Thứ Tư, 29 tháng 12, 2010

CHUNG KẾT LƯỢT VỀ AFF SUZUKI CUP 2010 IN-ĐÔ-NÊ-XI-A – MA-LAI-XI-A(2-1): CHÀO TÂN VƯƠNG MA-LAI-XI-A

Trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2010 diễn ra tối qua. Muốn làm được một cuộc lội ngược dòng, In-đô-nê-xi-a phải chắc chắn tạo ra được cách biệt lên tới bốn bàn trước Ma-lai-xi-a. Trong thâm tâm, dù lạc quan đến mấy, người hâm mộ In-đô-nê-xi-a cũng đã chuẩn bị tâm lý cho một thất bại chung cuộc.

Trong những phút đầu tiên của trận đấu, Ma-lai-xi-a chơi rất tự tin khi chủ động tạo ra những đợt tấn công về phía đội chủ nhà. Trong khi đó, In-đô-nê-xi-a dù đang rất cố gắng để sớm tạo ra khác biệt với những pha phối hợp tốc độ từ nhiều hướng tấn công vẫn chưa thể khiến hàng phòng ngự được tổ chức có chiều sâu bên phía Ma-lai-xi-a có biểu hiện bối rối.

Phút thứ 18, In-đô-nê-xi-a được hưởng quả phạt đền do cầu thủ Ma-lai-xi-a để bóng chạm tay trong vòng cấm địa. Tuy nhiên, đội trưởng Firman đã thực hiện cú sút quá nhẹ và không chiến thắng được thủ môn Fahmi bên phía đội khách trong sự tiếc nuối của “biển người” trên sân Bung Karno. Sau tình huống đá hỏng penalty, In-đô-nê-xi-a vẫn rất nỗ lực để gia tăng cường độ tấn công nhưng có vẻ như tinh thần của Ma-lai-xi-a được đẩy lên cao. Có lẽ, họ tin “thần may mắn” đang đứng về phía mình. Ma-lai-xi-a sau tình huống “hút chết” đã trở về với lối chơi quen thuộc. Họ giữ bóng chắc, áp sát đối phương khi mất bóng để làm giảm nhịp độ tấn công của đội chủ nhà. In-đô-nê-xi-a liên tục tấn công nhưng vẫn còn thiếu sự chính xác ở những pha bóng quyết định. Hiệp một tương đối tẻ nhạt đã khép lại với tỷ số 0-0.

Hiệp hai bắt đầu với thế trận khá giống trong hiệp thi đấu đầu tiên nhưng có vẻ như Ma-lai-xi-a đã tự tin hơn rất nhiều khi họ không chỉ tập trung phòng ngự mà cố gắng thực hiện những pha tấn công quen thuộc ở hai bên cánh. In-đô-nê-xi-a mải mê tấn công một cách cuồng say mà quên gia cố hệ thống phòng thủ ngay từ xa. Tệ hại hơn, phút thứ 54, cầu thủ In-đô-nê-xi-a Abdurahman đã mắc lỗi chuyền bóng hỏng để tiền vệ Ma-lai-xi-a có bóng và có đường chuyền dài cho “sát thủ” Safee bắt tốc độ trước khi dứt điểm quyết đoán hạ gục thủ môn In-đô-nê-xi-a Markus.

Vào thế đường cùng, In-đô-nê-xi-a cũng không có được sự sắc sảo trong những pha tấn công. Ở vào thời điểm mà nhiều người đã tin In-đô-nê-xi-a thậm chí còn không thể có nổi một bàn thắng danh dự thì họ đã làm được nhiều hơn thế. Phút thứ 72, những nỗ lực tấn công của In-đô-nê-xi-a mới có hiệu quả khi Nasuha có mặt đúng lúc để dứt điểm cận thành sau pha cản phá bóng không dính của thủ môn bên phía Ma-lai-xi-a. Gần hai mươi phút sau, In-đô-nê-xi-a có bàn thắng thứ hai khi cú sút của Ridwan chạm đầu của hậu vệ đội khách bay vào lưới. Thời điểm đó trận đấu đã ở phút 88 và sau đó cả hai đội không có thêm bàn thắng nào được ghi. Tỷ số trận lượt về là 2-1 nghiêng về chủ nhà In-đô-nê-xi-a nhưng tổng tỷ số là 4-2 và Ma-lai-xi-a chính thức trở thành tân vô địch của bóng đá Đông Nam Á sau chiến tích vô địch SEA Games 25 (2009).

Sau trận đấu, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng cá nhân và trao chiếc cúp vô địch AFF Suzuki Cup cho nhà vô địch Ma-lai-xi-a. Dù không thể lên ngôi ngay tại sân nhà, song In-đô-nê-xi-a đã tạo ra dấu ấn bởi lối chơi đầy sức mạnh suốt một giải đấu đáng nhớ.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

TRƯỚC TRẬN CHUNG KẾT LƯỢT VỀ AFF SUZUKI CUP 2010: VÌ DANH DỰ!

Một trận đấu bóng đá, nhất là ở trận đấu chung kết có thể chứa đựng những kịch bản không tưởng như chung kết Champions League mùa giải 1998-1999 khi Manchester United lội ngược dòng trước Bayern Munich bằng 2 bàn thắng chỉ trong 100 giây bù giờ. Nếu lạc quan thì In-đô-nê-xi-a có tới tận 90 phút để ghi 3 bàn thắng nhằm san hòa tỉ số tại sân nhà Gelora Bung Karno trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2010 vào 19 giờ ngày 29-12.

Đó là lý thuyết, trên thực tế ở thời điểm hiện tại, In-đô-nê-xi-a rất khó để ngăn người Mã lần đầu tiên lên ngôi tại AFF Cup. Khó ở chỗ phải tìm ra một lối chơi để vô hiệu hóa lối chơi “ru ngủ” suốt 2/3 thời gian trận đấu rồi bất ngờ vùng lên mãnh liệt ở những giờ phút cuối trận của các học trò ông Rajagopal. Rõ ràng, đấu pháp của Ma-lai-xi-a ngay cả một người a-ma-tơ bóng đá đều có thể “nằm lòng”, thế nhưng “chiêu thức” nào để hóa giải? Chưa hết, cũng có thể Ma-lai-xi-a sẽ đặt cả “xe buýt” trước khung thành và chờ cơ hội phản công. Rõ ràng, lội ngược dòng trước người Mã là nhiệm vụ bất khả thi cho các học trò của HLV A. Riedl.

Viễn cảnh người hàng xóm Ma-lai-xi-a nâng cúp vô địch ngay trên “thánh địa” hẳn khiến hàng triệu con tim In-đô-nê-xi-a đau nhói. Song, In-đô-nê-xi-a cần tự trách mình khi đã không thi đấu tốt ở trận lượt đi. Người hâm mộ In-đô-nê-xi-a (kể cả ngài tổng thống nước này) có thể đổ lỗi cho thất bại ở lượt đi do hooligan Ma-lai-xi-a quấy rối song diễn biến trên sân chỉ chứng minh một điều chính hàng thủ In-đô-nê-xi-a là nguyên nhân cho trận thua ba bàn trắng. Cả ba bàn thua đều do lỗi kèm người; đã thế hai bàn thua đầu có lỗi gần tương tự nhau. HLV A.Riedl vẫn là một người làm nghề chuyên nghiệp khi tự vạch ra điểm yếu nơi hàng phòng ngự In-đô-nê-xi-a. Biết là một chuyện song ông sẽ khắc phục “lỗ hổng” hàng thủ như thế nào ở trận lượt về? Đó là điều người xem chú ý theo dõi ở trận chung kết lượt về bị cho là chỉ có tính “thủ tục”.

Lẽ thường, khi không còn gì để mất, các cầu thủ In-đô-nê-xi-a sẽ tấn công quyết ăn thua đủ nhưng sự vùng lên chưa hẳn vì để cứu lấy hy vọng mong manh là san bằng tỉ số đã quá cách biệt mà đơn giản chỉ vì danh dự. Người hâm mộ In-đô-nê-xi-a hẳn sẽ chẳng có lí do gì để trách khi các cầu thủ thi đấu với 100% khả năng có thể vì màu cờ sắc áo. Nếu thi đấu hết mình sẽ không có cảnh người hâm mộ biểu tình vây kín trụ sở Liên đoàn bóng đá và gương biểu ngữ đòi các vị lãnh đạo môn thể thao vua đất nước vạn đảo từ chức như cảnh tượng ở bên Thái Lan. Và khi đó, “chuyên gia về nhì” A. Riedl vẫn sẽ tại vị để lại một lần nữa âm thầm chuẩn bị cho “chiến dịch” đổi màu huy chương.

Khi bóng chưa lăn thì người hâm mộ In-đô-nê-xi-a vẫn sẽ tiếp tục mơ mộng vào một cuộc lật đổ nhờ một chiến thắng ở quá khứ khi In-đô-nê-xi-a từng đè bẹp Ma-lai-xi-a 5-1 ở vòng bảng. Đã thắng cách biệt 4 bàn hơn nửa tháng trước giờ chỉ… “diễn lại” thôi. Tại sao không?

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

THỜI ĐÀM (V): NỘI TÂM "ĐẶT HÀNG"

Ở nước ta, các ban ngành thường xuyên tổ chức những đợt vận động văn nghệ sĩ sáng tác theo đề tài thuộc lĩnh vực mà ban ngành mình quản lý. Đó là một nhu cầu chính đáng, còn gì vui bằng như khi có một bài hát vừa được nhiều người thuộc vừa là “ngành ca”. Nhưng thực tế đáng buồn là đa số tác phẩm gửi đến các cuộc vận động đều có chất lượng thấp. Đây là đánh giá chung của những nhà chuyên môn thẩm định tác phẩm; đồng thời thực tiễn cũng đã kiểm chứng rất ít các tác phẩm có sức lan tỏa tới công chúng.

“Giải mã” hiện tượng trên phải bắt đầu từ một nguyên nhân khách quan là do tác phẩm nghệ thuật không phải lúc nào cũng “đều hàng” giống một sản phẩm sản xuất công nghiệp như… da giày. Điều này đúng với cả những nghệ sĩ lớn trên thế giới chứ chẳng cứ riêng với nghệ sĩ ở nước ta. Thế nên, nếu đợt vận động sáng tác trước có tác phẩm hay thì lại tổ chức ngay một vận động khác để có tác phẩm hay hơn chỉ là cách nghĩ của những người duy ý chí hoặc cho rằng mỗi cuộc vận động sáng tác thể nào cũng phát hiện được vài ba tác phẩm hay là điều không tưởng.

