Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

TẢN MẠN "QUÀ NGOẠI"



Qua mấy ngày Tết, khi đã no nê với bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành… người Hà Nội xuống phố hưởng lại cái thú ăn quà thanh nhẹ quanh năm vẫn dùng. Nhưng, mấy năm gần đây, nhiều người lại chọn cho mình những thứ quà có nguồn gốc nước ngoài để “khai khẩu” đầu năm. Chợt nghĩ, sao không thử lượm lặt những chuyện “quà ngoại” hiện thời ở vùng đất mà chuyện “ăn” luôn gắn với chuyện “chơi”.

Người đầu tiên viết về những món “quà ngoại” ở Hà thành mà nhiều người đọc còn nhớ là nhà văn Thạch Lam. Trong thiên tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường, ông nhắc đến mấy món quà ngoại một cách tự nhiên như thể chúng được sản sinh ra ở Hà Nội vậy. Thời Thạch Lam sống, “quà ngoại” chỉ quẩn quanh mấy món ăn Tàu và Pháp; chẳng biết có phải vì thế mà ông nhắc đến khá sơ sài làm cho lớp hậu sinh muốn tìm hiểu ẩm thực tò mò về chuyện giá cả, cách chế biến… các món thời ấy. Nay, tìm hiểu thông tin ăn uống rất dễ dàng. Muốn ăn sushi vừa ngon vừa rẻ ư? Hay nguồn gốc của spaghetti? Cứ nhờ “ông google” thì sẽ rõ.

“Quà ngoại” giờ mọc ra như nấm. Riêng fastfood đã có ba nhãn hàng là KFC, BBQ và Lotteria cạnh tranh khốc liệt. Nhưng đại gia lớn nhất là McDonald's thì vẫn chưa vào nước ta. Chỉ mong “ông” ấy vào sơm sớm vì ai chả biết các hãng cạnh tranh thì khách hàng được lợi. Cái thời toàn cầu hóa sướng là thế! Nghĩ lại mà thương thời bao cấp, một hôm nổi hứng, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Tô Hoài và Huy Cận đến nhà hàng Phú Gia; Xuân Diệu chỉ dám gọi một đĩa bít tết mà cứ phải tính toán: “Một món ở đây nó thiến bằng cả tháng thịt chó”. Bít tết bây giờ lại còn rẻ hơn cả thịt chó! Hiển nhiên, bít tết thì không phải hàng nào cũng ngon. Người Hà Nội rất ghét bít tết được bán trong quán café như một món ăn nhanh vì chất lượng rất tệ; thêm nữa bít tết mà dùng như dùng fastfood thì hỏi làm sao mà ngon được nữa. Người ta kháo nhau: thứ bít tết đó chẳng khác nào phở được bán trong hiệu phở gộp chung với cơm bình dân và các món xào. Người sành ăn vẫn tìm tới những nhà hàng chuyên bít tết với tâm lí: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”; mà thực tế chứng minh, phải chuyên nghiệp mới mong đạt đến đỉnh cao. Mấy nhà hàng dù “mặt tiền” có bắt mắt đến mấy mà trưng biển các món Âu, Á; hoặc món ăn Việt và châu Á ắt thua xa những nhà hàng tuy bề ngoài thường thường bậc trung nhưng biết “tập trung chuyên môn” vào một thực đơn của một nước.

Bài toán bán gì được giải xong lại có bài toán khác là bán cho ai nên mới sinh chuyện: cùng một ông chủ nhưng hai nhà hàng pizza cùng tên lại bán cho hai loại khách hàng khác nhau. Một nhà hàng mà thực ra một cửa hiệu lụp xụp với loại pizza cỡ nhỏ bán cho các “thượng đế cà tàng”; một nhà hàng đặt ở “đường nghìn tỷ” bán cho các “thượng đế VIP”. Chuyện này là thường vì phân khúc khách hàng phải đẻ ra hai nhà hàng. Với nhà hàng phục vụ pizza cho VIP ăn nên làm ra nhưng quán pizza bình dân một năm sau phải đóng cửa. Hỏi ra, không phải vì nội thất, khách hàng bỏ đi vì thái độ phục vụ quá kém trong khi chất lượng pizza cũng “thường thôi” vì tiền nào của nấy. Hóa ra, dù ở thời nào và với món gì, người Hà Nội vẫn khó tính, chất lượng lên hàng đầu và bây giờ là cả thái độ phục vụ nữa. Chuyện “bún mắng”, “cháo chửi” mới đắt hàng chẳng qua là chuyện được (hay bị?) mấy nhà báo nói vống lên chứ nếu món ăn mà không ngon thì cửa hiệu chỉ có nước sập tiệm.

