Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

FESTIVAL TRUYỆN TRANH LẦN III: CHỦ NHÀ GÂY THẤT VỌNG


Festival truyện tranh lần III do Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Vương quốc Bỉ) tại Việt Nam phối hợp với NXB Kim Đồng tổ chức diễn ra từ ngày 31-5 đến 8-6 tại Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hà Nội). Với nhiều hoạt động chất lượng, Festival truyện tranh lần III đã nhận được sự tham dự đông đảo của bạn đọc hơn hẳn hai lần tổ chức trước. Tuy nhiên, sự chậm tiến của các “cây cọ” chủ nhà lại chính là điều đáng quên tại Festival truyện tranh lần này.

Mãn nhãn “nghệ thuật thứ 9”

Với bạn đọc nhí Việt Nam, hình tượng nhân vật hoạt hình như nhà báo Tintin, chàng cao bồi Lucky Luke... đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, ít người biết, “cha đẻ” các nhân vật hoạt hình trên đều là người Bỉ.

Tại những khu vực sử dụng tiếng Pháp của Bỉ (Cộng đồng Wallonie-Bruxelles), truyện tranh được gọi là “nghệ thuật thứ 9” bởi truyền thống lâu đời và ảnh hưởng xã hội to lớn. Phần lớn các gia đình Bỉ đều sưu tập truyện tranh. Hơn một nửa lượng sách được xuất bản hay sản xuất tại Bỉ đều là những an-bum truyện tranh. Đặc biệt hơn, gần một nghìn họa sĩ vẽ truyện tranh và tác giả kịch bản đã khiến Wallonie-Bruxelles trở thành xứ sở của truyện tranh từ gần một thế kỷ nay.

Triển lãm “Du hành trong nền nghệ thuật thứ 9: Truyện tranh của Wallonie-Bruxelles” chính là tâm điểm của Festival truyện tranh lần III. Triển lãm đã giới thiệu cho bạn đọc Việt Nam đến với 40 họa sĩ truyện tranh bậc thầy của Bỉ như: Morris (1923-2001)-tác giả Lucky Luke, André Franquin (1924-1997)-người sáng tạo ra khỉ đuôi dài Marsupilami nổi tiếng, Peyo (1928-1992)-“cha đẻ” những người xanh tí hon Xì-trum (The Smurfs)...

Điều hấp dẫn của truyện tranh Bỉ không chỉ ở việc tạo hình nhân vật vui nhộn với phong cách vẽ riêng biệt mà còn thể hiện ở nội dung độc đáo của các bộ truyện tranh. Các chủ đề được đề cập tới trong truyện tranh của Bỉ phản ánh muôn mặt đời sống xã hội, có giá trị nhân văn; có tính giáo dục rất tốt cho trẻ em và tính giải trí cao cho người lớn. Ví dụ, làng của những người xanh tí hon Xì-trum như là một ẩn dụ về xã hội con người với nhân vật hư cấu được nhân cách hóa: Thông minh, lười biếng, điệu đà, nóng tính....  Ngoài ra, truyện tranh của Bỉ tỏ rõ sự năng động đáng kinh ngạc khi pha trộn được nhiều thể loại nhiều khi đối nghịch nhau: Phiêu lưu, lịch sử, hài hước, huyền ảo, hiện thực, hư cấu...

Dù triển lãm lần này chỉ là phần rất nhỏ trong bức tranh đa dạng và rộng lớn của truyện tranh Bỉ. Nhưng có tận mắt chứng kiến mới thấy ngạc nhiên bởi vị trí “đầu tàu” trong ngành công nghiệp giải trí ở Bỉ. Điều này khiến ngay cả người xem thờ ơ nhất hiểu rằng: Nếu thực sự đầu tư chiều sâu với tính chuyên nghiệp cao thì bất cứ một lĩnh vực tưởng là “nhỏ” lại có thể mang lại những điều tốt đẹp lớn lao.