Nguyên nhân thứ hai quan trọng hơn chính là bản thân các đề tài của các cuộc vận động chưa đủ kích thích nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm giá trị. Bản chất của các cuộc vận động, nếu nói thẳng là các ban ngành đưa một đề tài và “đặt hàng” nghệ sĩ sáng tác, rồi chấm giải để trao thưởng. Nhưng những người tổ chức các cuộc vận động hình như đã không chú ý đến một quy luật trong sáng tạo nghệ thuật đó là hầu hết các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đều xuất phát từ những đề tài gây ám ảnh đối với người nghệ sĩ. Phải yêu phố cổ Hà Nội đến mức ám ảnh thì danh họa Bùi Xuân Phái mới có thể vẽ được sê-ri tranh phố cổ Hà Nội để đời mà ai cũng biết với thương hiệu: “phố Phái”. Song, lúc sinh thời, chẳng ban ngành nào đặt hàng danh họa Bùi Xuân Phái vẽ về phố cổ Hà Nội để làm nhiệm vụ kiểu như quảng bá du lịch Thủ đô; ông vẽ chỉ vì nội tâm của ông thôi thúc phải sáng tác về phố cổ-không gian ông cư trú, và cũng vì vẻ đẹp phố cổ giàu chất tạo hình mở ra những cảm hứng sáng tạo. Ngoài đề tài, danh họa còn trăn trở để tìm kiếm cách biểu đạt phố cổ độc đáo, không “giẫm chân” bất cứ đồng nghiệp nào khác.

Nói vậy, phải chăng các cuộc vận động sáng tác là không cần thiết? Việc vận động sáng tác cần phải duy trì song có lẽ nên điều chỉnh một số điểm tránh lãng phí thời gian và tiền bạc; chẳng hạn, việc đưa các nghệ sĩ đi thực tế chỉ độ một tuần lễ như ở một số cuộc vận động đã làm là điều vô ích vì với khoảng thời gian ngắn như vậy thì tìm hiểu được gì? Nhập tâm được gì? Nếu nghệ sĩ đã định sáng tác về đề tài nào đó thì anh ta đã suy tư dài lâu đến độ “mất ăn mất ngủ” từ trước chứ không cần đến việc đi thực tế mới có thể sáng tác hay. Diễn giải như vậy để nói lên rằng chỉ một khi nội tâm người nghệ sĩ “đặt hàng” cho chính anh ta, và anh ta dồn hết tâm huyết sáng tạo với ham muốn hoàn thành “đơn đặt hàng” thì may ra mới có tác phẩm lớn.

Vậy, hễ cứ bị (hay được) yêu cầu giải “đề bài” xa lạ thì nghệ sĩ chỉ có nước… “bỏ thi”? Không hẳn như vậy! Với những nghệ sĩ có tài, cộng với chiêm nghiệm đề tài lâu dài thì đến một lúc nào đó một đề tài lạ bỗng thành quen và từ đó có thể có tác phẩm hay. Thực tế văn học thời kỳ 1945-1975 có vô số ví dụ để minh chứng như: Thơ Tố Hữu, thơ Chế Lan Viên, thơ Phạm Tiến Duật hay tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc… Yêu cầu mới của thời đại lúc bấy giờ cần có tác phẩm văn chương phản ánh khí thế của cả dân tộc quyết tâm thống nhất đất nước. Thật may mắn, yêu cầu của thời đại lại trùng khớp với nội tâm đang thôi thúc những nghệ sĩ thời đó phải có tác phẩm góp phần cổ vũ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Song, cần nhắc lại, đề tài tâm đắc chỉ là sự khởi đầu cho sự hình thành nội dung tác phẩm, phần quan trọng không kém chính là các hình thức tương thích để biểu đạt nội dung. Chỉ khi nội dung và hình thức là một chỉnh thể không thể tách rời thì mới đích thực là tác phẩm lớn. Các tác phẩm văn học thời kỳ 1945-1975 nêu trên cũng có thể lấy ví dụ cho việc chọn được hình thức thích hợp với nội dung.

Thế nhưng, đó là thời đại đó khi đất nước “có chung khuôn mặt, có chung tâm hồn” (ý thơ Chế Lan Viên). Ngày nay, mỗi tầng lớp, lứa tuổi lại có những ám ảnh riêng khiến bản thân người nghệ sĩ có nhiều đề tài để sáng tác cho nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau. Nhưng dù viết về đề tài gì đi nữa, cũng phải xuất phát từ nội tâm “đặt hàng”.

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 23 tháng 12, 2010

NHÌN LẠI GIẢI THƯỞNG SÁCH VIỆT NAM LẦN THỨ VI-2010: ĐĂNG QUANG XỨNG ĐÁNG

Qua 6 lần tổ chức, Giải thưởng sách Việt Nam (GTSVN) đã được ghi nhận là một trong những giải thưởng hiếm hoi trong lĩnh vực văn hóa tạo được uy tín đến mức dư luận phải ngóng chờ kết quả. Năm nay cũng là năm cuối cùng thực hiện Đề án GTSVN giai đoạn 2005-2010, bên cạnh những bước tiến vượt bậc, GTSVN cũng tồn tại những hạn chế cần có sự chung tay giải quyết của nhiều ban ngành.

Khách quan trong tuyển chọn

Vẫn theo thông lệ, GTSVN 2010 do Hội xuất bản Việt Nam tổ chức được chia thành hai hạng mục chính: Sách hay và Sách đẹp, ngoài ra còn có giải dành cho Bìa đẹp. Năm nay, 33 nhà xuất bản (chiếm 65% tổng số các nhà xuất bản) có đủ điều kiện tham gia dự với 275 cuốn xuất bản trong năm 2009. Để xét giải một cách công bằng, chọn trúng các sách hay và đẹp, 42 ủy viên xét giải gồm những chuyên gia, những nhà quản lý có uy tín như: GS-VS Phạm Minh Hạc, GS-VS Nguyễn Duy Quý, GS Phạm Tất Dong, GS Phạm Đức Dương, GS Tô Ngọc Thanh, GS Chu Hảo, nhà văn Vũ Tú Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương… được chia làm 7 tiểu ban trong đó có: 1 tiểu ban (TB) Sách đẹp và 6 TB sách hay (Lý luận-Chính trị, Văn hóa-nghệ thuật, Giáo dục-Đào tạo, Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học cộng nghệ, Thiếu nhi) đã làm việc ròng rã nhiều tháng trời.

Trải qua các vòng sơ khảo và chung khảo, Hội đồng GTSVN đã họp phiên toàn thể để bỏ phiếu kín bầu chọn sách đoạt giải. Kết quả là: 37 sách hay (7 giải Vàng, 8 giải Bạc, 15 giải Đồng, 7 giải Khuyến khích); 40 giải sách đẹp (4 giải Vàng, 8 giải Bạc, 13 giải Đồng, 12 giải Khuyến khích và 3 giải Bìa đẹp).

Ở hạng mục Sách hay, so với năm 2009 số giải Vàng tăng thêm. Nhìn chung, những cuốn sách đoạt giải đều là những tác phẩm có giá trị lý luận, khoa học và thực tiễn cao, là những công trình nghiên cứu, sưu tầm biên soạn công phu, có nhiều nét mới trong sáng tạo. Đơn cử, Bộ bản đồ Địa lý-Lịch sử trung học cơ sở (Nhiều tác giả, NXB Giáo dục) đã hệ thống hóa địa lý và lịch sử bằng sơ đồ tạo được hứng thú học tập cho học sinh ở hai môn học vốn bị cho là khô khan. Giải Sách hay cũng chú trọng tôn vinh các đóng góp thầm lặng của các tác giả ít được dư luận chú ý như trao giải Vàng cho Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi (Trần Hoài Dương tuyển chọn, NXB Trẻ).

Ở hạng mục Sách đẹp, các cuốn sách đều có chất lượng tốt về nghệ thuật trình bày, kỹ thuật in ấn và đa dạng về kích thước. Về trình bày ruột sách đã có thêm những họa tiết trang trí vào các số trang, hàng tít đầu trang hoặc khoảng trống ở đầu hoặc cuối chương làm cho trang chữ sinh động, hấp dẫn hơn.

Năm nay, hai cuốn sách Chùa Việt Nam (NXB Thế giới) và Bộ bản đồ Địa lý-Lịch sử trung học cơ sở (NXB Giáo dục) giành “cú đúp” giải Vàng ở cả hai hạng mục bởi vừa có tính sáng tạo trong ý tưởng vừa có học thuật và ứng dụng cao, đồng thời có tư liệu hình ảnh được trình bày nghệ thuật. Giải “đúp” của hai cuốn sách trên cho thấy sự tiến bộ của ngành xuất bản Việt Nam trong năm qua đã tiệm cận tới quan niệm sách hay phải đồng thời là sách đẹp.

“Hành trình” mới gian khó

Mới đây, Hội xuất bản Việt Nam đã xây dựng Đề án GTSVN giai đoạn 2011-1015 trình Chính phủ phê duyệt. Đến nay, Chính phủ đã có Quyết định phân bổ dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2011 cho Hội xuất bản thực hiện GTSVN năm 2011. Như vậy, những người yêu sách có thể yên tâm bởi GTSVN vẫn tiếp tục duy trì chí ít đến năm 2015.

Dĩ nhiên, bước vào một giai đoạn mới, GTSVN cần đổi mới để tăng thêm chất lượng giải thưởng nhằm tôn vinh và cổ vũ những người làm sách; đồng thời cũng đưa thương hiệu GTSVN ngày một thêm uy tín. Theo ông Nguyễn Kiểm (Cục trưởng Cục Xuất bản kiêm Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam), dự kiến ở GTSVN lần tới sẽ có giải dành cho các sách nước ngoài dịch sang tiếng Việt và sách Việt Nam dịch ra các ngoại ngữ nhằm ghi nhận các đóng góp âm thầm của các dịch giả. Ngoài ra, GTSVN còn sẽ có giải thưởng cho Biên tập viên bởi họ chính là những “bà đỡ” cho ra đời những cuốn sách có giá trị…

Song để thực hiện các dự định trên cần phải có tiền để trao thưởng cho các hạng mục mới. Cái khó nằm ở chỗ hiện tại giá trị giải thưởng còn quá khiêm tốn với giải cao nhất là 15 triệu đồng. Năm ngoái, khi bộ Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (NXB Văn hóa-Thông tin) đoạt giải Đặc biệt thì số tiền thưởng 15 triệu đồng chia cho 1200 tác giả và cộng tác viên thì quá ít ỏi nhưng thật may Chính phủ đã chi thêm 1,5 tỷ đồng thưởng thêm cho tập thể tác giả. Những người tâm huyết với GTSVN thừa hiểu rất khó có lần thứ hai “biệt đãi”, nên tinh thần chung vẫn phải “tự thân vận động”. Theo ông Nguyễn Kiểm, nếu muốn mở rộng quy mô giải thưởng không thể trích từ nguồn kinh phí được cấp ít ỏi. Ông Kiểm thậm chí còn công khai cho biết quỹ của Hội xuất bản Việt Nam chỉ còn... 5 triệu đồng và hiện tại Hội đang phải mở chiến dịch... đi “xin tiền”. Chủ trương xã hội hóa GTSVN được xem là giải pháp khả dĩ nhất để giải quyết bài toán “đầu tiên”. Xã hội hóa giải thưởng theo ông Kiểm cũng không đơn giản vì “thi người đẹp chân dài thì còn dễ kêu tài trợ, chứ thi “hoa hậu sách”, mấy ai người ta mặn mà!”.

