Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CÒN LẠI MỘT "Ý ĐIÊN"...



Nếu bạn hỏi giới mỹ thuật Hà thành về một người có hỗn danh “Ý điên” thì ai cũng biết và sẽ say sưa kể cho bạn nghe với sự ngưỡng mộ lộ rõ. “Ý điên” chính là để chỉ nhà điêu khắc Nguyễn Như Ý. Người đàn ông mới ngoài 40 này đã trải qua cuộc đời thăng trầm gắn liền với những giai thoại bất tận về lối sống nghệ sĩ phóng khoáng. Sau khi gặp nạn phải cưa một chân, “Ý điên” trở về ẩn dật tại làng quê mưu sinh bằng mò cua bắt ốc; bỏ hẳn làm tượng, vẽ tranh.

Chính trong giai đoạn gian khó này, “Ý điên” không cô đơn. Bạn bè đã tổ chức triển lãm cá nhân cho “Ý điên” gồm những tranh, tượng từ các bộ sưu tập cá nhân và in một cuốn sách về tác phẩm anh với cái tên chẳng nổi bật: “Nguyễn Như Ý-Gương mặt điêu khắc Việt Nam đương đại” vừa mới kết thúc vào ngày 30-5. Cái tên triển lãm trung tính, hiền lành ấy chỉ là cái “vỏ”, khi bước vào không gian tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội), người xem bị lạc vào một thế giới những bức tượng kỳ lạ khiến tâm hồn bình an nhất cũng bị xáo động.

Hơn 70 tranh, tượng, nhật ký sinh viên của Nguyễn Như Ý khó có thể xếp vào trường phái mỹ thuật vào cụ thể; kể cả những cái tên cũng không có. Đơn giản, “Ý điên” sáng tạo theo bản năng mà chẳng hề vin vào những lý thuyết trường phái này hay chủ nghĩa kia, kể cả khi “Ý điên” từng học tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Nhìn tượng của “Ý điên”, ngay cả người không chuyên môn cũng dễ liên tượng ngay đến những bức tượng nhà mồ ở Tây Nguyên bởi chúng giống nhau ở hình khối, chất liệu và cách thức sáng tạo. “Ý điên” có chịu ảnh hưởng của tượng nhà mồ Tây Nguyên hay không chẳng quan trọng. Quan trọng là “Ý điên” không làm giống như những nghệ nhân dân gian ở đại ngàn Tây Nguyên. Tượng nhà mồ Tây Nguyên có mục đích tái tạo lại những sinh hoạt khi còn sống của người đã khuất, với tinh thần sao chép hiện thực một cách giống như thật. Tượng của “Ý điên” khác hẳn! Những bức tượng của “Ý điên” không thể hiện một hành động cụ thể của con người; mà đơn giản chỉ làm hữu hình hóa những trạng thái mơ hồ muôn thủa của con người: Một chút sợ hãi, một chút bàng hoàng... Nó na ná như câu thơ của Xuân Diệu: “Hôm nay, trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”.

Hẳn có người sẽ gắn ghép những bức tượng như là thái độ của “Ý điên”-thái độ của cái tôi nghệ sĩ với hiện thực cuộc sống gấp, bon chen đối nghịch với sự mơ mộng, vô tư lợi của nghệ thuật. Cảm hứng nghệ thuật này đã được nhiều nghệ sĩ đã và đang thể hiện, kể cả ở các hình thức mới như: Sắp đặt, trình diễn, videoart... của nghệ thuật đương đại. Tượng của “Ý điên” dù được sáng tạo bằng dụng cụ thô sơ nhất nhưng lại có chiều sâu triết lý chẳng hề kém cạnh bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào vì những bức tượng có thể xem là ẩn dụ thể hiện đa nghĩa về những đau khổ bản thể của con người. Có người xem tượng “Ý điên” buông ra một nhận xét: Tượng của “Ý điên” cứ như tượng của danh họa Pablo Picasso lấy cảm hứng từ tượng châu Phi. Nhận xét trên không phải là úp chụp vô nghĩa, quả thật tượng “Ý điên” gợi về sự hoang dã, kỳ bí, vừa quen lại vừa mới lạ.

Có người sẽ không thích tượng của “Ý điên” bởi những khuôn mặt người méo mó, quái dị, phi cân xứng... Nhưng cái đẹp của tượng “Ý điên” chính lại là sự lệch chuẩn, chẳng có một tôn chỉ nghệ thuật nào ngoài chính tôn chỉ do tự tạo ra. Nó xuất phát từ lối sống phóng túng của chính cha đẻ những bức tượng, “Ý điên” là người sáng tạo bằng cách “ăn” vào cuộc đời của chính mình. Không ngoa thì cho rằng “Ý điên” là một mẫu nghệ sĩ kiểu như Bùi Giáng trong thơ ca!

Sau triển lãm như một sự tái xuất giang hồ này, không ai biết “Ý điên” có quay lại với cái nghiệp sáng tạo trót vận vào thân hay không? Bạn bè và những người yêu tác phẩm của “Ý điên” kỳ vọng với sức khỏe vẫn còn, sự hồn nhiên và “chất quái” vẫn còn đó, “Ý điên” sẽ trở lại với “phong độ” như trước nhưng bằng những tác phẩm độc đáo hơn. Giả dụ có trường hợp xấu nhất là “Ý điên” không còn thực hành nghệ thuật nữa thì chắc chắn tên tuổi “Ý điên” vẫn sẽ còn một lại; không chỉ bởi những giai thoại mà chính bằng những tác phẩm tuyệt vời mà “Ý điên” đã sáng tạo cho cuộc đời này.    

THU THỦY