Thứ Hai, 1 tháng 6, 2009

ĐẠO DIỄN ĐỖ THANH HẢI: “PHIM ẢNH KHÔNG PHẢI LÀ SẢN PHẨM CỦA CON NHÀ NGHÈO”


Chưa đến tuổi bốn mươi nhưng đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã nổi tiếng với những bộ phim truyền hình được yêu thích như Xin hãy tin em, Của để dành, Phía trước là bầu trời... “Sếp trẻ” của Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài truyền hình VN thẳng thắn khi nói về hiện trạng phim ảnh VN đương đại.
TRÊN ĐƯỜNG ĐẠT… “CHUẨN”
Cánh phóng viên khi xin phỏng vấn các đạo diễn đôi khi không được việc vì đạo diễn đang làm hậu kì ở nước ngoài. “Đồ nghề” làm phim thiếu vậy sao?
Đạo diễn Đỗ Thanh Hải: Làm phim là một nghệ thuật đặc biệt hơn vì cần tổng hòa các yếu tố trong đó có kĩ thuật công nghệ. Như phim Titanic, ở Đức có công ty lo kĩ xảo để tàu chạy trên biển, còn cảnh nước tràn vào tàu lại làm ở Mỹ. Đạo diễn VN có nhiều ý tưởng nhưng công nghệ làm phim không cho phép đành bỏ đi. Điện ảnh VN bây giờ vẫn chưa đạt chuẩn thế giới mà vẫn ở tình trạng tự phát.
Mấu chốt vẫn là chuyện “đầu tiên” phải không ạ?
- Tiền thì lúc nào cũng cần vì phim ảnh không phải sản phẩm của con nhà nghèo. Có ý kiến cho rằng: chỉ cần cấp một ít tiền cũng sẽ có phim hay là lạc quan tếu. Điện ảnh phản ánh khá rõ nền kinh tế. Hiện nay tiền không phải là nỗi lo lớn nữa mà lo thiếu người. Làm phim vẫn chắp vá, khiên cưỡng vì không có một đội ngũ lành nghề, ăn ý.
Nhưng chúng ta có các trường đào tạo chuyên ngành sân khấu điện ảnh đấy thôi?
- Công tác đào tạo ở các trường chủ yếu học từ các thầy Liên Xô bắt đầu thập kỷ 60 rồi từ đó truyền nghề theo kiểu người già chỉ bảo cho người trẻ, vừa làm vừa bảo nhau. Khoan hãy bàn đến chuyện đào tạo như thế nào chỉ cần nhìn các chuyên ngành đang thiếu như hóa trang, đạo cụ, kỹ xảo… Tóm lại, muốn đạt chuẩn cần có công nghệ làm phim hiện đại và đội ngũ làm phim chuyên nghiệp.
TỈNH TÁO VỚI PHIM TƯ NHÂN
Nói đến từ “chuyên nghiệp”, hình như các hãng phim tư nhân đang tỏ ra sự chuyên nghiệp trong từng khâu sản xuất cho đến phát hành?
- Cần tỉnh táo nhìn nhận vai trò của các hãng phim tư nhân. Vai trò đáng kể nhất của họ là tạo ra sự cạnh tranh – yếu tố không thể thiếu cho một nền điện ảnh chuyên nghiệp. Hãng phim nhà nước hay tư nhân thì cũng như nhau: “ông” nào làm tốt hơn, hút khán giả hơn người đó thắng. Hãng phim tư nhân có sự năng động, nhanh nhạy dám thử thách, không e ngại và nhất là không cần phải làm phim để tuyên truyền. Mặt trái thì ai cũng thấy; họ phải tự thu tự chi, họ cần những bộ phim mang tính thị trường, câu khách. Việc đưa một số người mẫu, ca sĩ làm diễn viên không có gì để ầm ĩ nhưng quan trọng họ diễn như thế nào? Hoặc phim có cảnh “nóng” cũng là điều bình thường nhưng ngoài khoe hình thể ra nó còn gây cảm xúc nào tới khán giả nữa không?
Anh đã từng lo ngại cho Đãng “trọc” khi đạo diễn trẻ này làm phim tư nhân đúng không ạ?
