Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012

TRƯNG BÀY "TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU: TÂM-ĐẸP-VUI": MỘT CÁCH HIỂU ĐÚNG TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU

        Sau gần 3 năm thực hiện, vào dịp đầu năm 2012, trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” đã chính thức phục vụ công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). Đây có thể xem là một trong các hoạt động cố gắng giúp công chúng phân biệt được giá trị cốt lõi của tín ngưỡng bản địa độc đáo với những biến tướng mang tính chất mê tín dị đoan.

1. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu văn hóa học, tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ việc thờ các nữ thần của người Việt cổ. Là đất nước nông nghiệp lúa nước, người Việt lại chuộng sự phồn thực nên các nữ thần là các bà mẹ thay vì các cô gái trẻ.

Thường để được gọi là Mẫu gồm các trường hợp sau: Các vị Thánh đứng đầu tín ngưỡng Mẫu Tứ phủ: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Địa… được tôn xưng là Thánh Mẫu. Các vị Thái hậu, Hoàng hậu, Công chúa có công lao được tôn xưng là Quốc Mẫu, Vương Mẫu như Mẹ Âu Cơ, Mụ Giạ… Ngoài ra là các vị nữ thần sáng tạo nghề truyền thống, các nữ tướng như: Bà Lúa, Bà Chúa Kho, Hai Bà Trưng… cũng được tôn xưng là Mẫu.

Dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố, kể cả yếu tố ngoại sinh là Đạo giáo đến từ Trung Hoa, tín ngưỡng thờ Mẫu vốn tản mạn đã hình thành một hệ thống khá nhất quán về điện thần với các phủ, các hàng và các kinh văn gần như là một tôn giáo. Hệ thống các vị thần từ cao đến thấp thông thường gồm: Ngọc Hoàng, Tam tòa Thánh Mẫu, Ngũ vị Vương Quan (từ đệ nhất đến đệ ngũ), Tứ vị Chầu Bà, Ngũ vị Hoàng tử (từ đệ nhất đến đệ ngũ), Thập nhị Vương cô (gọi tên từ một đến mười hai), Thập nhị vương cậu , Quan Ngũ hổ và Ông Lốt (rắn). Nhưng số lượng các hàng Quan, Bà, Ông Hoàng, Cô, Cậu thường thay đổi so với thực tế, như trên quan niệm thông thường có năm Hoàng tử nhưng trên thực tế thờ cũng có thể lên đến mười vị, trong đó Ông Hoàng Mười rất nổi tiếng có đền thờ ở gần TP. Vinh (Nghệ An). Tín ngưỡng thờ Mẫu cũng hình thành một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, một vũ trụ thống nhất chia làm bốn miền do bốn vị Thánh Mẫu cai quản gồm: Thiên phủ-miền trời do Mẫu Thượng thiên cai quản, Thoải phủ (Thoải biến âm của Thủy)-miền nước do Mẫu Thoải cai quản, Địa phủ-miền đất do Mẫu Địa cai quản và Nhạc phủ-miền rừng do Mẫu Thượng Ngàn cai quản.

Tín ngưỡng thờ Mẫu chỉ quan tâm đến sự sống, khát vọng sức khỏe, tài lộc nên những người thờ Mẫu cầu xin sự giúp đỡ đôi khi là lời phán của các Thánh. Cho nên, mới nghi lễ quan trọng là hầu đồng. Hầu đồng là một nghi lễ nhập hồn nhiều lần của các vị Thánh vào thân xác ông đồng, bà đồng. Hầu đồng có thể xem là hình thức Shaman giáo-tức liên kết cộng đồng với thế giới thần linh thông qua thầy pháp ở trạng thái ngây ngất (ecstasy). Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ… và các tộc người thiểu số vùng Trung Á, châu Phi, Mỹ La-tinh… cũng có các hình thức Shaman giáo tương tự như hầu đồng. Điểm độc đáo khác của hầu đồng là vì tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết như hát chầu văn, các điệu múa…

Hầu đồng ngày xưa rất đơn giản, chỉ phát quà lộc tượng trưng. Mặt khác, chỉ những người có sức khỏe tâm thần không tốt, tức có “căn đồng” mới có khả năng nhập đồng. Nhưng ngày nay, đa số các cuộc hầu đồng đã biến tướng, bị lợi dụng bởi nhiều “đồng tỉnh” giả “đồng mê” khiến mỗi cuộc hầu đồng rất tốn kém. Và hầu đồng bị tai tiếng là một hình thức mê tín dị đoan.

2. Bà Nguyễn Thị Bích Vân-Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho rằng, việc đưa trưng bày “Tín ngưỡng thờ Mẫu: Tâm-Đẹp-Vui” vào trong hệ thống trưng bày thường xuyên của bảo tàng là bổ sung vào phần còn khuyết về một nội dung liên quan đến chủ đề phụ nữ và đời sống tâm linh.

Nhưng do sự phức tạp tự thân của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng nên trưng bày tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn chưa thể đáp ứng được số đông người xem. Vì ngay cả là một người Việt Nam nhưng chưa có hiểu biết về đạo Mẫu mà tham quan trưng bày sẽ không thể hiểu rõ chí ít ở hai vấn đề: Tín ngưỡng Mẫu xuất phát từ đâu mà lại được công nhận là tín ngưỡng bản địa Việt Nam? Hầu đồng có liên quan gì đến tín ngưỡng thờ Mẫu?

Tuy vậy, có thể xem trưng bày là một nỗ lực sưu tầm khá đầy đủ các hiện vật như: điện thờ, trang sức và trang phục của ông đồng, bà đồng… giúp công chúng có một cái nhìn đầy đủ hơn về một tín ngưỡng dân gian đặc sắc, có sức sống lâu bền.

Điểm mới mà trưng bày mang lại là một phong cách trưng bày mới, sinh động. Được biết phần thiết kế trưng bày lần này do ông James Hicks-chuyên gia thiết kế bảo tàng từ Mỹ đảm nhiệm. Đây là lần đầu tiên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam sử dụng phong cách thiết kế của Mỹ. Thiết kế sử dụng các tấm rèm làm vách ngăn để tạo tuyến tham quan cho người xem. Ngoài ra, trưng bày được sắp xếp thành bốn chủ đề: Mẫu-Tâm-Đẹp-Vui, tương ứng với bốn màu đặc trưng của Tứ phủ: Màu đỏ (Thiên phủ), màu trắng (Thoải phủ), màu vàng (Địa phủ) và màu xanh (Nhạc phủ). Tất cả các tài liệu hiện vật, vật liệu cũng đi theo 4 màu ấy, đòi hỏi sự lựa chọn công phu và ăn khớp.

Trưng bày còn sử dụng các màn hình chiếu các cảnh hầu đồng thêm phần sinh động. Đáng chú ý là việc in các tấm áp-phích ghi lại lời nói của những người thờ Mẫu, các ông đồng, bà đồng… để qua đó người xem hiểu biết sâu hơn được tín ngưỡng thờ Mẫu từ nhiều chiều và từ bên trong bởi những người quan tâm đến tín ngưỡng thờ Mẫu.

