Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009

THOÁT KHỎI SÁO RỖNG

Sự dễ tính của nhạc sĩ lẫn thính giả đã làm ca từ nhạc trẻ xuống cấp. “Làn sóng thứ hai” của các nhạc sĩ trẻ đang tạo ra một cuộc chuyển mình mới của ca từ.
Bên em là biển rộng, Vẫn hát lời tình yêu, Một mình, Mặt trời dịu êm, Giọt sương trên mí mắt… là những ca khúc nhạc trẻ đầu những năm 90 đến nay vẫn còn được nhiều người nhớ. Ngoài phần nhạc trẻ trung, mới lạ thoát khỏi các giai điệu mùi mẫn, cải lương của nhạc vàng, thì ca từ trong những ca khúc nói trên đã đi vào lòng khán giả ở sự sâu lắng mà vẫn tự nhiên diễn đạt đúng tâm trạng người Việt thời kỳ đầu Đổi mới.

CHỈ TẠI… DỄ TÍNH

Sau sự khởi đầu “trong mơ”, ca từ nhạc trẻ Việt (V-pop) đã rơi vào tình trạng mà báo chí thường dùng các tính từ và danh từ như: lẩu, hỗn loạn, sáo rỗng cho đến tầm thường, thô kệch để đánh giá. Đến tận hôm nay, những đánh giá vẫn không oan uổng chút nào. Nguyên nhân lớn nhất khiến ca từ V-pop tụt xuống mức bất thường chính ở sự dễ tính. Sự dễ tính trực tiếp thuộc về nhạc sĩ và gián tiếp ở thính giả.
“Tội đồ” lớn nhất thuộc về các nhạc sĩ. Trừ trường hợp những bài hát phổ thơ hoặc có người chuyên viết lời cho ca khúc thì ca từ là con đẻ của các nhạc sĩ. Khổ nỗi, không phải nhạc sĩ nào cũng có thiên tài sử dụng ngôn ngữ ở cấp độ nghệ thuật, có tính văn học kiểu như Trịnh Công Sơn. Muốn ca từ đọng lại cùng với giai điệu không có cách nào khác là người nhạc sĩ phải rèn giũa, nắm đủ các phép “thần thông” của ngôn ngữ. Và việc này cần có thời gian và sự kiên trì. Nhưng hai điều này lại trở thành xa xỉ của nhạc sĩ “thời đại @”. Với cái giá hàng chục, thậm chí là cả trăm triệu đồng cho một bài hát và “cầu” luôn lớn hơn “cung”, cộng thêm cái danh nhạc sĩ; chừng đó lí do đủ để các nhạc sĩ trẻ trở nên dễ tính hơn bao giờ hết.
Quay về thời trước 1945, các nhạc sĩ tiền chiến ngoài kiến thức âm nhạc họ còn am hiểu văn chương ngay từ ghế trường phổ thông bằng con đường tự học. Việc đến với âm nhạc của họ hết sức tự nhiên như Văn Cao sáng tác Buồn tàn thu năm 17 tuổi chẳng qua để thương tiếc Vũ Trọng Phụng chết trẻ, không ai mắc bệnh “sốt ruột nổi tiếng”. Các nhạc sĩ thời ấy sáng tác chủ yếu để dãi bày tâm trạng của người ở xứ thuộc địa tiếp xúc với văn hóa phương Tây, cho nên phần ca từ rất được coi trọng. Thành ra, dù viết không nhiều và ngôn ngữ đã cũ nhưng đến nay ý nghĩa những bài hát tiền chiến vẫn ít nhiều được người thời nay đồng cảm như: Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Đêm đông, Mơ hoa… gắn với tên tuổi của Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Thương, Hoàng Giác.
Không chỉ có nhạc sĩ mà người nghe, chủ yếu là thanh niên U30 cũng dễ tính ưa chuộng các bài hát có ca từ theo công thức “kinh điển” ba dễ: “dễ nghe, dễ hát, dễ thuộc”. Thị hiếu của giới trẻ Việt Nam bây giờ không hề xa lạ hay lai căng, có chăng là đi sau thị hiếu phương Tây hơn một thế kỷ do điều kiện lịch sử đặc biệt của nước ta. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, và sự nổi lên của tầng lớp trung lưu đã tạo ra tính chất kitsch (rởm, phô trương mà sáo rỗng) của nghệ thuật (trong đó có ca từ trong ca khúc). Ở tuổi thanh niên, do kinh nghiệm thưởng thức chưa nhiều nên chủ yếu “gặp gì nghe nấy” nên sự tiếp nhận cái hay, cái đẹp chỉ là thụ động; mặt khác, tính chất kitsch lại cuốn hút những khiếu thẩm mỹ ngây thơ (naive) của giai cấp trung lưu mới xuất hiện ưa sự nhàn nhã của sự giải trí và cảm thức giả tạo về niềm vui sống.
Vậy là, ca từ sáo rỗng đã tìm đúng những lỗ tai thích hợp. Chính thính giả đã gián tiếp khiến nhạc sĩ không chùn tay khi viết ra những ca từ nghe để quên.

“LÀN SÓNG THỨ HAI”

Sau thế hệ của Dương Thụ, Bảo Chấn, Trương Quý Hải, Trọng Đài… V-pop đang có một làn sóng nhạc sĩ thứ hai chú trọng đến phần ca từ. Thực ra, trong những năm chuyển giao thế hệ nay, cũng có những nhạc sĩ nổi bật trong việc trau chuốt ca từ như Việt Anh (Dòng sông lơ đãng, Đêm nằm mơ phố, Tình yêu tôi hát), Trần Lê Quỳnh (Chân tình, Cô gái đến từ hôm qua), Quốc Bảo (Vừa biết dấu yêu, Em về tinh khôi)… nhưng các bài hát của họ không cứu nổi sự xuống dốc không phanh của chất lượng ca từ; hơn nữa, các bài hát của họ chủ đề và giai điệu thường hay lặp lại.
“Làn sóng thứ hai” vừa đông về số lượng vừa phong phú trong thể loại âm nhạc. Mỗi người theo một dòng nhạc riêng như Nguyễn Vĩnh Tiến và Giáng Son dòng dân ca đương đại, Võ Thiện Thanh nhạc Dance và R&B, Đỗ Bảo với dòng nhạc New - Age… nhưng có một điều hiển nhiên là hầu hết các bài hát trở nên “hot” trong giới trẻ là nhờ ca từ. Nguyễn Vĩnh Tiến gây cơn sốt ở chương trình Bài hát Việt với phần lời độc đáo của ca khúc Bà tôi như trường hợp Sắc màu của Trần Tiến khi xưa, Giáng Son với Giấc mơ trưa làm hài lòng cả các cụ già, Đỗ Bảo lại nổi tiếng với serial Bức thư tình thứ 1, 2, 3…
Sự chuyển mình của ca từ Việt đã có thể nhìn thấy. Đầu tiên, các nhạc sĩ đã cố gắng phản ánh cuộc sống và tâm trạng con người ở nhịp sống gấp hôm nay. Họ đã không còn “chung chiếu” với các bài hát có ca từ vô thưởng vô phạt đậm đặc chủ đề “anh anh em em” hoặc gây sốc: Kiếp đỏ đen, Kiếp xì ke, Kiếp lai rai…để có những ca khúc Tóc hát, Chuông gió (Võ Thiện Thanh) giai điệu sôi động mà ca từ vẫn sâu lắng; hoặc Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường) giản dị trong ca từ: “Nhìn cụ già tập dưỡng sinh… Nhìn dòng người vội vã nối những chiếc xe dài lê thê... Đưa em đi qua phố phường bao sắc màu bao ánh đèn. Ngồi ăn một quán ven đường”. Hình ảnh Hà Nội đã không chỉ có hình ảnh của liễu, hoa sữa lãng mạn, tĩnh lặng như trong ca khúc của Hoàng Hiệp hay Hồng Đăng thay vào đó là hình ảnh phố phường nhộn nhịp, xô bồ dưới cái nhìn “sống chậm” của một nhạc sĩ trẻ.
Các nhạc sĩ thuộc “làn sóng thứ hai” ngày càng được trẻ hóa, họ mới chỉ trên dưới tuổi 20. Vừa có năng khiếu sáng tác lại thấu hiểu tâm lí tuổi vị thành niên nên đã có những ca khúc có ca từ được lứa tuổi này yêu thích. Những bài hát như Mưa (Nhạc nước ngoài, lờffi: Đinh Mạnh Ninh), Xe Đạp (Đinh Mạnh Ninh), Đôi mắt (Nguyễn Hải Phong), Kem dâu tình yêu (Nguyễn Hồng Thuận)… đã giúp những ca sĩ tuổi teen như Thùy Chi, nhóm M4U, Wanbi Tuấn Anh đỡ rơi vào cảnh “bất đắc dĩ” chọn bài hát của người lớn. Nếu các bậc phụ huynh nghe thấy những ca từ trong bài Xe đạp: Thấp thoáng thấy bóng em ngoan hiền. Tim anh lặng giữa phố đông người. Ngập ngừng trên môi không nói ra”, hẳn họ sẽ yên lòng khi con mình đang thưởng thức một bài hát buồn nhưng trong sáng.

HÀM ĐAN