Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

CÂU CHUYỆN THỂ THAO: LẤN SÂN

Từ vị thế thống trị làng túc cầu xứ sương mù, sau một năm, có tới 99% khả năng Chelsea trắng tay khi mùa giải kết thúc. Vị thuyền trưởng C. Ancelotti tuyên bố mình chẳng có trách nhiệm gì về thất bại của The Blues.

Trên các mặt báo, ông đổ lỗi cho đội hình tuổi “băm” hụt hơi ở chặng nước rút. Nghe lời than thở đó, nhiều người sẽ lầm tưởng chiến lược gia Italia đang đổ lỗi cho cầu thủ nhưng thực ra Ancelotti “cáo già” đã khôn khéo đá “quả bóng” trách nhiệm sang ông chủ R. Abramovich.

Nhà tài phiệt Nga chi ít đi để mặc Ancelotti phải “liệu cơm gắp mắm” với đội hình thiếu chiều sâu chinh chiến tới 4 mặt trận khác nhau. Nhưng điều Ancelotti muốn ngầm trách R. Abramovich hơn cả chính là ông chủ Nga “lấn sân” vào lĩnh vực chuyên môn qua hành động tự ý đưa về bản hợp đồng trị giá 50 triệu bảng F. Torres. Kết quả, sau hơn 2 tháng thi đấu, tiền đạo nhận mức lương 180.000 ngàn bảng/tuần vẫn chưa ghi nổi một bàn thắng. Ai cũng thông cảm cho Torres vì vị trí sở trường của Torres không phù hợp với công thức thiến thắng 4-4-3 của Chelsea lâu nay.

Abramovich có lẽ chưa rút ra bài học từ bản hợp đồng thất vọng A. Shevchenko năm nào, đó là: Việc mua cầu thủ cần phải tham khảo ý kiến huấn luyện viên trưởng bởi chỉ có ông ta mới có thể đưa ra đánh giá về tiềm năng tỏa sáng của cầu thủ trong lối chơi chung của toàn đội. Hai thương vụ Shevchenko và Torres đều dựa theo ý thích của tỷ phú Nga xuất phát từ ước muốn cháy bỏng đăng quang tại mặt trận Champions League. Song, thảm bại trước M.U ở tứ kết Champions League đã chứng minh, tốt nhất Abramovich tiếp tục kiên nhẫn đầu tư và không nên “lấn sân” vào công việc chuyên môn.

Abramovich cõ lẽ phải cắp sách đến học gia đình Glazer-chủ sở hữu M.U. Ở Anh, huấn luyện viên (coach) có quyền hành khá lớn nên thường được gọi với danh từ manager (quản lý), riêng với huấn luyện viên vĩ đại của M.U Sir Alex Ferguson thì được gọi là boss (ông chủ). Sir Alex từng tỏ thái độ không thích nhà Glazer thâu tóm Quỷ đỏ, lẽ thường nhà Glazer hoàn toàn có thể sa thải Sir Alex. Nhưng với bản chất thực dụng của người Mỹ, nhà Glazer thừa hiểu sa thải Sir Alex không khác gì hành động tự sát. Không những để Sir Alex tiếp tục huấn luyện M.U, nhà Glazer hoàn toàn không can thiệp vào chuyên môn, sẵn sàng chi tiền để mua cầu thủ theo ý của Sir Alex. Kết quả, dù đổi chủ sở hữu nhưng danh hiệu Ngoại hạng Anh và Champions League vẫn tiếp tục tìm đến “nhà hát của những giấc mơ”.

Chuyện “lấn sân” ở nền bóng đá chuyên nghiệp hơn 50 năm thỉnh thoảng mới có và cũng khá kín tiếng; còn ở nền bóng đá mới lên “chuyên” 10 năm như V-League đã từng (chắc chưa dừng lại) xảy ra nhiều vụ “lấn sân” căng hơn dây đàn. Nhất khi nhiều ông chủ doanh nghiệp bỏ tiền bao đội bóng để đánh bóng thương hiệu đều muốn “đốt cháy giai đoạn” để thành công. Thế nên mới có giai thoại rằng: một ông chủ có tí hiểu biết bóng đá ngồi trên khán đài “ngứa mắt” với cách chơi của đội nhà bèn xuống sân chỉ đạo cầu thủ phải đá thế này, thế kia... Ông huấn luyện viên trưởng-vốn là người cá tính có “số má” xẵng giọng ngay: Chỗ ngồi của ông là trên kia, chỗ này là của tôi! Với màn “lấn sân” thiếu lịch sử ngay giữa thanh thiên bạch nhật của ông bầu nọ, không ai ngạc nhiên khi lần lượt các vị thuyền trưởng đến rồi đi vì chẳng ai chịu nổi việc ông chủ cao hứng là lại “lấn sân”. Hậu quả là đội bóng của ông bầu nọ chưa bao giờ vươn lên top 5 bảng xếp hạng V-League.

Mới hay, muốn làm bóng đá thời hiện tại nên học theo lời khuyên của Đức Khổng Tử: chính danh định phận. Làm tốt phận sự của mình là đã góp phần mang đến thành công chung cho đội bóng như tâm niệm của ông Trần Văn Đường (GĐĐH Becamex Bình Dương)-một trong những GĐĐH được xem là thành công nhất trong lịch sử V-League khi tiết lộ bí quyết: “Tôi không bao giờ đá lộn sân”.

MỘC LAN
(Thêm một bút danh mới:))