Với một di sản văn hóa phi vật thể tín ngưỡng thờ Mẫu, còn có nhiều tranh cãi về giá trị đích thực cũng như những tác động không mong đợi, trưng bày đây là một sự táo bạo, đưa tín ngưỡng thờ Mẫu ra ngoài các đền phủ để hiện diện trong một thiết chế văn hóa. Quan trọng hơn, trưng bày có thể xem là bước đầu cho một quá trình vận động nhận thức giúp cho công chúng hiểu đúng về tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ nhận thức đúng, trong tương lai mới có thể tiến hành bảo vệ và phát huy các giá trị tích cực của tín ngưỡng thờ Mẫu. 

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

KỲ NHÂN JORGE LUIS BORGES

          Thế kỷ XX không chỉ có riêng khoa học kỹ thuật phát triển vượt bậc mà văn chương cũng xuất hiện nhiều tài năng xuất chúng. Nhưng nếu phải lựa chọn nhà văn khiến nhiều người đọc ngạc nhiên và mê hoặc thì có lẽ cái tên Jorge Luis Borges (1899-1986) sẽ được nghĩ tới nhiều nhất.
       J. L. Borges thuộc trong số không nhiều các nhà văn có duyên với văn chương từ khi còn nhỏ tuổi. Gia đình nhà Borges giàu có thủ đô Buenos Aires (Ác-hen-ti-na) đã đón chào sự ra đời của cậu bé Jorge Luis Borges vào ngày 24-8-1899 trong niềm vuicả hy vọng về một tài năng văn chương tương lai. Thời thơ ấu của J. L. Borges sống trong sự giáo dục nghiêm cẩn kiểu quý tộc châu Âu. Bà nội ông vốn là người Anh đã dạy cháu tiếng Anh song song với tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha. Lên 9 tuổi, thậm chí ông còn dịch truyện “Hoàng tử hạnh phúc” của nhà văn Ai-len Oscar Wilde (1854-1900) sang tiếng Tây Ban Nha xuất sắc đến mức, người biên tập cứ tưởng ông bố Jorge Guillermo Borges mới đích thị là người dịch.
    Không chỉ là thần đồng-thân phận của một người trưởng thành sớm một cách lạ kỳ, cuộc đời J. L. Borges cũng kỳ lạ không kém những sáng tác của ông J.L. Borges đã phải sáng tác trong cảnh mù lòa suốt 31 năm. Trong quãng thời gian sống với bóng tối dưới sự giúp đỡ của thư ký, sức viết của ông không hề giảm, chất lượng các tác phẩm được nâng lên tầm hoàn hảo. Kỳ lạ hơn, nếu gần như tất cả các nhà văn lớn của thế kỷ XX đều là các tiểu thuyết gia thì J. L. Borges lại làm nên tên tuổi chỉ với các tập truyện ngắn.
     Truyện ngắn của J. L. Borges có thể mê hoặc bất cứ ai, kể cả trẻ em vì hình thức truyện thường rất cổ điển, cốt truyện luôn hấp dẫn. Trên một hình thức cũ, Borges đã làm cuộc cách mạng văn chương và được xem là người cha của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Trong lời kết trong truyện cực ngắn “Ngụ ngôn của Cervantes và cuốn Don Quixote”, ông đã suy ngẫm về tính huyền thoại trong văn học: “Bởi khởi thủy của văn chương là huyền thoại, và kết thúc cũng vậy”. Biệt tài của J. L. Borges là xóa nhòa ranh giới thời gian và không gian thực với thời gian và không gian huyền thoại để cái thực và ảo đan cài vào nhau không thể tách rời. Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo là sản phẩm và sau đó cũng phản ánh gián tiếp sự đa dạng văn hóa của Mỹ La-tinh - vùng đất Tân Thế giới của người da trắng, da đen nhập cư và cả người da đỏ bản địa. Nhờ J. L. Borges mà chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trở thành một trào lưu sáng tác có những kỹ thuật viết riêng tiếp thêm sức sống cho văn chương thế giới. Ảnh hưởng của J. L. Borges không chỉ với các cây bút Mỹ La-tinh như: Gabriel Garcia Marquez (Nobel Văn học 1982), Octavio Paz (Nobel Văn học 1990), Mario Vargas Llosa (Nobel Văn học 2010)…, mà còn thấy dấu vết ở những nơi cách biệt về địa lý và văn hóa như trong tác phẩm của nhà văn số một Trung Quốc hiện nay là Mạc Ngôn.
    Đến tận ngày nay, giới nghiên cứu văn học trên thế giới vẫn đang say mê tìm hiểu về các tác phẩm của J. L. Borges. Càng nghiên cứu, người ta càng phát hiện ra nhiều điểm ông đi trước thời đại từ lâu. Nhiều sáng tác như những lời tiên tri cho văn chương hậu hiện đại, đặc biệt là tính liên văn bản. Hiểu một cách sơ lược nhất về liên văn bản là không có văn bản nào được viết ra mà hoàn toàn độc lập với các văn bản được viết trước đó, các văn bản sẽ sử dụng chung các chủ đề và hình thức mà đôi khi chính người viết không ý thức được. Với J. L. Borges, ông ngang nhiên sử dụng các trích dẫn, các nhân vật quá khứ, các huyền thoại trong các loại kinh sách… để làm chất liệu cho các truyện ngắn kỳ ảo. Mục đích của ông là tạo ra một bộ bách khoa thư hư cấu dựa trên các bộ bách khoa toàn thư có thật mà ông say mê đọc suốt cuộc đời.
      Với tư duy sáng tạo độc đáo, ông đã tạo ra vô số cấu trúc truyện ngắn vô song, đặc biệt là cấu trúc mê cung khiến người đọc ngạc nhiên và bối rối khi bị lạc vào vô số các điển tích, điển phạm mà Borges “tái sử dụng”. Vì thế, những truyện ngắn kiểu này phải vất vả trong khi đọc nếu không có sẵn những kiến thức nền tảng, đặc biệt là triết học. Xin lấy ví dụ từ truyện ngắn Argumentum Ornithologicum (Biện luận điểu cầm học): 
    “Tôi khép mắt lại và thấy một bầy chim. Hình ảnh đó thoáng qua trong một giây, hoặc có lẽ ít hơn; tôi không chắc tôi đã thấy bao nhiêu con chim. Số lượng chim cố định hay bất định? Vấn đề này liên quan đến sự hiện hữu của Thượng Đế. Nếu Thượng Đế hiện hữu, con số phải cố định, bởi Thượng Đế biết tôi thấy đã bao nhiêu con chim. Nếu Thượng Đế không hiện hữu, con số không thể xác định, bởi đã không có ai đếm. Trong trường hợp này, tôi đã thấy ít hơn mười con chim (tạm nói như vậy) và nhiều hơn một con, nhưng tôi đã không thấy chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba hoặc hai con chim. Tôi đã thấy một số lượng giữa mười và một, mà không phải là chín, tám, bảy, sáu, năm... Con số đó không thể nhận thức được. Vậy nên, Thượng Đế hiện hữu”. (Trích tập “Những con hổ trong giấc mơ” của J. L. Borges, bản dịch tiếng Anh của Mildred Boyer).
    Trong truyện ngắn này, J. L. Borges giả vờ sử dụng giọng điệu nghiêm túc, ông đã lấy một ví dụ đời sống sinh động, như đang tự biện luận mà thực chất để đối thoại về vấn đề liên quan đến thần học, đó là chứng cứ về sự tồn tại của Thượng Đế với các nhà thần học kinh viện thời Trung cổ ở châu Âu là Thánh Anselm (1033-1109) và Thánh Thomas Aquinas (1225-1274). Nhưng sâu xa, ông đang đặt vấn đề về niềm tin nói chung cho mỗi cá nhân con người.
 Những truyện ngắn hay nhất cùng thơ và tiểu luận của J. L. Borges đã được dịch sang tiếng Việt trong Tạp chí Văn học nước ngoài số 1-1999 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, sau đó tập “Tuyển tập J. L. Borges” (Nguyễn Trung Đức dịch) cũng được NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2001. Được đọc J. L. Borges, dù ít dù nhiều, chắc chắn người đọc đều hiểu vì sao văn chương lại có thể quyến rũ con người nhiều đến vậy. 