Với những vướng mắc mới nêu trên, có thể thấy “hành trình” GTSVN giai đọan 2011-2015 được dự báo sẽ đầy gian khó. Sẽ thật đáng tiếc nếu một giải thưởng giàu tính nhân văn và có tiếng là nghiêm túc lại rơi vào tình cảnh “giậm chân tại chỗ”. Trách nhiệm nâng tầm GTSVN hiện tại đã quá sức với Hội xuất bản Việt Nam-những người chỉ thuần túy thẩm định giá trị sách hay, sách đẹp. Hy vọng những “Mạnh Thường Quân” và các ban ngành khác cần vào cuộc “tiếp sức” cho GTSVN lớn mạnh.

BOX:

Giải Vàng Sách hay: Bộ bản đồ Địa lý-Lịch sử trung học cơ sở, Chùa việt Nam, Bí mật đằng sau nhục thân của thiền sư (Nguyễn Lân Cường, NXB Thế giới), Tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho thiếu nhi, HIV/AIDS-tổng hợp, cập nhật và hiện tại (GS-VS-BS Phạm Song, NXB Y học), Địa chất và tài nguyên Việt Nam (Nhiều tác giả, NXB Khoa học tự nhiên và công nghệ), Nhà văn của em (5 tập, Nhiều tác giả, NXB Kim Đồng).

Giải Vàng Sách đẹp: Bộ bản đồ Địa lý-Lịch sử trung học cơ sở, Chùa Việt Nam, Tranh tượng khỏa thân (Nhiều tác giả, NXB Văn hóa-Thông tin), Chuyện ngày xưa-100 cổ tích (Tô Hoài, NXB Kim Đồng)

Giải Bìa đẹp: Những bài học tốt (10 tập, NXB Kim Đồng, họa sĩ bìa: Trần Minh Tâm), Mi tiên vấn đáp (NXB Phương Đông, họa sĩ bìa: Mai Quế Vũ), Bước chân hoàn vũ (NXB Công an nhân dân, họa sĩ bìa: Harry Nguyễn-Nghĩa RT)

HÀM ĐAN

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

LÀM MỚI NGỤ NGÔN

Vở kịch Tương tác do 29 sinh viên năm thứ 3 Khoa Sân khấu (Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) trình diễn tối 14-12 có thể xem là một điểm nhấn đáng chú ý của sân khấu Thủ đô vào cuối năm. Vở kịch có sự hợp tác với Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) với kịch bản và sự chỉ đạo diễn xuất của đạo diễn đến từ Pháp Jean-Marie Lejude.

Vở kịch Tương tác thực chất là sự kết nối liên hoàn hơn 20 vở kịch mi-ni lấy cảm hứng từ những câu chuyện ngụ ngôn của nhà thơ ngụ ngôn người Pháp vĩ đại Jean de La Fontaine (1621-1695). Chọn chất liệu trên chứng tỏ sự khôn ngoan của biên kịch khi giúp người xem Việt Nam tiếp xúc với nội dung quen thuộc bởi truyện ngụ ngôn La Fontaine đã “ăn sâu” vào kí ức người Việt đến nỗi nếu không tìm hiểu hẳn nhiều người lại nhầm truyện Con ve và con kiến là truyện dân gian Việt Nam. Nhưng sự quen thuộc ở chất liệu cũng là sự khó khăn để vở kịch thành công nếu không làm mới truyện ngụ ngôn La Fontaine. “Đề bài” làm mới nội dung ngụ ngôn đã được ê-kíp vở kịch giải quyết một cách xuất sắc dựa trên những thủ pháp của kịch nghệ hậu hiện đại; bởi một đặc trưng quan trọng của văn hóa hậu hiện đại chính là “làm lại” các tác phẩm cũ dựa trên những cách biểu đạt và điểm nhìn mới mẻ.



Điểm đầu tiên của sự làm mới chính là ý đồ hình thức hóa vở kịch trở thành một sô truyền hình trực tiếp kể truyện ngụ ngôn La Fontaine thế nên thiết kế sân khấu đã dựng các khung vuông bao quanh sân khấu giống như khuôn hình ti-vi. Mặt khác khi “giả” làm một sô truyền hình nên biên kịch đã “mạnh tay” xen giữa các màn kịch mi-ni thêm hai mục quảng cáo là hai vở kịch hài ngắn nói thuốc diệt chuột và bột giặt lấy điển tích từ vở chèo Quan âm thị kính và truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao. Chúng vừa giúp khán giả đỡ “mệt” khi thưởng thức các triết lý ngụ ngôn; đồng thời tạo thêm sự đa dạng trong nội dung vở kịch. Ngoài ra, suốt chương trình còn có một M.C vừa giới thiệu nội dung các vở kịch vừa giao lưu với nhà thơ La Fontaine đã hơn… 300 tuổi. Những điểm phụ trợ cho vở kịch như âm nhạc, phục trang hay ánh sáng và các hình động trên màn hình đều lấy cảm hứng ở thời hiện đại, xóa nhòa khoảng cách thời gian hơn 3 thế kỷ của nội dung các truyện ngụ ngôn.

Những điểm làm mới vở kịch vừa nêu trên thực ra chỉ là “râu ria”, điểm quan trọng vẫn chính là cách thức làm mới các màn kịch mi-ni. Lần lượt, ở mỗi màn kịch đều có một diễn viên kiêm luôn người kể câu chuyện ngụ ngôn góp phần tạo ra sự tương tác với khán giả. Điều cố tình “vi phạm” phương pháp tự sự kịch truyền thống khi người dẫn truyện vốn ẩn mình đằng sau cánh gà. Sự “vi phạm” còn được thể hiện qua các tình huống kịch như ở màn kịch Bình sắt và bình đất. Sau khi bình đất vỡ tan khi va vào bình sắt thể hiện qua hành động ước lệ là nam diễn viên hóa thân là bình đất nằm xuống sàn diễn; để nói về triết ký của câu chuyện, diễn viên bỗng “sống” lại nói với khán giả: “Ở đời không nên chơi với người ngang bằng mình nếu không muốn gặp phải tai họa như bình đất”; rồi lại nằm vật xuống sàn “chết” hẳn.

Một khía cạnh được làm mới là sự Việt hóa các triết lý của văn hóa Pháp qua hoàn cảnh đương đại ở Việt Nam như trong màn kịch của truyện Thỏ và rùa được lồng vào cảnh đua xe của một số thanh niên ăn chơi, kèm theo tiếng loa của lực lượng giữ gìn an toàn giao thông: “Đề nghị các phương tiện tham gia giao thông đi chậm lại…”. Ngoài các triết lý vốn có sẵn trong các công chuyện mà khán giả có thể rút ra dễ dàng, vở kịch còn lồng ghép các thông điệp tiến bộ cho thời đại như về bảo vệ môi trường…

Thành công vở diễn được thể hiện ở việc ghế ngồi ở Nhà hát Lớn tối hôm đó đã được lấp đầy và không có ai bỏ về giữa chừng. Thành công của vở kịch mở ra một lối đi mới cho kịch nói; qua đó kéo khán giả quanh trở lại với ánh đèn sân khấu. Song, nên nhớ, vở kịch vẫn do một người Pháp viết kịch bản và đạo diễn. Điều đó càng làm cho những người trong ngành sân khấu ở nước ta càng ý thức ráo riết hơn ở việc cách tân nghệ thuật và giới thiệu những thành quả cách tân đến với đông đảo khán giả chứ không chỉ tồn tại mỗi một buổi diễn.

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

MUA VÉ TRẬN BÁN KẾT LƯỢT VỀ VIỆT NAM – MA-LAI-XI-A: VẪN PHẢI XẾP HÀNG

Do toàn bộ 4 vạn vé mà Liên đoàn bóng đá châu Á (AFF) hứa phân phối cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) mới chỉ nhận được chưa tới 1/3. Do đó, VFF buộc phải thay đổi lịch bán vé sang ngày 16-12. Giá vé sẽ có 4 mức: 100.000, 200.000, 300.000 và 400.000 đồng. Hiện tại nếu muốn mua vé trận lượt về giữa Việt Nam và Ma-lai-xi-a (19 giờ ngày 18-12) có 5 phương thức:

Đầu tiên qua đường công văn. Các đơn vị bắt đầu từ 8 giờ 30 phút đến 16 ngày 16-12 và từ 8 giờ 30 phút đến 11giờ 30 ngày 17-12.

Phương thức thứ 2 dự đoán sẽ rất đông người tìm đến là tại quầy bán vé tại SVĐQG Mỹ Đình. Thời gian bán vé từ 8 giờ 30 phút ngày 16-12. Mỗi người mua chỉ được 1 tích-kê tức chỉ được mua 2 vé.

Phương thức thứ 3 chỉ dành cho thương binh. Quầy bán vé sẽ đặt trong SVĐQG Mỹ Đình. Thời gian bán vé từ 8 giờ 30 phút ngày 16-12 đến khi hết vé. Mỗi người được mua tối đa 2 vé. Đương nhiên, chỉ chính người thương binh mới được mua vé chứ không được cho người khác mượn thẻ, và mang theo bản phôtô thẻ thương binh và bản gốc thẻ thương binh để đối chiếu.

Phương thức thứ 4 qua website: www.aleale.com.vn. Thời gian trả vé từ ngày 16-12. Sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút. Mỗi người được mua tối đa 2 vé. Tất cả các lệnh đặt vé sẽ hết hiệu trước giờ bóng lăn 48 tiếng. Nếu khán giả chuyển 100% tiền thì vẫn có thể đến nhận vé trước giờ bóng lăn 10 tiếng. Tài khoản và nội dung chuyển tiền đặt cọc mua vé qua mạng như sau: Đơn vị hưởng thụ: Công ty Cổ phần phát triển bóng đá Việt Nam (Số Tài khoản: 002.1.00.0814079 tại Vietcombank Hà Nội, Chi nhánh Thành Công); nội dung chuyển tiền như sau: Mua vé AFF Cup 2010[họ tên] [Mã số đặt vé] [Số chứng minh nhân dân]. Mã số đặt vé là mã số ngẫu nhiên được sinh khi lệnh đặt vé thành công.

