Thứ Bảy, 9 tháng 5, 2009

FEDERICO GARCIA LORCA


Ngoài Miguel de Cervantes - cha đẻ lão già dở hơi Don Quixote de la Mancha có lẽ Federico Garcia Lorca là nhà văn Tây Ban Nha gần gũi nhất (dù Tây ban Nha có tới 5 người đoạt giải Nobel Văn Học). Vì Lorca được dịch sớm, vì tinh thần yêu nước etc nhưng có lẽ thơ Lorca được yêu mến bởi hợp với tạng người Việt.


Federico García Lorca sinh ngày 5/ 6/ 1898 ở thị trấn Fuente Vaqueros, tỉnh Granada - một trong 4 thành phố lớn của xứ Andalusia (tiếng Tây Ban Nha: Andalucía là tên một vùng hành chính của Tây Ban Nha. Tên chính thức là "Comunidad Autónoma de Andalucía". Trong vùng có ba tỉnh là Almería, Cadíz, Córdoba, Granada, Huelva, Jaén, MálagaSevilla). Quê hương Lorca nằm ở miền Nam Tây Ban Nha nơi xuất phát của vũ điệu Flamenco, Carmen, những trận đấu bò... và là nơi giao nhau giữa văn hóa phương Tây và Ả Rập (người Arab lập vương quốc Arab Cordoba vào năm 929 đến tận năm 1492 mới bị đánh bật ra khỏi Spain).

Năm 1909 gia đình chuyển lên Granada. Năm 1910 Federico bắt đầu tham gia hội nghệ thuật tỉnh. Năm 1914 học luật, triết học và văn học ở
Đại học Granada. Năm 1918 in tập thơ đầu tiên Impresiones y paisajes (Ấn tượng và phong cảnh) và bắt đầu nổi tiếng với danh hiệu "con họa mi xứ Andalusia". Năm 1919 Lorca lên thủ đô Madrid học đại học và làm quen với Gregorio Martínez Sierra, giám đốc nhà hát Teatro Eslava. Theo đề nghị của Gregorio Martínez Sierra, Lorca viết vở kịch đầu tiên El maleficio de la mariposa (Yêu thuật của bướm) và dựng vở kịch này. Năm 1929 Lorca sang New York. Kết quả của chuyến đi này là tập thơ Poeta en Nueva York (Nhà thơ ở New York, 1931) và hai vở kịch El público (Công chúng, 1931) và Así que pasen cinco años (Khi nào hết 5 năm, 1931).

Lorca quay trở lại Tây Ban Nha khi nước này bắt đầu thiết lập chính thể cộng hòa. Năm 1931 được mời làm giám đốc nhà hát sinh viên
La Barraca. Thời kỳ này ông viết nhiều vở kịch nổi tiếng như: Bodas de sangre (Đám cưới máu); Yerma (Yerma); La casa de Bernarda Alba (Ngôi nhà của Bernarda Alba)... Khi nội chiến Tây Ban Nha xảy ra, Lorca từ giã Madrid trở về Granada, mặc dù biết rằng ở miền nam rất nguy hiểm. Ngày 19 tháng 8 năm 1936 Lorca bị giết chết.

Nếu so sánh một cách thô thiển trường hợp của Lorca khá giống với Nguyễn Bính của Việt Nam. Thời gian còn ở quê nhà Lorca tìm tòi, ghi chép dân ca đến nỗi ngưuời ta gọi Lorca là "chàng hát rong thời trung cổ". Thơ Lorca phổ biến rộng rãi trong quần chúng và sau đó quay trở lại lưu truyền ở các làng làng quê như những bài dân ca đặc biệt ở tập thơ Romancero gitano (Romancero Xứ-gan, 1928). Nhưng Lorca còn rất hiện đại bở Lorca được đón nhận những tư tưởng nghệ thuật mới mẻ nhất thời ấy khi lên thủ đô Madrid.
Lorca còn là một họa sĩ, nhạc sĩ. Ngày nay, Lorca vẫn là nhà thơ được yêu mến rộng rãi nhất ở Spain.

THƠ FEDERICO GARCIA LORCA

GHI NHỚ (Người dịch : Hàm Đan)

Bao giờ tôi tôi chết,
hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta
trong cát.
Bao giờ tôi chết,
giữa những hàng cam
và đám bạc hà.
Bao giờ tôi chết,
xin hãy chôn tôi
trong chiếc chong chóng gió.
Bao giờ tôi chết!

VĨNH BIỆT (Người dịch: Hàm Đan)

Nếu tôi chết
Hãy để ban công mở rộng
Đứa trẻ đang ăn cam
(Từ ban công tôi có thể nhìn thấy)
Người nông dân đang gặt lúa mì
(Từ ban công tôi có thể nghe)
Nếu tôi chết hãy để ban công mở rộng.
BÀI CA KỊ SĨ (CORDOBA) (Người dịch: Hoàng Hưng)

Cordoba
Xa thẳm, cô liêu Con ngựa ô, vành vạnh vành trăng, Ô liu đầy túi. Dù ta thuộc hết đường hết lối Chẳng bao giờ tới Cordoba.
Đi qua rừng, đi qua gió Con ngựa đen, vầng trăng đỏ Cái chết rình rập ta nơi đó từ trên ngọn tháp Cordoba.
Ôi chú ngựa quý giá
dằng dặc chặng đường dài!
Trên đường Cordoba
có cái chết đón đầu, ta biết!
Cordoba
xa thẳm, cô liêu.

