hoạt động quân sự trong lịch sử dân tộc; thông qua các trang thiết bị hiện đại.

Các chuyên gia còn đánh giá cao tầm nhìn của Ban nghiên cứu xây dựng Đề án đã có nhận thức mới là muốn Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không chỉ làm nhiệm vụ bảo tàng thuần túy mà còn là công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc và thân thiện với môi trường. Việc thiết kế quy hoạch, kiến trúc và kỹ thuật cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hẳn sẽ là bài toán khó cho các công ty thiết kế trong và ngoài nước vì yêu cầu đặt ra rất cao như: Thiết kế đảm bảo an toàn cho hiện vật và cho hoạt động của bảo tàng, sử dụng công nghệ xanh, giảm tối đa năng lượng trong vận hành, kiến trúc công trình phải phù hợp với bố cục không gian khu vực đóng quân của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có diện tích 74,3 héc-ta và phù hợp với cảnh quan khu vực khi phía trước là Đại lộ Thăng Long...
   
Nhiều đóng góp quý báu

Tại cuộc Hội thảo, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đóng góp ý kiến cho Đề án bằng việc nhấn mạnh về việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải mang bản sắc dân tộc và hình ảnh truyền thống quân sự Việt Nam; tránh tình trạng lai căng bắt chước thiết kế các bảo tàng khác nhìn thì hiện đại nhưng thực sự không có gì mới mẻ. Đại tướng Phạm Văn Trà cũng cho rằng, cần đầu tư kinh phí mua hiện vật gốc như máy bay B-52 mới tăng giá trị trưng bày.

Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đưa ra ý kiến mang tính vĩ mô cho Đề án đó là: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam phải làm cho du khách tự giải đáp được câu hỏi vì sao một dân tộc đất không rộng người không, vũ khí thô sơ như dân tộc Việt Nam lại đánh bại được hai quân đội hùng mạnh nhất nhì thế giới là Pháp và Mỹ trong thế kỷ XX. Đồng thời, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, thu nhập các hiện vật và khai thác tư liệu từ các nhân chứng lịch sử.

GS-TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản quốc gia lại băn khoăn với cấu trúc nội dung trưng bày đó là: Không nên trưng bày các chuyên ngành quân sự theo đơn vị hành chính hoặc theo các quân, binh chủng vì cách làm này khá cũ, đi ngược lại xu thế trưng bày của các bảo tàng hiện đại. Ông cũng lo ngại việc trưng bày 9 chuyên nghề và sưu tập sẽ dễ bị trùng lặp với 17 chuyên đề theo tiến trình lịch sử. GS-TSKH Lưu Trần Tiêu gợi ý, việc thiết kế bảo tàng cần mời các đơn vị tư vấn và thiết kế nước ngoài vì kinh nghiệm và trình độ hơn hẳn các đơn vị trong nước. Ông cũng cho rằng, việc thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần hiện đại, mang tính mở chứ không nên để các không gian trưng bày quá khép kín. Các ý kiến của GS-TSKH Lưu Trần Tiêu nhận được sự đồng tình của các chuyên gia, có ý kiến còn cho rằng: Nếu không biết chọn lọc, sắp xếp nội dung hợp lý và độc đáo thì một số nội dung trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ trùng với nội dung với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam...              

Một lo ngại mà các chuyên gia nhắc đến là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sẽ mất đi lượng khách lớn (nhất là người nước ngoài) vốn tập trung thăm thú ở khu vực Phố cổ Hà Nội sau khi chuyển khỏi “địa chỉ vàng” 28A Điện Biên Phủ đến địa điểm mới tại xã Tây Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Lúc này, ngoài việc nội dung trưng bày thú vị và thiết kế công trình thân thiện, công tác quảng bá cần cần chuyên nghiệp hơn nữa và cần học hỏi kinh nghiệm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam khi bảo tàng này vẫn đông khách dù nằm ở tận quận Cầu Giấy.

Kết luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, đã cảm ơn những đóng góp quý báu của các tướng lĩnh, các chuyên gia và nhà khoa học để Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hoàn thiện hơn. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tiếp tục tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa nội hoàn chỉnh trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt.

BOX:

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xây mới trên diện tích 39 héc-ta và sẽ sáp nhập các bảo tàng quân đội ở Hà Nội và Bảo tàng Hải quân. Tổng mức đầu tư của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là khoảng 6.004 tỷ đồng (tương đương 55 triệu đồng/1 mét vuông). Nhiệm vụ kế hoạch chính năm 2013 của Dự án là: Xây dựng Đề cương chi tiết nội dung và hình thức trưng bày, triển khai các thủ tục và tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc, lập dự án đầu tư xây dựng công trình. Giai đoạn xây dựng công trình sẽ diễn ra từ năm 2014 đến năm 2017 và từ năm 2018 đến 2020 sẽ là giai đoạn tổ chức trưng bày và khánh thành bảo tàng.   

HÀM ĐAN