Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

THỜI ĐÀM (XI): "THOÁT XÁC"!


 
- Tôi đã đọc nhiều sách, báo nói về “bếp núc” của nhà văn, và thấy rằng làm nhà văn thật khó, lắm gian nan. Chỉ sướng các ông phê bình như anh, chỉ đợi tác phẩm ra đời là phán!

- Sướng cái nỗi gì! Khổ lắm, vất vả lắm.

- Thế thì anh kể khổ đi.

- Nói cho rõ công việc mà tôi đang làm thì dài lắm!

- Nếu dài quá thì anh cứ nói về điểm khởi đầu xem nào?

- Đành mượn lời nhân vật Táo quân mà anh Hiệp “gà” thủ vai trong cuộc thi Táo Idol Tết vừa rồi để nói về việc đầu tiên của nhà phê bình vậy, đó là phải “thoát xác”!

- ?

- Người đọc ngây thơ thích theo dõi kết thúc câu chuyện. Họ bị cuốn vào câu chuyện nên ngộ nhận về giá trị của tác phẩm chỉ được gói gọn ở ý nghĩa câu chuyện được nhà văn “giăng” sẵn. Riêng với nhà phê bình, dù nội dung câu chuyện có xúc động đến mấy, họ cũng phải tỉnh táo, cần phải “thoát xác”, tạm quên đi nội dung câu chuyện, để “đọc sâu” tìm ra các nghĩa khác của tác phẩm.  

- Thật ấn tượng nhưng cũng thật... trừu tượng. Đề nghị anh cho ví dụ minh họa!

- Lấy tác phẩm nổi tiếng mà nhiều người đã đọc là truyện ngắn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Có hai luồng ý kiến, kẻ khen hết mức, người chê cũng không tiếc lời. Tôi không ở bên nào trong cuộc tranh luận vô bổ đó. Cánh đồng bất tận là truyện ngắn có giá trị nhưng không phải là tuyệt tác như nhiều người tung hô vì kĩ thuật truyện ngắn đó đã rất cũ, ít nhất cách đây một thế kỷ và triết lý nhân-quả trong truyện không có gì đặc sắc. Về phía những người chê, một là họ cắt nghĩa nội dung thông qua lăng kính đạo đức (ở đây là đạo đức Nho giáo) và thích đối sánh hiện thực trong truyện ngắn với đời thực. Cho nên, họ mới phê phán yếu tố sex trong truyện và cho rằng tác giả đã cố tình bôi đen hiện thực. Riêng tôi, tôi phân tích nghĩa truyện ngắn theo phương pháp phân tâm học: Một khi con người thiếu các cơ chế kiểm soát cái vô thức thì những hành động bản năng thiếu nhân văn sẽ trỗi dậy hủy hoại chính cuộc sống con người. Tôi không nói cách phân tích của tôi là duy nhất đúng vì còn nhiều phương pháp khác và mỗi phương pháp phê bình có “đường đi” riêng; song chí ít hướng phê bình của tôi gợi ra một lớp nghĩa ngầm ẩn của tác phẩm mà nếu đọc theo cách “tiêu dùng” sẽ không phát hiện ra. Anh đã thấy chưa, nếu không tỉnh táo “thoát xác”, thể nào tôi cũng ngả về một trong hai phe nói trên. 

- Tôi theo dõi dư luận quanh Cánh đồng bất tận và nhận ra đâu chỉ có người đọc bình thường, ngay cả các nhà phê bình cũng chia là hai phe đó thôi?

- Không chỉ có mỗi vụ Cánh đồng bất tận, nhiều vụ tranh cãi trên văn đàn cũng có hiện tượng như anh đề cập. Nhiều người mang tiếng là nhà phê bình văn học nhưng thực ra chẳng thể “thoát xác”, họ vẫn say sưa bình tán về cái nghĩa bề mặt của tác phẩm, cái nghĩa chìm để nhà phê bình diễn giải thì các ông ấy lại bỏ qua. Đấy là những thầy bói phán bừa. Nhưng có nhóm khác kinh hơn, họ thừa biết giá trị thực của tác phẩm, nhưng vì một động cơ nào đó khiến nó nghĩ một đằng nhưng viết ra lại một nẻo.