LINH THIÊN

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2012

THỜI ĐÀM (XVIII): CHIẾC ÁO KHÔNG LÀM NÊN THẦY TU!


Ở một đất nước có truyền thống văn hiến như Việt Nam, văn chương vẫn là hoạt động tinh thần được ưa chuộng, gần như ai cũng có thể làm một vài bài thơ, viết dăm tản văn. Có người viết được nhiều, công bố nhiều tác phẩm hẳn đến lúc tự hỏi: Phải chăng mình đã trở thành một nhà văn? Không thể tự đi xưng mình là nhà văn được, nhất là ở đất nước mà tinh thần Nho giáo đậm đà đòi hỏi “chính danh”, đương nhiên phải được công nhận. Nhiều người nghĩ ngay đến nơi công nhận nhanh nhất, “chính danh” nhất phải là một tổ chức nghề nghiệp. Hội nhà văn địa phương là hội cấp dưới lẽ thường không danh giá bằng Hội nhà văn Việt Nam nên đơn xin vào hội toàn quốc cứ chồng lên cao mãi. Thế mới có chuyện, một ông ở hội đồng chuyên ngành nọ tiết lộ tính ra phải mất 12 năm mới giải quyết xong số đơn xin vào hội!

Đông người xin vào hội không chỉ là vấn đề rắc rối, mệt cho những người quản lý hội là chuyện xét đơn vào hội. Giá mà văn chương có công thức đo đếm như bên khoa học tự nhiên, để biết ai tài hơn ai, ai xứng đáng được công nhận là hội viên sớm hơn thì tiện biết mấy. Vì nhùng nhằng trong đánh giá, thế nên mới xảy ra nhiều chuyện không được vui về việc kết nạp hội viên mà báo chí đã nói quá nhiều.

Người vào được hội rồi thì từ đó có thể đi bất cứ đâu, gặp bất cứ ai và dõng dạc tự giới thiệu: Mình là nhà văn… , Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Các cây bút khác chậm chân hơn, khối người mất ăn mất ngủ, mơ chóng đến ngày cũng được tự giới thiệu mình đầy âm vang như những cây bút tốt số hơn. Khổ nỗi, những người đã và chưa vào hội hình như chưa bao giờ tự đi hỏi mình một câu: Có chắc vào Hội nhà văn rồi mình đã trở thành nhà văn?

Loanh quanh thế nào rồi lại phải trở về câu hỏi ban đầu: Thế nào là một nhà văn? Một câu nói quá cũ nhưng chẳng bao giờ lỗi thời của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại là nhờ tác phẩm”, suy ra để trở thành nhà văn, phải có tác phẩm hay. Có nhiều tác phẩm hay thì tốt, nếu chỉ có một tác phẩm để trọn đời ôm danh hiệu là nhà thơ một bài, tiểu thuyết gia một tác phẩm cũng chẳng sao. Dĩ nhiên cái hay của một tác phẩm có khi chỉ mang tính thời điểm. Chuyện viết nhiều hay ít, tác phẩm bán chạy hay xếp xó không quan trọng lắm. Và tất nhiên, không ai lấy tiêu chí là hội viên của một hội văn chương nào đó để gọi một người viết là nhà văn theo đúng nghĩa.

Đã là một hội thì phải có tôn chỉ, có điều lệ ràng buộc hội viên, có những người viết không vào bất cứ hội nào chỉ vì lý do đơn giản là họ thích được viết tự do. Trong số những người viết trung lập, khá nhiều người lại viết được tác phẩm hay. Bạn đọc, các nhà khoa học văn học, kể cả giới sáng tác ai cũng phải công nhận số người người ngoài hội là nhà văn mà chẳng cần giấy tờ xác nhận. Trường hợp ngược lại, những người là hội viên, cứ tạm được gọi là nhà văn lại không viết được tác phẩm nào, chí ít ở mức đọc được. Còn gì buồn hơn khi mình mang danh hội viên mà chẳng được ai biết đến? Vậy nên cái danh hiệu hội viên chỉ là cái áo không thể làm nên thầy tu!

          Giá mà ai cũng xem hội nhà văn như là ngôi nhà văn chương, nơi tập hợp những người cùng có đam mê với con chữ như bao nhiêu thứ hội khác trên đời như hội mê đồ cổ, hội thích “phượt”… thì tốt biết mấy. Mình chưa vào được hội lần này thì để lần khác. Kể cả không vào hội thì đã sao nào, quan trọng là kết quả, viết hay, có ích cho đời mới đảm bảo cho danh hiệu nhà văn thực sự “chính danh”. Xem ra, cũng chỉ tại chính các cây bút bị cái tư tưởng “chính danh” ăn sâu vào nếp nghĩ nên tự dưng xem Hội nhà văn thành tổ chức kiểm tra văn và đóng dấu chứng nhận văn đạt chất lượng nên mới nghĩ ra đủ trò để vào hội. Mà những con người hám được người khác đóng dấu chứng nhận cho văn của mình liệu có đủ tư cách thành một nhà văn đích thực? Cái sở thích khoác cái áo thầy tu mà không có ham muốn trở thành bậc chân tu.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG  

Thứ Hai, 16 tháng 1, 2012

GIẢI THƯỞNG HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 2010 VÀ 2011: HỒI SINH MỘT GIẢI THƯỞNG DANH GIÁ


Vài năm gần đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn gây được sự chú ý của dư luận; chỉ có điều, người ta chờ đợi xem có điểm nào... bất thường hay không? Vì lẽ, qua mấy mùa trao giải gần nhất, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn xảy ra sự cố: Nào là có nhà thơ từ chối nhận tặng thưởng, sếp trong Hội từ chối nhận giải khi bị dư luận phản đối “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vô số tác phẩm bị chê là không xứng đáng được vinh danh... Năm nay, ồn ào lại đến chỉ vì mỗi chuyện cỏn con là lùi ngày trao giải vì Hội phải thu xếp đủ tiền thưởng (220 triệu đồng cho 11 giải của hai năm 2010 và 2011) và việc đi lại khó khăn của các tác giả cận kề Tết, ấy thế mà cũng bị nghi ngờ chắc có gì... không ổn nên tính kế hoãn binh. Kể cũng khổ cho Hội, điều quan trọng nhất để đánh giá cái được và chưa được của giải thưởng là chất lượng tác phẩm, thì người ta lại bỏ quên để chú ý chuyện đâu đâu. Nhìn chung, 11 tác phẩm được trao giải và hai tác phẩm được tặng bằng khen thì đa phần đều đáng đọc. Nổi trội hơn cả là ở hai thể loại thơ và tiểu thuyết.