Mấy thứ quà đặc Việt Nam như bún hay cháo rất dễ để biết thế nào là ngon hay không ngon; còn quà ngoại thì tiêu chí nào để đánh giá? Một câu hỏi tưởng là dở hơi nhưng tìm câu trả lời thì lại khó. Anh đầu bếp thì bảo: cứ theo thầy hoặc sách dạy chế biến đúng kỹ thuật thì món ăn sẽ ngon thôi. Khách hàng lắc đầu: không hợp với khẩu vị chúng tôi. Các ông chủ mới ngớ ra một triết lí: không phải cứ “nhập khẩu” “nguyên đai nguyên kiện” là đắt hàng vì mỗi nước có khẩu vị riêng. Tây ghét mắm tôm, ta ghét pho mát thối dù cả hai đều… “khó ngửi”, đó là ví dụ. Để dung hòa, các ông chủ bèn lệnh phải nghiên cứu làm sao các món hợp với thị hiếu người Việt. Vì thế mà, sủi cảo ở ta nhân thập cẩm với phương châm “càng nhiều càng tốt” theo một nguyên tắc… khó hiểu gồm có thịt nạc, tôm tươi, xá xíu, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, hành, hẹ; trong khi “sủi cao nguyên thủy” thì nhân chỉ có thịt, cùng lắm là tôm. Lạ lùng, những viên sủi cảo bán ở Việt Nam được cho vào một bát nước dùng ninh xương gà, xương lợn, một số vị thuốc bắc và vỏ tôm. Khi ăn kèm thêm cải xanh nhúng vào nước nóng và một con tôm càng. Canh sủi cảo này khá giống với bát bánh đa riêu cua và bún mọc; trong khi “sủi cảo nguyên thủy” ít khi thả vào nước mà thường hấp thành viên ăn kèm với xì dầu. Chính vì tình trạng tam sao thất bản, nên mấy anh bạn Mĩ hay than trời là ở Việt Nam không tìm ra được hàng hamburger ngon. Hỏi dò: “Có phải thiếu cái không khí như bên Mĩ?”. Trả lời: “Không. Vì bánh hamburger thôi”. Trở lại với sủi cảo, gần đây, có hiệu sủi cảo trên phố cổ Hà Nội quyết trở lại với “sủi cảo nguyên thủy”; nhân chỉ có tôm hoặc thịt, đoạn tuyệt với nhân thập cẩm lại được người sành ăn hưởng ứng nhiệt tình. Nhà hàng đang làm một công cuộc PR hoành tráng, đại để tuyên bố hùng hồn với thực khách Hà thành rằng: sủi cảo ở cửa hàng mới là “hàng hiệu” vì là “gia truyền” bên Trung Quốc trăm phần trăm.

Có lẽ, đây là lần đầu một nhà hàng chuyên thức ăn ngoại dám trưng hai chữ “gia truyền”. Trước, không có nhà hàng ngoại nào dám treo biển có chữ “to gan” “gia truyền” đầy tự hào truyền thống như phở hay bún chả ở ta vì đơn giản các ông chủ đa số là người Việt Nam, đầu bếp cũng người Việt Nam nốt. Treo thế e “nổ” quá chăng? Ông chủ Tây chính cống thì dại dột không biết người Hà Nội rất thích chữ “gia truyền” nên các biển hàng thường khiêm nhường: A little Italian, Le Petit Bruxelles … Ý muốn nói cơ ngơi thường thôi, nhưng đúng “chất”, vào đi! Hoặc ghép tên nhà hàng với một thứ gì đó không liên quan đến ăn uống cho lắm như: Sakura, Kimono, Đèn Lồng Đỏ, Khazaana Indian, Lotus, Vijit Thai… Người Hà Nội vốn tính thật thà, từ thật thà dẫn đến cả tin cũng gần nhau, thấy biển báo đồ ăn ngoại là vào thử nhưng nhiều khi ăn phải quả lừa khi thức ăn chẳng ra gì. Một số khác, nhất là những người trên bốn mươi thường càu nhàu: gà gì mà bở thế, về ăn gà ta thích hơn. Rõ là một điều buồn cười, gà Mỹ nuôi nhốt ở Việt Nam để làm gà rán thì không thể giống gà ta đi bộ cả ngày được, vả lại mốt ăn gà chọi, gà già ở đất Bắc vẫn đang thịnh sau khi mốt gà tơ, gà non lui vào dĩ vãng. Nhưng có những món mà nếu có thời gian và chịu khó thì tự làm ở nhà còn ngon hơn ăn ở tiệm như gimbap, spaghetti, rau trộn mayonnaise của Nga chẳng hạn.