- Tức là các nhà phê bình nọ không trung thực, thiếu đạo đức nghề nghiệp?

- Chứ còn gì nữa! Tôi thấy thật lạ, cái lĩnh vực phê bình văn học nó chỉ quan tâm đến tác phẩm, chứ nó có “nhạy cảm” như các thể loại khác đâu mà người ta không dám viết như những gì mình nghĩ. Còn nhiều trò khác thiếu lương thiện khác như: xuất hiện thật nhiều trên các phương tiện truyền thông để nổi tiếng, viết một đống sách về các đề tài cũ với phương pháp cũ để nhanh có công trình khoa học... Trong khi, công việc của nhà phê bình là ngồi làm việc, viết bài viết sáng tạo trên những cơ sở lý thuyết vững chắc. Tiếc là số người đó quá ít.

- Vậy, anh làm việc thế nào giữa cái đám phê bình bất tài và cơ hội như anh mới nêu ra, thỉnh thoảng họ có “chọc” anh không?

Việc của tôi, tôi cứ làm thôi. Thỉnh thoảng mấy nhà phê bình “đao búa” có gây sự thì giữ im lặng, coi như họ không tồn tại. Quan trọng nhất vẫn là ngồi làm việc, để đạt được sự tập trung và đỡ mất thời giờ thì không dây dưa gì với mấy vị đó, phải “thoát xác”!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (II): BẢO VỆ LÀNG CỔ

Làng Cự Đà (xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) được các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước đánh giá là ngôi làng cổ có giá trị kiến trúc hàng đầu ở Bắc bộ, đại diện cho vẻ đẹp từ sự giao thoa văn hóa Việt-Pháp đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, trong mấy tháng đầu năm 2011, ngôi làng cổ này gần như đã bị xóa sổ. Theo ông Vũ Văn Bằng, cán bộ phụ trách văn xã của xã Cự Khê, thì trong khoảng thời gian chưa đầy 4 tháng, 80/100 ngôi nhà cổ có “tuổi thọ” trên dưới một thế kỷ đã bị phá hủy để nhường chỗ cho các ngôi nhà hiện đại.

Trong xu thế đô thị hoá, 80% diện tích đất canh tác của xã Cự Khê được thu hồi cho dự án khu đô thị mới, biến những người dân quê quanh năm lam lũ trở thành các tỷ phú. Do chỗ ở chật chội cộng với sự thiếu hiểu biết về giá trị di tích và sẵn tiền trong tay, nên người dân nhanh chóng phá các ngôi nhà cổ để xây nhà cao tầng khang trang. Chính quyền xã không thể ngăn cản vì làng Cự Đà chưa được công nhận Di tích lịch sử-văn hóa nên không thể cấm người dân “đổi cũ lấy mới”.

Sự biến mất của nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi ở làng Cự Đà là lời cảnh báo cấp thiết cho việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể ở nước ta vốn tồn tại nhiều bất cập. Riêng Hà Nội vẫn còn một vài làng cổ như làng Cựu (huyện Phú Xuyên), làng Cốc Thôn (huyện Ba Vì)… nhưng cũng đang đứng trước nguy cơ "đô thị hóa". Để tránh lặp lại những gì xảy ra với Cự Đà, các cơ quan quản lý di sản cần nhanh chóng rà soát hiện trạng từng làng cổ và tiến tới công nhận những ngôi làng có giá trị lịch sử-văn hóa theo đúng các tiêu chí mà Luật Di sản Văn hóa đã quy định. Bên cạnh đó, cần khẩn trương lập các phương án trùng tu để các ngôi nhà tiếp tục trụ vững trước sự tàn phá của thời gian, giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích.

Ngoài ra, không thể xem nhẹ công tác vận động, tuyên truyền cho người dân biết rõ giá trị lịch sử-văn hóa của ngôi nhà cổ mà họ đang sở hữu, từ đó có trách nhiệm với di tích. Dĩ nhiên, cần có chính sách hỗ trợ thiết thực. Chẳng hạn, với những làng cổ có mật độ dân số cao, chính quyền địa phương cần sử dụng quỹ đất nhằm giãn dân theo phương châm “lấy đất đổi đất” để người dân giải quyết nhu cầu chỗ ở, yên tâm giữ nhà cổ cho thế hệ mai sau.

Giữ gìn nguyên vẹn các làng cổ, giá trị lịch sử-văn hóa sẽ được phát huy. Thông qua việc phát triển dịch vụ du lịch có thể góp phần tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2011

LỐI SỐNG Ở CHUNG CƯ MỚI: ĐAN XEN NẾP CŨ

Khi những tòa nhà chung cư mọc lên như nấm, dư luận thường chú ý đến những vấn đề về chất lượng xây dựng, phòng chống cháy nổ, phí dịch vụ… mà dường như ít quan tâm đến những biến chuyển nếp sống một cách căn bản bên trong loại hình kiến trúc này.

Riêng một “góc trời”…

Chẳng cần sống ở nông thôn cũng dễ dàng nhận ra “tình làng nghĩa xóm” (nói theo khoa văn hóa học là tính cộng đồng) của người Việt quá bền chặt. Có được tính cộng đồng cao như vậy là nhờ tổ chức nông thôn theo hai hình thức chính là địa bàn cư trú (xóm và làng) và theo nghề nghiệp (gọi là phường). Đô thị ở Việt Nam luôn bị “nông thôn hóa” cho nên tính cộng đồng ít bị mai một. Đến ngay những khu tập thể kiểu cũ vẫn còn tồn tại đến ngày nay thì y như một làng: Bếp ăn tập thể, bể nước công cộng, thùng rác chung… Mọi nhà, chí ít trong cùng một hành lang hay một tầng đều quen biết nhau, sống cộng đồng (trông nhà, cho quà…).

Nhưng tính cộng đồng gần như biến mất ở chung cư mới nằm trong các khu đô thị mới đang xuất hiện ngày càng nhiều. Nguyên nhân trước tiên là do đặc trưng về thiết kế của các nhà chung cư mới. Trong một căn hộ có đầy đủ tiện nghi khép kín khiến người ta không có việc gì phải ra ngoài, thậm chí những thứ như sách báo và thức ăn vặt… nếu cần chỉ gọi điện là có người mang đến. Những công việc điều hành, quản lý chung cư như sửa chữa thiết bị hư hỏng, an ninh đến việc chứng thực chất lượng nước đã có tổ hoặc xí nghiệp quản lý (thường là nhân viên của các chủ đầu tư) đứng ra nhận trách nhiệm nên người dân không phải nhờ vả lẫn nhau.

Song, quan trọng hơn, tính cộng đồng phai dần trong các chung cư mới là do không còn được tổ chức theo hai hình thức của tổ chức nông thôn truyền thống. Những người sống trong chung cư nhiều khi có thể hợp lại thành một “Liên hiệp quốc” thu nhỏ. Người mua nhà chung cư mà toàn là dân nhập cư đến nên giữa những người dân không có mối liên hệ nào như ở làng. Đồng thời, mỗi người có nghề nghiệp khác nhau phi nông nghiệp, lịch sinh hoạt đa dạng khiến họ không mấy có sự giao tiếp. Vậy nên mới có chuyện một ông ở nhà 702 thấy một gia đình đang chuyển đồ đạc xuống sân chung cư để đi ở nơi khác thì hỏi bảo vệ: “Nhà nào đang chuyển đi?” Bảo vệ trả lời: “Nhà 704”. Ông ở nhà 702 mới biết rõ mặt mũi hàng xóm sát vách mấy năm qua và biết sắp sửa có hàng xóm mới!    

Phải chờ đến những sự kiện liên quan đến cộng đồng như Ngày Quốc tế Thiếu nhi… mới quy tụ được đông dân cư vào cùng một địa điểm. Nhưng nếu hoạt động của các tổ chức đoàn thể và các câu lạc bộ trong chung cư ít duy trì, cộng với việc thiếu các không gian công cộng như sân chơi, nhà văn hóa... thì cơ hội kết nối các cư dân gần như bằng không.

Vậy là, trong các chung cư mới lối sống bám chặt vào tính cộng đồng truyền thống đã nhạt đi thay cho tính cá nhân của thời hiện đại. Khó có thể đánh giá lối sống thiên về cá nhân trong chung cư mới là tốt hay xấu, vì lẽ nó hợp với từng người. Người quen sống bao bọc trong tình cảm bà con hàng xóm, không chịu được cô đơn thì sẽ không thích hợp. Nhưng, lối sống thiên về cá nhân lại hợp với người có nhịp sống công nghiệp, thích tự do trong “góc trời” của mình.

Chưa hình thành lối sống mới

Về bề sâu, lối sống và cách nghĩ của mẫu hình con người làng xã tồn tại ngàn năm ngấm sâu trong tiềm thức vẫn chưa mất hẳn ở cách sống cư dân chung cư hiện đại.

Lối sống chung cư mới là lối sống chuộng tự do cá nhân. Nhưng không mấy người hiểu sự tự do của mình chỉ có được khi biết tôn trọng tự do của người khác. Những thói quen tùy tiện, nhiều khi ích kỷ không theo những cách ứng xử văn minh vẫn đầy rẫy ở ngay những chung cư được công nhận là “kiểu mẫu”. Có nhiều chị em sống trong chung cư mà đi guốc bằng… gỗ, những âm thanh chát chúa vào giữa đêm khuya khiến không chỉ người sống ở nhà dưới lỡ làm việc khuya đành nhét tai nghe vào tai. Văn hóa sống tập thể quá kém của con người làng xã vẫn là phổ biến khi rác, nước thải… vẫn cứ “phi” xuống những tầng dưới. Để hình thành lối sống văn minh, nhiều chung cư đã ban hành quy chế quản lý, song sống theo quy chế hay không lại là chuyện khác.

Bản thân bên trong mỗi căn hộ, những nếp nghĩ truyền thống vẫn còn hiện hữu, như cách bài trí. Nhà ở truyền thống trong nếp nghĩ của người Việt phải là “nhà cao cửa rộng”, cùng với đó là các đồ nội thất càng to (và càng đắt tiền) mới chứng tỏ đẳng cấp của chủ nhân. Sống trong chung cư với diện tích hạn hẹp nhưng cách bài trí vẫn theo lối kiến trúc nhà biệt thự hoặc nhà liền kề với “sập gụ, tủ chè” hoành tráng chiếm hết diện tích nên nhiều căn hộ không khác gì… nhà kho. Ở nước ngoài, chủ nhân thường phải thuê những người chuyên thiết kế nội thất bài trí đồ đạc trong căn hộ. Lối thiết kế thịnh hành nhất của các căn hộ chung cư vẫn theo phong cách tối giản với những đồ nội thất sản xuất theo lối công nghiệp khá rẻ. Ví dụ, giường ngủ không mua sẵn mà phải đóng bằng các loại gỗ tổng hợp và gầm giường biến thành các ngăn kéo đựng quần áo, chăn màn; cho nên, một căn hộ chung cư đôi khi sẽ không cần đến tủ quần áo kềnh càng. Ngay cả việc đơn giản như đèn trang trí cũng thường chọn loại đèn áp trần bởi trần căn hộ chung cư không cao. Các đồ đạc khác cần nhẹ và dễ tháo lắp để dễ di chuyển trong một không gian chật hẹp.

Những ví dụ trên cho thấy các cư dân sống ở chung cư hiện đại cần phải thay đổi tư duy, hình thành nếp sống văn minh hơn để thích nghi với không gian sống hiện đại như chung cư mới.

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

"NGUYỄN TRÃI ĐÁNG ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ LÀ ĐẠI THI HÀO"

Năm 2010, nhà thơ Nguyễn Đỗ (hiện định cư tại Mĩ) và nhà thơ Paul Hoover (Giáo sư sáng tác văn học, Đại học California, Mỹ) đã chung tay dịch tuyển thơ Nguyễn Trãi (1380-1422) sang tiếng Anh với nhan đề Beyond the Court Gate (Rời xa triều đình) do Counterpath Press (Mỹ) ấn hành. Cuối tháng 5 vừa qua, bộ đôi này đã đi xuyên Việt 10 ngày để giới thiệu tập thơ đến bạn đọc Việt Nam tại Hà Nội, Nghệ An, Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh.

1. Trước khi trình làng tập thơ Beyond the Court Gate, Nguyễn Đỗ-Paul Hoover (Pôn Hu-vơ) đã cùng nhau thực hiện tuyển thơ tiếng Anh của các nhà thơ Việt Nam đương đại mang tên Black dog, Black night (Chó mực, đêm đen) do Milkweed Editions (Mỹ) xuất bản năm 2008. Tập thơ Black dog, Black night là bước đột phá trong việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới vì lẽ đây là tập thơ đầu tiên được chuyển ngữ nhằm mục đích thương mại hóa (18 USD/cuốn) và đã thành công với lượng tiêu thụ khả quan; đồng thời được đánh giá cao khi tạp chí thơ Coldfront (Mỹ) uy tín bình chọn là tuyển thơ xuất sắc nhất năm 2008 của nước Mỹ

Theo cách suy nghĩ logic, sau Black dog, Black night thì việc thực hiện Beyond the Court Gate là một sự nối tiếp “thừa thắng xông lên”; song, nhà thơ Nguyễn Đỗ đã phủ nhận điều này. Ông cho biết: Khi còn ở Việt Nam, ông đã thích thơ Nguyễn Trãi. Năm 2003, ông gặp lại một người bạn thân là nhà thơ Hoàng Hưng lúc đó đang ở Mỹ dự một hội thảo về thơ. Cả hai đã cùng nhau đọc lại thơ Nguyễn Trãi: “Trưa Cali thơ Nguyễn Trãi lặng người” (tập thơ Hành trình của Hoàng Hưng-Giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2006). Nguyễn Đỗ đã quyết chí dịch thơ Nguyễn Trãi dù lúc đó trình độ tiếng Anh của Nguyễn Đỗ chưa thật tốt, vì ông tin ở một quan niệm khá cực đoan: Chỉ có nhà thơ mới có thể dịch được thơ! Qua Hoàng Hưng, Nguyễn Đỗ gặp Paul Hoover-nhà thơ hậu hiện đại hàng đầu của Mỹ. Cả hai nhanh chóng đạt được đồng thuận để giới thiệu thơ Việt Nam ra thế giới.

2. Việc dịch thơ đã khó, dịch thơ trung đại như thơ Nguyễn Trãi càng khó gấp đôi. Ngoài chuyện khác biệt về ngôn ngữ, còn là sự khác biệt về văn hóa. Nhiều trường hợp dịch thơ trung đại Việt Nam đã không thoát được sự rườm rà của chú thích nên chưa làm rung động bạn đọc nước ngoài. Chỉ đến khi bác sĩ-dịch giả lỗi lạc Nguyễn Khắc Viện dịch Truyện Kiều (NXB Thế giới, 1965) sang tiếng Pháp mới thoát khỏi “rừng” điển tích để có một văn bản dịch Truyện Kiều thanh thoát, được công nhận là một bản dịch xuất chúng. Có thể xem Nguyễn Đỗ như là người nối tiếp cách chuyển ngữ trên. Dù tác phẩm nào, Nguyễn Đỗ đều truyền đạt được “linh hồn” tác phẩm, ông từ bỏ việc chuyển ngữ y sì như nguyên tác vì điều đó chỉ là ảo tưởng!