Sau nhiều năm mất mùa, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tôn vinh 4 thơ đó là: “Bầu trời không mái che” của Mai Văn Phấn, “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài, “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương.

Trong số 4 tập thơ được trao giải, “Bầu trời không mái che” (NXB Hội Nhà văn, 2010) của Mai Văn Phấn là tập thơ có nhiều đổi mới hơn cả. Tập thơ này viết theo khuynh hướng của chủ nghĩa siêu thực (surréalisme). Thơ siêu thực xuất phát từ châu Âu từ những năm 1920 với chủ soái là nhà thơ Pháp André Breton (1896-1966). Thơ siêu thực đã xuất hiện trong thơ Việt Nam trong các thi phẩm của Hàn Mặc Tử trước 1945 và mãi đến những năm 1980 trở đi mới trở nên phổ biến. Mai Văn Phấn là người đi sau, ông vẫn đề cao sự liên tưởng phi logic, tư duy thơ đứt đoạn đặc trưng của chủ nghĩa siêu thực, nhưng bớt cực đoan trong thi pháp nên không hề gây khó hiểu. Ngoài ra, tác giả còn dụng công kết cấu tác phẩm thành các khúc tạo ra một cấu trúc âm vang như một tác phẩm khí nhạc.

Việc trao giải thưởng cho một tập thơ siêu thực có thể xem một bước tiến của Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam, như là cổ vũ sự cách tân trong thơ ca. Lâu nay, thơ Việt tràn ngập của lối thơ tiền hiện đại với tư duy thơ liền mạch, sử dụng nhiều vần điệu nên đại đa số người làm thơ và công chúng không thích thơ siêu thực, thậm chí nhiều người còn xem thơ siêu thực không phải là thơ! Thơ siêu thực được xem là là trường phái tiêu biểu của chủ nghĩa hiện đại; một khi trường phái thơ này đã được chấp nhận thì có thể tin rằng, các tập thơ đi xa về phía chủ nghĩa hậu hiện đại cũng sẽ được tôn vinh.

Hai tập thơ “Ngày linh hương nở sáng” của Đinh Thị Như Thúy và “Hoan ca” của Đỗ Doãn Phương lại thêm khẳng định chất lượng của Giải thưởng Hội nhà văn lần này, khi trao giải thưởng cho hai nhà thơ trẻ tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại. Đinh Thị Như Thúy nổi lên từ thơ “Phía bên kia cây cầu” (NXB Phụ nữ, 2007) và tiếp tục sự đổi mới trong “Ngày linh hương nở sáng” (NXB Hội Nhà văn, 2011) khi chiêm nghiệm một cách bớt rối rắm hơn trước về trôi chảy thời gian, sự biến đổi của thiên nhiên và trong lòng người...

Đỗ Doãn Phương được biết đến ngay từ tập thơ đầu tay “Ánh chớp” (NXB Hội Nhà văn, 2006), rồi “Những ngọn triều nhục cảm” (NXB Hội Nhà văn, 2008) cho đến “Hoan ca” (NXB Hội Nhà văn, 2011), thơ Đỗ Doãn Phương không thay đổi nhiều. Anh là nhà thơ có biệt tài trong việc tìm tứ thơ như một ánh chớp hiện ra từ tiềm thức, ví dụ như mấy câu trong bài thơ Giác ngộ: “…Ta ngồi dậy trang nghiêm nhìn/ Đứa trẻ đẹp lạ lùng và người phụ nữ cũng vậy/ Ta điểm lại các việc như trước chuyến đi cuối cùng/ Và chờ khoảnh khắc/ Sang một con người khác!”. Nhược điểm lớn nhất của “Hoan ca” đã có mầm mống từ “Ánh chớp” đó là bị tư duy văn xuôi lấn chiếm khiến thơ Đỗ Doãn Phương luôn rườm lời.

Tập thơ “Sóng và khoảng lặng” của Từ Quốc Hoài có thể xem là một tập thơ không có nhiều đặc sắc. Phần lớn các bài thơ đều viết theo một thi pháp cũ và diễn đạt những tình ý quá quen thuộc, thậm chí có những câu thơ “sến”. Thỉnh thoảng, ông miêu tả chất ảo của hiện thực ông mới có những câu thơ ấn tượng: “…mong sao đó là cơn ác mộng ngày hôm qua/ cái bắt tay đang phân hủy…” (bài thơ “Cuộc đời, đôi khi…”)
  
          Không ấn tượng như thơ, nhưng thể loại tiểu thuyết cũng tìm ra những ra được các tác phẩm đáng chú ý trong đó “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh (NXB Hội Nhà văn, 2010) và “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh (NXB Phụ nữ, 2011) nổi bật so với mặt bằng tiểu thuyết Việt Nam trong hai năm gần đây.

“Lính trận” tuy dựa trên một trận đánh có thật trong kháng chiến chống Mỹ nhưng phần viết về cảnh chiến tranh không nhiều. Trung Trung Đỉnh quá hiểu, nếu một tác phẩm văn chương mà sa vào việc miêu tả những cảnh giao tranh thì không thể tạo sức hấp dẫn, chí ít nếu đem so sánh hiệu quả thẩm mỹ với một bộ phim chiến tranh. Ông chọn cách kể về cuộc sống của những người lính trẻ bảy phần đã người lớn nhưng vẫn còn ba phần trẻ con. Dù ở hoàn cảnh bất bình thường với thân phận là người lính trận nhưng nhìn ở tầng sâu hơn cánh lính trận là những người trẻ, Trung Trung Đỉnh tập trung miêu tả lời nói và hành động đáng yêu, qua người kể chuyện là nhân vật Bỉnh còi bằng một giọng điệu khá tếu. Người đọc hẳn ngạc nhiên hóa ra những anh lính trận bước chiến rất tự nhiên như một việc phải làm. Vì vậy, tiểu tuyết “Lính trận” thoát khỏi tính sử thi như đa phần các tiểu thuyết chiến tranh cách mạng trước đây.

Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh độc đáo hơn vì tác phẩm này không hoàn toàn là một tiểu thuyết đúng nghĩa, mà nó gần như là một công trình nghiên cứu về Phật giáo ở Việt Nam tương tự như tiểu thuyết “Những người bóng dài” (Hoàng Đình Trực dịch, NXB Thanh Hóa, 1987) của nhà văn Thụy Sĩ Hans Ruesch (1913-2007) như là một công trình dân tộc học để tìm hiểu người Eskimo sống gần Bắc Cực lạnh giá hoặc tiểu thuyết “Thế giới của Sophie” (Huỳnh Phan Anh dịch, NXB Văn hóa-Thông tin, 1998) của nhà văn Na Uy Jostein Gaarder là tiểu thuyết viết về lịch sử hơn 2000 năm của triết học phương Tây. Cũng như đi theo lối “tiểu thuyết nghiên cứu” nói trên, Nguyễn Xuân Khánh sử dụng cốt truyện trải rộng không-thời gian để dẫn nhập vào Phật giáo chứ không xây dựng mô hình nghiên cứu dựa trên các khái niệm khoa học như khoa văn hóa học. Điều này khiến người đọc quên đi mục đích viết về Phật giáo mà ngỡ rằng đây là một tiểu thuyết phiêu lưu của các nhân vật hư cấu. Qua tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa”, Nguyễn Xuân Khánh đã làm sáng rõ cái tư tưởng Phật giáo nhập thế thời Lý-Trần hình thành mẫu người vô ngã trong lịch sử Việt Nam trên nền tảng là con người làng xã.

