Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

KURT VONNEGUT, BẬC THẦY CHÂM BIẾM


Ngày 11-4-2007 sẽ là ngày bình lặng với nước Mỹ, nếu không có một hung tin: Nhà văn Kurt Vonnegut qua đời ở tuổi 85. Dư luận Mỹ đau buồn trước sự ra đi của một trong những nhà văn xuất sắc nhất, nhưng K. Vonnegut hồi còn sống luôn tự mỉa mai đã sống quá lâu. Trong tác phẩm cuối cùng được xuất bản là “A man without a country-A memoir of life in George W. Bush’s America”, 2005 (“Người không quê hương-Hồi ký về nước Mỹ thời George W. Bush” do Nguyễn Khánh Toàn dịch, NXB Thông tấn & Nhã Nam, 2011), ông đùa rằng: “Tôi sẽ kiện công ty thuốc lá Brown&Williamson, nhà sản xuất thuốc lá hiệu Pall Mall, đòi bồi thường 1 tỷ đô!... Và đã nhiều năm nay, ngay trên báo thuốc, Brown&Williamson hứa sẽ giết tôi. Nhưng giờ thì tôi tám mươi hai tuổi rồi”. Suốt cả văn nghiệp với gần 30 tác phẩm, K. Vonnegut luôn thích đùa như vậy vì ông nổi tiếng là bậc thầy châm biếm, kết hợp hoàn hảo “hài hước đen” (black comedy) với các phong cách khác để tạo ra thế giới nghệ thuật độc sáng, tiêu biểu cho chủ nghĩa hậu hiện đại.

Con người ưa hài hước ấy lại có tiểu sử không vui khi sớm đối diện sóng gió cuộc đời. Ông sinh ngày 11-11-1922 tại TP Indianapolis, bang Indiana (Mỹ) trong một gia đình người Mỹ gốc Đức. Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 đã làm gia đình ông khánh kiệt, bà mẹ mất vì dùng thuốc ngủ quá liều. Lớn lên, ông gia nhập quân đội Mỹ tham chiến trong Đệ nhị thế chiến, bị bắt làm tù binh và suýt chết trong cuộc ném bom kinh hoàng của quân Đồng minh xuống TP Dresden (Đức). Trải nghiệm đó đã làm nền cho tác phẩm nổi tiếng nhất của K. Vonnegut là tiểu thuyết “Lò sát sinh số 5” (1969). Không giống các tác phẩm ai oán viết về Đệ nhị thế chiến, K. Vonnegut sử dụng tính châm biếm và khoa học giả tưởng, đưa anh lính Billy Pilgrim vào một cuộc du hành xuyên thời gian làm nhân vật hài hước trong chiến tranh.

Các tác phẩm tiếp theo là “Bữa sáng của các nhà vô địch” (1973), “Dick mù” (1982), “Quần đảo Galápagos” (1985)… khẳng định vị trí hàng đầu của K. Vonnegut trên văn đàn; các tác phẩm của ông dần dần được giảng dạy trong nhà trường và được đọc đi đọc lại bởi nhiều thế hệ. Ở Việt Nam, mới chỉ dịch tác phẩm “Người không quê hương”.

