Thứ Hai, 25 tháng 4, 2011

LƯỢT ĐI BÁN KẾT CHAMPIONS LEAGUE 2010-2011, SCHALKE 04-M.U: TRẬN CẦU RÌNH RẬP

Cho đến lúc này, nhiều người theo dõi Champions League mùa giải 2010-2011 vẫn khó lòng cắt nghĩa vì sao một đội bóng làng nhàng Schalke 04 với những cái tên cầu thủ chỉ được nhớ mang máng lại có thể lọt vào vòng của tứ đại gia. Có lẽ, nguyên nhân lớn nhất để Schalke 04 lọt tới vòng bán kết là do… may mắn; vì trừ gặp “đại gia” Inter Milan ở vòng tứ kết, các đối thủ của Schalke 04 trước đó đều chỉ ngang bằng hoặc dưới tầm trình độ.

Chiến thắng chung cuộc 7-3 của Schalke 04 trước Inter chẳng qua đến từ sự chủ quan của đối thủ. M.U cũng sẽ gặp nạn như Inter nếu xem Schalke 04 là đội bóng “chiếu dưới”, đó là điều mà Sir Alex cảnh cáo các học trò trước cuộc làm khách trên sân Veltins-Arena vào 1 giờ 45 phút (giờ Việt Nam) ngày 27-4 tới đây.

Lẽ dĩ nhiên, M.U sẽ không dại gì dồn lên tấn công ào ạt hòng tìm một trận thắng đậm ngay từ lượt đi bởi nó sẽ tạo điều kiện cho bài phản công quen thuộc và cũng là duy nhất của đội bóng Đức phát huy hiệu quả. Thay vào đó, nhiều khả năng M.U sẽ tìm cách giữ nhiều bóng hòng kéo dãn hàng phòng thủ của Schalke 04 và chọn một thời điểm bất ngờ đẩy nhanh tốc độ tấn công để xé toang mành lưới Schalke 04. Thời điểm M.U gia tăng sức ép vào lúc nào thì chỉ có Chúa mới biết. Rất nhiều lần trong mùa giải năm nay, M.U đều chiến thắng với phương cách trên, đặc biệt trước những đội bóng yếu hơn chọn lối chơi phòng ngự ngay từ đầu kiểu như Schalke 04. Mục tiêu của M.U ở chuyến hành quân đến đất Đức có thể chỉ là một chiến thắng tối thiểu hoặc chí ít là một trận hòa có bàn thắng để lấy ưu thế bàn thắng trên sân khách. Điều họ hướng đến chính là màn kết liễu Schalke 04 ở lượt về tại “Nhà hát của những giấc mơ”-nơi mà M.U bất bại tại Champions League mùa này.

Ở phía bên kia, Schalke 04 thừa hiểu thực lực của họ không thể nào chơi đôi công sòng phẳng với M.U. Vậy nên, cách duy nhất là phòng ngự từ xa, đá rắn để hạn chế sự hưng phấn của đối phương. Và chờ đợi sai lầm của M.U để tạo dựng những tình huống nguy hiểm cho riêng mình.

Tư tưởng chơi bóng của cả hai đội như dự tính nói trên sẽ dẫn trận đấu đến một thế trận rình rập không thích hợp cho người ưa chuộng một trận cầu hấp dẫn từ đầu chí cuối, nhưng lại hợp cho những người thích những điều bất ngờ trong chốc lát. Dĩ nhiên, trong trận cầu rình rập này, M.U sẽ là người chủ động để cố gắng định đoạt kết quả trận đấu.

Dự đoán: M.U thắng 2-1.

HÀM ĐAN

NHỚ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG VỀ!

Nếu phải chọn ra khoảng mười nhà thơ tiêu biểu nhất của thơ ca chống Mỹ, khó có thể bỏ sót cái tên: Nguyễn Duy. Bởi lẽ, ngay từ khi khởi nghiệp thơ, Nguyễn Duy đã tạo dựng một phong cách nghệ thuật độc đáo. Thơ của ông tuy vẫn nằm trong dàn đồng ca mang tính sử thi cổ vũ cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta; nhưng ông phản ánh cuộc sống thời chiến gián tiếp thông qua những đề tài bình dị, rõ nhất trong các bài thơ để đời như: Tre Việt Nam, Hơi ấm ổ rơm… Thế nên, nhà phê bình Chu Văn Sơn đã có lý khi gọi ông là “thi sĩ thảo dân”.

Năm 1975-chiến tranh kết thúc, thơ Nguyễn Duy chuyển sang đề tài đời tư thế sự với biết bao bộn bề của cuộc sống thường nhật. Song, kí ức về những trải nghiệm chiến tranh vẫn tiếp tục ám ảnh ông không dứt. Được sống hạnh phúc trong một không khí hòa bình, như một lẽ tự nhiên nhà thơ sẽ dễ hồi tưởng cuộc sống gian khổ của người lính trong chiến tranh vừa mới kết thúc. Thực ra, nhiều nhà thơ đã đi qua chiến tranh chống Mỹ cũng có mạch tư duy nghệ thuật như Nguyễn Duy, chỉ có điều Nguyễn Duy ghi lại dấu ấn sáng tạo là nhờ tiếp tục duy trì cách thức phản ánh tâm lý hậu chiến thông qua điều bình dị. Lựa chọn góc nhìn thường nhật để phản ánh một đề tài sử thi dễ biến thành công thức sẽ đem lại sự khác lạ gây hứng thú trong tiếp nhận với người đọc. Đó có thể xem là cội nguồn và cũng là nét đặc sắc đầu tiên của bài thơ hậu chiến nổi tiếng nhất của Nguyễn Duy: Nghe tắc kè kêu trong thành phố.

Kí ức hậu chiến không phải từ việc trở lại chiến trường xưa với những trận đánh ác liệt, tứ thơ được khởi đầu qua một xúc cảm đến từ một điều tình cờ: nhà thơ nghe tiếng tắc kè kêu ở “góc đường Công Lý cũ” vào thời điểm “cái tết hòa bình thứ ba đã tới”. Tắc kè là loài vật thường sống ở rừng vì vậy nhà thơ ngạc nhiên: “Con tắc kè/ Sao mày ở đây?”. Tiếng kêu của một con vật bé nhỏ đó biến thành cái cớ cho nhà thơ quanh ngược thời gian trở về thời điểm: “Mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư” với hình ảnh: “Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn/ Ngủ ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ”. Khoảng thời gian này, cuộc chiến đang đến những hồi cuối cùng. Những người lính đã có thể cảm nhận được ngày toàn thắng sắp đến: “Đêm trăn trở đố nhau: Bao giờ về thành phố?”. Và như một sự tình cờ: “Con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói: Sắp về!”. Tiếng kêu đặc trưng của loài tắc kè đã được biến âm như nói hộ tâm tư giản dị của của người lính: Sẽ về thành phố-đồng nghĩa với quê hương sẽ được giải phóng-hòa bình sẽ đến.

Để trở thành bài thơ hay không chỉ dựa vào mỗi nội dung, vì một bài thơ hay khi và chỉ khi hình thức và nội dung phải là hòa vào nhau không thể tách rời. Với một nội dung đơn giản cho nên nhà thơ phải tìm một hình thức tương xứng. Và Nguyễn Duy đã thành công. Đọc bài thơ, không khó để nhận ra giọng điệu bài thơ như lời trò chuyện rủ rỉ thân mật gần gũi mà cũng như đang tự thuật chuyện quá khứ. Nhà thơ không “uốn éo” ngôn ngữ mà đều dùng những chữ “mộc”, và sử dụng thể thơ tự do phóng khoáng tạo ra tính nhạc ở tương quan vỏ âm thanh từng từ trong mỗi câu thơ.