Đáng đọc là vậy, nhưng về cơ bản hai cuốn tiểu thuyết nói trên vẫn được viết theo mô hình tiểu thuyết cổ điển. Việc trao giải lần này có thể xem là thích hợp, nhất là trường hợp “Đội gạo lên chùa” vì nó vinh danh một lối tiểu thuyết hiếm có ở Việt Nam. Nhưng nếu các năm sau, liệu các dạng tiểu thuyết viết theo mô hình mới hơn và đề tài nhạy cảm hơn liệu có được chú ý?

Đáng tranh cãi hơn cả là giải thưởng cho hạng mục lý luận-phê bình. Chất lượng của tác phẩm đạt giải là cuốn “Luận bàn minh triết và minh triết Việt” của cố GS Hoàng Ngọc Hiến chưa cần nói đến nhưng tác phẩm nói trên không phải là công trình nghiên cứu về văn học. Ai quan tâm đến văn học đều biết những đóng góp to lớn của cố của GS Hoàng Ngọc Hiến với khoa học nghiên cứu văn học ở Việt Nam. GS Hoàng Ngọc Hiến xứng đáng đoạt Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam từ lâu và nếu cần vinh danh thì Hội Nhà văn có thể trao giải kiểu “thành tựu trọn đời”, chứ không nhất thiết phải cố trao cho một tác phẩm không có dóng góp nhiều cho nghiên cứu văn học.

Hơi đáng tiếc là hai năm qua khá nhiều tác phẩm văn học nước ngoài nổi tiếng được dịch cẩn thân như: “Tử tước chẻ đôi” và “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino, “Người phàm” của Philip Roth, “Một tiểu thuyết Pháp” của Frédéric Beigbeder, “Người không quê hương” của Kurt Vonnegut... nhưng không có một giải thưởng cho tác phẩm dịch thay vào đó là bằng khen cho bản dịch “Bài hát ngày mai” thơ của Ko Un (Hàn Quốc) do Lê Đăng Hoan dịch.

Dẫu còn nhiều điểm chưa hợp lý, nhưng có thể xem của Giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam lần này đã trao cho những tác phẩm xứng đáng nhất và qua đó làm hồi sinh một giải thưởng danh giá của văn học Việt Nam.

          HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

THỜI ĐÀM (XVII): GIỮ TINH THẦN PHẢN BIỆN


Trong một cuộc gặp mặt những người viết văn trẻ, một nhà văn kiêm nhà báo đã phỏng vấn các đồng nghiệp một câu hỏi: “Anh/chị có đọc văn chương Việt không?”. Kết quả có thể khiến nhiều người “sốc” khi 80% trả lời “rất ít đọc” và 20% thẳng thừng “hoàn toàn không đọc”.

Hiện tượng trên tưởng là lạ, nhưng nếu theo dõi kỹ đời sống văn chương mấy năm qua thì đây là điều tất yếu. Văn học nước ngoài sau thời gian ở tình trạng “có gì in nấy”, nay đã chọn lọc hơn. Các tác phẩm của những nhà văn hàng đầu thế giới như: Italo Calvino, Mario Vargas Llosa, Milan Kundera, Jean-Marie Gustav Le Clézio, Philip Roth, Orhan Pamuk, Haruki Murakami... đã dịch sang tiếng Việt một cách nghiêm túc; ngoài ra, các tác phẩm đoạt các giải thưởng uy tín như: Giải Goncourt, giải Fémina, giải Pulitzer, giải Man Booker, giải thưởng Viện hàn lâm Pháp... cũng nhanh chóng được dịch sang tiếng Việt sau khi được vinh danh. Nếu tác phẩm văn chương được so sánh như “món ăn tinh thần”, thì khi số lượng và chất lượng văn chương nước ngoài đi lên, hiển nhiên các nhà văn Việt Nam khó cưỡng với “món ăn ngoại”.

Một trong những nguyên nhân khác khiến nhà văn Việt không đoái hoài đến văn chương nước nhà vì văn chương Việt Nam ít có tác phẩm hay để các nhà văn đọc và tự nghiền ngẫm cho sáng tác của bản thân. Những tác phẩm ít ỏi có chất lượng lại bị vùi lấp trong bạt ngàn những tác phẩm thường thường bậc trung, nên “chìm” đi nhanh chóng. Đơn cử, tiểu thuyết “Và khi tro bụi” (NXB Trẻ, 2006) của Đoàn Minh Phượng được đánh giá là một tác phẩm đỉnh cao vài chục năm mới xuất hiện, tác phẩm này đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2007; thế nhưng không gây được tiếng vang do không được quảng bá tốt. “Tiếp sức” cho tình trạng văn chương Việt bị lép vế là sự lệch lạc trong phê bình văn học. Rất ít các nhà phê bình nghiêm túc đọc tác phẩm văn học Việt Nam đương đại nên không hướng dẫn cho người đọc (trong đó có các nhà văn) tìm các tác phẩm đáng đọc.

Về thực chất, nhà văn đọc sách gì cũng tốt, còn hơn là kiểu nhà văn lười đọc tác phẩm người khác, luôn tự tin ở năng khiếu trời ban vốn chóng hết. Tuy nhiên, nếu nhà văn Việt mà chỉ đọc văn chương nước ngoài, vô hình trung đánh mất mối liên lạc với đời sống văn chương trong nước, không biết vị trí tác phẩm của chính mình đang ở đâu. Ví dụ, có nhà thơ ghi lại những ý tưởng thoáng qua trong tâm trí thành một thứ thơ “vụt hiện”, anh ta cứ tưởng thơ mình là mới, mà không ngờ vài chục năm trước, có nhà thơ Việt đã làm vài bài thơ theo thi pháp nói trên.

Thêm vào đó, bản thân xã hội và tâm lý con người Việt Nam do nhiều yếu tố không giống các nước phương Tây đã đành, mà còn không hoàn toàn giống với các nước “đồng văn, đồng chủng” Á châu. Vì vậy, để nhìn nhận đúng thân phận con người Việt Nam theo nhiều tầng là: Sinh lý, tâm lý, tâm linh..., thì dù đọc văn học nước ngoài nhiều cũng không thể là giải pháp tối ưu. Cái cốt yếu vẫn là nhà văn tự tìm hiểu và suy tư về những đề tài ám ảnh có mối quan hệ sâu xa với số phận con người nói chung và dân tộc nói riêng.

