Thứ Tư, 9 tháng 9, 2009

NHẠC SĨ GIÁNG SON: "DÒNG NHẠC DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI SẼ "HOT" TRỞ LẠI"


Chỉ trong vòng hơn 5 năm, dòng nhạc “dân gian đương đại” là điểm nhấn về nghệ thuật hiếm hoi của âm nhạc Việt Nam.

Ca khúc “Bên bờ ao nhà mình” của nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã mở đầu cho dòng nhạc “dân gian đương đại”. Tiếp nối nhạc sĩ Lê Minh Sơn, một số nhạc sĩ trẻ như Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lê Cát Trọng Lý, Bảo Lan, Lưu Hà An... cũng trình làng những ca khúc theo phong cách “dân gian đương đại” được đông đảo người nghe nhạc biết đến. Với tư cách của người trong cuộc, nhạc sĩ Giáng Son đã nhìn lại và dự đoán hướng đi trong tương lai của dòng nhạc “dân gian đương đại”.

DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI LÀ MỘT PHẦN CỦA VPOP!

Xin chị hãy thử định nghĩa dòng nhạc “dân gian đương đại” mà người ta vẫn thường dùng trên báo chí; hoặc chí ít cũng là quan niệm của riêng chị về trào lưu này?

Nhạc sĩ Giáng Son: Theo ý kiến của cá nhân tôi, dòng nhạc dân gian đương đại là những tác phẩm âm nhạc có sử dụng nhiều hoặc ít những thang âm, màu sắc đặc trưng của dân ca, quan họ các miền nhưng vẫn dễ dàng nhận thấy hơi thở, kỹ thuật của âm nhạc đương đại bây giờ.

Chị có thể lý giải vì sao dòng nhạc “dân gian đương đại” được khơi mào từ nhạc phẩm của nhạc sĩ Lê Minh Sơn lại được khán giả phản ứng thích cực, nhất là khán giả trẻ?

Có thể nói, trước các ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh Sơn thì các nhạc sĩ đàn anh đã có rất nhiều các tác phẩm mang tính dân gian rồi và cũng đã rất thành công ở thế hệ của họ. Nhưng các ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh Sơn đã có được một nét mới khiến cuốn hút được các bạn trẻ bây giờ đó là chất nhạc nhẹ trong các ca khúc “dân gian đương đại”. Điều đó khiến các bạn trẻ cảm thấy gần gũi với đời sống và con người của chính mình hơn nên yêu thích là điều tất nhiên.

Có một thực tế là độ “hot” của dòng nhạc “dân gian đương đại” đã giảm sút. Nguyên nhân là từ các bài hát không còn chất lượng như trước hay là khán giả đã “no nê” với dòng nhạc này, thưa chị?

Tôi nghĩ cả hai nhận định trên đều không đúng. Nền ca nhạc VN luôn thiếu những ca khúc hay. Có thể nói hiện nay độ “hot” giảm vì có thể các tác giả đình đám nhất trong dòng “dân gian đương đại” gần như đã đưa ra những bài hát tâm huyết, “đỉnh” nhất của mình. Vậy nên, thời gian này họ cần nạp lại “năng lượng” để sáng tác tiếp và chúng ta cũng nên chờ những nhạc sĩ trẻ tài năng kịp chín để cho ra đời những tác phẩm hay. Lúc đó, dòng nhạc “dân gian đương đại” sẽ “hot” trở lại thôi. Còn về phần khán giả, tôi tin họ sẽ luôn yêu những ca khúc hay của dòng nhạc này.

Ngoài nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Ngọc Đại là hai nhạc sĩ đã tuyên bố và vẫn đang theo đuổi dòng nhạc “dân gian đương đại” bằng các dự án âm nhạc. Liệu dòng “dân gian đương đại” có lặp lại vết xe đổ của các dự án âm nhạc Vpop hiện nay là tính “ăn xổi” và thiếu chuyên nghiệp?

