Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

THỜI ĐÀM (II): MẤT GIÁ!

Cách đây không lâu, tại một Hội đồng chức danh Giáo sư (GS) của một chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đã không đồng ý trao chức danh Giáo sư cho Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) X nổi tiếng. Chuyện bầu bán trúng hay trượt là chuyện bình thường. Nếu sử dụng phép thắng lợi tinh thần của nhân vật A.Q thì ngay đến cả các thiên tài thế giới cũng trượt vỏ chuối trong các vụ bầu bán. Nhà văn Honoré de Balzac sau khi viết xong tiểu thuyết Eugénie Grandet vào năm 34 tuổi đã tin nhờ danh tiếng văn học sẽ được bầu vào Viện hàn lâm Pháp. Sự tự tin lớn đến nỗi, Balzac tuyên bố với ông bạn Victor Hugo-người được bầu vào Viện hàn lâm năm 35 tuổi: “Tôi sẽ nã đại bác vào cánh cửa Viện hàn lâm”. Rút cuộc, ông chỉ được hai phiếu, trong đó có một phiếu của Victor Hugo. Năm sau, Balzac lại thành công với tiểu thuyết Lão Goriot và thêm một lần nữa ông lại trượt chức Viện sĩ khi vẫn chỉ giành được hai phiếu bầu.
Việc không trở thành một trong số bốn mươi Viện sĩ của Viện hàn lâm Pháp danh giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của Balzac. Với gần 90 tiểu thuyết đã viết, Balzac mãi mãi là “Napoleon văn chương” của thế kỷ XIX. Tương tự, PGS X không được chức danh GS cũng không làm thành tựu khoa học của ông bị mất giá. PGS X có lí lịch khoa học đáng phục: bảo vệ TS ở Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, thành thạo ít nhất 3 ngoại ngữ, viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu, các học trò được ông hướng dẫn đều là lứa nhà khoa học trẻ triển vọng… Quan trọng nhất, từ lâu, ông luôn được xem là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tiếng nói khoa học của ông luôn có sức nặng đối với giới trí thức.

Nếu nhìn thực trạng của khá nhiều nhà nghiên cứu chỉ chăm chăm viết nhiều công trình để nhanh chóng đạt tiêu chuẩn phong học hàm GS và PGS trong khi ít chú ý đến chất lượng học thuật. Và sau khi đạt được học hàm thì không nghiên cứu mà dùng học hàm để làm những việc ngoài khoa học. Qua đó, có thể thấy PGS X-một người hiến mình cho việc nghiên cứu thực sự là nhân tài đích thực của khoa học nước nhà.

Việc ông trượt chức danh GS chẳng khác nào tin động trời, khiến rất nhiều người bất bình, kể cả người chẳng quen biết gì PGS X. Nhưng không một tiếng nói khoa học có thẩm quyền đứng ra “bênh” PGS X bởi việc làm đó… không cần thiết! Không khéo khiến người ta lầm tưởng là PGS X quá cay cú nên nhờ người viết bài “phàn nàn”. Bởi lẽ, với những nhà khoa học chân chính điều họ trăn trở là thành quả trong công việc nghiên cứu chứ mấy khi nóng lòng việc phong các học hàm. Và chẳng ai hơi đâu lại buồn vì PGS kém GS như “đầu óc cấp bậc” quan niệm.

Hẳn nhiều người sẽ tự hỏi vì lí do gì mà PGS X bị từ chối học hàm GS? Nguyên nhân chính xác phải hỏi lần lượt 11 vị trong Hội đồng đã bỏ phiếu ngày hôm đó nhưng đến nay chưa có vị nào mở miệng lấy nửa lời giải thích. Dư luận cho rằng PGS X bị trượt là do khuyết điểm trong tính cách và lối sống. Không rõ tích cách và lối sống của PGS X như thế nào để đến nỗi ông bị từ chối GS. Nhưng dù tính cách và lối sống có có tốt hay xấu thế nào đi nữa thì đều thuộc phạm trù đạo đức cá nhân, không liên quan gì đến trình độ khoa học. Việc xét phong GS tất cả chỉ dựa vào các tiêu chí khoa học. Đánh giá đạo đức là do dư luận chứ không phải là việc của các thành viên Hội đồng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một số thành viên trong Hội đồng ganh ghét sau khi đuối lí với PGS X trong các cuộc tranh luận khoa học nên nhân việc bầu bán đã chơi trò “ném đá dấu tay” để trả đũa. Chuyện này đúng hay không chỉ lương tâm các vị trong Hội đồng tự biết. Việc tranh luận trong khoa học là điều cần thiết, bởi qua mỗi cuộc tranh luận, con người càng tiệm cận chân lý khoa học hơn qua đó giúp giải quyết một số vấn đề về lý thuyết còn vướng mắc. Trong quá trình tranh luận có những điều qua tiếng lại là không tránh khỏi nhưng không vì thế mà lại “để bụng” dẫn đến những việc làm thiếu công tâm. Rõ ràng, hậu thế hôm nay đã thua tiền nhân chí ít ở sự công tâm, nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) đã tuyên bố: “… khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ”, Hoài Thanh không quan tâm đến việc các nhà thơ có đối xử với mình tốt hay không trong đời thực.

Hành động thiếu công tâm của Hội đồng không làm danh tiếng PGS X mất giá mà chỉ làm tổn hại sự sang trọng của học hàm GS và gián tiếp thể hiện thái độ bạc đãi những nhà khoa học chân chính-những người suốt đời say mê nghiên cứu khoa học. Chẳng lẽ các vị GS, PGS trong Hội đồng với học vấn uyên thâm đã quên những dòng chữ khắc trên bia đá Văn Miếu của đại thần Thân Nhân Trung thời vua Lê Thánh Tông đã viết: “...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Làm tổn hại đến lợi ích chung không những đáng chê mà đã mang trọng tội.

Xét đến cùng, chính Hội đồng nọ mới bị mất giá!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
(My new pen-name :))