Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

MARCEL PROUST, NGƯỜI CHIẾN THẮNG THỜI GIAN

("Dưới bóng những cô gái tuổi hoa"-tập II "Đi tìm thời gian đã mất", NXB Văn học in lần đầu 1992)
Đã 90 năm kể từ khi văn hào Pháp Marcel Proust (1871-1922) đi vào cõi vĩnh hằng; và cũng chỉ còn một năm nữa là tròn một thế kỷ, tập đầu tiên mang tên “Về phía nhà Swann” (1913) trong bộ tiểu thuyết bảy tập “Đi tìm thời gian đã mất” được xuất bản, mọi lời tuyên bố về một tiểu thuyết có thể tạo được cuộc cách mạng văn chương tương tự chỉ còn là những lời lẽ huênh hoang.

Thực ra, tiểu thuyết Pháp sau thời M. Proust cũng đã có những cách tân, như phong trào “Tiểu thuyết Mới” nhưng vẫn chưa đạt đến mức khiến các nhà văn đi sau không ngừng khiếp sợ và tự hiểu phải đi tìm một con đường sáng tạo khác. M. Proust đích thị là một “bóng ma” lởn vởn trong văn chương suốt thế kỷ XX!

Nhưng nếu biết về tiểu sử của M. Proust và dành thời gian nghiền ngẫm kiệt tác “Đi tìm thời gian đã mất”, những người viết sẽ không còn cảm giác “ngợp”, M. Proust sẽ như một “người bạn” đồng hành trong quá trình sáng tạo chông gai mà thú vị.

M. Proust đã giúp nhiều người trả lời câu hỏi đầu tiên: “Vì sao lại muốn viết văn?”, bằng bộ tiểu thuyết “Đi tìm thời gian đã mất” đồ sộ 3000 trang co chữ 8. Kiệt tác của M. Proust chỉ là câu chuyện về thiên hướng viết văn của người kể chuyện từ lúc trẻ đến lúc trưởng thành, anh ta đã tìm lại được thiên đường quá khứ thông qua hành động viết. Như vậy, tiểu thuyết và rộng ra là văn chương là hoạt động thuần túy tinh thần phi vụ lợi. Ở ngoài đời thực, “người khổng lồ văn chương” M. Proust có thể chất vô cùng kém, suốt đời ông bị chứng hen suyễn hành hạ. Bệnh tật và ý thức cái chết thường trực đã khiến M. Proust cách ly hẳn với đời sống nhiều năm liền, viết liên tục suốt ngày đêm, M. Proust là một tấm gương “tử vì đạo”. Người ta có thể đặt giả thiết, nếu khỏe mạnh, M. Proust có thể chỉ xem văn chương là nghề tay trái để theo đuổi một nghề thời thượng hơn như bác sĩ, luật sư…; và gần như chắc chắn, M. Proust nhiều khả năng đã không thể cách tân tiểu thuyết đến mức gần làm “cạn kiệt” thể loại này. M. Proust cũng để lại bài học quý giá, đã là người sáng tạo nghĩa là không thỏa hiệp, cho dù tác phẩm có thể không được chào đón do quá mới lạ. Sinh thời, M. Proust đã tiên liệu “Đi tìm thời gian đã mất” phải cần đến nửa thế kỷ mới được đọc rộng rãi, nhưng không cần chờ lâu như vậy, ngay từ năm 1919, ông sống trong vinh quang khi giành được giải Goncourt-giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp cho tập hai “Dưới bóng những cô gái tuổi hoa” (Đây cũng là tập duy nhất trong “Đi tìm thời gian đã mất” được dịch sang tiếng Việt do Nguyễn Trọng Định dịch, NXB Văn học in lần đầu 1992, NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam tái bản năm 2008). 

M. Proust cũng đã trực tiếp chứng minh: Một kiệt tác không nhất thiết phải liên quan đến một đề tài lớn. Khác với các tiểu thuyết thế kỷ XIX, trải suốt “Đi tìm thời gian đã mất”, M. Proust không đặt trọng tâm vào những sự kiện lớn của xã hội và cả biến cố hệ trọng của người kể chuyện trở thành cái cớ để làm thay đổi cốt truyện. Ví dụ nổi tiếng nhất là mẩu bánh madeleine: “Một lúc sau, lòng nặng trĩu vì đã qua một ngày buồn tẻ và trước viễn cảnh ngày hôm sau sẽ u ám, như một cái máy, tôi đưa lên một thìa nước chè trong đó tôi đã để mềm một mẩu bánh madeleine. Nhưng ngay đúng giây lát mà hớp nước lẫn với vụn bánh chạm vào miệng tôi, tôi bỗng rùng mình, cảm thấy một cái gì đó kỳ lạ đang diễn ra trong tôi. Một niềm vui thích tuyệt vời lan tỏa trong tôi, tách biệt, mà không gắn gì với khái niệm về một nguyên nhân nào cả. Niềm vui đó đột nhiên khiến mọi thăng trầm trong cuộc sống trở nên hoàn toàn không quan trọng, các tai họa chẳng còn ý nghĩa, và sự ngắn ngủi của cuộc đời trở nên hão huyền, giống như tác động của tình yêu, bằng cách khiến cho con người tôi tràn ngập một tính cách quý giá: hay nói đúng hơn, tính chất đó không phải ở trong tôi, nó chính là tôi. Tôi không còn cảm thấy mình tầm thường, vớ vẩn và dễ tiêu vong” (Trích “Về phía nhà Swann”). M. Proust chỉ nhờ sự việc tầm thường, toàn bộ ký ức đã quay trở lại với người kể chuyện. Sau M. Proust, không còn nhiều nhà văn ham hố đi xây dựng tiểu thuyết “biên niên sử” như trong “Tấn trò đời” của H. de Balzac (1799-1850) hay là một dòng họ trong “Gia đình Rougon-Macquart” của E. Zola (1840-1902).

Chất liệu trong “Đi tìm thời gian đã mất” chỉ quanh quẩn trong giới thượng lưu Paris thời hoa lệ đầu thế kỷ XX, M. Proust đã bị nhiều nhà văn lớn chỉ trích vì thiếu “dấn thân” và sự bé mọn của ý nghĩa; thực ra, M. Proust đã thực hành một điều quan trọng: Chỉ nên viết những gì thông thuộc nhất với cuộc đời mình. M. Proust sinh ra trong một gia đình thượng lưu, tuổi trẻ của ông gắn bó với xã hội thượng lưu như một lẽ tự nhiên ông sử dụng chất liệu xã hội thượng lưu làm chất liệu cho tác phẩm. M. Proust đã đẩy đến cùng cái viết về một chất liệu vi mô nên ông đã gặp cái vĩ mô. Ông đã phân tích chi ly các lề thói xã hội thượng lưu đến mức miêu tả được những bản tính muôn đời của con người, nhất là cái thói đua đòi (snobisme).

Nhưng trên hết vẫn là khám phá đặc biệt của M. Proust trên rất nhiều phương diện nghệ thuật tiểu thuyết, đặc biệt là cấu trúc tiểu thuyết. Cấu trúc “Đi tìm thời gian đã mất” là một thế giới ký hiệu tương ứng, văn bản thời gian hiện tại chồng lên văn bản thời gian quá khứ. M. Proust là người đầu tiên thoái khỏi cái mô hình văn chương phản ánh cuộc sống như những gì cuộc sống vốn có; mà ông phản ánh theo sự chủ quan của ý thức để tạo nên một thế giới độc nhất vô nhị. Thế nên, “Đi tìm thời gian đã mất” được xem là tiểu thuyết vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Nhờ đó, M. Proust đã chiến thắng được sự tàn phá vô hình và vô tình của thời gian!

HÀM ĐAN