Phương thức cuối cùng là qua nhắn tin tổng đài. Thời gian dự kiến nhận tin nhắn đăng ký mua vé từ 9 giờ ngày 15-12. Tra cứu vé nhắn tin theo cú pháp: GV gửi 8142. Đặt mua vé nhắn tin theo cú pháp: VN [vị trí] [số CMTND] gửi 8742. Mọi thông tin chi tiết về cách đặt vé và nhận vé được cập nhật trên Website: http://360dothethao.vn hoặc liên hệ 19001773. Khách hàng đặt vé thành công sẽ thanh toán bằng chuyển khoản hoặc tiền mặt khi đến nhận vé. Sau 24 tiếng khách hàng không thanh toán thì lệnh đặt vé bị hủy bỏ. Vé được trả tại: Công ty TNHH dịch vụ truyền hình viễn thông Việt Nam (Tầng 2 tòa nhà Biển Bắc, 1070 Đê La Thành, Hà Nội).

Hai phương thức là mua qua mạng và nhắn tin qua tổng đài ít được người hâm mộ quan tâm bởi do vấn đề kỹ thuật hay bị quá tải. Như vậy, cảnh tượng đoàn người chen chúc mua vé ở trận Việt Nam và Ma-lai-xi-a vẫn chưa có lời giải.

HÀM ĐAN

Thứ Hai, 13 tháng 12, 2010

THỜI ĐÀM (IV): "SỐNG" NHỜ GIAI THOẠI

Văn chương là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ cãi cọ, biết làm sao được khi “văn mình vợ người”, đã thế “năm người mười ý”. Nhìn lại những vụ cãi cọ gần đây mới thấy các nhân vật chính của các vụ “võ mồm” chỉ quanh quẩn ở một vài gương mặt lý luận-phê bình quen thuộc. Tần số xuất hiện của các vị nhiều đến nỗi hễ văn đàn “dậy sóng” cánh phóng viên lại nhao nhao tìm đến họ để xin… kết luận cuối cùng. Nghiễm nhiên, tên tuổi các nhà lý luận-phê bình sáng chói, người đọc vô cùng tin tưởng ở những phát ngôn của họ bởi vì thấy họ xuất hiện nhiều trên báo và ti-vi.

Nhưng nếu bình tâm lại, điền tên các vị lý luận-phê bình hay “cả giọng” vào mục “tra cứu sách” trên website của Thư viện Quốc gia ta bỗng nhận ra một sự thật bất ngờ: Các vị trên không có cuốn sách nào về chuyên môn lý luận-phê bình; nếu có thì chỉ là tập hợp các bài viết lẻ trên báo chứ không phải là một chuyên luận mang tính hệ thống dựa trên các phương pháp phê bình khoa học. Vậy, cái sự hành nghề của họ đa phần chỉ bằng “nói”. “Nói” chính là phần quan trọng tạo ra những giai thoại văn chương xung quanh họ và đưa tên tuổi lên đẳng cấp hạng nhất. Nhiều người có hiểu biết văn chương cũng thường không phân biệt người nào đích thực là nhà lý luận-phê bình, người nào chỉ là “ngụy” lý luận-phê bình. Bởi lẽ nhiều người cho đến tận giờ, chưa bao giờ trút bỏ được tâm thức huyền thoại. Sự huyền thoại hóa sự thật và sự thật hóa huyền thoại thường tồn tại dưới dạng giai thoại. Vì thế, ở nước ta, bất kỳ một nhân vật nổi tiếng nào chẳng kể văn nghệ sĩ bao giờ cũng nổi lên trước hết bằng giai thoại.

Đừng hiểu giai thoại văn học chỉ là những chuyện vui về thói quen, cách sống của nhà văn kiểu như Lưu Trọng Lư quên mất tên con, Xuân Diệu trước viết bài đều tẩm bổ bằng thịt chó chợ Hàng Da… Giai thoại đôi khi chỉ là câu nói “sốc”. Một đồn mười, mười đồn trăm; cứ thế, người ta cứ rỉ tai nhau về câu nói kèm theo chú thích về tác giả: “ông X nói vậy”. Nếu ngẫm nghĩ về trong các câu nói, các định ngữ đang được lan tràn thành giai thoại không khó nhận ra chúng không hề có giá trị thao tác khoa học, chúng là những từ ngữ vô tích sự trong việc nghiên cứu văn chương.

Hẳn nhiên các nhà lý luận-phê bình không có công trình khoa học trên lại quá khôn ngoan trong việc nắm bắt thời cuộc. Ai cũng biết người Việt Nam vốn không có óc tư biện, ngại lý thuyết, thích những gì dễ hiểu và thực tiễn trước mắt. Khi cần đánh giá một vấn đề nào thường tư duy cảm tính và bằng ngôn ngữ phi khoa học như nói về thuyết nhân quả cứ dùng hình tượng “cha nào con nấy”. Các nhà lý luận-phê bình lười nhác quá nắm rõ điều này nên họ hiểu muốn thành danh sớm chỉ có cách “đốt cháy giai đoạn” đó là không nên làm việc theo cách của trí thức hàn lâm ngồi nghiên cứu khoa học văn chương, thay vào đó là xông vào các cuộc tranh luận, sử dụng lối nói “đao búa”, ngôn từ dễ hiểu mà gây ấn tượng mạnh với người đọc. Đó là chưa kể vài “trò mèo” khác nào là sách chưa xuất bản đã cố tình để lộ thông tin cho một vài nhà báo biết để đến phỏng vấn rồi “ba hoa chích chòe” về tác phẩm chưa ra đời gần như đăng một cái tin quảng cáo; không ai lăng xê tên tuổi đành nhờ bạn thân hoặc đám đệ tử lấy bút danh giời ơi nào đó viết bài “bốc thơm”… Càng ngẫm càng thấy các nhà lý luận-phê bình trên thật giống các chân dài làng giải trí, cố tình “lộ hàng”, cố tình nói “sốc” để đánh bóng tên tuổi.

Song, xét cho cùng, cái khôn của các vị cũng chỉ là cái khôn bình dân, chiến lược của họ chỉ là trò “tàu nhanh” kiểu quảng canh không thể hợp với cái nghề lý luận-phê bình luôn phải dằn lòng, kiên trì nghiên cứu đợi ngày công bố tác phẩm. Văn học dù có nghiệt ngã, khó khăn với những người đã theo đuổi nhưng rất công bằng, kể cả với những người làm lý luận-phê bình. Tên tuổi còn lại chính là ở giá trị tác phẩm, công trình đã viết. Chẳng cần lấy ví dụ ở đâu cho xa xôi, ngay ở nước ta vài chục năm trước những nhà phê bình nổi như cồn được mệnh danh là “xe tăng phê bình” thì nay chẳng còn ai nhắc đến, công trình của họ chẳng ai tìm đọc và trích dẫn. Vậy nên, dễ hiểu vì sao những nhà lý luận-phê bình đích thực chẳng ai hơi đâu mất thời gian đi tranh luận với những đồng nghiệp khôn lỏi ấy; bởi họ thừa hiểu tên tuổi được tạo bằng giai thoại chứ không bằng giá trị tác phẩm chắc chắn chỉ là thời thượng mà chẳng thể lâu dài với thời gian.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Ba, 7 tháng 12, 2010

ÁC MỘNG CỦA NGƯỜI THÁI!

BẢNG A AFF SUZUKI CUP 2010

In-đô-nê-xi-a – Thái Lan: 2-1

Ma-lai-xi-a – Lào: 4-1

Ở lượt đấu cuối bảng A giữa In-đô-nê-xi-a – Thái Lan và Ma-lai-xi-a – Lào đều diễn ra vào 19 giờ 30 (giờ Việt Nam). Dù In-đô-nê-xi-a đã chắc suất lọt vào bán kết, song HLV A. Rield vẫn tung ra sân đội hình mạnh nhất để hạ gục “ngáo ộp” một thời của bóng đá Đông Nam Á. Về phía Thái Lan, dĩ nhiên chỉ có chiến thắng thì họ mới chắc chắn đi tiếp. Song, cả hai đội đều trình diễn một thế trận nhạt nhẽo nhất từ đầu giải. Mãi đến phút 68, Su-ri Su-kha có sút vô lê hiểm hóc mở toang cánh cửa vào bán kết. Đến lúc này, In-đô-nê-xi-a mới trở lại lối chơi “rực lửa” thể hiện từ đầu giải. Sức ép liên tục của In-đô-nê-xi-a cộng với sự chỉ đạo chiến thuật sai lầm là lui về phòng thủ để bảo toàn cách biệt một bàn của cựu huyền thoại M.U B.Robson đã khiến người Thái phải trả giá đắt. Phút 79 và 88, In-đô-nê-xi-a đã có liền 2 bàn thắng từ chấm 11m đều do Bang-ban Ba-mu-cát thực hiện. Bị dẫn bàn và mất người sau khi hậu vệ Pa-nu-pông nhận thẻ đỏ, Thái Lan đã không thể gượng dậy và chấp nhận bị loại từ vòng bảng. Với người Thái, AFF Suzuki Cup 2010 chẳng khác gì “ác mộng”; song, với lối chơi nhạt nhoà từ đầu giải, thất bại cay đắng trên là không phải là “tai nạn”. Và càng logic hơn nếu xâu chuỗi những thất bại ở các giải đấu gần đây thì rõ ràng bóng đá Thái Lan đang có “vấn đề”; họ cần phải thức tỉnh thoát khỏi những hào quang chiến thắng từ quá khứ để làm lại từ đầu. Có lẽ, câu nói “Thái Lan, xưa rồi” sẽ thành câu cửa miệng từ hôm nay.

Ở trận đấu cùng giờ, kịch bản bất ngờ đã không xảy ra. Lào đã không thể là một “ngựa ô” ở bảng A khi tiếp tục vỡ trận trước Ma-lai-xi-a đang khát điểm để so bì với người Thái. Lần lượt 4 bàn thắng của Ma-lai-xi-a được ghi rất dễ dàng, Lào chỉ có 1 bàn thắng danh dự để chia tay. Với thất bại của người Thái, ở bảng A, In-đô-nê-xi-a và Ma-lai-xi-a la hai đội lọt vào bán kết.

HÀM ĐAN

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

E-BOOK, XU HƯỚNG MỚI CỦA VĂN HÓA ĐỌC

Thiết bị đọc sách điện tử (e-reader) chuyên dụng ra đời cách đây 6 năm được xem như một sự đột phá của công nghệ cao; đồng thời, nó cũng chính thức đưa sách điện tử (e-book) trở thành một sản phẩm thông dụng, phương thức đọc này đã trở thành cú huých văn hóa đọc theo chiều hướng tích cực.

Trăm điều lợi!

Trước khi có e-reader, nhiều người đã đọc các tài liệu và các sách trên các thiết bị điện tử khác như máy tính, điện thoại di động. Song, mục đích sản xuất thiết bị trên không phải dành cho đọc sách nên nó có những hạn chế như màn hình quá nhỏ, không lật trang dễ dàng, không chỉnh sửa hay đánh dấu trang, không bổ sung đường dẫn…

Cùng với việc số hóa tài liệu và biến chúng trở thành sản phẩm của thương mại điện tử, hơn chục nhà sản xuất cũng bắt tay vào việc sản xuất e-reader với chức năng chính là đọc sách. Sau vài năm cạnh tranh, chỉ có các “đại gia” như Sony, Amazon, Samsung, Barnes & Noble nổi lên cùng nhau chia “miếng bánh” thị phần e-reader với các nhãn hàng như Kindle, Reader Touch Edition, Papyrus, Nook lừng lẫy.

Theo báo cáo của Hãng nghiên cứu thị trường Yankee Group, 8 tháng đầu năm 2010 đã có 6 triệu e-reader được tiêu thụ, theo dự báo doanh số sẽ là 19 triệu vào năm 2013. Doanh thu tăng bởi sự những ưu điểm vượt trội của việc đọc thông qua e-reader so với thói quen đọc sách in.

Đầu tiên là sự tiện dụng của e-reader. Với khối lượng chỉ vài trăm gam, người sử dụng có thể luôn mang theo bên mình. Với dung lượng bộ số khoảng 4GB có thể chứa tới hơn 3000 cuốn sách. Thử tưởng tượng, một người vừa đi học vừa đi làm, số lượng sách và tài liệu cần mag theo là rất lớn. Nếu tất cả gói gọn trong thiết bị e-reader thì thuận tiện biết bao!

Mặt khác, số lượng e-book luôn được cập nhật, thay đổi thường xuyên, ngoài ra còn có thể sửa chữa thông tin để phù hợp với người sử dụng. Việc tải sách từ kho sách chỉ mất vài chục giây tiện hơn việc phải lùng sục các hiệu sách để tìm cuốn sách cần sử dụng. Điểm vượt trội của sách e-book so với sách in là ngoài đọc có thể nghe sách tiếng, xem video bổ sung… Ngoài chức năng chính là đọc sách, e-reader còn có khả năng tích hợp các tiện ích khác lướt web, tra từ điển, tham gia các mạng xã hội như facebook...

Một điểm nữa, theo các nhà xuất bản là e-book tiết kiệm chi phí sản xuất khi một phiên bản e-book có giá thành sản xuất chỉ bằng 2/3, thậm chí là 1/3 so với giá thành một phiên bản sách in. Đã vậy, thời gian cho ra đời một phiên bản e-book nhanh hơn so với sách in và không tốn bột giấy nên có tác động tốt tới môi trường tự nhiên. Và e-book tồn tại trên môi trường mạng nên cũng không cần tốn diện tích nhà kho để chứa như sách in.

Chính vì những ưu điểm trên mà có tới 50% số người sau khi sử dụng e-book không còn dùng sách in nữa (Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường PR Bowker). Theo TS Christoph Links (trợ lý Ban giám đốc NXB Aufbau – Verlag Berlin và Weimar, người sáng lập NXB Ch.Link) cho biết: theo dự đoán, doanh thu sách điện tự sẽ tăng 15% trong vòng 5 năm tới. Cản trở lớn nhất với sự phát triển của e-book có chăng là thói quen đọc sách trên e-reader còn quá mới mẻ so với thói quen đọc sách in. Nhiều chuyên gia dự đoán, vấn đề chỉ làm ở thời gian, nếu thường xuyên sử dụng e-book thường xuyên người đọc cũng sẽ quen dần như cách người ta làm quen với việc đọc trên giấy và quên hẳn cách đọc trên da thú, thẻ trúc…

E-book ở Việt Nam: “Con đường sáng”

Theo báo cáo từ Vietnam Net Index của Yahoo, vào năm 2010, Việt Nam có 28 triệu người sử dụng internet-đứng thứ 6 châu Á. Sở dĩ, phải đưa số người sử dụng internet để nói về triển vọng số người sử dụng e-book ở Việt Nam bởi phải là người thường xuyên sử dụng internet mới có khả năng tiếp cận “kho” sách e-book. Hiện nay, chưa có thống kê về số người sử dụng e-book ở Việt Nam, nhưng theo anh Thái Sơn (Điều hành tiki shop, A2 Lương Định Của, quận 2, TP Hồ Chí Minh) thì tháng cao điểm cửa hàng bán được vài trăm e-reader. Qua đó, chúng ta có thể thấy việc sử dụng e-book đang dần trở nên quen thuộc.

Những lợi thế khác để e-book phát triển ở Việt Nam trong tương lai có thể kể ra như: Việt Nam là nước đang phát triển, có nhu cầu lớn trong việc học tập, tìm hiểu, nghiên cứu. Cơ cấu dân số Việt Nam thuộc vào loại trẻ nên có khả năng tiếp cận và ưa thích các sản phẩm công nghệ cao. Các đơn vị kinh doanh xuất bản sẽ nắm lấy cơ hội bán e-book nhằm mở rộng thị phần và liên kết xuất bản…

Bên cạnh nhiều thuận lợi, vẫn còn một số thách thức để e-book phát triển ở Việt Nam. Hiện nay, sự kinh doanh sách điện tử là nhỏ lẻ và tự phát; các doanh nghiệp kinh doanh xuất bản chưa liên kết với nhau để đưa doamh thu e-book tăng trưởng. Mặt khác, giá thành e-reader còn khá cao trên dưới 300 USD/chiếc, trong khi theo chị Tố Linh (Giám đốc Tiếp thị và phát triển kinh doanh của Vinabook.com) cho rằng: E-reader chỉ trở thành một sản phẩm cho đại chúng khi có giá dưới 100 USD/chiếc. Vì vậy, theo quan sát của người điều hành của cửa hàng Hi-tech USA (23 Hàng Bài) cho hay: Hiện nay, những người mua e-reader vẫn là những người từ 20 đến 40 tuổi và thuộc tầng lớp trung lưu.

Ngoài ra, cần phải khắc phục nhược điểm là người dùng e-book vẫn thường xuyên tải những sách không có bản quyền, họ vẫn chưa quen với việc trả phí khi tải e-book mà vẫn thích dùng bản e-book miễn phí. Và, theo ông Ngọc Bình (Phòng pháp chế, Cục Xuất bản) cho hay: Hiện chưa có điều luật quy định việc xử phạt những hành vi vi phạm bản quyền e-book. Những người muốn trả phí e-book đi nữa thì cơ sở hạ tầng thương mại điện tử và thanh toán điện tử chưa cao sẽ là rào cản để cho phân phối e-book.

Những dự đoán chỉ là những dự đoán, song với những ưu điểm tự thân của e-book thì triển vọng cho sự phát triển ở Việt Nam được đánh giá là “con đường sáng”; còn hiện tại, e-book vẫn đang là một nét mới tích cực, giúp người đọc có thêm những sự lựa chọn mới.

HÀM ĐAN

NGA GIÀNH QUYỀN ĐĂNG CAI WORLD CUP 2018: CHIẾN THẮNG KHÔNG BẤT NGỜ

Tối 2-12 giờ Việt Nam, tại trụ sở FIFA ở Du-rích đã công bố nước chủ nhà World Cup 2018 và 2022. Theo đó, Nga là nước chủ nhà của World Cup 2018, 4 năm sau vinh dự này sẽ thuộc về Ca-ta. Chiến thắng của Ca-ta giành quyền đăng cai World Cup 2022 không làm quá nhiều người bất ngờ. Lí do là Ca-ta “đại gia dầu khí” vùng Tây Á, kinh phí hàng tỉ USD để tổ chức World Cup chỉ là “chuyện nhỏ”. Họ cũng sở hữu những sân vận động tuyện vời từng phục vụ ASIAD 15 năm 2006. Mặt khác, đến nay, châu Á mới chỉ một lần tổ chức World Cup vào năm 2002 khi “liên minh” Nhật Bản-Hàn Quốc là đồng chủ nhà, nên Ca-ta được ưu tiên hơn so với những đối thủ đã từng đăng cai gần đây là Hàn Quốc và Hoa Kỳ (từng tổ chức World Cup 1994).

Với Nga, việc Nga trở thành chủ nhà của World Cup 2018 với kết quả 13/22 phiếu ủng hộ khiến nhiều người ngạc nhiên, nhất là khi đánh bại đối thủ sừng sỏ là Anh, liên minh Bỉ-Hà Lan và liên minh Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha. Nhưng nếu nhìn tổng thể, việc Nga giành quyền đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là một kết quả tất yếu.

Trong chuyến thị sát tới Nga, các quan chức FIFA có ấn tượng tốt về các sân vận động của nước này. Nga hiện sở hữu 16 sân có sức chứa trên 20.000 chỗ ngồi, trong đó có sân vận động nổi tiếng như: Luzhniki, Dynamo ở Mát-xcơ-va, Republican Spartak ở Vladikavkaz, Sân trung tâm ở Volgograd… Cơ sở hạ tầng khác phục vụ World Cup là đường sá, khách sạn… cũng được đánh giá tốt. Dĩ nhiên, Nga thừa hiểu cần phải chi mạnh tay để nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng để đảm bảo một kì World Cup hoành tráng không hề kém cạnh các nước khác.

Về kinh nghiệm tổ chức các hoạt động thể thao, Nga và Liên Xô trước đây đều từng thành công với các hoạt động thể thao mang tầm thế giới như Olympic Mát-xcơ-va 1980. Gần nhất, Nga đã tổ chức thành công trận chung kết Champions League 2008 tại sân Luzhniki. Ngoài ra, bóng đá Nga sau thời hậu Liên Xô đang tìm lại sức mạnh trong quá khứ. Đội tuyển Nga lọt vào bán kết Euro 2008; ở cấp câu lạc bộ, CSKA Moskva và FC Zenit Saint Petersburg giành UEFA Cup vào năm 2005 và 2008.

Ngoài lĩnh vực thể thao thì một nguyên nhân khác giúp Nga giành quyền đăng cai World Cup cũng một phần nhờ vị thế chính trị của Nga, đất nước này đang trở lại vị trí “siêu cường” và đi cùng với đó là những đồng rúp dầu mỏ cũng đủ giúp họ không phải suy nghĩ trong việc đăng cai World Cup. Dĩ nhiên, cũng cần thêm những yếu tố khác như Nga chưa lần nào được đăng cai các giải bóng đá lớn như Worlp Cup hay Euro; hay tình yêu bóng đá vô bờ của người Nga… cũng giúp họ nhận được sự “ưu ái” của FIFA.

HÀM ĐAN

Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

LỄ BẾ MẠC ASIAD 16 QUẢNG CHÂU 2010: NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY...

Đúng 20 giờ địa phương, trên sân khấu đảo Hải Tâm Sa bên dòng Châu Giang thơ mộng của thành phố Quảng Châu đã diễn ra Lễ bế mạc ASIAD 16. Đây không chỉ là buổi lễ thủ tục để kết thúc một hoạt động thể thao mà đích thực là một đại tiệc âm nhạc và ánh sáng lung linh sắc màu…

Khác với Lễ khai mạc hoành tráng với những màn ca vũ kịch tạp kĩ cổ điển tái hiện lại diễn trình lịch sử hào hùng của đất và người Quảng Châu thì Lễ bế mạc ASIAD 16 có sự góp vui của những hoạt cảnh sân khấu và nghệ thuật hiện đại.

Đặc biệt hơn, trong buổi Lễ bế mạc không chỉ có những tiết mục văn nghệ mang đặc trưng của đất nước Trung Hoa mà còn có cả những bài ca, điệu vũ không kém phần độc đáo của các dân tộc châu Á. Mỗi một màn biểu diễn lại được phụ họa bởi những hình ảnh biểu trưng trên những màn hình khổng lồ và hàng trăm em nhỏ ngồi trên khán đài trình diễn xếp hình nghệ thuật càng làm tăng tính nghệ thuật của Lễ bế mạc. Lần lượt, tiết mục múa bụng và bài hát “Jai ho”-từng đoạt giải Oscar 2008 cho nhạc phim hay nhất của Ấn Độ; nữ ca sĩ Nhật Bản Nakano Rioko trình diễn bài ca “Hoa anh đào” trong trang phục kimono, bài ca những người kị sĩ Ca-dắc-xtan do ca sĩ Mera Kerey biểu diễn, ca khúc “Những ngôi sao” của “đất nước vạn đảo” In-đô-nê-xi-a, màn trình diễn “Hành trình vui vẻ” của những nghệ sĩ đến từ Trung Đông Li-băng và cuối cùng là “Thảo nguyên xanh tươi” do ca sĩ Thành Cát Tư đến từ Mông Cổ. Tất cả màn trình diễn đã làm nổi bật thông điệp của phần đầu Lễ bế mạc mang tên “Hãy để tiếng hát của bạn ở lại”.

Phần trình diễn cuối cùng của Lễ khai mạc ASIAD 16 thuộc về nước chủ nhà mang tên “Khải hoàn” với mười giọng ca nổi tiếng là Đàm Vĩnh Ngân, Cổ Cự Cơ, Hoàng Gia Cường, Mã A Vinh, Lưu Đình Đình… Nối tiếp là màn múa lân rồng quen thuộc của người Trung Hoa.

Kết thúc phần văn nghệ Lễ bế mạc, quốc kì, bảng tên cùng với đó là hơn 9000 vận động viên của tất cả 45 Đoàn thể thao tham dự ASIAD 16 vui vẻ sánh vai bên nhau tiến bước trên đại lộ “Khải hoàn” được soi tỏ bởi những ánh sáng lung linh. Sau đó, ngài Sheikh Ahmed Al-Fahad (Chủ tịch Hội đồng Olympic châu Á) đã có bài phát biểu ngắn gọn nhưng sâu sắc để ngợi ca những thành tích của các vận động viên, tinh thần làm việc tậm tụy của các tình nguyện viên, sự năng động của các phóng viên tại kì Á vận hội lần thứ 16. Ông hy vọng tinh thần thể thao cao thượng của Á vận hội, tình bằng hữu, lòng khoan dung và sự hiểu biết được kết tinh tại ASIAD 16 sẽ lan tỏa tới những hoạt động thể thao khác ở châu lục. Sau lời tuyên bố bế mạc của ngài Sheikh Ahmed Al-Fahad, lá cờ của Hội đồng Olympic châu Á từ từ hạ xuống trong giai điệu của bài hát truyền thống của thể thao châu Á. Lá cờ hội đồng Olympic châu Á cùng với ngọn đuốc Á vận hội đã được trao cho ông Song Young-gil (Thị trưởng thành phố Incheon) trong Lễ chuyển giao quyền đăng cai Á vận hội cho thành phố Incheon (Hàn Quốc).

Mười phút tiếp theo là màn trình diễn của các nghệ sĩ đến từ nước chủ nhà của Á vận hội tới mang tên “Incheon chào đón bạn”. Màn trình diễn múa Arirang nổi tiếng kết hợp với màn trình diễn “quốc võ” Taekwondo. Sau đó, nam ca sĩ Bi Rain-biểu tượng của “làn sóng Hàn Quốc” trình diễn bài hát thể loại Dance với những điệu nhảy sôi động mà không kém phần uyển chuyển đã làm nên “thương hiệu” cho K-pop và kết thúc bằng một bản ballad ngọt ngào. Giây phút cuối cùng của Lễ bế mạc cũng là những khoảng khắc cuối cùng của ASIAD 16 là khi ngọn đuốc của Á vận hội vụt tắt sau 15 ngày tỏa sáng.

ASIAD 16 kết thúc, một lần nữa minh chứng cho những bước tiến thần tốc của thể thao châu Á, qua đó để tiếp tục là “ngọn cờ đầu” của thể thao thế giới. Nửa tháng tranh tài của Á vận hội 16 đã qua đi, những nụ cười và cả những giọt nước mắt của hạnh phúc cũng như thất vọng chỉ còn là kí ức không thể nào quên. Hẹn gặp lại sau 4 năm nữa tại thành phố biển xinh đẹp của Hàn Quốc Incheon ở kì Á vận hội lần thứ 17!

BOX:

Bảng tổng sắp huy chương của ASIAD 16
Thứ tự Quốc gia Huy chương vàng Huy chương bạc Huy chương đồng Tổng số huy chương

1 Trung Quốc 199 119 98 416

2 Hàn Quốc 76 65 91 232

3 Nhật bản 48 74 94 216

4 I-ran 20 14 25 59

5 Ca-dắc-xtan 18 23 38 79

6 Ấn Độ 14 17 33 64

7 Đài Loan (TQ) 13 16 38 67

8 U-dơ-bê-ki-xtan 11 22 23 56

9 Thái Lan 11 9 32 52

10 Ma-lai-xi-a 9 18 14 41

… … … … … …

23 Việt Nam 1 17 15 33

HÀM ĐAN

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

SỰ THẬT KHÔNG... MẤT LÒNG!

Mới đây, dư luận đã xôn xao khi bãi biển Nha Trang và Mũi Né bị xếp vào thứ hạng thấp trong số 99 bãi biển trên thế giới qua một kết quả công bố trên tạp chí National Geographic Traveler số ra tháng 11 và 12-2010.

Sở dĩ, nhiều người dù không phải “dân phượt” cũng phải lưu tâm đến thông tin trên bởi tổ chức đứng ra xét tuyển là một tổ chức chuyên nghiệp và cực kì uy tín trong lĩnh vực khảo sát địa lý. Tạp chí National Geographic Traveler là một phụ san xuất bản bằng 15 thứ tiếng do Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ-một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng trong lĩnh vực khảo sát địa lý trên thế giới với 8,5 triệu thành viên; với các sản phẩm truyền thông của Hội địa lý quốc gia Hoa Kỳ (báo hình, báo viết, báo mạng…) có tới 50 triệu khách hàng thường xuyên theo dõi.

Cuộc bình chọn các bãi biển được tiến hành công khai. 340 chuyên gia thuộc các lĩnh vực bảo tồn, môi sinh, văn hóa… đã cho điểm bầu chọn 99 bãi biển dựa theo 6 tiêu chí được xếp theo thứ tự tầm quan trọng bao gồm: Chất lượng sinh thái và môi trường, tính nguyên vẹn của văn hóa và xã hội, tình trạng của các kiến trúc cổ, tính thẩm mỹ, chất lượng điều hành du lịch; cuối cùng là triển vọng trong tương lai. Kết quả sẽ được xếp vào 5 cấp độ là: “đứng đầu bảng”, “kinh doanh tốt”, “ổn định”, “đối diện với khó khăn” và “đứng cuối bảng”. Bãi biển được cao điểm nhất (84 điểm) nằm ở cấp độ 1 là Bán đảo Avalon thuộc Newfoundland và Labrador (Canada). Nha Trang và Mũi Né được 43 điểm đứng vào cấp độ cuối cùng. Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở bảng xếp hạng của National Geographi là 3 bãi biển “đội sổ” đều thuộc về Hoa Kỳ là: bờ biển Bắc New Jersey (36 điểm), vịnh Mississippi (33 điểm) và vịnh Louisiana (24 điểm). Như vậy, chúng ta có thể an tâm về sự công bằng, ở đây không có sự thiên vị nào cả mà tất cả đều dựa vào các tiêu chí khách quan, khoa học.

Sở dĩ, bãi biển Nha Trang bị xếp vào cấp độ cuối bởi sự phát triển quá “nóng” của các công trình xây dựng nhất là khách sạn và quán bar đe dọa cảnh quan hoang sơ của bãi biển. Vệ sinh môi trường của bãi biển Nha Trang cũng “có vấn đề” nổi cộm nhất là chất lượng nước sinh hoạt kém, vẫn xuất hiện rác thải trên bờ biển… Tiêu chí về môi trường và sinh vật cảnh được đề cao xuất phát từ “gu” du lịch của người phương Tây. Những tay “phượt” Tây rất thích đến những nơi càng hoang sơ càng tốt để tận hưởng sự thoải mái trở về với thiên nhiên, tạm thoát khỏi môi trường tù túng của một không gian với công trình chi chít ở đô thị hiện đại. Một “điểm trừ” của Nha Trang là các công trình kiến trúc Chăm cổ chưa có kế hoạch bảo vệ tốt trong đường hướng phát triển du lịch. Lời khen duy nhất của các chuyên gia dành cho Nha Trang là ở các khu resort là có triển vọng nếu có quản lí tốt.

Mũi Né cũng bị phàn nàn tương tự như Nha Trang về vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng của du lịch làm tổ hại đến vẻ đẹp tự nhiên của bãi biển. Cả hai đều cho là phát triển du lịch không bền vững.

Một số người sau khi biết kết quả trên đã phản ứng không tích cực. Nhưng cuối cùng, sự thật này đã không gây mất lòng bởi ngành du lịch Khánh Hòa đã biết lắng nghe, lên tiếng ghi nhận những cảnh bảo của National Geographic và hứa sẽ cố gắng khắc phục những nhược điểm đang tồn tại.Việc phát triển du lịch làm tổn hại đến cảnh quan tự nhiên là nguy cơ đã được báo chí trong nước cảnh báo nhiều lần từ những ví dụ cụ thể. Có nơi làm tốt như cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) nhưng có nơi hiện trạng cảnh quan đã bị biến dạng trầm trọng như chùa Thầy (Hà Nội). Hy vọng từ sự kiện trên, ngành du lịch Việt Nam sẽ rút ra được những kinh nghiệm để đổi mới cách làm du lịch nhằm phát triển bền vững ngành “công nghiệp không khói”.

