Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

OSCAR 2012: TRỞ LẠI GIÁ TRỊ CỔ ĐIỂN

Không có bất ngờ

Sáng 27-2 theo giờ Việt Nam, tâm điểm của giới truyền thông đổ dồn về Nhà hát Kodak ở Los Angeles (Mỹ) nơi diễn ra Lễ trao giải Oscar lần thứ 84. Lễ trao giải Oscar năm nay không có nhiều đổi mới, có chăng là các màn xen giữa các phần trao giải phong phú hơn. Người dẫn chương trình là “cố nhân” Billy Crystal-từng 8 lần đảm nhận M.C cho Oscar, đỡ “nhạt” hơn hẳn cặp dẫn chương trình gượng năm ngoái là James Franco và Anne Hathaway.

Điều quan trọng trong mỗi mùa Oscar vẫn là chất lượng các bộ phim. Năm nay, chỉ có 9 phim được đề cử thay cho con số 10 ở hạng mục Phim hay nhất, khiến nhiều người vội kết luận chất lượng các bộ phim Oscar 2012 kém đi. Nhưng nếu theo dõi kỹ, dễ dàng nhận ra rất hiếm có mùa Oscar nào quy tụ nhiều phim hay như Oscar 2012. Chất lượng các bộ phim đồng đều đến mức, có ít nhất 3 đến 4 phim hoàn toàn xứng đáng được vinh danh, thay vì cuộc đua “song mã” như các năm trước.

Oscar 2012 vắng bóng các bộ phim “bom tấn” thay vào đó các bộ phim đều tập trung vào đời tư thế sự, cố gắng khai thác tối đa trình độ diễn xuất của diễn viên và tư tưởng của bộ phim muốn gửi gắm. Nổi bật nhất là bộ phim Pháp The artist (Nghệ sĩ), bộ phim câm đen trắng quay lại với thời kỳ sơ khai của điện ảnh với lối diễn xuất sử dụng ngôn ngữ hình thể tinh tế.

Ở các cuộc đua tiền Oscar như: Quả cầu vàng, Cesar (Pháp), BAFTA (Anh)…, Nghệ sĩ đều tỏ ra “vô đối”. Ở Cannes 2011, Nghệ sĩ đã thất bại trên sân nhà trước kiệt tác điện ảnh của Mỹ The tree of life (Cây đời). Tại Oscar 2012, Nghệ sĩ đã trở nợ sòng phẳng khi cùng phim Hugo đoạt nhiều giải nhất (5 giải), trong đó có ba giải quan trọng là: Phim hay nhất, Nam diễn viên chính xuất sắc nhấtĐạo diễn xuất sắc nhất. Lý do Cây đời trắng tay tại Oscar năm nay là vì bộ phim này cần nhiều thời gian để nghiền ngẫm, nằm ngoài truyền thống của Oscar là vinh danh những bộ phim đơn giản mà sâu sắc.

Những hạng mục còn lại đều không có bất ngờ, Nghệ sĩ sẽ không là Phim hay nhất nếu không có sự diễn xuất xuất thần của tài tử Jean Dujardin. Tương tự, linh hồn bộ phim The iron lady (Bà đầm thép) là huyền thoại Meryl Streep, thủ vai cựu nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề, Meryl Streep xứng đáng giành giải Oscar cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất vì đã thể hiện nhiều tính cách trong một con người ở nhiều thời điểm khác nhau, đặc biệt khi cựu Thủ tướng về già sống lủi thủi trong căn nhà với những kỷ niệm.

Dù còn nhiều nuối tiếc cho những tên tuổi tay trắng rời cuộc như đạo diễn Steven Spielberg, Terrence Malick; các diễn viên George Clooney, Brad Pitt, Bérénice Bejo…; tựu chung, Oscar năm nay đã làm hài lòng được số đông công chúng vì đã trao những tượng vàng cho những bộ phim và diễn viên gây được cảm tình cho người xem suốt thời gian qua.