AMPARO (Người dịch: Diễm Châu)
Amparo, em đơn độc làm sao trong nhà vận toàn hàng trắng!
(Đường xích đạo giữa bông lài và giống cỏ thơm.)
Em nghe những tia nước tuyệt vời ở khoảnh sân nhà, và tiếng láy vàng nho nhỏ của con chim yến.
Vào chiều muộn em thấy run run những cây trắc-bá cùng chim chóc, trong lúc em chầm chậm thêu những chữ trên khung vải.
Amparo, em đơn độc làm sao trong nhà, vận toàn hàng trắng!
Amparo, thật khó biết bao nói với em: anh, anh yêu em!

MADRIGAL (Người dịch: Phan Cẩm Thịnh)

Anh đã từng nhìn thấy đôi mắt em
Từ thuở ấu thơ dịu dàng xa vắng
Đôi bàn tay em đã vuốt ve anh Và nụ hôn cho anh, em đã tặng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Và con tim của anh đã mở ra Như bông hoa xoè dưới nắng
Và đã hít thở những cánh hoa
Với sự dịu dàng, mơ mộng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Rồi sau đấy anh đã khóc cay đắng ngậm ngùi
Như vị hoàng tử từ trong câu chuyện cổ
Trong cuộc đấu – và chính ngay khi đó
Nàng Estrellita đã bỏ chàng đi.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).
Và bây giờ hai đứa đã hai nơi Xa em, anh buồn lắm
Không còn bàn tay dịu dàng âu yếm
Và đôi mắt sống động của em
Chỉ còn đây trên vầng trán của anh
Như con bướm – dấu hôn của ngày xa vắng.
(Tất cả như nhịp giờ khắc đang điểm Tất cả như sao toả sáng trên trời).

CÔ NÀNG NGOẠI TÌNH (Người dịch: Hoàng Hưng)
Cô nàng tôi bắt được bên sông
Gái đi vụng chồng tôi tưởng gái son
Hội đêm đợi lúc lửa tàn
Thắp lên tiếng dế râm ran hẹn hò
Đến góc bờ rào tôi chạm vú cô
Dạ hương bỗng mở sững sờ cành thơm
Chân trời trắng toát rập rờn
Nghe như lụa xé kêu dòn bên tai
Hàng cây tối, ngọn vươn dài
Một chân trời chó sủa ngoài xa sông
Bụi bờ gai góc đã băng
Búi tóc cô nàng lún xuống đất sa
Tôi bỏ khăn, cô vén váy, dây lưng tôi tháo, bốn lần áo lót cô cởi ra
Da đâu da mịn hơn hoa
Pha lê trăng chiếu cũng thua ánh ngời
Đùi cô chạy trốn dưới chân tôi
Như đàn cá sợ vẫy đuôi
Nửa kia lạnh ngắt, nửa này nóng ran
Tôi phi con ngựa tuyệt trần
Xà cừ lấp lánh chẳng cần yên cương
Tôi chẳng kể ra lời tâm sự cô nàng
Đàn ông mình phải giữ gìn cho người ta
Đưa cô từ bến nước ra
Mình cô đầy vết hôn và cát dơ
Cành cây như kiếm đung đưa
Trước làn gió nhẹ mơ hồ nửa đêm
Xử sự đúng luật ghi-ta
Tôi tặng cô nàng một giỏ đồ khâu
Nhưng tôi chẳng có mê đâu
Vì cô là gái đêm thâu vụng chồng
Mà làm ra vẻ còn không
Khi hai đứa đến bên sông tự tình.

CHIẾC BÓNG TÂM HỒN TA (Người dịch: Nguyễn Trung Đức)

Chiếc bóng tầm hồn ta
lẩn trốn trước buổi chiều tà những chữ cái,
sương mù những cuốn sách, những ngôn từ.
Chiếc bóng tầm hồn ta.
Ta đã tới giới hạn
của nỗi nhớ
và giọt lệ biến thành
thạch cao của trí tuệ
Chiếc bóng tâm hồn ta.
Vết thương đã thành sẹo
Nhưng vẫn còn đó lí do và chất liệu
của buổi trưa xưa cũ những nụ hôn,
của buổi trưa xưa cũ những ánh mắt buồn.
Một mê cung sôi trào
những ngôi sao lu mờ
cuốn lấy niềm hy vọng
sắp khô héo của ta
Chiếc bóng tâm hồn ta.
Và một ảo giác
khiến ta trố con mắt
Ta thấy từ tình yêu
bị rụng rơi từng chữ
Hỡi hoạ mi của ta!
Hỡi hoạ mi!
Mi vẫn hót đấy chứ?