Thứ Hai, 13 tháng 8, 2012

CÙNG BÀN LUẬN (XV): LỖI TỪ TẦM VĨ MÔ


Việc đoàn thể thao Việt Nam trắng tay tại kỳ Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 không mấy ai bất ngờ, thậm chí cái kết buồn này đã được dự đoán  trước khi các vận động viên đi thi thố. Một phần, chúng ta biết trình độ vận động viên Việt Nam vẫn còn khoảng cách xa so với các anh tài trên thế giới; tuy nhiên, thất bại này còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các nhà quản lý thể thao chưa làm tốt phần việc mang tính vĩ mô.

18 vận động viên Việt Nam đến Ô-lim-pích là con số đáng tự hào. Nhưng dường như các nhà quản lý chỉ muốn số lượng đông đảo để “đánh trống ghi tên” hơn là chất lượng để ít ra có thể giành được một tấm huy chương. Nhiều người cho rằng, thay vì đầu tư dàn trải, tốn bao tiền của chỉ để có thêm 1 đến 2 suất dự Ô-lim-pích (dù có dự cũng chưa chắc qua được vòng loại!) bằng cách dùng số tiền đó tập trung cho cử tạ, bắn súng, có lẽ chúng ta đã có huy chương.

             Thất bại  của thể thao Việt Nam tại kỳ Ô-lim-pích lần này còn đến từ cung cách chuẩn bị thiếu chuyên nghiệp. Ai cũng biết thể thao Việt Nam đầu tư để tìm kiếm huy chương theo kiểu “đi tắt đón đầu” chứ không theo chiều sâu là đầu tư cơ sở vật chất trong các học đường, câu lạc bộ để có nền thể thao mạnh toàn diện và bền vững. Nhưng khi có trong tay những niềm hy vọng có thể đoạt huy chương thì lại chưa làm hết sức và chưa khoa học để những vận động viên này tiến xa hơn. Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Lụa (vật) một thời gian dài không có huấn luyện viên; xạ thủ Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) và Quốc Toàn (cử tạ) chỉ được đầu tư trọng điểm một thời gian ngắn trước khi thi đấu... Đó là chưa kể, thể thao Việt Nam thiếu các chuyên gia tâm lý thi đấu, dẫn đến việc các vận động viên bước vào sân chơi lớn là bị ngợp, bị choáng trước sức mạnh đối phương, vì thế, ngay cả tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh (cầu lông) cũng thi đấu dưới sức mình.

         Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, kinh phí đầu tư cho thể thao không thể lớn hơn thì cái cách làm thể thao “đi tắt đón đầu” vẫn là cách làm khả dĩ. Nhưng, các nhà quản lý thể thao cần hoàn thành trách nhiệm để không còn phải đi đổ lỗi vô duyên cho khán giả cổ vũ quá to làm vận động viên mất tập trung thi đấu.

         Nhiều chuyện buồn là vậy, nhưng Ô-lim-pích Luân Đôn 2012 không đến mức đáng quên đối với thể thao Việt Nam, bởi không ít các vận động viên đã thi đấu hết mình và đã tạo lập được những kỷ lục quốc gia. Họ đáng được hoan nghênh và cần  được đầu tư  luyện tập và thi đấu nhiều hơn nữa. Quan trọng hơn, thành tích thi đấu khởi sắc trên là cơ sở để người hâm mộ kỳ vọng ở những thành công ở đấu trường quốc tế trong những năm tới.

Nhưng trước khi mơ đến những kết quả khả quan, những người làm thể thao Việt Nam cần thay đổi nhận thức để hiểu rằng: Đã đến lúc tham dự Ô-lim-pích là để giành huy chương chứ không phải đi thi đấu với tâm lý có mặt là vui, hay là học hỏi, cọ xát là chính. Sau đó, cần xác định rõ thế mạnh, nghiêm túc trong huấn luyện, tìm thầy giỏi và đầu tư dài hơi có trọng điểm thì mới hy vọng cái kết không huy chương sẽ xa rời đoàn thể thao Việt Nam ở đấu trường Ô-lim-pích.      

HÀM ĐAN