Câu chuyện một công dân thủ đô tự hào khoe với bạn bè sáng nào cũng ăn một bát phở bò chín ở của hiệu gần nhà suốt bốn mươi năm giờ đây chắc chỉ còn chuyện đùa. Đơn giản, quá nhiều lựa chọn cho thực khách. Cái gì ăn mãi cũng chán dù cho có ngon, bổ, chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc đi nữa. Rút cuộc, người ta cần thay đổi. Người Hà Nội càng ngày càng cả thèm chóng chán; ngay đến món ăn nước ngoài giờ cũng đã bão hòa. Hết KFC rồi đến sushi, lẩu Thái, sủi cảo, gimbap… có dạo rộ lên mốt ăn côn trùng như bên Thái Lan, Lào rồi lại chán. Không biết chừng sang năm mới có thêm nhà hàng thịt cừu, thịt cá voi… làm người sành ăn lại có phen náo động bởi người Hà Nội quen ăn tinh nhưng cũng thích khám phá món ăn năm châu như một thú chơi.

Nghĩ cho cùng, bản thân đất Hà Nội không sinh ra được một món ăn nào xứng danh một “thương hiệu” nhưng Hà Nội là nơi hội ngộ những món ăn từ những xứ lạ. Chúng dần hòa vào ẩm thực bản địa để một ngày trở thành quen thuộc đến độ giờ đây một em bé Hà Nội mà không chịu đọc sách có lẽ không biết món cà ri vốn là một món của Ấn Độ.

Hàm Đan

Thứ Ba, 22 tháng 12, 2009

ĐỌC “TIỀN ĐỊNH” CỦA ĐOÀN LÊ


Khi đọc một tác phẩm văn chương nào đó, mỗi người đọc đều có thể thu được một ích lợi nào đó tùy thuộc theo sở thích, thói quen… Với tiểu thuyết Tiền định, điều đầu tiên mà bất cứ ai cũng dễ dàng thu lượm được là sự hiểu biết thêm về bối cảnh (context) của thời bao cấp đã lui vào dĩ vãng. Đó mới chỉ là bề mặt chất liệu như việc đọc truyện Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài biết thêm về phong tục miền núi chẳng hạn. Điều thứ hai, quan trọng hơn là thân phận người phụ nữ trong một thời kỳ xã hội chặt. Nhân vật Chín và các nhân vật nữ khác trong Tiền định trở thành những con người chức năng được xã hội quy định do tàn tích của tư tưởng Nho giáo. Nhưng bề sau hay thực chất số phận của họ chứa đựng là sự bất hạnh mang tính định mệnh; không phải như nhân vật tên Tiếc bị đặt tên chỉ vì suýt nữa được đem cho, mà đúng hơn là sinh ra trong một thế giới được đàn ông định nghĩa và đã bị định nghĩa như cách nói của Simone de Beauvoir trong The second sex. Bởi thế mà, trở thành người đàn bà phải được sự thừa nhận của người đàn ông: “-Em… Em có biết em đã thành đàn bà rồi không?” (trang 98).

Trong một xã hội chặt như thế, hiển nhiên bản thân nhân vật cũng có những mặc cảm về thân phận “hạng hai” của mình đến mức như nhân vật Chín ghét luôn cơ thể của mình và sợ hãi về sự va chạm xác thịt: “Cái thân thể mười bảy chưa có kinh nghiệm va chạm, co rúm lại vì bỗng nhiên đau xé. Cô không tưởng tượng được sự xâm phạm ấy mới ê chề làm sao, dơ dáy làm sao! Sau việc vừa xảy ra, cô không thể nhìn mặt con người đó mà không cảm thấy bị xúc phạm…” (trang 97). Nhưng dù bị cấm đoán và tự cấm đoán đến mấy, những ham muốn dục tính thầm kín nhưng mạnh mẽ vẫn tìm cách thoát khỏi sự kiểm soát hữu thức thông qua những giấc mơ hay những cảm giác vô thức: “Đang giữa giấc, bỗng mình cảm thấy ai đó nằm lên người mình” (trang 71). Những lần như thế thật hiếm hoi, bản thân nhân vật Chín – một nhân vật nữ sống lệch chuẩn so với thời đại mình sống; con người phiêu lưu trong tình cảm và công việc nhưng vẫn là hiện thân cho một tâm lý lệ thuộc trong xã hội truyền thống khi tự nhủ: “Dù sao mình vẫn còn có Hòa bên cạnh cơ mà” (trang 108); từ đó “…trước mỗi khúc ngoặt của cuộc đời, nàng đều hết sức do dự…” (trang 276).

Đó chính là định mệnh cho thân phận người phụ nữ, cho cuộc sống con người thời bao cấp như tư tưởng chính của tiểu thuyết này. Một triết lý không mới mẻ. Tiền định không phải là tác phẩm mang tiếng nói nữ quyền (feminism) hay để nhận thức lại lịch sử một giai đoạn mà tự do con người bị xã hội toàn trị kìm hãm. Tiền định đơn giản chỉ tìm cách xới xáo lại những kỷ niệm, tạo ra một hế thống nhân vật thế tục của thời quá khứ buồn thảm. Đặc biệt hệ thống nhân vật nữ xoay xung quanh nhân vật Chín. Cho nên, khi sử dụng chất liệu về đời sống thời bao cấp, nhà văn không tìm cách say sưa cường điệu hóa chất liệu mà chỉ kể lại các câu chuyện, sắp xếp chúng theo quy luật mang tính chất lặp nhằm nhấn mạnh cái triết lí về “tiền định”.

Cũng vì thế mà cuốn tiểu thuyết không thể thăm dò sâu hơn những góc khuất tâm lí thầm kín của các nhân vật bằng các thủ pháp hiện đại như độc thoại nội tâm chẳng hạn. Cũng là điều dễ hiểu, bởi nếu đi ngả rẽ đó kết cấu phối hợp của tiểu thuyết lập tức tan vỡ. Kết cấu phối hợp có đặc trưng là số phận của một nhân vật trùng với một độ dài tồn tại nhất định của xã hội. Tâm lí của cả nhóm người, những định mệnh song song cùng khẳng định một sự việc. Tác giả thường dàn dựng một số rất đông các nhân vật mà những số mệnh song song của họ đôi khi cũng trùng lặp nhau; họ bị ảnh hưởng bởi những sự kiện diễn ra trong xã hội. Một khi kết cấu phối hợp không còn thì sự nhấn mạnh vào tính chất định mệnh của số phận nhân vật trong tiểu thuyết cũng sẽ không đứng vững được.

Để đạt đến mối quan tâm về tiền định, tiểu thuyết đã phải chấp nhận đi theo những lối mòn, những “khái niệm lỗi thời” (Alain Robbe-Grillet) của tiểu thuyết. Chẳng hạn như cốt truyện. Tiền định thuộc vào một cốt truyện khuôn sáo: một loạt thử thách, nhân vật đương đầu với những biến cố nhưng vẫn không nhụt chí. Cốt truyện xoay quanh những chuỗi sự việc nghĩa là những hành động liên tiếp móc nối với nhau một cách logic. Thỉnh thoảng, tác giả tìm cách phá vỡ sự logic bằng giấc mơ, sự huyền ảo, tính bội trương… Nhưng tất cả đều không triệt để, không được theo đuổi một cách nghiêm túc. Tất cả những nhược điểm ấy bộc lộ ở đoạn kết tiểu thuyết. Một kết thúc bi kịch đột ngột nhấn mạnh thêm về tính chất định mệnh nhưng hiệu quả thẩm mỹ bởi những câu hỏi treo là không cao bởi cả cuốn tiểu thuyết tính nặng của cuộc sống đã chất đầy.

Người đọc có thể cảm động trước những câu chuyện về thời bao cấp nhưung với kỹ thuật viết tiểu thuyết cũ như thế này hứng thú đọc tiểu thuyết cũng giảm đi phần nào. Và nhất là chưa tìm cách nâng tầm chất liệu trong cuốn tiểu thuyết lên một bậc.

Hàm Đan

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2009

Truyện ngắn Việt: “Giậm chân tại chỗ”!



Dù đã có nhiều thành tựu, nhưng truyện ngắn vẫn là “mảnh đất” đầy triển vọng để nhà văn Việt Nam vừa nói lên tiếng nói về thời đại và nhân sinh, vừa là nơi thể nghiệm những cách tân nghệ thuật độc đáo.

Các tác phẩm văn chương gây được chú ý, các giải thưởng văn chương quốc gia và quốc tế mà nhà văn Việt Nam nhận được từ trước đến nay hầu hết đều dính dáng đến truyện ngắn. Nối tiếp thành công của các bậc tiền bối, các nhà văn trẻ vẫn đang đua nhau sáng tác truyện ngắn một cách mệt mài. Nhưng nhìn lại, thành tựu truyện ngắn từ năm 2000 trở lại đây lại tỉ lệ nghịch với số lượng.

“Đầu tàu” văn chương

Các nhà phê bình ngày nay thường than vãn rằng: họ không còn đủ sức theo dõi các truyện ngắn in trên báo để phát hiện kịp thời một truyện ngắn hay, một tác giả có phong cách riêng; lí do là truyện ngắn được các cây bút Việt Nam sản xuất một cách vô độ, ngang tầm các nền văn chương hàng đầu thế giới. Tìm một tờ báo không đăng truyện ngắn (như tờ Người đô thị!) là việc rất khó. Đó là về số lượng, còn về chất lượng thì chẳng ai phản đối nếu nói rằng thành tựu lớn nhất của văn chương Việt Nam chính là truyện ngắn trong khi các nước khác là tiểu thuyết. Vì vậy, truyện ngắn là một ví dụ hoàn hảo cho chủ nghĩa “mình thì khác” của văn chương Việt Nam.

Có được điều này là do truyện ngắn đã hình thành một truyền thống và đáng tự hào hơn là sớm có thành tựu với Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ (?-?), Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông (…………)…; đặc biệt là kiểu truyện ngắn mini trong tập Nam ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng (1374 - 1446). Điều thứ hai, sâu xa hơn, có nhà nghiên cứu đã táo bạo nói rằng truyện ngắn là sở trường người Việt Nam là do “tạng” người Việt hợp với dung lượng thể loại này, chỉ làm tốt những gì “nhỏ mà đẹp”. Một lí do khách quan là truyện ngắn vốn được xem là “bài tập” cho bất cứ ai nuôi mộng trở thành nhà văn.

Ở những giai đoạn sau, đặc biệt là khi tiếp xúc với văn chương phương Tây, truyện ngắn Việt phát triển một cách vượt bậc ngang tầm thế giới với tên tuổi của Nam Cao, Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân… Sau năm 1975, truyện ngắn lại đi đầu trong việc đổi mới văn chương sau một thời gian bị “hãm” do chiến tranh. Công đầu thuộc về các cây bút như Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Trần Trung Chính, Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bản, Y Ban, Trung Trung Đỉnh…

Rõ ràng, nếu cần dự báo “an toàn” nhất ở thời toàn cầu hóa, thì truyện ngắn có thể xem là “đầu tàu” kéo văn chương Việt tiến lên.

Truyện ngắn đương đại: “Soạn văn”!

Nguyễn Huy Thiệp từng nói các nhà văn như Tô Hoài, Nguyễn Khải và thế hệ nhà văn chống Mỹ đang “soạn văn” nghĩa là những tác phẩm mới của nhà văn này chỉ viết dựa trên kinh nghiệm trong mấy chục năm cầm bút mà không có một tác phẩm nào mang tính cách tân cho văn chương. Nhận xét này cũng đúng nếu dành cho truyện ngắn.

Điều đáng buồn hơn là các nhà văn sung sức bây giờ ở thế hệ 7X và 8X, kì lạ thay lại mắc bệnh “soạn văn”. Số lượng người viết truyện ngắn vô cùng đông đảo nhưng các truyện ngắn này lại ná ná nhau cho dù chất liệu hoàn toàn khác nhau. Các nhà văn tập trung khai thác chất liệu mà cuộc sống hiện đại cung cấp như: tình dục, đồng tính, tính vô cảm, lối sống nhanh, bày tỏ cái tôi… Nhưng nghệ thuật viết truyện ngắn thể hiện ở các cấp độ như: lối viết, ngôn ngữ, cấu trúc, hình tượng chưa được chú ý. Ngay đến cả những tác phẩm làm “nổi sóng” dư luận 5 năm trở lại đây như: Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu…, nếu xem xét nghiêm túc sẽ nhận ra nghệ thuật kể truyện trong các truyện ngắn vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Một nhà văn nhận xét: các nhà văn trẻ đang “díu” vào nhau. Một nhân xét đầy hình tượng và rất trúng. Hầu hết các nhà văn trẻ rơi vào “cái bẫy” do chất liệu bày ra. Họ quá tham lam khi khai thác những chất liệu mới. Điều này khiến các truyện ngắn rất gần với báo chí khi chủ yếu là kể lể nhằm phản ánh hiện thực khách quan để giống như ngoài đời. Đã thế, họ trở thành cái “loa” tuyên ngôn một cách trực tiếp cho chất liệu với những lời bình, lời kêu gọi, lời nhận xét ngay trong tác phẩm. Chẳng hạn, về vấn đề tình dục, họ lên tiếng tự do tình dục một cách trực tiếp tưởng rằng sự phản kháng ấy là mới mẻ, là khiến cho truyện ngắn ấy hay. Đó là chưa kể những “cái bẫy” của thời đại thông tin giăng ra khi mà sự nổi tiếng, tính đại chúng có thể khiến bất cứ ai “ngã lòng” khi cố công khai thác những đề tài “nóng” gây “sốc”.

Một nhà phê bình lên tiếng bênh vực: toàn là lỗi “khi người ta trẻ”, hãy ghi nhận những nỗ lực sáng tạo của họ. Hiển nhiên, trong số những người viết truyện ngắn hiện nay có rất nhiều người nỗ lực cách tân truyện ngắn như: Hoàng Long, Nhật Chiêu, Đặng Thân, Phan Việt, Nguyễn Nguyên Phước… Nhưng đại đa số đang “ăn sẵn” tài năng trời cho rất chóng hết và chất liệu cuộc sống. Lấy ví dụ về chất liệu đồng tính, nhiều người vẫn coi đồng tính là không bình thường nhưng không đến nỗi ghê tởm, tránh như tránh AIDS khoảng chục năm trước. Trong tương lai, đồng tính sẽ được xem là bình thường; vậy khi đó các cây bút truyện ngắn chuyên tìm cách kể lể, khai thác nó như cái bất bình thường như hiện nay sẽ không có “đất sống”.

Quên đi cốt truyện

Ngày nay, đa phần các nhà văn đi theo con đường kĩ thuật viết truyện ngắn phương Tây. Với dung lượng hơn 1250 từ một chút, truyện ngắn có dung lượng nhỏ nên điều quan trọng với các nhà văn là đầu tư vào cấu trúc. Truyện không kể theo cấu trúc tuyến tính, mà theo cấu trúc phân mảnh là chính với nhiều mảng trần thuật, giọng điệu, điểm nhìn khác lẫn vào nhau. Đó là chưa kể những cấu trúc xoắn ốc, mê cung, vòng tròn… của các “đại gia” truyện ngắn như Jorge Luis Borges, Julio Cortázar, Annie Saumont… chưa được các nhà văn Việt Nam thể nghiệm. Một số khác viết theo lối viết mà ở đó hình tượng nổi lên, đặc biệt mang tính chất tượng trưng được chú ý. Ở Việt Nam, nhà văn Nhật Chiêu với tập truyện Người ăn gió và quả chuông bay đi có những truyện mang biểu tượng Phật giáo đáng chú ý. Một số khác sử dụng cách viết dụ ngôn mang hơi hướng các truyện ngắn của Italo Calvino như Tô Hải Vân với Bỗng dưng có một ngày. Dù các ngả đường cách tân khác nhau song các nhà văn hiện đại ở ta lẫn Tây đều không mấy quan tâm đến cốt truyện nữa, đó là một khái niệm “lỗi thời” (Alain Robbe-Grillet). Chạy theo cốt truyện chỉ dẫn đến cách kể tự nhiên hoặc hiện thực nhàm chán như hiện nay.

Các tiểu thuyết gia Việt Nam rất khó khăn trong sáng tạo khi không có cái nền để giúp công việc họ đi nhanh hơn. Truyện ngắn với cái nền vững chắc lại đang trở về với những ấu trĩ ban đầu mà quên đi nhiệm vụ đưa truyện ngắn phát triển bằng những khám phá nghệ thuật. Có nền mà không biết bật lên phải chăng là quá lãng phí?

Hàm Đan