Truyện tranh Việt: Chưa thay đổi nhận thức

Song hành triển lãm truyện tranh Bỉ là triển lãm “Từ ý tưởng tới tác phẩm truyện tranh” của các họa sĩ trẻ Việt Nam. Triên lãm này là lần đầu tiên các họa sĩ Việt Nam có một triển lãm truyện tranh đúng nghĩa. Quy tụ hơn 30 bức tranh của 11 tác giả vừa là họa sĩ đồng thời là những tác giả kịch bản truyện tranh. Giới hạn trong 6 trang-tương đương với một truyện tranh ngắn hoàn chỉnh, các họa sĩ các ý tưởng đã thể hiện mối quan tâm của các họa sĩ đến rất nhiều vấn đề xã hội.

Các truyện tranh ngắn của các họa sĩ Việt Nam đã gây “cười” cho người xem nhưng nằm ở việc khá nhiều chữ trong lời dẫn hoặc lời thoại... sai chính tả! “Hạt sạn” này có thể thông cảm ít nhiều do công tác tổ chức chưa chuyên nghiệp, và bản thân các truyện tranh ngắn này mới chỉ là bản phác thảo ý tưởng.

Nhiều người xem cũng chưa thực sự hài lòng về cách tạo hình nhân vật, phong cách vẽ vẫn na ná các bộ truyện tranh nổi tiếng nước ngoài như: “Ô Long viện” (Đài Loan); “Jindo”, “Subasa”, “Teppi” (Nhật Bản)... Điều này không thực sự đáng chê trách vì việc đòi hỏi các họa sĩ Việt Nam đi sau hơn nửa thế kỷ mà tạo dựng ngay một phong cách vẽ riêng, tạo hình nhân vật độc đáo là điều không tưởng!

Điều đáng lo ngại cho sự phát triển của truyện tranh Việt Nam chính là nhận thức của các tác giả về chính mục đích và phương pháp biểu đạt của truyện tranh. Mục đích của truyện tranh là phải mang tính giải trí gây cười; sau đó các ẩn ý mang tính nhân văn và giáo dục phải được cài cắm khéo léo, đi vào trí nhớ độc giả một cách tự nhiên nhất, ấn tượng nhất. Tuy nhiên, các họa sĩ Việt Nam mắc “bệnh” quá các chú trọng đến các thông điệp, không biết cách “hòa tan” các thông điệp vào câu chuyện khiến truyện tranh thành một kiểu tranh cổ động. Ví dụ, tác phẩm “Mưa lớn” (tác giả Nguyễn Thế Linh) kể chuyện một trận mưa lớn bất thường gây đảo lộn cuộc sống và để kết thúc, tác giả “ném” thẳng vào người xem khẩu hiệu: “Hãy hành động trước khi trái đất thay đổi bạn!”.

Phương pháp biểu đạt truyện tranh của các họa sĩ Việt nam cũng chưa khiến người xem cảm thấy thích thú. Truyện tranh là hình thức kể một câu chuyện bằng hình ảnh tĩnh có khi được thêm một ít lời dẫn hoặc lời thoại. Đã là một hình thức kể chuyện ngắn gọn thì các yêu cầu về ý tưởng, kết cấu, cấu trúc... cũng mang tính nghệ thuật tương tự như kể một câu chuyện trong truyện ngắn! Hầu hết các truyện tranh Việt Nam có ý tưởng tốt nhưng các họa sĩ không có khả năng triển khai các ý tưởng để cuốn hút người xem. Đa số các bức hình không ăn nhập khiến người đọc “vắt óc” mới hiểu được những bộ tranh rối rắm có khi lại rời rạc.

Sẽ mất khá nhiều thời gian, các hạn chế của truyện tranh Việt Nam mới trở thành quá khứ. Nhưng tin tưởng rằng, với sự năng động và chịu khó tìm tòi sáng tạo của một thế hệ họa sĩ trẻ và với một “thị trường” người đọc rộng lớn thì việc có một nền truyện tranh Việt Nam chuyên nghiệp không phải là một ước mơ viển vông.

HÀM ĐAN