Lợi ích của văn học nước ngoài có chăng chính là các kỹ thuật viết, sự đổi mới ở các hình thức tác phẩm. Lâu nay, văn chương Việt Nam quá chú trọng đến vấn đề “viết cái gì”- một câu hỏi thường dành cho báo chí-mà ít quan tâm đến vấn đề không kém phần quan trọng là “viết như thế nào”; khiến tác phẩm văn chương rơi vào tình trạng cũ mòn. Nhưng để đổi mới các yếu tố hình thức không phải bắt chước nguyên xi là xong, mà điều quan trọng, sự đổi mới là một nhu cầu tự thân. Mặt khác, mỗi một hình thức mới không phải từ trên trời rơi xuống, mà là một quá trình thoát thai hoặc điều chỉnh từ các hình thức cũ; do vậy, chưa hiểu sâu sắc lịch sử hình thức thì khó có thể vận dụng một cách nhuần nhuyễn.
Với văn học Việt, việc tiếp thu tinh hoa văn chương nước ngoài là điều cực kỳ cần thiết nhưng phải trên một tinh thần phản biện, có vậy mới mong sáng tạo ra tác phẩm thực sự có ích cho văn chương, cho xã hội.

                                               HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Ba, 10 tháng 1, 2012

THỜI ĐÀM (XVI): ĐẦU TIÊN LÀ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT...


Mấy năm trở lại đây, khi phim tư nhân đạt được thành công đáng kể là kéo khán giả Việt đến rạp, đồng nghĩa ở điện ảnh Việt Nam tồn tại song song hai dòng phim riêng rẽ: Phim tư nhân sản xuất với mục đích thương mại và phim Nhà nước được đầu tư với mục đích tuyên truyền.

Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu lâu nay có một bộ phận không nhỏ dư luận không chú ý mục đích ra đời của hai dòng phim, để rồi có những nhận xét thiếu khách quan, ví dụ: Lấy tiêu chí doanh thu để chê bai phim tuyên truyền hoặc cho rằng, phim tư nhân chỉ là phim thương mại rẻ tiền, chất lượng thấp kém. Cả hai luồng ý kiến trên nếu xét từ góc độ mục đích ra đời của hai dòng phim đều hết sức vô lý.

Phim tư nhân là do các đơn vị tư nhân bỏ tiền ra đầu tư, thì mục đích tối thượng của họ phải bán được vé để bù đắp chi phí sản xuất. Vì thế, họ phải chọn đề tài nhiều người (đặc biệt là giới trẻ) quan tâm, và đề tài đó càng nhạy cảm càng tốt như: Đồng tính, tình tay ba, an ninh... ; dàn diễn viên phải đẹp và nổi tiếng dù trình độ diễn xuất chưa cao. Nhưng nếu chỉ làm được vậy thì phim tư nhân hiện nay sẽ không khác gì trào lưu “phim mì ăn liền” đầu thập niên 1990. Phim tư nhân đã dần đi theo mô hình chuyên nghiệp rõ nhất là việc quảng bá phim đã thành một công nghệ. Nội dung một số phim tư nhân đã được chăm chút tránh khỏi tình trạng nhảm và nhạt. Đóng góp của phim tư nhân còn thể hiện ở các yếu tố về kỹ thuật làm phim như kỹ xảo điện ảnh, phục trang... Đó là những điều dù ai không thích nội dung cũng phải thừa nhận đóng góp to lớn của phim tư nhân như là “máy cái” đưa điện ảnh Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp.

Phim Nhà nước với mục đích tuyên truyền thì hạn chế lớn nhất là kinh phí sản xuất thấp nên không diễn đạt hết ý tưởng của ê-kíp làm phim. Đó là chưa kể gần như không có bộ phim Nhà nước nào có kinh phí quảng bá phim, trong khi công thức ở các nền điện ảnh chuyên nghiệp thì kinh phí quảng bá chí ít cũng phải bằng 1/3 chi phí sản xuất phim. Vì vậy, đôi khi phim Nhà nước hay nhưng không ai biết đến! Bù lại khiếm khuyết trên, ê-kíp làm phim tuyên truyền đều được đào tạo bài bản, và “chất nghề” rất cao. Đề tài của phim tuyên truyền luôn đứng đắn, có tác dụng giáo dục tốt nhưng không phải là đề tài câu khách nên kén người và từ đó không trụ lâu được ở rạp. Nhưng nhờ hệ thống phát hành phim nên phim tuyên truyền vẫn đến được với người xem, góp phần là công cụ cho công tác văn hóa tư tưởng của Đảng. 

Nếu ai cũng nhận thức được mặt mạnh và yếu của hai dòng phim hẳn sẽ không còn xuất hiện những tranh cãi vô bổ. Phim tư nhân hãy cứ tìm những vấn đề gay cấn để tăng doanh thu, đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm phim và vốn sản xuất để tạo dựng nền công nghiệp điện ảnh nước nhà. Phim tuyên truyền hãy cứ đi vào chiều sâu nội dung, làm nhiệm vụ chính trị quan trọng được giao phó.

Nhưng có vấn đề sau cùng, mà cả hai dòng phim có lẽ không nên xa rời đó là chất lượng nghệ thuật của phim. Đây là tiêu chí số một để đánh giá sự hay-dở của bộ phim, xét cho cùng, mục đích thương mại hay tuyên tuyền chỉ là yếu tố thứ hai. Nếu bộ phim về đề tài đồng tính câu khách mà không biết đi sâu vào tâm lý mặc cảm, cố gắng hòa nhập cuộc sống bình thường của những người ở “thế giới thứ ba” thì đích thị là phim rẻ tiền. Một bộ phim chiến tranh mà không khai thác sự kỳ lạ của tâm lý con người quên đi sự sống cái chết để lao vào cuộc chiến mà chỉ cảnh chiến trận, những lời hô hào thì mục đích tuyên truyền dù tốt đẹp cũng không thể ăn sâu vào trí nhớ khán giả.

Chỉ khi đạt được tầm cao nghệ thuật, một bộ phim mới có thể chiến thắng thời gian, được ghi nhớ từ thế hệ này qua thế hệ khác.  
                     
HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Hai, 9 tháng 1, 2012

KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG TẠP CHÍ VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI (1957-2012): GIỮ THƯƠNG HIỆU "NHÀ SỐ 4"


 (Một bài nữa được đặt hàng)

Tháng 1-1957, Tạp chí Văn nghệ quân đội ra số đầu tiên, với nhiệm vụ là phục vụ bộ đội bằng sáng tác và phải là nơi phát hiện tập hợp và bồi dưỡng các cây bút trẻ. Phương châm hoạt động ngay từ buổi đầu đã định hình phong cách một tờ tạp chí văn nghệ đặc sắc khó lẫn với bất cứ ấn phẩm văn nghệ nào khác.

Một tờ tạp chí văn nghệ có nghĩa là không bám sát sự kiện thời sự từng giây từng phút, mà phải phản ánh sự kiện thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật theo chiều sâu. Những bài thơ, những truyện ngắn, bút ký... của các nhà văn ở Tạp chí Văn nghệ quân đội suốt 55 năm qua, luôn luôn bám sát hoạt động của quân và dân ta để biến sự kiện thời sự trở thành chất liệu cho các tác phẩm. Tạp chí đã từng đi theo những chặng đường hành quân của người lính khắp các chiến trường, và nay, khi đất nước đã im tiếng súng, Văn nghệ quân đội vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người lính. Sự đồng hành nói trên có thể đến một cách tự nhiên vì đa số những nhà văn tại “nhà số 4” (số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội-trụ sở của Tạp chí Văn nghệ quân đội) đều từng là người lính trước khi về công tác tại Văn nghệ quân đội; nhiều nhà văn đã đi từ ngôi nhà số 4 để vào các chiến trường phía Nam trong kháng chiến chống Mỹ, và có người đã không về như Anh hùng LLVT nhân dân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn (Nguyễn Thi). Ngày nay, các nhà văn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội vẫn là những cây bút sung sức tiếp tục sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng.

