Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

THỜI ĐÀM (XXVII): DẰN LÒNG CHỜ ĐỢI


Văn học Việt Nam đương địa đã bắt kịp với những vấn đề mới cuộc sống đặt ra. Tuy nhiên, hầu hết các tác phẩm viết về những vấn đề thời đại chưa để lại tác phẩm hay, nhất là ở các cây bút trẻ. Nguyên nhân xuất phát từ nhận thức sai lầm là chất liệu đời sống mới sẽ cho ra đời những tác phẩm hay. Trong khi đó, xuất hiện khuynh hướng sáng tác quay trở lại với đề tài lịch sử và đã để lại thành tựu với bộ ba tiểu thuyết lịch sử-văn hóa của Nguyễn Xuân Khánh là “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”. Thành công của bộ ba thuyết lịch sử-văn hóa kể trên không chỉ được ghi nhận thông qua các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội…; mà còn được bạn đọc và bạn nghề thừa nhận trong việc khai phá đề tài và một số cách tân nghệ thuật.

Tiểu thuyết lịch sử ngay từ trước năm 1945 đã có nhiều nhà văn chọn để thử bút lực. Tuy nhiên, trước Nguyễn Xuân Khánh, các nhà văn đều kể lịch sử thông qua các sự kiện từ chính sử với những nhân vật lịch sử nổi danh. Sự làm mới có chăng là cung cấp ngôn ngữ, lối nghĩ hiện đại để cấp cho các nhân vật đã quá xa xăm. Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh khác hẳn. Dù tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” nói về một vị vua thời trung đại nhưng thực chất Nguyễn Xuân Khánh đã thổi một luồng khí mới mẻ vào thể loại tiểu thuyết lịch sử, kéo câu chuyện thời quá khứ gắn kết với câu chuyện của thời hiện tại. Đến hai tiểu thuyết sau là “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh mới thực sự là một nhà nghiên cứu văn hóa trong tư cách nhà văn.

Sự làm mới tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh càng đáng trọng khi ta biết ông xuất bản “Hồ Quý Ly” ở cái tuổi gần 70. Con đường sáng tạo của Nguyễn Xuân Khánh hơi ngược trong văn giới Việt Nam. Thói thường, ở ta, các nhà văn có chút năng khiếu đều phát tiết sớm nhưng ít có sự nghiệp kéo dài đến lúc đầu bạc răng long. Cũng có trường hợp như Nguyên Hồng (1918-1982) có một sự nghiệp kéo dài từ hồi chưa đến tuổi 20 cho đến khi qua đời, nhưng công bằng nhận xét tác phẩm về sau của ông không vượt lên những tác phẩm đầu tay như: “Bỉ vỏ”, “Những ngày thơ ấu”…

Sự thành công muộn màng và mang tính tiệm tiến của Nguyễn Xuân Khánh không hề lạ lùng nếu ta xét đến cách thức viết văn và thể loại tiểu thuyết ông theo đuổi. Tiểu thuyết lịch sử-văn hóa là một dạng tiểu thuyết lai ghép với công trình nghiên cứu. Sở dĩ chỉ có tiểu thuyết làm được vì nó là thể loại trẻ có khả năng ôm chứa mọi chất liệu. Tất nhiên, dù mục đích suy ngẫm về văn hóa và lịch sử dân tộc, nhưng trước tiên là phải có hồn cốt tiểu thuyết khi sử dụng các hình tượng, xây dựng cốt truyện… để hấp dẫn người đọc. Bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh có thể so sánh như tiểu thuyết “Những người bóng dài” (Hoàng Đình Trực dịch, NXB Thanh Hóa, 1987) của nhà văn Thụy Sĩ Han Rắt (1913-2007) tiểu thuyết về người Eskimo sống gần Bắc Cực hoặc tiểu thuyết “Thế giới của Sophie” (Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, 1998) của nhà văn Na Uy Giôn-tên Gác-đơ là tiểu thuyết viết về lịch sử hơn 2000 năm của triết học phương Tây.

Loại tiểu thuyết nghiên cứu này chỉ hợp với kiểu nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh! Trước tiên và hiển nhiên là phải có chút ít năng khiếu viết văn. Nguyễn Xuân Khánh đã được trời cho chút ít “đủ dùng” như bao người. Điều sau mới khó đó là đòi hỏi nhà văn như một nhà nghiên cứu, Nguyễn Xuân Khánh dư sức đáp ứng vì tiếng Pháp của ông rất giỏi, ông có thể thu nhận nhiều nguồn tri thức để mở rộng phông văn hóa, khiến cho tiểu thuyết của ông có chiều sâu tư tưởng. Và cuối cùng, có lẽ là sự kiên nhẫn trong sáng tạo. Điều cuối cùng này nhiều người cho là chẳng quan trọng gì. Nhưng văn chương cần một sự yên tĩnh để tìm hướng đi cho đề tài, trăn trở bút pháp… mới có thể cho ra đời tác phẩm có chất lượng. Khá nhiều nhà văn ở ta, nhất là nhà văn trẻ hôm nay mắc cái bệnh “sốt ruột nổi tiếng”, nhanh nhanh chóng chóng in tác phẩm để lấy tên, còn lại thì… mặc kệ. Với lối nghĩ và cách làm việc như vậy, đừng thắc mắc vì sao văn học Việt Nam vài chục năm tới sẽ khó có cái tên tre trẻ nào đình đám.

Kể ra trường hợp sáng tạo của Nguyễn Xuân Khánh và đối chiếu với thế hệ nhà văn trẻ hôm nay, không phải để hô hào các nhà văn trẻ hãy viết theo lối tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh. Mỗi con người (trong đó có nhà văn) là một “tiểu vũ trụ” chẳng ai giống ai, trong việc sáng tạo lại càng không nên giống nhau. Mặt khác, bộ ba tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh cũng không hẳn là tuyệt tác, nó chỉ thành công trong kiểu tiểu thuyết nghiên cứu. Tuy nhiên, sự thành công của Nguyễn Xuân Khánh đã để lại bài học quý‎ báu đó là viết văn phải lựa chọn hướng đi riêng hợp với cái “tạng” của mình, không thể vội vàng “bán lúa non” mà dằn lòng chờ đợi nuôi dưỡng đam mê và đầu tư nghiêm túc một cách lâu dài.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG