Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

THỜI ĐÀM (III): "NHÂN VĂN" KIA CŨNG CÓ BA BẢY ĐƯỜNG

Chủ nghĩa nhân văn bắt đầu từ thời Phục hưng ở châu Âu thế kỷ XVI, nhằm chống lại tư duy của thời kỳ Trung Cổ quá tôn sùng thế lực siêu nhiên mà xem thường vai trò, năng lực con người. Chủ nghĩa nhân văn ảnh hưởng to lớn đến văn chương châu Âu; từ đó, tính nhân văn luôn là là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá một tác phẩm văn học. Đặc trưng của tính nhân văn trong văn chương là luôn lấy con người làm trung tâm suy nghĩ nhằm mục đích hiểu biết về con người và tôn giá trị con người bằng lòng tin sâu sắc vào những chiều kích tốt đẹp của con người sẽ ngày càng hoàn thiện.

Từ “quê nhà” châu Âu, chủ nghĩa nhân văn lan tỏa khắp nơi trên thế giới, và nhanh chóng thắng thế tuyệt đối sau vài thế kỷ “bắt rễ” ở những miền đất xa lạ về văn hóa, trong đó có Việt Nam. Điển hình cho sự thắng thế của chủ nghĩa nhân văn có thể lấy ví dụ từ việc đánh giá lại giá trị của kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều ra đời trong một xã hội tư tưởng Nho giáo đang thống trị cho nên từ vua Tự Đức đến các nhà nho cuối mùa đầu thế kỷ XX đa số vẫn xem Truyện Kiều là “dâm thư” và nhân vật Thúy Kiều là… con đĩ. Song, với những “người tân học” tiếp thu tư tưởng nhân văn châu Âu dưới mái trường Pháp-Việt như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoài Thanh… đều cho Truyện Kiều là kiệt tác bởi tính nhân văn sâu sắc ở thái độ bênh vực con người, lên án các thế lực chà đạp lên nhân phẩm và thông cảm với số phận bất hạnh của nàng Kiều qua câu thơ mang tính nhân văn cao cả: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Giờ đây, bất cứ ai đọc Truyện Kiều cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của những “người tân học”.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa nhăn văn châu Âu thời kỳ công nghiệp, văn học Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XX luôn xem con người như một thực thể duy lý, giải thích được tất cả những gì xảy ra trong con người, kể cả những điều phi lý nhất; qua đó, mô tả con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội bằng thủ pháp xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình nên các tác phẩm nhiều khi sơ lược và mang tính minh họa như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng chỉ ra trong bài viết nổi tiếng một thời: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Chủ nghĩa nhân văn luôn được xem là tích cực khi luôn ngợi ca con người trong mọi hoàn cảnh.

Song, khi thế giới bước vào thời kỳ “làn sóng thứ ba”-văn minh hậu công nghiệp, chủ nghĩa nhân văn cũng biến đổi theo. Vẫn đặt con người vào vị trí trung tâm suy nghĩ, song các nhà văn thế giới đã bước đầu nhận ra con người không chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mà còn có những chiều kích sinh học và tâm linh. Từ đó, một chủ nghĩa nhân văn mới ra đời thay thế dần cho chủ nghĩa nhân văn cổ điển vốn quen chiều nịnh con người. Các nhà văn không còn giữ quan niệm về con người tốt hay xấu một cách rạch ròi nữa mà bản thân trong mỗi con người đều có những cái tốt và cái xấu đan xen với quan niệm không có ai hoàn hảo. Sự nghi ngờ của nhà văn về sự tiến bộ của con người thực ra không phải không có căn cứ, nó bắt nguồn từ những sự kiện có thực. Chẳng hạn, không ai ngờ vào thế kỷ XX, văn minh nhân loại phát triển vượt bậc, ngỡ tưởng con người sẽ sống nhân ái hơn nhưng hóa ra người ta vẫn đối xử với nhau man rợ còn hơn thời Trung cổ như việc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức.

Vẫn giữ quan niệm về văn học phải ca ngợi con người một chiều, kèm với thói quen “cái tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” nên dễ hiểu vì sao khi các tác phẩm viết về cả “hai mặt” tốt, xấu của con người như truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bị một số người đọc ở nước ta phản ứng dữ dội. Người đọc thắc mắc: Nhà văn này hẳn là “tâm đen” bởi ông ta toàn viết những điều xấu con người. Thực ra, qua các truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã tiệm cận được quan niệm về chủ nghĩa nhân văn mới bằng việc dám nhìn con người qua những khả năng và hạn chế của chính con người. Có thể lấy ví dụ ngay trong đời sống để làm sáng tỏ vấn đề về chủ nghĩa nhân văn mới. Trong đời sống chính trị nước ta, bên cạnh việc biểu dương điển hình tiên tiến “người tốt, việc tốt” còn có việc việc “phê bình và tự phê bình”. Việc “phê bình và tự phê bình” không phải để triệt hạ mà để nhận ra khuyết điểm từ đó khắc phục những yếu kém. Tương tự, nhà văn nào đó khi viết về những cái xấu của con người không nhằm dụng ý bôi xấu hay hạ thấp con người mà để chỉ ra những khuyết điểm, “khoảng tối” của con người, qua đó, giúp “thanh tẩy” tâm hồn y như câu nói dân gian: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Một điều nữa mang tính tự trị của văn chương ở việc thể hiện tính nhân văn trong văn học là nhà văn không chỉ có gửi thông điệp nhân văn “suông” mà anh ta còn phải làm sao để biểu đạt thông điệp nhân văn có tính nghệ thuật để lôi cuốn độc giả đọc trọn tác phẩm. Ai viết văn cũng muốn giúp độc giả suy nghĩ tích cực hơn, nhưng không phải tác phẩm nào cũng trụ lại với thời gian là do thiếu cái phần nghệ thuật viết văn. Viết văn hay cũng là một hành động nhân văn khi giúp văn chương tiến triển. Lười sáng tạo mà chỉ quen viết theo những hình thức cũ là một hành động phản nhân văn.

Mới hay, “nhân văn” kia cũng có ba bảy đường!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG