Thứ Năm, 29 tháng 7, 2010

CHUYÊN ĐỀ VỀ ĐẠI HỘI VIII HỘI NHÀ VĂN

“Hãy vì văn chương hơn nữa”

Hai vấn đề thường xuyên “có vấn đề” của Hội nhà văn (HNV) là kết nạp hội viên và trao giải thưởng. Với tư cách là người trong cuộc, các nhà văn là hội viên đã có những ý kiến thẳng thắn, trái chiều nhau:

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:

Theo tôi, việc kết nạp hội viên HNV còn nhiếu bất cập vì rất khó đánh giá do sự thẩm định văn chương đang loạn chuẩn, ngay trong hội đồng chuyên môn với BCH khó có sự đồng thuận cao. Khoảng cách nhà văn quá xa là điều nhức nhối nhất trong mỗi lần kết nạp hội viên mới, khiến xã hội bất bình với Hội nhà văn.

Tôi mong BCH và các Hội đồng hãy vì văn chương hơn nữa, hãy chú ý tới những người viết có văn, có tư tưởng và phong cách riêng; đừng màng bổng lộc từ những người muốn vào hội. Còn những người viết thì đừng vì cái danh hão mà tìm mọi cách để chui được vào hội.

Tôi thấy “phe” bảo thủ mạnh hơn “phe” cấp tiến. Vì vậy các hội đồng chỉ chấp nhận được những tác phẩm “vừa tầm” khó chấp nhận các tác phẩm phá cách. Lại nữa, có thành viên hội đồng không chịu đọc tác phẩm mà chỉ chấm theo “nghe nói”. Dù mỗi giải thưởng đều có tiêu chí riêng, nhưng sự lúng túng trong trao giải đã biểu hiện sự già cỗi và thiếu những “con mắt xanh” của Hội đồng chấm giải.

Tôi nghĩ, giải thưởng hàng năm của HNV nên chuyển thành Giải thưởng hàng năm của các Hội đồng chuyên môn. Còn Giải thưởng HNV chỉ nên trao 5 năm 1 lần, thì sẽ có điều kiện “nhìn lại” chuẩn xác hơn.

Nhà văn-dịch giả Lê Bá Thự:

Hội đồng văn học dịch mà tôi là ủy viên hiện nay có trong tay khoảng 25 lá đơn. Mỗi năm chỉ xét kết nạp được một, nhiều lắm là hai dịch giả. Như vậy để kết nạp hết số dịch giả còn lại thì cần ít nhất 12 năm. Đó là chưa kể những lá đơn mới. Nên, tôi nghĩ đây là vấn đề mà BCH nhiệm kì mới sẽ phải suy nghĩ lại.

Việc thẩm định về mặt chuyên môn, cụ thể tác phẩm, để xét kết nạp hội viên là công việc phải giao cho các hội đồng chuyên môn. Các thành viên hội đồng là những người dày dạn kinh nghiệm, có thành quả sáng tác không ai thẩm định chuyên môn tốt và chính xác hơn họ. Để nâng cao vị thế của các hội đồng, theo tôi, chủ tịch hội đồng chuyên môn phải là ủy viên Ban chấp hành Hội.

Giải thưởng là để động viên, khuyến khích, thậm chí kích thích những người làm công việc sáng tạo, kể cả người được giải lẫn người không được giải. Vậy nên, hàng năm cứ chọn những tác phẩm như thế mà trao giải thưởng là được rồi, khỏi phải cầu toàn. Tác phẩm lớn rồi sẽ đến, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Xin hãy đợi.

Nhà văn Phạm Việt Long:

Trong việc kết nạp hội viên, Hội nhà văn (HNV) cần quan tâm đến hội viên ở tỉnh xa. Vì không có cơ hội “mọc mũi sủi tăm” nên nhiều khi họ chịu thiệt thòi hơn các đồng nghiệp ở các thành phố lớn.

Trong việc kết nạp hội viên đúng là có chuyện quen thân nhờ vả nhưng không có chuyện hối lộ như đồn thổi. Muốn vào hội phải qua “ải” hội đồng chuyên trách, không qua coi như “trượt”. Sau hai lần “trượt”, tôi nói với ông bạn thân Hữu Thỉnh: “Tôi chán lắm rồi. Tôi không vào nữa đâu”. Ông Hữu Thỉnh an ủi: “Không được Hội đồng thông qua thì tôi cũng chịu”. Nhà văn nước mình không mấy đọc nhau nên dù có hai nhà văn nổi tiếng giới thiệu nhưng phải đến lần 3 tôi mới vào được vào hội.

Riêng về giải thưởng, tôi không có bình luận. Tôi nghĩ chúng ta không nên mất thời gian nói về giải thưởng mà tốt nhất nên chú tâm vào việc viết nếu vẫn còn có nhu cầu viết.

“Cần tạo sân chơi cho người viết trẻ”

Trước Đại hội lần thứ VIII, nhà thơ Hữu Thỉnh-Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam tuyên bố: “Bồi dưỡng nhà văn trẻ là nhiệm vụ sống còn của Hội nhà văn”. Còn các nhà văn trẻ kì vọng gì ở Hội nhà văn?

Nhà văn trẻ Vũ Thanh Huyền

Vai trò của Hội nhà văn vô cùng quan trọng trong thời buổi các giá trị văn chương lớn hay bé đều đang được bày bán trên cùng một sạp hàng. Hội nhà văn đã phần nào giúp loại bỏ những hạt sạn là những tác phẩm gây "sốc" để "hot" nhưng thực chất lại "nhạt". Vì thực tế những tác phẩm được Hội nhà văn xuất bản hay được Hội đánh giá cao hầu như là có chất lượng tốt.

Giả sử, sau này, tôi có tác phẩm mang chút ít giá trị và được chú ý thì tôi mới có đủ tự tin được gọi là nhà văn. Và khi đó, tôi mới cảm thấy mình thực sự xứng đáng để xin gia nhập Hội nhà văn, không vì danh tiếng, quyền lực hay bất cứ mục đích vụ lợi gì.

Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học

Việc kết nạp Hội Nhà văn VN chưa chú trọng đến lớp trẻ, những người kế cận. Người viết trẻ dường như không mấy mặn mà với Hội Nhà văn và trong họ, Hội không còn “thiêng” như trước. Việc kết nạp Hội sẽ còn được bàn nhiều và sẽ có nhiều thiếu sót, nếu như không có sự công tâm trong việc xét kết nạp vào các năm tới.

Một vấn đề tôi quan tâm là giải thưởng Hội nhà văn bởi việc này này ảnh hưởng khá lớn đến uy tín của Hội nhà văn đối người viết trẻ. Đơn giản là những người viết trẻ học hỏi được gì ở kĩ thuật viết của các bậc đàn anh? Nếu như chọn tác phẩm không xứng, các nhà văn trẻ sẽ mất niềm tin ở các tác phẩm mang tiếng là “đỉnh cao”. Những tác phẩm đoạt giải thưởng, tôi có đọc và thấy rằng Hội vẫn chọn được một số tác phẩm xứng đáng. Tình trạng mất mùa giải thưởng năm ngoái đã làm dư luận bức xúc. Đã tổ chức thì phải trao giải, không thì thôi, tại sao lại bỏ khuyết là điều mà dư luận đặt câu hỏi. Và việc xét giải hàng năm, thì việc chọn là một vài tác phẩm chất lượng của năm đó là việc không khó, chứ không thể so sánh với các tác phẩm của những năm trước mà xét.

Nhà thơ trẻ Thái Bảo Anh

Vào hội nhà văn là một “minh chứng” cho sự chuyên nghiệp trong nghiệp viết của mỗi người cầm bút. Dĩ nhiên, là một người viết trẻ nên sau này tôi cũng muốn mình được vào hội nhà văn nếu có tác phẩm làm “bảo hiểm”. Nếu là hội viên, tôi sẽ có nhiều hơn những cuộc giao lưu với nhà văn, tôi có nhiều hơn những cơ hội để học hỏi thêm không chỉ cách viết mà còn cả kiến thức và vốn sống. Và điều quan trọng hơn mà tôi nghĩ tới, đó là một hội để bảo vệ quyền lợi cũng như lợi ích của các hội viên.

Tôi thấy việc Hội nhà văn trẻ tổ chức các hoạt động cho những người mới cầm bút như trình diễn thơ là điều đáng hoan nghênh, và cần phải có nhiều “sân chơi” hơn. Đó là điều mà tôi hi vọng những người lãnh đạo mới của Hội nhà văn.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG & ĐẶNG NGỌC HÂN (ghi)
(Hai bút danh mới à nha:):))
 
“Muốn nghe một lời giải thích”

Các nhà báo luôn theo sát các hoạt động ở Hội nhà văn đặc biệt là vấn đề kết nạp hội viên mới. Đồng thời, họ cũng là những người đọc có kinh nghiệm luôn chú ý các tác phẩm đoạt giải của Hội nhà văn. Sau đây, là ý kiến của các nhà báo:

Nhà báo Lê Cẩm Vân Chi (Kênh truyền hình văn hóa Việt VTC10):
Nếu cuốn hồi kí mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng viết về việc kết nạp hội viên Hội nhà văn (HNV) là sự thật thì nhiều người hẳn sẽ hơi buồn. Kết nạp hội viên đồng nghĩa với việc đánh giá cao tài năng và đạo đức của nhà văn. Đạo đức thì có thể trắng đen rõ ràng nhưng đánh giá tác phẩm văn chương thì không đơn giản nên HNV có lẽ cần đổi mới để khiến đa số giới cầm bút tin tưởng vào sự công minh trong việc kết nạp hội viên.

Những vụ việc liên quan tới Giải thưởng HNV mấy năm qua theo tôi là không bình thường. Việc các tác phẩm được trao giải nhìn chung chưa thực sự xứng đáng, còn bỏ sót một số tác phẩm hay, nhất là thơ và phê bình văn học. Đôi khi, ở hai hạng mục này có tác phẩm xứng đáng nhận giải nhưng không hiểu vì lí do gì mà thường để trống. Nhiều người trong đó có tôi muốn nghe một lời giải thích từ những người có trách nhiệm ở Hội nhà văn.

Nhà báo-nhà thơ Trần Tuấn (Báo Tiền phong):
Tôi hơi lạ khi thấy có những nhà văn đăng đàn phát biểu cho rằng HNV là "Ngôi đền thiêng". Không rõ tính mục đích của những nhà văn ấy là gì, tác phẩm hay là tấm thẻ hội viên kèm theo những tiêu chuẩn ưu đãi?

Cá nhân tôi thấy vai trò của HNV theo mô hình tổ chức như hiện nay đã cũ. Từ cung cách bầu bán, kết nạp hội viên, chấm và trao giải thưởng ... đều cần phải có sự thay đổi toàn diện. Một thời đại văn chương mới đa chiều đa hướng đòi hỏi nhà văn có trách nhiệm với đất nước, với thân phận con người bằng một tư tưởng, cảm thức và cách thể hiện khác. Tôi ao ước có một sân chơi vui và trẻ, thoáng rộng cởi mở, tranh cãi học thuật đúng nghĩa và đúng luật để thúc đẩy nhau sáng tạo thực sự.

Một tác phẩm văn học có giá trị không nằm ở chuyện đoạt giải gì. Về giải thưởng HNV, tôi đánh giá cao những tác phẩm đoạt giả HNV của Bảo Ninh, Dương Hướng..., còn lại tôi xin miễn bình luận. Tôi nghĩ, trao giải cho một tác phẩm “nhỉnh” nhất trong năm như quan niệm xảy ra gần đây không cần thiết bằng trao giải cho tác phẩm đưa ra được một xu hướng văn chương mới, dù còn phải tranh cãi...

Nhà báo-nhà thơ Nguyễn Văn Quân (Tạp chí Truyền hình VTV):
Tôi nghĩ viết là một công việc độc lập. Việc có phải là hội viên hay không chẳng thể nâng cao chất lượng tác phẩm. Trong thời buổi toàn cầu hóa, HNV cần đóng vai trò cao hơn và có những hành động cụ thể hơn. Chỉ khi nào HNV làm được sứ mệnh cao cả, là ngọn đuốc dẫn đường thì mới thực sự thu hút những người viết mong muốn vào hội.

Vì thời gian có hạn nên tôi chỉ đọc những tác phẩm gây được sự chú ý của dư luận, không phân biệt tác phẩm có đoạt giải thưởng hay không. Tôi nghĩ là mọi thứ cũng chỉ mang tính chất tương đối, chúng ta đừng nên quá khắt khe theo kiểu “bới lông tìm vết” làm gì. HNV cũng nên công khai hóa công việc của hội mới tránh không bị những hiểu nhầm và thắc mắc không đáng có.

ĐẶNG NGỌC HÂN (ghi)


Những con số qua 7 kỳ Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam


Tất cả 7 kỳ Đại hội Hội nhà văn Việt Nam (ĐHHNVVN) từ trước đến nay đều được tổ chức tại Hà Nội; trong đó, 2 lần đầu tiên tổ chức tại Câu lạc bộ Đoàn Kết. Các lần Đại hội sau được tổ chức tại Hội trường Ba Đình.

ĐHHNVVN lần 1 diễn ra từ ngày 1 đến 4-4-1957. 165 hội viên đã tham gia sáng lập và thông qua điều lệ đầu tiên của Hội nhà văn Việt Nam. Đại hội đã bầu 32 nhà văn vào Ban chấp hành (BCH). Tháng 3-1958, hai nhà văn Hoàng Cầm và Hoàng Tích Linh rút khỏi BCH nên BCH còn lại 30 người. Chức danh Chủ tịch và Tổng thư ký đều có trong cơ cấu của ĐHHNVVN lần thư 1. Chủ tịch là nhà văn Nguyễn Công Hoan và Tổng thư ký là nhà văn Tô Hoài.

ĐHHNVVN lần thứ 2 diễn ra từ ngày 10 đến 12-1-1963 đang giữ kỉ lục là Đại hội có nhiệm kì dài nhất lên tới 20 năm (1963-1983). 250 đại biểu đã dự Đại hội bầu ra 33 vị vào BCH. Sau ngày giải phóng miền Nam, BCH HNVVN khoá 2 được bổ sung thêm 10 nhà văn. Như vậy, hết nhiệm kỳ khoá 2, BCH có 43 uỷ viên. Đại hội bãi bỏ chức danh Chủ tịch mà chỉ tồn tại chức danh Tổng thư kí. Nhà văn Nguyễn Đình Thi được bầu là Tổng thư kí HNVVN.

ĐHHNVVN lần thứ 3 diễn ra từ ngày 26 đến 28-9-1983. 150 đại biểu tham dự. BCH khóa 3 là BCH đông đảo nhất với 44 nhà văn. Nhà văn Nguyễn Đình Thi tiếp tục giữ chức Tổng thư ký HNVVN.

ĐHHNVVN lần thứ 4 diễn ra từ 28-10 đến 1-11-1989. Đây chính là Đại hội toàn thể đầu tiên của HNVVN với 396 hội viên tham dự. BCH gồm có 9 nhà văn. Nhà văn Vũ Tú Nam được bầu làm Tổng thư ký HNVVN khoá 4.

ĐHHNVVN lần thứ 5 diễn ra từ ngày 12 đến 14-3-1995 tiếp tục là Đại hội toàn thể. 496 nhà văn đã tham dự và bầu 5 nhà văn vào BCH. Ngày 29-11-1996, BCH tăng lên 7 ủy viên sau khi bổ sung thêm 2 nhà văn. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được bầu làm Tổng thư kí của HNVVN khóa 5.

ĐHHNVVN lần thứ 6 có thời gian tổ chức ngắn nhất (17&18-4-2000). 423 nhà văn đại diện đã dự Đại hội. BCH gồm có 9 nhà văn. Nhà thơ Hữu Thỉnh được bầu làm Tổng thư kí HNVVN.

ĐHHNHVN lần thứ 7 diễn ra từ ngày 23 đến 25-4-2005 có số lượng thành viên Ban chấp hành ít nhất (6 người) sau khi 557 đại biểu bỏ phiếu bầu. Đại hội lần thứ 7 bãi bỏ chức danh Tổng thư ký, chỉ tồn tại chức danh Chủ tịch. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức vụ cao nhất HNV. Ông cũng giữ kỉ lục 5 nhiệm kỳ liên tiếp trong BCH bắt đầu từ Đại hội lần thứ 3 (1983-1989). Tính đến nay, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng là người duy nhất vừa giữ chức danh Tổng thư ký vừa giữ chức danh Chủ tịch HNVVN.

TRẦN HÀM ĐAN (tổng hợp)


Đầu tiên là chọn “trúng”…

Nhìn ra thế giới, ngay giải Nobel văn chương cao quý năm nào cũng có những ý kiến không đồng tình nào là thiên vị nhà văn châu Âu hoặc tôn vinh tác phẩm “khiêu dâm” của E. Jelinek (Nobel 2004) cho đến vì động cơ chính trị mà trao giải cho Cao Hành Kiện (Nobel 2000)… Vì thế, bất cứ giải thưởng văn chương nào kể cả Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam đều mang tính tương đối. Sự tương đối, trước hết ở tiêu chí của giải. Thứ nữa, giới hạn “trường thẩm mĩ” những người quyết định trao giải, chẳng hạn có người cho rằng tiểu thuyết nhất thiết phải có cốt truyện nên thích trao giải cho những cuốn có các tình tiết được kể rõ ràng. Nếu chỉ hai lí do trên thì không ai phàn nàn gì về Giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Sự thiếu chuẩn xác trong việc lựa chọn những tác phẩm có giá trị đích thực, đôi khi do những yếu tố ngoài văn chương chi phối. Cho nên muốn Giải thưởng văn học của Hội nhà văn trở thành “thương hiệu” nhất thiết phải lựa chọn “trúng” các tác phẩm văn học có giá trị dựa trên quy luật thẩm mĩ.

Thử đặt một trường hợp giả định là sau khi Hội nhà văn chọn được nhiều tác phẩm hay, tạo phản ứng tốt trong dư luận và Giải thưởng Hội nhà văn thành một “thương hiệu” thì viễn cảnh sách sẽ bán rất chạy sau khi đoạt giải như các giải thưởng văn chương trên thế giới. Đó là chuyện ở thì tương lai, nhưng là một tương lai không xa. Vì vậy, ngay từ bây giờ, có lẽ Hội nhà văn cần chuẩn bị tốt công việc quảng bá tác phẩm đoạt giải để tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Hiện nay, những cuốn sách Hội nhà văn trao giải đều rất khó tìm tìm ở những nơi bán sách, trừ những cuốn sách liên kết xuất bản với các đơn vị làm sách tư nhân. Những cuốn sách trước và sau đoạt giải của các công ty truyền thông hay các nhà sách đều làm công tác tiếp thị rất tốt. Tất nhiên, không cần phải giải thưởng thì cuốn sách của một số công ty đã rất tốt từ khâu biên tập, trình bày…nên khá “đắt hàng”. Và, nếu được giải thưởng thì cuốn sách càng có giá và có cơ hội tái bản hoặc in nối bản. Nhưng, cần nhắc lại, điều cần làm đầu tiên, nằm ở phần gốc là phải chọn đúng tác phẩm hay dựa trên tinh thần công minh.

LINH THIÊN