Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

ÁO DÀI NHÌN TỪ HÀ NỘI

Qua mấy tấm hình chụp những quý bà Tonkin ngồi trên sập hút thuốc hồi người Pháp mới đặt Hà Nội là thủ phủ Liên bang Đông Dương đến vô vàn ảnh chân dung “gái mới” vén liễu Bờ Hồ hồi Mặt trận bình dân, đủ giúp đám cháu chắt bây già các cụ hình dung sự tiếp biến bất ngờ và tuyệt diệu từ áo ngũ thân đến áo dài Le mur do ông họa sĩ Nguyễn Cát Tường vẽ kiểu ở hiệu may phố Hàng Da.

Như bao điều mới mẻ và mang tiếng “lai căng”, “thời thơ ấu” của áo dài không thi vị như hình ảnh “tóc dài, tà áo vờn bay” (Ngày xưa Hoàng thị) đi vào thơ, nhạc sau này. Riêng cách gọi người vận áo dài là “gái mới”, “gái tân thời” cũng biển hiện thái độ xách mé. Có giai thoại kể rằng: một bà nạ dòng không hiểu do ghen tuông hay vì ngứa mắt đã hùng hổ xé rách áo dài “gái tân thời” ngay trên một con phố Hà Nội.

Nhờ sự đỡ đầu của lớp người Âu hóa cuồng nhiệt như hình mẫu họa sĩ Typn trong Số đỏ; dần dà, áo dài được phái đẹp chuộng khắp ba kì. Nguyên do sâu xa để áo dài chinh phục giới nữ có phần hơi tế nhị. Áo dài thoạt nhìn thì kín đáo, đoan trang; song nếu nhìn nghiêng thì đường cong đặc ân của nữ tính khơi gợi thấp thoáng. Áo dài ra đời, vô hình trung đáp ứng tâm lí thầm kín của phụ nữ là muốn phô bày vẻ đẹp thân thể trong một xã hội nông nghiệp Nho giáo mấy nghìn năm lảng tránh chuyện sắc giới đang chuyển đổi giá trị và hình mẫu thẩm mĩ.

Hơn bảy mươi năm dòng thời gian trôi, ở Hà Nội, kiểu mẫu áo dài không mấy thay đổi. Những cải tạo trang phục này đều diễn ra ở mảnh đất phương Nam. Ở Sài Gòn, hơn bốn muơi năm trước, kiểu may áo dài với cách ráp tay raglan ra đời. Cách ráp này đã giải quyết được những nếp nhăn thường xuất hiện hai bên nách; đồng thời, cải biến ở chỗ hàng nút cài được bố trí chạy từ dưới cổ xuống nách, rồi kế đó chạy dọc một bên hông. Cũng vào thời gian này, cuộc cách mạng thay đổi hình dáng áo dài xảy ra, đầu trò là “bà đầm thép” Trần Lệ Xuân chưng áo dài “cổ thuyền”, áo dài gilet cho chị em Nam phần đua đòi theo cũng không mấy người hưởng ứng. Vẻ đẹp hài hòa, có chừng mực của áo dài Hà Nội xưa khó lay chuyển được. Sự khác của áo dài Sài thành có chăng là ở màu sắc sặc sở, chất liệu nhẹ phù hợp với xứ quanh năm nắng nôi.

Vốn là thành phố có tính mở, tận đầu thế kỷ XXI, ở Sài Gòn, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện vài bộ thiết kế các dài “lạ mắt” trên sàn thời trang hay bìa tạp chí. Nhiều nhà thiết kế áo dài có tiếng đồng loạt lên tiếng phủ nhận những cách tân, mà chỉ xem là các bộ thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ áo dài. Công việc hiện nay của các nhãn hiệu áo dài nổi tiếng chỉ là “tô son điểm phấn” lên thiết kế đã thành khuôn mẫu cổ điển của các tiền nhân.

Như thủa xưa, thị dân mặc áo dài nhiều hơn người dân quê. Ở quê, họa hoằn lắm cô thôn nữ lam lũ mới ngơi tay đồng áng mặc áo dài đi chơi hội. Ở đô thị, kiều nữ đến trường, đến sở làm, đi tiếp khách mặc áo dài nhiều khi lại được nhiều ánh mắt mày râu chú ý hơn những hàng hiệu này nọ. Thế nên, có người còn mắc chứng “nghiện”, hễ ra đường là mặc áo dài.

Hà Nội nay không khốn khó đến độ chỉ mặc áo dài ở vài dịp trọng đại. Trong tủ quần áo con gái Hà thành không thể thiếu một bộ áo dài. Chẳng mấy khi được diện nên dù gia cảnh có thế nào thì chị em không tiếc tiền sắm một chiếc cho “tử tế”. “Tử tế” hiểu là đẹp, cái đẹp nếu mua được thì không rẻ. Không ai ra tiệm may áo dài yêu cầu may một bộ vừa đẹp, vừa rẻ như đi mua đồ điện tử. Cũng không ai đi sắm áo dài may sẵn vì áo dài tính cá nhân rất cao: mỗi chiếc chỉ may cho một người; người đi may lấy số đo thật kỹ; may xong phải qua một lần mặc thử để sửa mới hoàn thiện. Người Hà Nội vốn kĩ tính trong chuyện mặc nên dễ dàng bỏ vài triệu và khoảng thời gian tới hai tháng để sở hữu một bộ áo dài ưng ý.

Một bộ áo dài đẹp ngoài chuyện chất liệu, kĩ thuật may thì các họa tiết trang trí trên áo dài đặc biệt coi trọng. Các trang phục nữ giới cùng khu vực như Kimono của Nhật hay Hanbok của Triều Tiên được người ta xem là một tác phẩm nghệ thuật cũng bởi vẻ đẹp và kỹ thuật xử lí các họa tiết.

Vào các tiệm áo dài Hà Nội, để trang trí các họa tiết, phổ biến nhất là người ta thường vẽ lên áo dài bằng một dung môi đặc biệt. Ưu điểm của kỹ thuật này là thực hiện nhanh và không nhăn vải và giá thành rẻ. Nhưng chính điều này đã làm cho vẻ đẹp áo dài xuống cấp bởi một bộ áo dài được vẽ thì nghiễm nhiên trở thành một tác phẩm hội họa. Không một họa sĩ nổi tiếng nào lại vẽ mẫu áo dài cho nên áo dài vẽ chủ yếu là từ những họa sĩ nghiệp dư. Sẽ chẳng lạ nếu khách hàng nhìn thấy hình ảnh phố cổ bên nguyên xi lên tà áo qua cách thức sao chép theo kiểu soi gương. Hội họa cần có một sự phản ánh hiện thực có chiều sâu mới làm nới rộng chiều kích thẩm mĩ. Kĩ thuật thêu truyền thống, đính cườm hiện đại mới chính là đưa tính thẩm mĩ áo dài tiến thêm một bước. Hiển nhiên, vai trò của nhà thiết kế thời trang trong việc lựa chọn họa tiết gì và bố trí ở đâu trên tà áo dài để tôn lên vẻ đẹp của người mặc.

Xem ra trên bộ áo dài đã định hình, tưởng yên ổn còn bao điều ngổn ngang để những người gắn bó với quốc phục dồn tâm huyết hoàn thiện vẻ đẹp trang phục quê hương bởi đi tận cùng vẻ đẹp dân tộc ta sẽ hòa nhập với thế giới.

HÀM ĐAN