Sự khó khăn ở dịch thơ Nguyễn Trãi còn vấp phải “chướng ngại vật” về khác biệt về hình thức thể thơ. Tiếng Việt gồm những từ một âm tiết, cùng với việc sử dụng thanh điệu đa dạng tạo ra một tiết tấu hoàn toàn khác với những từ đa âm tiết của tiếng Anh. Vì thế, dịch giả không thể tái lập nhịp của một bài thơ có niêm luật như thơ Nguyễn Trãi (một số âm tiết nhất định cho mỗi dòng, thường là bốn hay năm) mà phải dựa vào nhịp của tư duy và giọng điệu.

Nhiệm vụ của của Paul Hoover là từ văn bản của Nguyễn Đỗ, ông sẽ “sáng tác” lại thành những bài thơ tiếng Anh hay nhất có thể. Một số bài đạt được ngay từ vài phác thảo đầu tiên, những bài khác pahỉ nhiều lần thay đổi. Điều Paul Hoover nhấn mạnh là tìm kiếm mục tiêu của bài thơ, đặc biệt là logic trí tuệ và cảm xúc.

3. Việc hai nhà thơ bắt tay dịch thơ Nguyễn Trãi là sự tự nguyện, chẳng có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra bảo trợ công việc trên. Lợi nhuận thu được chỉ trông chờ vào việc bán sách và thù lao thuyết trình (500 đến 2.000 USD). Thật may, việc thuyết trình thơ Nguyễn Trãi rất được chờ đón ở Mỹ như lời Paul Hoover chia sẻ: “Ở Mỹ, chúng tôi đã có nhiều cuộc thuyết trình về thơ Nguyễn Trãi, và công chúng rất thích thông qua các bản dịch tiếng Anh”. Cũng cần nói thêm, chẳng có bất cứ lời mời nào để bộ đôi đến Việt Nam giới thiệu tập thơ, mà việc sang Việt Nam xuất phát từ ý tưởng khá “dị” của Paul Hoover: “Tôi muốn biết đất nước đã sinh ra ông ngày nay có còn biết đến con người của ông, nhất là những bài thơ của ông nữa hay không? Vậy nên, tôi và Nguyễn Đỗ đã đến đây như một cuộc khảo sát từ đó tìm cách truyền bá thơ Nguyễn Trãi một cách hiệu quả hơn”.

Nói ra những điều trên chỉ để phản ánh một thực trạng, việc quảng bá văn học Việt Nam vẫn chỉ là công việc của một số người tâm huyết, trong khi những chuyển động của các cơ quan chức năng vẫn chưa rõ rệt sau cái mốc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam đầu năm 2010. Dù nền văn học Việt Nam không phải là nền văn học lớn trên thế giới, nhưng các tác phẩm có giá trị vẫn chưa được giới thiệu rộng rãi, và vì thế, vị thế văn học Việt Nam vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn. Lấy ngay ví dụ từ Nguyễn Trãi, Paul Hoover cho rằng, Nguyễn Trãi đáng được công nhận là một đại thi hào ngang tầm với William Shakespeare (Anh) và Đỗ Phủ (Trung Quốc) với một tầm tư tưởng trong thơ mang tính nhân loại, bao trùm mọi thời đại, nhất là tư tưởng nhân dân qua hai câu bất hủ trong bài Quan hải-Ngắm biển (Nguyễn Trãi toàn tập, 1969, Đào Duy Anh dịch): Phúc chu thủy tín dân do thủy/ Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên (Lật thuyền, thấm thía: dân như nước/ Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời). Đáng tiếc, tầm vóc của Nguyễn Trãi chưa được hiểu hết do chưa được dịch sang một ngôn ngữ quốc tế.

Sau tuyển tập Beyond the Court Gate, Nguyễn Đỗ và Paul Hoover sẽ thực hiện dự án “Tổng tập tinh hoa thơ Việt Nam xưa-nay” bao gồm thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và đương đại góp phần quảng bá văn học Việt Nam đến với thế giới, đặc biệt là người đọc Mỹ. Dĩ nhiên ai cũng mừng và hoan nghênh việc làm nói trên của hai nhà thơ-dịch giả, nhưng chẳng lẽ chúng ta chỉ hoan nghênh suông thôi sao?

HÀM ĐAN