Riêng nhiệm vụ thứ hai là bồi dưỡng các cây bút trẻ, nhất là trong quân đội cũng có thể ghi công lao cho tạp chí trong việc xây dựng và nâng cao công tác văn nghệ của quân đội. Nhiều trại sáng tác đã được mở ra, các nhà văn thành danh của tạp chí đã truyền lại những kinh nghiệm nghề nghiệp cho những cây bút trẻ tuổi nghề. Thường xuyên hơn, nhiều sáng tác của bạn đọc dù là ai, ở đâu, viết đã vững hay còn vụng đều được các nhà văn-biên tập viên của tạp chí gửi thư góp ý chân thành. Sự động viên khuyến khích đó đã giúp nhiều nhà văn trẻ tự tin hơn, quyết dấn thân vào nghiệp chữ và sau đó trở thành nhà văn lớn như trường hợp của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Ngày hôm nay, Văn nghệ quân đội đã ra 2 số một tháng và ra đời Tạp chí Văn nghệ quân đội điện tử như để đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật của người lính thời văn minh tin học, mà vẫn giữ được định hướng chính trị, không sa vào xu hướng thương mại hóa tầm thường.

Văn giới nước nhà lâu nay hay gọi “nhà số 4” là “ngôi đền thiêng” của văn chương Việt Nam. Điều làm nên cái danh hiệu thiêng liêng ấy, ngoài yếu tố truyền thống hơn nửa thế kỷ đổi bằng mồ hôi và cả xương máu của những người lính cầm bút, phải kể đến chất lượng sáng tác của những người đã và đang là người “nhà số 4”. Nói như câu nói cổ điển của nhà thơ Xuân Diệu: “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”, cách ngôn ra trường hợp “nhà số 4” thì “Ngôi đền thiêng tồn tại là nhờ tác phẩm”.

Những nhà văn đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội ngoài nhiệm vụ bảo đảm chất lượng tờ tạp chí, họ còn phải sáng tác riêng cho bản thân, sức ép sáng tạo để có một tác phẩm chí ít đọc được chưa bao giờ dễ dàng. Nhưng, nhìn lại hơn nửa thế kỷ qua, hầu hết người “nhà số 4” đều có tác phẩm được bạn đọc nhớ đến. Đặc biệt, nếu nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 hay còn gọi là nền văn học cách mạng thì “thương hiệu” Văn nghệ quân đội đã góp những tên tuổi chủ chốt nhất như: Hồ Phương, Vũ Cao, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng…; cùng với đó là vô số các giải thưởng văn chương uy tín bậc nhất như: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật, Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật, Giải thưởng Hội Nhà văn, Giải thưởng Bộ Quốc phòng về Văn học-Nghệ thuật...     

Ngày hôm nay, Tạp chí Văn nghệ quân đội đang bước vào giai đoạn chuyển giao thế hệ, tương lai gần ở tạp chí sẽ không còn một nhà văn nào trưởng thành trong chiến tranh. Có những bài viết từng lo ngại cho việc lớp nhà văn trẻ khó tiếp nối được truyền thống của thế hệ đi trước. Có lẽ những lo lắng ấy là hơi... lo xa. Dù có trẻ tuổi nghề, song những nhà văn đang công tác tại tạp chí đều là những nhà văn chuyên nghiệp, họ đều ý thức rằng nhiệm vụ của nhà văn là viết hay; nếu không, bản thân văn nghiệp của họ và thương hiệu “nhà số 4” sẽ không còn người đọc chú ý.

Với đề tài người lính và chiến tranh, dù các nhà văn trẻ không sống trong chiến tranh, biết đâu chính lại là lợi thế để họ có thể nhìn cuộc chiến đã qua dưới một cái nhìn khác mà thế hệ cầm bút trước không có được. Mặt khác, điều làm nên một thế hệ nhà văn mới là ở sự khác biệt với thế hệ trước, chứ rất khó để so sánh hơn kém. Đây là điều mà bạn đọc trong và ngoài quân đội trông chờ ở các nhà văn khoác áo lính tại “nhà số 4” trong các tác phẩm sắp tới.   

          MỘC LAN

CÙNG BÀN LUẬN (VI): SÁNG TẠO SẢN PHẨM DU LỊCH TẾT


Ngày 26-12 vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã đón vị khách quốc tế thứ 6 triệu. Sự kiện trên có thể đã đến sớm hơn nữa, nếu ngành du lịch nước ta đổi mới tư duy trong cách làm du lịch. 

Du lịch Việt Nam thường “ăn sẵn” ở cảnh đẹp thiên nhiên và các di sản văn hóa vật thể mà chưa tận dụng nét hấp dẫn của các di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, thiếu gắn kết lợi thế tự nhiên với đặc trưng văn hóa vùng miền để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.

Đặc biệt, công tác quảng bá du lịch còn nhiều bất cập. Đơn cử, mấy ngày gần đây, tỷ phú USD-thiên tài công nghệ thông tin 27 tuổi Mark Zuckerberg-người sáng lập và điều hành mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang đi nghỉ Giáng sinh tại Việt Nam, đã không được ngành du lịch quảng bá rộng rãi. Mark Zuckerberg nổi tiếng đến mức cả thế giới theo dõi anh ta đi đâu, làm gì. Vì thế, có thể xem đây là cơ hội tốt để quảng bá du lịch Việt Nam. Tuy vậy, chỉ có ngành du lịch Quảng Ninh có cử chỉ thân mật là tặng hoa chào đón vị khách được nhiều người chú ý này. 

Sắp tới, cả nước ta sẽ đón Tết cổ truyền và sau đó là mùa lễ hội kéo dài. Mỗi địa phương không nên xem Tết cổ truyền và các lễ hội là hoạt động “đến hẹn lại lên”, mà phải xem đó là dịp để quảng bá du lịch Việt Nam với du khách ngoài nước.

Khác với Giáng sinh đã phổ biến trên toàn cầu, phong tục đón Tết chỉ có ở một số nước châu Á. Để có thể cạnh tranh với các thị trường du lịch phát triển, ngành du lịch Việt Nam cần tạo ra nhiều tour du lịch nhắm vào các đối tượng đặc thù, đặc biệt là Việt kiều về quê ăn Tết, du xuân, tham dự các lễ hội. Cần phải khéo léo đưa du khách phương xa được làm “người trong cuộc” thông qua các sản phẩm du lịch thân thiện, giàu tính văn hóa như: Tham gia chuẩn bị nấu cỗ Tết, tìm hiểu  phong tục thờ cúng trong ngày Tết, trực tiếp tham gia các hoạt động lễ hội... 
Được hòa mình vào sự kiện đầm ấm của người Việt Nam, chắc chắn những du khách quốc tế sẽ cảm nhận chiều sâu văn hóa, lòng mến khách của dân tộc Việt Nam; từ đó sẽ  trở lại  nước ta vào một ngày không xa.