Tôi khẳng định lại, dân gian đương đại là một phần của Vpop! Nhưng những nhạc sĩ viết dòng này tôi thấy rất có trách nhiệm với những tác phẩm của mình và các khán giả yêu thích nó cũng phải là những khán giả có thẩm mỹ. Thế nên, tôi cho rằng tính “ăn xổi” không hề có ở trong dòng nhạc “dân gian đương đại”. Còn sự thiếu chuyên nghiệp thì nó điểm chung của ngành giải trí nước nhà rồi. Theo tôi, tất cả phải có thời gian để thay đổi! Không đốt cháy giai đoạn được!

KHÓ DỨT KHỎI "DÂN GIAN ĐƯƠNG ĐẠI"

Nếu nhắc đến các ca khúc hay của dòng nhạc “dân gian đương đại”, thật khó mà quên bài hát “Giấc mơ trưa” của chị. Chị có thể chia sẻ được hoàn cảnh ra đời của ca khúc này được không ạ? Sự tìm về chất liệu dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ trong ca khúc này phải chăng là từ vô thức hay là sự lựa chọn mang tính chủ ý hữu thức?

Tôi sáng tác bài hát “Giấc mơ trưa” trong đêm mùng 4 Tết năm 2004. Khi đó, trong đầu tôi chỉ có những thang âm của đồng bằng Bắc Bộ như đã quá ngấm rồi. Nhưng giai điệu đó chỉ là phảng phất màu sắc dân gian chút ít thôi và tôi vẫn làm chủ được lý trí của mình.

Sau thành công của ca khúc “Giấc mơ trưa”, bản thân chị vẫn có ý định muốn gắn bó với dòng nhạc “dân gian đương đại” nữa hay không?

Tất nhiên, tôi vẫn tiếp tục gắn bó với dòng nhạc này. Thật khó để dứt được dòng nhạc “dân gian đương đại”. Một dòng nhạc vừa cảm thấy quen thuộc vừa cảm thấy lạ lẫm! Nhạc sĩ phải có bản lĩnh để vẫn là chính mình, không để sao chép một cách nguyên si những giai điệu dân gian vốn đã quá đẹp.

ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ KHIẾN KHÁN GIẢ TRẺ QUAN TÂM

Nhiều nhạc sĩ đang thử sức với dòng “dân gian đương đại” nhưng phải chăng có một số người lại tìm cách sáng tác theo phong trào chỉ vì trào lưu này đang “hot” hiện nay?

Tôi chẳng hề nghĩ như vậy! Đối với các nhạc sĩ thì thử sức ở nhiều phong cách khác nhau cũng là điều đáng làm và khám phá thêm về khả năng sáng tác của mình.

Dòng nhạc “dân gian đương đại” có nên chỉ dựa vào các chương trình truyền hình nhà nước như “Bài hát Việt” mà không tìm cách RP rộng rãi hơn, thậm chí có thể RP ra nước ngoài?

Nếu không có chương trình “Bài hát Việt” thì tràn ngập một sân khấu ca nhạc hiện nay toàn là ca khúc mang hơi hướng nhạc Hoa! Chúng ta toàn nói chuyện quá xa vời trong khi ca khúc Việt còn bao nhiêu vấn đề cần làm. Nhạc sĩ nào cũng có khát khao đưa âm nhạc của mình ra nước ngoài. Nhưng một vài người thì chỉ như muối bỏ bể. Phải có chiến lược, một đội ngũ đông đảo tài năng, chưa tính đến điều kiện về kinh tế. Thế nên tôi nghĩ thời điểm này chúng ta vẫn chưa làm gì được nhiều để đưa ca khúc Việt nói chung và dân gian đương đại nói riêng ra nước ngoài.

Sau hơn 5 năm nhìn lại, theo chị điều mà dòng “dân gian đương đại” đã làm được là gì ạ?

Điều làm được lớn nhất của dòng nhạc “dân gian đương đại” là làm các khán giả trẻ quan tâm và yêu thích các làn điệu dân gian, quan họ hơn. Điều đó cũng làm họ yêu quê hương, đất nước của mình hơn. Và ca khúc dân gian đương đại đã thực sự có mặt trong cuộc sống của các khán giả trẻ.

Hàm Đan thực hiện