Các nhà phê bình xếp “Người không quê hương” là tiểu luận nhưng đúng ra cuốn sách này phi thể loại vì tác phẩm kết hợp hồi ký, tiểu luận trên một kết cấu linh hoạt. Cuốn sách tập hợp 12 đoản văn, 1 bài thơ và các tranh tự họa hài hước (họa sĩ là nghề tay trái của K. Vonnegut) đề cập các vấn đề như: Chính trị, nghệ thuật, tình ái… “Người không quê hương” là những suy nghĩ của K. Vonnegut dưới cái nhìn nhân văn và phong cách châm biếm. Chính hai yếu tố này là “xương sống” của tác phẩm khiến “Người không quê hương” tuy phi thể loại, nội dung ở mỗi đoản văn không thống nhất nhưng khiến người đọc chú ý bởi sau tính hài hước, lập tức phải suy ngẫm đến những vấn đề “nóng” của thời cuộc. Chẳng hạn, mở đầu đoản văn “Tôi sẽ cho bạn biết một tin”, K. Vonnegut tếu táo bàn chuyện con người lạm dụng các chất gây nghiện, nhưng tiếp đó ông lại chuyển sang vấn đề nghiêm túc là việc con người khai thác vô độ nhiên liệu hóa thạch, ông viết: “Chúng ta đều là những con nghiện nhiên liệu hóa thạch nhưng lại không chịu thừa nhận.” Lời phê phán của K. Vonnegut không có gì mới mẻ vì triết học chính trị gần đây không chỉ bàn đến vấn đề cổ điển về nhà nước, cá nhân và xã hội… mà còn quan tâm đến vấn đề môi trường. Triết gia số một nước Đức hiện giờ là Jürgen Habermas nhận định rằng: “Sự tăng trưởng của chủ nghĩa tư bản rút cuộc sẽ bị chặn đứng bởi nguồn tài nguyên hữu hạn của trái đất”. Nhưng K. Vonnegut lật lại vấn đề cũ bằng phong cách hài hước sẽ khiến người đọc ghi nhớ lâu hơn.

Trọng tâm của “Người không quê hương” là phê phán xã hội Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. K. Vonnegut từng hy vọng nước Mỹ nhân văn và hiểu lý lẽ nhưng ông sớm thất vọng khi chính quyền Tổng thống Bush tiếp tục phạm sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh với các nước Hồi giáo mà không có mục đích cụ thể nào, y như cuộc chiến Việt Nam trước đây. Ông phê bình một cách hài hước: “Nói tới chuyện lao vào chiến tranh, bạn có biết tại sao tôi nghĩ George W. Bush bị người Ả Rập làm cho tức điên lên không? Họ mang đến cho chúng ta môn đại số. Cả những con số chúng ta sử dụng, gồm cả ký tự số không, cái mà người châu Âu trước đó chưa bao giờ có. Bạn nghĩ người Ả Rập ngốc nghếch à? Cứ thử làm phép chia với chữ số La Mã đi xem”.

K. Vonnegut đã tiếp nối truyền thống “đề kháng thụ động” của Henry David Thoreau (1817-1862), Allen Ginsberg (1926-1997), Noam Chomsky…, tiếp tục nghi ngờ một cách sáng suốt đối với những siêu tập đoàn và những cơ quan nhà nước đại diện cho bộ mặt đất nước và cho chính sách đối ngoại. Sự nghi ngờ đó chẳng bao giờ thừa và đang diễn ra như tiên đoán, sau khi K. Vonnegut qua đời vài tháng, nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính mà thủ phạm là các ông chủ và các chính trị gia bất tài, tham lam.

Vậy là, có thể xem K. Vonnegut là một nhà nhân văn lớn cho dù ông luôn tự chế giễu điều này: “Tôi, một cách tình cờ, là Chủ tịch Danh dự Hội những nhà Nhân văn Hoa Kỳ, kế nhiệm nhà văn khoa học viễn tưởng vĩ đại quá cố Issac Asimov trong cái vai trò hữu danh vô thực ấy. Chúng tôi tổ chức lễ tưởng niệm Isaac vài năm trước, lúc đó tôi phát biểu và có đoạn tôi nói, “Isaac bây giờ đang trên thiên đàng”. Đó là điều hài hước nhất tôi có thể nói với khán giả là những nhà nhân văn. Tôi đã làm họ cười lăn cười bò… Và nếu tôi có chết, phỉ phui, tôi hy vọng bạn sẽ nói, “Kurt bây giờ đang trên thiên đàng.” Chuyện đùa tôi thích nhất đấy”.    

HÀM ĐAN