HÀM ĐAN

65 NĂM TRUYỀN THỐNG CÔNG TY TNHH MTV IN QUÂN ĐỘI I (17-12-1947/17-12-2011): VINH DỰ TỰ HÀO TỪ BÁT CHỮ ĐẦU TIÊN


 (Bài được đặt hàng)

Tiếp chúng tôi, Đại tá Nguyễn Công Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 say sưa kể về sự ra đời tổ chức tiền thân của công ty vào thời điểm cận kề Ngày Toàn quốc kháng chiến và chuyện kinh doanh hiện tại.

Từ ngày 17 năm xưa…

Thời điểm năm 1946, quân đội chưa có nhà in riêng, nhưng đa số nhà in tư nhân ở Hà Nội đều có tinh thần yêu nước, sẵn sàng phục vụ Chính phủ Cụ Hồ. Nhà in Hàn Thuyên tại 71 Hàng Gà (Hà Nội) được giao in Báo Sao Vàng. Cả chủ và thợ đều phấn khởi và tự gọi nhau là Nhà in Vệ Quốc quân!

Đến đầu tháng 12-1946, biết khó tránh khỏi chiến tranh, Chính trị Cục (Bộ Quốc phòng) do đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ đạo đã trưng mua một số máy in, các phương tiện ấn loát để đưa ra khỏi Hà Nội. Chủ nhà in Hàn Thuyên là ông Nguyễn Xuân Giới tình nguyện hiến toàn bộ máy móc cho quân đội. Sau này, ông Nguyễn Xuân Tước-con cụ Giới, nguyên họa sĩ trình bày của Báo Quân đội nhân dân nhớ lại: “Anh Văn Tiến Dũng đến thuyết phục tất cả mọi người trong gia đình hiến nhà in cho Chính trị Cục. Tôi học kỹ nghệ, thạo về máy móc nên đứng ra giao các thiết bị. Cuối cùng, chúng tôi được giao đi theo xe, vội đến mức không kịp lấy quần áo”.

Chiều 17-12, chủ và thợ nhà in Hàn Thuyên cùng máy móc đi theo kháng chiến. Đến ngày 19-12, khi những vật tư cuối cùng di chuyển khỏi Hà Nội thì cũng là lúc Toàn quốc kháng chiến bắt đầu. 

Sáng 20-12, chuẩn bị di chuyển tiếp, những người thợ in nhận chỉ thị in gấp Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vinh dự và tự hào của Nhà in Quân đội được in lời kêu gọi thiêng liêng của Bác để gửi đến đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Lịch sử 65 năm của Công ty TNHH một thành viên in Quân đội 1 có quá nhiều sự kiện đáng nhớ, nhưng có thể đúc kết như tâm sự của Đại tá Nguyễn Công Tuấn: “Sự phát triển của công ty gắn liền với sự phát triển của quân đội và đất nước”.

Tiếp tục đầu tư các sản phẩm truyền thống

Chức năng và nhiệm vụ chính trị của Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 là in Báo Quân đội nhân dân và các loại sách, báo, tạp chí, mẫu biểu, sổ sách, các ấn phẩm văn hóa, các dịch vụ in phục vụ quân đội. Công ty luôn xem đó là vinh dự, là “cánh tay nối dài” của công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và quân đội. Trong suốt 65 năm qua, công ty đã đạt sản lượng hàng tỷ trang in sách, tạp chí, tài liệu và gần một tỷ trang Báo Quân đội nhân dân được in ra kịp thời, bảo đảm chất lượng.

Nhưng nếu chỉ hoàn thành tốt các sản phẩm phục vụ chính trị thì khó có thể khai thác tối đa hiệu quả thiết bị. Để hoàn thành nhiệm vụ kinh tế với tư cách của một doanh nghiệp nên công ty mở rộng in thêm các sản phẩm mà thị trường có nhu cầu lớn như: Sách giáo khoa, lịch và nhiều đầu báo, tạp chí khác.  

Tuy đối tượng phục vụ khác nhau nhưng công ty xác định, chỉ có thực hiện đúng thời gian giao hàng và bảo đảm chất lượng sản phẩm mới được khách hàng tín nhiệm. Ngay ở phòng khách công ty, chúng tôi thấy treo biển ghi mục tiêu chất lượng trong năm 2011 và chính sách chất lượng chung với phương châm: “Sự hài lòng của khách hàng là VÀNG với chúng tôi”. Đây không phải là câu nói cho có, mà phải thực hiện cho bằng được, nếu không khách hàng sẽ chọn nhà in khác!

Để đạt được chất lượng sản phẩm in thì yếu tố trang thiết bị hiện đại đặc biệt quan trọng. Những năm qua, công ty đã tích cực, chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, bảo đảm công nghệ hiện đại và đồng bộ như: Máy in cuộn HiLine, hệ thống chế bản CTP, máy in tờ rời Offset 4 màu…, tính ra trong 3 năm đã đầu tư gần 50 tỷ đồng. Nhờ thế, Đại tá Nguyễn Công Tuấn tự tin khẳng định: “Công ty hoàn toàn có thể đáp ứng mọi nhu cầu, từ in sách báo thông thường đến những cuốn sách cao cấp như sách tranh ảnh nghệ thuật”. Vì thế, công ty ngày càng trở thành một thương hiệu uy tín.

Khi ngành in Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu, nhiều cơ sở in chuyển sang in thương mại (bao bì, in trên nhiều vật liệu…) và gia công cho nước ngoài thì Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 vẫn tập trung sản xuất các sản phẩm truyền thống vì đó là nhiệm vụ chính trị chủ yếu của công ty. Đại tá Nguyễn Công Tuấn lý giải thêm: “Không phải lãnh đạo công ty không nhìn thấy sự chuyển dịch cơ cấu ngành in Việt Nam. Nhưng nếu công ty hướng tới các sản phẩm khác thì phải đầu tư một hệ thống thiết bị máy móc mới rất tốn kém (có máy trị giá chục triệu USD), chưa kể đến nhân lực đi kèm. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và Chính phủ chủ trương không đầu tư dàn trải, nếu đầu tư thêm sản phẩm khác là sự mạo hiểm”. 

Đại tá Nguyễn Công Tuấn cho rằng, nếu khai thác tốt các sản phẩm truyền thống, doanh thu của công ty vẫn sẽ tăng trưởng. Hiện tại, công ty thường xuyên quan tâm đổi mới thiết bị, công nghệ phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, công ty đang đề nghị cấp trên sớm quy hoạch tập trung hai cơ sở ở Cầu Diễn và 21 Lý Nam Đế để thuận lợi trong quản lý, phối hợp đồng bộ và khai thác hiệu quả trang thiết bị cũng như mặt bằng.
          Những khó khăn hiện tại vẫn còn đó, nhưng tin tưởng rằng, với điểm tựa 65 năm truyền thống, với trình độ tay nghề và trang bị hiện đại, Công ty TNHH một thành viên In Quân đội 1 vẫn sẽ tiếp tục khẳng định là một trong những doanh nghiệp in hàng đầu của đất nước.  

          HÀM ĐAN