- Xuất phát điểm của tôi và Đãng giống nhau, phải lựa chọn: làm việc trong hãng phim nhà nước hay ra làm ngoài. Lúc Đãng làm những phim đầu tiên tôi đã nghĩ: vấn đề của Đãng là mong ước được làm phim ngay. Những bộ phim của Đãng liệu thực sự là những dự án làm phim tâm huyết của anh hay phải làm vài ba phim theo ý của hãng phim chứ không phải của Đãng. Đã qua giai đoạn được làm phim nhưng giờ Đãng có thực hiện được dự án của anh hay không? Các hãng phim tư nhân bằng mọi cách phải làm phim hút khán giả, có tiền để tái đầu tư rồi mới nghĩ đến những thử nghiệm mang tính nghệ thuật. Ở nước ngoài, vào giai đoạn đầu các hãng phim tư nhân cũng gặp khủng hoảng như ở ta lúc này.
Hãng phim tư nhân đang có những điểm yếu, nhưng họ vẫn “tay không”… “bắt” người của nhà nước sang làm việc. Môi trường làm việc ở hãng phim tư nhân hấp dẫn hơn chăng?
- Tiềm lực kinh tế của hãng phim tư nhân là rất mạnh. Số người đi làm cho tư nhân là để thu nhập thêm, điều này hoàn toàn chính đáng. Một người mới vào nghề muốn được làm phim ngay nên để khẳng định tên tuổi còn nếu thuộc biên chế các hãng phim nhà nước phải đợi một thời gian mới được giao kịch bản.
Tương lai của nền điện ảnh chuyên nghiệp ở VN sẽ nằm tay hãng phim tư nhân giống như các nước phương Tây?
- Đúng. Nhưng cũng không thể xem nhẹ vai trò của hãng phim nhà nước. Có thể số lượng phim sản xuất sẽ không nhiều nhưng bù lại nếu có hướng đi thích hợp họ cũng sẽ làm nên chuyện bằng dòng phim nghệ thuật.
VỪA LÀM VỪA RÚT KINH NGHIỆM
VFC hiện vẫn tiếp tục sản xuất bộ phim sitcom khá mới mẻ là Những người độc thân vui vẻ. Tuy nhiên lại không được đánh giá cao so với phim Cô gái xấu xí vì giống kịch quá. Anh có thể tự cắt nghĩa được không?
- Đã gọi là phim sitcom (situation comedy: hài kịch tình huống - PV) thì chất kịch đương nhiên phải có. Hai phim cũng phản ánh rõ nét đời sống kịch hai miền: kịch miền Nam chất đời tự nhiên nhiều hơn nên được khán giả chấp nhận; kịch miền Bắc mang tính sân khấu hoá cao, diễn viên ăn nói chỉn chu, nhấn nhá, tròn vành rõ chữ hơn.
Làm phim mà không được khán giả thích dĩ nhiên là chúng tôi rất buồn. Tuy nhiên cái được lớn nhất là tạo ra một quy trình làm phim hiện đại, chuyên nghiệp. Vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm cho những bộ phim sau này.
Anh đánh giá sự chuyên nghiệp của các hãng phim nhà nước ở mức độ nào?
- Cũng giống như các hãng phim tư nhân, các hãng phim nhà nước cũng đang chuyển mình hướng đến sự chuyên nghiệp. Cái lợi của hãng phim nhà nước là không sợ lỗ. Nhưng khi được cầm tiền của nhà nước thì phải làm nhiệm vụ tuyên truyền được giao vì thế phim nhà nước mới có đề tài nông thôn, chiến tranh cách mạng, chống tham nhũng và tệ nạn xã hội… Khi anh em nhà Lumière (cha đẻ nền điện ảnh - PV) làm những thước phim đầu tiên mục đích của họ không phải là tuyên truyền mà ghi lại đời sống bằng cách biểu đạt mới. Tôi nghĩ đã đến lúc phải trả lại mục tiêu đích thực ban đầu cho các bộ phim.
Cái khó của phim truyền hình là phải thu hút làm sao càng nhiều người xem càng tốt trong khi thị hiếu người xem bị phân hoá, mỗi người có một “gu” riêng. Chương trình truyền hình như Nhật kí Vàng Anh chiếu trên VTV3 người lớn chê dở trong khi đa số bạn trẻ lại yêu thích. Giá như chúng tôi có thể chiếu trên kênh cho thanh thiếu niên (VTV6) thì việc phục vụ người xem sẽ chuyên nghiệp hơn.
Một điều nữa, các bộ phim làm ra chủ yếu để phát miễn phí, tiền thu được chỉ nhờ quảng cáo. Ở nước ngoài không vậy, đa số các phim đều được chiếu trên kênh truyền hình trả tiền (pay TV); các hãng phim nhờ đó mới lớn mạnh lên được.
Ngoài vướng mắc về cơ chế không thể giải quyết ngay, thì hình như các hãng phim nhà nước có tư duy làm phim khá cũ đúng không ạ? Tôi có thể lấy ví dụ: Các nhân vật trong Nhật kí Vàng Anh đều là các nhân vật được lí tưởng hoá kiểu như ngoan và học giỏi luôn đồng hành trong khi thực tế học sinh học giỏi lại không hề “tử tế” và ngược lại.
- Nhật kí Vàng Anh là chương trình truyền hình làm nhiệm vụ giáo dục cho nên cách xây dựng nhân vật không thể khác. Cho nên mới có chuyện, có tập phim Vàng Anh “bướng” không nghe lời bố mẹ thì tập sau đã đi làm từ thiện. Tư duy chúng tôi không cũ đâu. Ngay từ bộ phim “nhí nhố” Xin hãy tin em, cô sinh viên Hoài vừa có những phút giây nữ tính song song với việc ăn mặc rất bụi, uống rượu thi.
ĐÔ THỊ: ĐẤT SỐNG CỦA PHIM ẢNH
Anh đã nổi tiếng với các bộ phim về cuộc sống ở đô thị. Hồi ấy, anh có nhận ra được sự “đứt gãy” trong quan hệ giữa các thế hệ, giữa các lớp người ở đô thị hay chưa?
- Những phim đầu tiên tôi làm với tâm trạng hồn nhiên. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra những “đứt gãy” ở đô thị. Đô thị mới là đất sống cho nghệ thuật hiện đại trong đó có phim ảnh. Có nhiều người có tuổi viết thư phản ánh rằng: Sao không làm phim về thiếu niên nông thôn lại đi làm phim về 8X, 9X ở đô thị. Xin thưa, ở nông thôn có gì mà nói. Học xong, đi làm ngoài đồng, ra bờ đê nói chuyện rồi về nhà ngủ. Ở đô thị, có chat chit, game, có đủ thứ mới mẻ để lên phim.
Tôi nhận ra sự “ích kỉ” của thế hệ đi trước. Họ luôn nói rằng: thế hệ họ thiếu thốn nhưng vẫn trưởng thành tại sao bây giờ sướng hơn mà lớp trẻ nhiều người lại hư hỏng. Họ không hiểu một điều: thời đại đã thay đổi, mọi việc trở nên phức tạp hơn nhiều cơ hội thành đạt hơn và cũng có nhiều cạm bẫy hơn. Thế hệ đi trước cứ bắt con em họ giữ khư khư mấy tín điều cũ kĩ. Chẳng hạn, một học sinh được bố mẹ ở nước ngoài gửi quần áo, đồ chơi đắt tiền. Nó sẽ được khuyên: trong lớp con nhiều bạn còn nghèo không nên “phô” như thế. Có của mà không dùng thì thà không có còn hơn.
Người đô thị bị phân hoá nên phim ảnh khó chiều thị hiếu hơn phải không ạ?
- Đúng vậy. Tôi cho rằng không nên lẫn lộn các dòng phim với nhau. Cái nào thuần giải trí, cái nào thuần nghệ thuật thì phải có cách quảng bá khác nhau nhắm đến đối tượng khác nhau. Phim Đừng đốt người lớn tuổi khóc từ đàu đến cuối trong khi người trẻ lại chẳng có cảm xúc quá đặc biệt. Poster phim Đừng đốt xấu xí lại nằm bên cạnh poster đẹp đẽ của Hollywood trong cùng một rạp thì thua ngay từ khi chưa... trình chiếu.
Xin cảm ơn anh!

Hàm Đan thực hiện
(Cảm ơn bà chị Thùy Hương đã giúp đỡ)