Thứ Hai, 16 tháng 8, 2010

NỖI NIỀM CON RỂ NHÀ VĂN VŨ TRỌNG PHỤNG

Đến thăm Khu tưởng niệm và mộ phần nhà văn Vũ Trọng Phụng phải vượt qua đoạn đường Láng ngày đêm người qua như mắc cửi. Sau vài phút luồn lách trong những ngõ hẹp vốn là đường làng Mọc xưa, hẳn nhiều khách tham quan không ngờ lại lọt vào một không gian thanh vắng đến mức cô tịch.

Khuôn viên rộng hơn 200 mét vuông quả là yên nghỉ lí tưởng của nhà văn quá cố; nhưng nơi đây là nơi sinh sống của con rể và các cháu chắt của văn sĩ họ Vũ. Ông Nghiêm Xuân Sơn-con rể nhà văn cho hay: “Đặt mộ ông cụ trong vườn nhà là tôi học theo người Nam Bộ đấy. Ở miền Bắc, chẳng ai làm thế”. Không chỉ vượt qua sự kiêng kị tập quán, ông Sơn thậm chí đã từng phải vượt qua sự dị nghị người thân để lo cho người bố vợ ông chưa từng gặp lúc sinh thời. Người ngoài văn giới chỉ cần nhìn những hiện vật phong phú liên quan của đến tác giả Số đỏ đã đủ cảm nhận tình cảm của ông Sơn vượt trên quan hệ thông thường của con rể đối với bố vợ.

Dễ cũng đến hơn 2 năm không gặp ông Sơn, trông ông có vẻ yếu; quả là thời gian chẳng tha một ai, thoắt cái ông Sơn sắp sang tuổi 75. Nhưng mọi sự mệt mỏi của thể xác dường như biến mất, ông trở nên sôi nổi, hoạt bát hẳn lên khi nói về người bố vợ thiên tài. Ông hơi buồn khi cho biết: Chẳng rõ Khu tưởng niệm có được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa trước ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội hay không? Đây không phải là lần đầu ông mong mỏi việc chứng nhận Khu tưởng niệm thành là di tích; nhân dịp Đại lễ, ông Sơn lại đưa ra đề nghị một lần nữa, lập tức được dư luận ủng hộ. Lâu nay, các nhà nghiên cứu văn học trong và ngoài nước đã đánh giá Vũ Trọng Phụng là nhà văn số một sáng tác trên chất liệu là đời sống và con người Hà thành trước năm 1945. Chính quyền địa phương, Hội nhà văn Việt Nam đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng để sớm công nhận Khu tưởng niệm. Gia đình nhà văn chỉ xin chứng nhận, đất đai cùng mọi cơ sở vật chất gia đình vốn lâu nay đã tự lo lấy không nhờ vả tới nhà nước. Dẫu không hài lòng về sự chậm trễ nhưng ông Sơn vẫn đề nghị nếu có khó khăn thì gia đình sẽ giúp bởi chỉ một khi được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa đồng nghĩa với việc không ai có quyền xâm phạm vào nơi yên nghỉ của nhà văn.



Ông Sơn luôn lo sợ công sức lâu nay sẽ uổng hoài bởi những người không hiểu biết hoặc không tha thiết với di sản văn hóa. Ông Sơn nhắc lại những câu chuyện không vui về những Khu tưởng niệm của các văn sĩ nổi tiếng trở nên tiêu điều do người thân ở xa không có điều kiện chăm lo. Ông cũng sợ bi kịch nhà cụ Vương Hồng Sển trong thành phố Hồ Chí Minh bị hư hại sau khi giao cho cơ quan thiếu trách nhiệm. Theo ông Sơn, tốt nhất Khu tưởng niệm vẫn để gia đình quản lí như vậy mới có điều kiện bảo vệ và phát triển. Ông cũng nhắc lại việc kiên quyết từ chối không để Khu tưởng niệm trở thành điểm du lịch thu tiền.

Kinh phí đầu tư cho Khu tưởng niệm lâu nay vẫn lấy ở nhuận bút tái bản tác phẩm của nhà văn. Ông Sơn tiết lộ kế hoạch xuất bản lại Toàn tập Vũ Trọng Phụng với sự bổ sung phần chưa chính xác hoặc còn thiếu từ những bản gốc mới được các nhà văn bản học phát hiện. Đó là một trong nhiều việc làm tới đây liên quan đến Khu di tích. Như để chứng minh cho lời nói của mình, ông Sơn dẫn khách tới gian trưng bày mới tạm gọi là “Vũ Trọng Phụng với hôm nay” để đặt những cuốn sách, những bức ảnh mới nhất liên quan đến khu di tích. Ông say sưa kể về lai lịch từng bức ảnh như một hướng dẫn viên mới vào nghề. Những người khác cũng mải mê trong những di sản của kí ức mà quên mất tuổi đời của người con rể nhà văn Vũ Trọng Phụng…

HÀM ĐAN