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

THỜI ĐÀM (III): "NHÂN VĂN" KIA CŨNG CÓ BA BẢY ĐƯỜNG

Chủ nghĩa nhân văn bắt đầu từ thời Phục hưng ở châu Âu thế kỷ XVI, nhằm chống lại tư duy của thời kỳ Trung Cổ quá tôn sùng thế lực siêu nhiên mà xem thường vai trò, năng lực con người. Chủ nghĩa nhân văn ảnh hưởng to lớn đến văn chương châu Âu; từ đó, tính nhân văn luôn là là một tiêu chí hàng đầu để đánh giá một tác phẩm văn học. Đặc trưng của tính nhân văn trong văn chương là luôn lấy con người làm trung tâm suy nghĩ nhằm mục đích hiểu biết về con người và tôn giá trị con người bằng lòng tin sâu sắc vào những chiều kích tốt đẹp của con người sẽ ngày càng hoàn thiện.

Từ “quê nhà” châu Âu, chủ nghĩa nhân văn lan tỏa khắp nơi trên thế giới, và nhanh chóng thắng thế tuyệt đối sau vài thế kỷ “bắt rễ” ở những miền đất xa lạ về văn hóa, trong đó có Việt Nam. Điển hình cho sự thắng thế của chủ nghĩa nhân văn có thể lấy ví dụ từ việc đánh giá lại giá trị của kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Truyện Kiều ra đời trong một xã hội tư tưởng Nho giáo đang thống trị cho nên từ vua Tự Đức đến các nhà nho cuối mùa đầu thế kỷ XX đa số vẫn xem Truyện Kiều là “dâm thư” và nhân vật Thúy Kiều là… con đĩ. Song, với những “người tân học” tiếp thu tư tưởng nhân văn châu Âu dưới mái trường Pháp-Việt như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Hoài Thanh… đều cho Truyện Kiều là kiệt tác bởi tính nhân văn sâu sắc ở thái độ bênh vực con người, lên án các thế lực chà đạp lên nhân phẩm và thông cảm với số phận bất hạnh của nàng Kiều qua câu thơ mang tính nhân văn cao cả: “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Giờ đây, bất cứ ai đọc Truyện Kiều cũng hoàn toàn đồng ý với ý kiến của những “người tân học”.

Dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa nhăn văn châu Âu thời kỳ công nghiệp, văn học Việt Nam ở nửa sau thế kỷ XX luôn xem con người như một thực thể duy lý, giải thích được tất cả những gì xảy ra trong con người, kể cả những điều phi lý nhất; qua đó, mô tả con người là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội bằng thủ pháp xây dựng tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình nên các tác phẩm nhiều khi sơ lược và mang tính minh họa như nhà văn Nguyễn Minh Châu đã từng chỉ ra trong bài viết nổi tiếng một thời: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”. Chủ nghĩa nhân văn luôn được xem là tích cực khi luôn ngợi ca con người trong mọi hoàn cảnh.

Song, khi thế giới bước vào thời kỳ “làn sóng thứ ba”-văn minh hậu công nghiệp, chủ nghĩa nhân văn cũng biến đổi theo. Vẫn đặt con người vào vị trí trung tâm suy nghĩ, song các nhà văn thế giới đã bước đầu nhận ra con người không chỉ là sản phẩm của hoàn cảnh xã hội mà còn có những chiều kích sinh học và tâm linh. Từ đó, một chủ nghĩa nhân văn mới ra đời thay thế dần cho chủ nghĩa nhân văn cổ điển vốn quen chiều nịnh con người. Các nhà văn không còn giữ quan niệm về con người tốt hay xấu một cách rạch ròi nữa mà bản thân trong mỗi con người đều có những cái tốt và cái xấu đan xen với quan niệm không có ai hoàn hảo. Sự nghi ngờ của nhà văn về sự tiến bộ của con người thực ra không phải không có căn cứ, nó bắt nguồn từ những sự kiện có thực. Chẳng hạn, không ai ngờ vào thế kỷ XX, văn minh nhân loại phát triển vượt bậc, ngỡ tưởng con người sẽ sống nhân ái hơn nhưng hóa ra người ta vẫn đối xử với nhau man rợ còn hơn thời Trung cổ như việc tàn sát người Do Thái của phát xít Đức.

Vẫn giữ quan niệm về văn học phải ca ngợi con người một chiều, kèm với thói quen “cái tốt khoe ra, xấu xa đậy lại” nên dễ hiểu vì sao khi các tác phẩm viết về cả “hai mặt” tốt, xấu của con người như truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp bị một số người đọc ở nước ta phản ứng dữ dội. Người đọc thắc mắc: Nhà văn này hẳn là “tâm đen” bởi ông ta toàn viết những điều xấu con người. Thực ra, qua các truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp đã tiệm cận được quan niệm về chủ nghĩa nhân văn mới bằng việc dám nhìn con người qua những khả năng và hạn chế của chính con người. Có thể lấy ví dụ ngay trong đời sống để làm sáng tỏ vấn đề về chủ nghĩa nhân văn mới. Trong đời sống chính trị nước ta, bên cạnh việc biểu dương điển hình tiên tiến “người tốt, việc tốt” còn có việc việc “phê bình và tự phê bình”. Việc “phê bình và tự phê bình” không phải để triệt hạ mà để nhận ra khuyết điểm từ đó khắc phục những yếu kém. Tương tự, nhà văn nào đó khi viết về những cái xấu của con người không nhằm dụng ý bôi xấu hay hạ thấp con người mà để chỉ ra những khuyết điểm, “khoảng tối” của con người, qua đó, giúp “thanh tẩy” tâm hồn y như câu nói dân gian: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”.

Một điều nữa mang tính tự trị của văn chương ở việc thể hiện tính nhân văn trong văn học là nhà văn không chỉ có gửi thông điệp nhân văn “suông” mà anh ta còn phải làm sao để biểu đạt thông điệp nhân văn có tính nghệ thuật để lôi cuốn độc giả đọc trọn tác phẩm. Ai viết văn cũng muốn giúp độc giả suy nghĩ tích cực hơn, nhưng không phải tác phẩm nào cũng trụ lại với thời gian là do thiếu cái phần nghệ thuật viết văn. Viết văn hay cũng là một hành động nhân văn khi giúp văn chương tiến triển. Lười sáng tạo mà chỉ quen viết theo những hình thức cũ là một hành động phản nhân văn.

Mới hay, “nhân văn” kia cũng có ba bảy đường!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

THỜI ĐÀM (II): MẤT GIÁ!

Cách đây không lâu, tại một Hội đồng chức danh Giáo sư (GS) của một chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn ở nước ta đã không đồng ý trao chức danh Giáo sư cho Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) X nổi tiếng. Chuyện bầu bán trúng hay trượt là chuyện bình thường. Nếu sử dụng phép thắng lợi tinh thần của nhân vật A.Q thì ngay đến cả các thiên tài thế giới cũng trượt vỏ chuối trong các vụ bầu bán. Nhà văn Honoré de Balzac sau khi viết xong tiểu thuyết Eugénie Grandet vào năm 34 tuổi đã tin nhờ danh tiếng văn học sẽ được bầu vào Viện hàn lâm Pháp. Sự tự tin lớn đến nỗi, Balzac tuyên bố với ông bạn Victor Hugo-người được bầu vào Viện hàn lâm năm 35 tuổi: “Tôi sẽ nã đại bác vào cánh cửa Viện hàn lâm”. Rút cuộc, ông chỉ được hai phiếu, trong đó có một phiếu của Victor Hugo. Năm sau, Balzac lại thành công với tiểu thuyết Lão Goriot và thêm một lần nữa ông lại trượt chức Viện sĩ khi vẫn chỉ giành được hai phiếu bầu.
Việc không trở thành một trong số bốn mươi Viện sĩ của Viện hàn lâm Pháp danh giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của Balzac. Với gần 90 tiểu thuyết đã viết, Balzac mãi mãi là “Napoleon văn chương” của thế kỷ XIX. Tương tự, PGS X không được chức danh GS cũng không làm thành tựu khoa học của ông bị mất giá. PGS X có lí lịch khoa học đáng phục: bảo vệ TS ở Viện hàn lâm khoa học Liên bang Nga, thành thạo ít nhất 3 ngoại ngữ, viết hàng chục cuốn sách nghiên cứu, các học trò được ông hướng dẫn đều là lứa nhà khoa học trẻ triển vọng… Quan trọng nhất, từ lâu, ông luôn được xem là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu của mình. Tiếng nói khoa học của ông luôn có sức nặng đối với giới trí thức.

Nếu nhìn thực trạng của khá nhiều nhà nghiên cứu chỉ chăm chăm viết nhiều công trình để nhanh chóng đạt tiêu chuẩn phong học hàm GS và PGS trong khi ít chú ý đến chất lượng học thuật. Và sau khi đạt được học hàm thì không nghiên cứu mà dùng học hàm để làm những việc ngoài khoa học. Qua đó, có thể thấy PGS X-một người hiến mình cho việc nghiên cứu thực sự là nhân tài đích thực của khoa học nước nhà.

Việc ông trượt chức danh GS chẳng khác nào tin động trời, khiến rất nhiều người bất bình, kể cả người chẳng quen biết gì PGS X. Nhưng không một tiếng nói khoa học có thẩm quyền đứng ra “bênh” PGS X bởi việc làm đó… không cần thiết! Không khéo khiến người ta lầm tưởng là PGS X quá cay cú nên nhờ người viết bài “phàn nàn”. Bởi lẽ, với những nhà khoa học chân chính điều họ trăn trở là thành quả trong công việc nghiên cứu chứ mấy khi nóng lòng việc phong các học hàm. Và chẳng ai hơi đâu lại buồn vì PGS kém GS như “đầu óc cấp bậc” quan niệm.