Điểm đặc sắc thứ hai của bài thơ nằm ở cấu trúc bài thơ, đó là tạo ra sự đối lập xuyên suốt mang tính nhị phân: rừng/thành phố, hòa bình/chiến tranh, nằm lại/về, tết rừng/tết hòa bình, không hương khói/đốt nhang… tạo ra sự tương phản giữa cuộc sống hậu chiến an lành với những giây phút chiến tranh gian khổ, thiếu thốn. Song song với việc tạo ra sự đối lập, nhà thơ sử dụng các biểu tượng lặp lại như: tiếng tắc kè, hàng me… nhưng lại đặt chúng ở các khoảng không gian và thời gian khác nhau, điều này diễn đạt sự biến dịch của các thời điểm lịch sử từ chiến tranh sang hòa bình khiến nhiều thứ đã thay đổi. Không chỉ là tên con đường đã được đổi, không chỉ là những hàng me thay lá mà chính kí ức những con người trải qua cuộc chiến đã lãng quên quá khứ tưởng rằng không thể nào quên. Chính vì thế, thông điệp của bài thơ thể hiện ở phần cuối, đã là con người thì phải thấu rõ đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sống trong thời bình thì phải luôn ghi nhớ sự hi sinh cuộc sống với những ước mơ dang dở của những con người không về hưởng nền hòa bình, chứ đừng đợi đến con tắc kè kêu để mà giật mình tưởng nhớ:

Qua hai mùa thay lá những hàng me

Cái tết hòa bình thứ ba đã tới

Chao ôi nhớ tết rừng không hương khói

Đốt nhang lên

Chợt hiện tiếng tắc kè


Tôi giật mình

Nghe

Có ai nói ở cành me:

Sắp về!...

HÀM ĐAN


NGHE TẮC KÈ KÊU TRONG THÀNH PHỐ

NGUYỄN DUY

Tắc kè
Tắc kè..tôi giật mình
Nghe
Trên cành me
Góc đường Công Lý cũ
Cái âm thanh của rừng lạc về thành phố

Con tắc kè
Sao mày ở đây?
Sáng ra nhìn soi mói mỗi cành cây
Chả thấy con tắc kè đâu cả
Khi chùm đèn thuỷ ngân xanh lên trong vòm lá
Tắc kè kêu như tiếng vọng về

 
Chợt hiện về thăm thẳm núi non kia
Dưới lá là hầm, là tăng, là võng
Là cơn sốt rét rừng vàng bủng
Là muỗi, vắt, bom, mìn, vực sâu, đèo trơn…
 
Những đoàn quân đi xuyên Trường Sơn
Ngủ ôm súng suốt cả thời tuổi trẻ
Đêm trăn trở đố nhau: Bao giờ về thành phố?
Con tắc kè nghe, nhanh nhẩu nói: Sắp về!
 
Sắp về
Sắp về…
Người bạn tôi rung võng cười khoái trá
Ấy là lúc những cánh rừng trút lá
Mùa khô năm một ngàn chín trăm bảy tư
Ăn tết rừng xong
Từ giã chú tắc kè
Chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ
Các binh đoàn tràn vào thành phố
Đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
Chồi xanh lăn tăn nới đầu cành run rẩy
Cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
Hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này
Anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
Anh nằm lại trước cửa vào thành phố
Giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

Đồng đội bao người không “về tới” như anh
Nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù và xa nữa…
Tất cả họ, suốt một thời máu lửa
Đều ước ao thật giản dị:
Sắp về!

Qua hai mùa thay lá những hàng me
Cái tết hòa bình thứ ba đã tới
Chao ôi nhớ tết rừng không hương khói
Đốt nhang lên
Chợt hiện tiếng tắc kè
 
Tôi giật mình
Nghe
Có ai nói ở cành me:
Sắp về!...