Thay đổi khuynh hướng

Các bộ phim Oscar 2012 đã thay đổi khuynh hướng khi trở lại những giá trị cổ điển của nghệ thuật thứ bảy đó là: sức mạnh biểu cảm hình ảnh, kết cấu đơn giản nhưng đa nghĩa. Sự trở lại này đạt được hiệu quả tích cực không ngờ, khán giả sau thời gian mãn nhãn với các phim “bom tấn” đơn nghĩa, được xem những bộ phim mới lạ mà thân quen như lâu ngày xem lại một bộ phim kinh điển.

Trong hầu hết các bộ phim, các nhân vật chính đều rơi vào tình cảnh bi đát, nhưng cuối cùng nhờ sự nỗ lực của bản thân và giúp đỡ của người xung quanh, cuộc sống của các nhân vật trở lại tươi sáng. Như trong phim Nghệ sĩ, George Valentin là nam diễn viên phim câm đang ở đỉnh cao thì phim có tiếng đột ngột ra đời và anh trở thành người thừa. Nhưng cuối cùng với sự giúp đỡ của nữ diễn viên Peppy Miller-người được anh dìu dắt ở thủa hàn vi; George Valentin tái xuất trên màn ảnh.

Nhưng để đoạt giải Oscar Phim hay nhất đánh bại 8 bộ phim còn lại, Nghệ sĩ phải sử dụng thêm cách biểu đạt độc đáo. Bề ngoài mượn hình thức phim câm, Nghệ sĩ lại đạt được hiệu quả tương tự các bộ phim tâm lý thời hiện đại nhờ tiết tấu phim rất nhanh, nội dung ngồn ngộn kịch tính. Tài năng của những nhà sản xuất là tối giản hóa ý nghĩa hành động nhân vật nên dù phim câm, khán giả cũng có thể hiểu được diễn biến câu chuyện.

Không chỉ riêng Nghệ sĩ, các bộ phim dự Oscar thoạt xem có vẻ đơn giản trong nội dung nhưng cách kể câu chuyện không dễ dãi. Tiêu biểu nhất là phim The help (Người giúp việc) kể về câu chuyện của cô nhà báo da trắng tiếp cận người giúp việc da đen Aibileen Clark và những nữ giúp việc da đen khác, để ghi lại vui buồn nghề giúp việc. Cấu trúc của phim tưởng chừng là cấu trúc đóng khi bắt đầu và kết thúc xoay quanh một cuốn sách về những người giúp việc da đen. Nhưng cuối phim lại gợi mở việc nhân vật Aibileen Clark viết một cuốn sách để thực hiện tiếp ước mơ về người con trai đã chết là trong gia đình sẽ có một người trở thành nhà văn. Rút cuộc, kết cấu phim là mở; và không rõ ai là người kể lại câu chuyện trong phim từ đầu đến cuối. Bộ phim lại phải hiểu khác đi, có thể phim là câu chuyện của một nhà văn xuất thân từ nghề giúp việc.

Dư âm của Oscar 2012 không phải sự hoành tráng các cảnh quay, kỹ xảo cách tân; nhưng với nội dung thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc nên sẽ gây ám ảnh người xem lâu dài. Đặc biệt là thông điệp mà các nhà làm phim muốn chuyển tải là kêu gọi con người đoàn kết, không đầu hàng thực tại để bắt tay xây dựng tương lai tốt đẹp hơn như lời thoại của nhân vật Scarlett OHara trong bộ phim kinh điển Cuốn theo chiều gió: “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới”.

BOX:

Một số giải thưởng khác của Oscar 2012: Nữ diễn viên phụ: Octavia Spencer (Người giúp việc), Nam diễn viên phụ: Christopher Plummer (Những người tập sự), Phim hoạt hình: Rango, Quay phim: Hugo, Chỉ đạo nghệ thuật: Hugo, Kịch bản gốc: Nửa đêm ở Paris, Kịch bản chuyển thể: Những người thừa kế, Phục trang: Nghệ sĩ, Hóa trang: Bà đầm thép, Phim nói tiếng nước ngoài: Sự chia ly (I-ran), Dựng phim: Cô gái có hình xăm rồng, Dựng âm: Hugo, Hòa âm: Hugo, Hiệu ứng hình ảnh: Hugo…

HÀM ĐAN