Hẳn nhiều người sẽ tự hỏi vì lí do gì mà PGS X bị từ chối học hàm GS? Nguyên nhân chính xác phải hỏi lần lượt 11 vị trong Hội đồng đã bỏ phiếu ngày hôm đó nhưng đến nay chưa có vị nào mở miệng lấy nửa lời giải thích. Dư luận cho rằng PGS X bị trượt là do khuyết điểm trong tính cách và lối sống. Không rõ tích cách và lối sống của PGS X như thế nào để đến nỗi ông bị từ chối GS. Nhưng dù tính cách và lối sống có có tốt hay xấu thế nào đi nữa thì đều thuộc phạm trù đạo đức cá nhân, không liên quan gì đến trình độ khoa học. Việc xét phong GS tất cả chỉ dựa vào các tiêu chí khoa học. Đánh giá đạo đức là do dư luận chứ không phải là việc của các thành viên Hội đồng. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, một số thành viên trong Hội đồng ganh ghét sau khi đuối lí với PGS X trong các cuộc tranh luận khoa học nên nhân việc bầu bán đã chơi trò “ném đá dấu tay” để trả đũa. Chuyện này đúng hay không chỉ lương tâm các vị trong Hội đồng tự biết. Việc tranh luận trong khoa học là điều cần thiết, bởi qua mỗi cuộc tranh luận, con người càng tiệm cận chân lý khoa học hơn qua đó giúp giải quyết một số vấn đề về lý thuyết còn vướng mắc. Trong quá trình tranh luận có những điều qua tiếng lại là không tránh khỏi nhưng không vì thế mà lại “để bụng” dẫn đến những việc làm thiếu công tâm. Rõ ràng, hậu thế hôm nay đã thua tiền nhân chí ít ở sự công tâm, nhà phê bình Hoài Thanh trong cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) đã tuyên bố: “… khi xem thơ tôi chỉ biết có thơ”, Hoài Thanh không quan tâm đến việc các nhà thơ có đối xử với mình tốt hay không trong đời thực.

Hành động thiếu công tâm của Hội đồng không làm danh tiếng PGS X mất giá mà chỉ làm tổn hại sự sang trọng của học hàm GS và gián tiếp thể hiện thái độ bạc đãi những nhà khoa học chân chính-những người suốt đời say mê nghiên cứu khoa học. Chẳng lẽ các vị GS, PGS trong Hội đồng với học vấn uyên thâm đã quên những dòng chữ khắc trên bia đá Văn Miếu của đại thần Thân Nhân Trung thời vua Lê Thánh Tông đã viết: “...Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Làm tổn hại đến lợi ích chung không những đáng chê mà đã mang trọng tội.

Xét đến cùng, chính Hội đồng nọ mới bị mất giá!

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG
(My new pen-name :))

Thứ Bảy, 13 tháng 11, 2010

THƯ MỜI CỘNG TÁC MẢNG VĂN HỌC

Chả là thế này, có một bác phụ trách trang văn học về hưu. Cả phòng chả ai học văn nên em phải gánh. Ờ thì bạn bè văn chương cũng đông nhưng mà vì báo em bao cấp kh bán ở ngoài thành thử chả mấy người ỏ ê gửi bài. Vì vậy, em viết cái thư mời (thực chất là vài điều cần lưu ý) để trước là mời các bác cộng tác; hai là mấy điều lưu ý để hợp với gu báo em.

Thanks!

Vài điều cần lưu ý:

 Về truyện dịch: độ dài thông thường là trên dưới 1.500 chữ, quá lắm không quá 2.000 chữ. Ngoài ra, còn mục cho truyện cực ngắn (dưới 800 chữ).

- Tiểu luận: thông thường 1.000 chữ, quá lắm không quá 1.500 chữ. Các tiểu luận nếu dài thì chỉ trích dịch (nếu không biết đoạn nào hay có thể nói qua để tư vấn nên dịch đoạn nào)

- Thơ thì thấy gì hay cứ dịch nhưng tốt nhất nên dịch các bài cùng 1 tác giả, 1 quốc gia hoặc một trào lưu nào đó…

- Có mục “Nghĩ về nghề”: dịch những suy ngẫm của nhà văn về nghề nghiệp, về một tác phẩm nào đó… (độ dài dưới 1.000 chữ)

- Ghi lĩnh vực sở trường của các tác giả để tìm cho dễ nhưng nếu tìm được tác phẩm nào hay khác thì cứ dịch. VD: V.S Naipaul chỉ viết văn nhưng thử xem ông có bài tiểu luận, thơ hay suy ngẫm về nghề gì không?

- Trước khi dịch nên tìm trên mạng (không cần chú ý xem đã in sách hay không) để xem tác phẩm ấy đã được ai dịch trước chưa? Các bản dịch có thể đã đăng trên mạng nhưng không sử dụng các bản dịch đã đăng trên báo giấy trước đó.

- Nguồn truyện dịch nên tìm ở các tạp chí nào chuyên về văn chương hoặc mục văn chương ở các tạp chí (như ở Pháp tờ Le Figaro có mục văn chương)

- Các bài gửi đến, nhớ ghi số điện thoại (nếu ở HN), ở các tỉnh xa hoặc nước ngoài thì ghi địa chỉ với tên thật trong chứng minh thư để liên lạc thanh toán nhuận bút.



Về các mục khác:

- Thời đàm: viết về vấn đề văn học, văn hóa, xã hội dưới góc nhìn tinh tế kiểu văn chương (dưới 1.200 chữ)

- Tản văn, tạp văn không quá 1.000 từ

- Truyện ngắn sáng tác: dung lượng trên dưới 1500 từ

- Mục “Khơi dòng cổ văn”; nói về một vấn đề nào đó của văn học trung đại Việt Nam (độ dài dưới 1.000 chữ).

- Café sách: điểm sách hay và mới (dưới 1.000 chữ)

….

(Nếu bạn nào có ý tưởng gì xin góp ý)



Địa chỉ nhận bài, giải đáp thắc mắc: hoanghoangqdnd@gmail.com



List nhà văn nước ngoài để tìm kiếm tác phẩm dịch:



Jorge Luis Borges (nhà văn, nhà thơ, nhà tiểu luận)

Italo Calvino (nhà văn, nhà tiểu luận)

Julio Cortazar (nhà văn)

Abe Kobo (nhà văn)

Umberto Eco (nhà văn, nhà tiểu luận)

Joyce Carol Oates (nhà văn)

Jean-Marie Gustave Le Clézio (nhà văn) Nobel Văn học 2008

Claude Simon (nhà văn) Nobel 1985

Michel Butor (nhà văn)

Milan Kundera (nhà văn, nhà tiểu luận)

Linda Le (nhà văn, nhà tiểu luận)

Chinua Achebe (nhà văn)

Jean-Francois Lyotard (nhà tiểu luận)

Trinh Thi Minh Ha (nhà văn Việt viết văn tiếng Anh)

Dinh Linh (nhà văn Việt viết văn tiếng Anh)

V.S Naipaul (nhà văn) Nobel 2001

Haruki Murakami (nhà văn)

Tim O’Brien (nhà văn)

Orhan Pamuk (nhà văn) Nobel 2006

Georges Perec (nhà văn)

Octavio Paz (nhà thơ, nhà tiểu luận) Nobel 1990

Jacques Prevert (nhà thơ)

Raymond Queneau (nhà văn, nhà tiểu luận)

Alain Robber-Grillet (nhà văn, nhà tiểu luận)

Philip Roth (nhà văn)

Tony Morrison (nhà văn) Nobel 1993

Naguib Mahfouz (nhà văn) Nobel 1988

Marcel Proust (nhà văn)

Albert Camus (nhà văn, nhà triết học) Nobel 1957

Nadine Gordimer (nhà văn) Nobel 1991

John Updike (nhà văn)

Amelie Nothomb (nhà văn)

Nathalie Sarraute (nhà văn)

Tristan Tzara (nhà thơ, nhà tiểu luận)

Mario Vargas Llosa (nhà văn, nhà tiểu luận) Nobel 2010

Kurt Vonnegut (nhà văn)

Vương An Ức (Wang Anyi) (nhà văn)

Ludwig Wittgenstein (nhà văn, nhà triết học)

Ryunosuke Akutagawa (nhà văn)

Michel Houellebecq (nhà văn)

Cao Hành Kiện (Gao Xinjian) (nhà văn) Nobel 2000

Derek Walcott (nhà thơ) Nobel 1992

Roland Barthes (nhà tiểu luận)

Jose Saramago (nhà văn) Nobel 1998

Michel Foucault (nhà triết học)

Herta Muller (nhà thơ, văn, tiểu luận) Nobel 2009

Gunter Grass (nhà văn) Nobel 1999

Heinrich Theodor Böll (nhà văn) Nobel 1972

Nelly Sachs (nhà thơ) Nobel 1966

Thomas Mann (nhà văn) Nobel 1929

Gerhart Johann Robert Hauptmann (nhà văn) Nobel 1912

Paul Johann Ludwig von Heyse (nhà văn, thơ) Nobel 1910

Rudolf Christoph Eucken (nhà triết học) Nobel 1908

Christian Matthias Theodor Mommsen (nhà vă, sử gia) Nobel 1902

Carl Spitteler (nhà văn, thơ) Nobel 1919

Hermann Hesse (nhà văn, thơ) Nobel 1946

Elias Canetti (nhà văn) Nobel 1981

Elfriede Jelinek (nhà văn) Nobel 2004

Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) (nhà văn)

Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

KHAI MẠC ASIAD 16: NGỠ CHỐN BỒNG LAI

Tuy chỉ là Đại hội Thể thao của một châu lục, nhưng Lễ khai mạc Á vận hội lần thứ 16 tại thành phố Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) không hề thua kém bất cứ một Lễ khai mạc Đại hội thể thao nào trước đó về quy mô hoành tráng; và chắc đã hơn hẳn những Lễ khai mạc khác bởi tính nghệ thuật cao hiện thân cho một vẻ đẹp siêu thực khiến người xem ngỡ tưởng đang ở chốn bồng lai, tiên cảnh.

Khởi đầu cho Lễ khai mạc là màn bắn pháo hoa nghệ thuật xung quanh tháp truyền hình Quảng Châu. Giữa màn đêm sâu thẳm, tháp truyền hình Quảng Châu bỗng bừng sáng như một ngọn đuốc tượng trưng cho tinh thần cao thượng mà mọi hoạt động thể thao đều hướng tới.

Sau màn thượng cờ của nước chủ nhà Trung Quốc là hơn một tiếng đồng hồ diễn ra các tiết mục văn nghệ-thể thao đặc sắc. Lấy cảm hứng từ nước, suốt các trường đoạn của chương trình đều biểu diễn trên sân khấu mở với những dòng nước vây quanh và liên tiếp lặp lại những motif mang đặc trưng, tính chất của nước: dữ dội nhưng nhiều khi cũng thật dịu êm.

Khởi đầu chương trình văn nghệ-thể thao là tiết mục nhạc vũ kịch “Con thuyền đại dương”. Màn nhạc vũ kịch mang tính sử thi hùng tráng ngợi ca những con người thủa hồng hoang từ mảnh đất Quảng Châu tìm đường ra biển lớn. Hơn 500 nghệ sĩ đã trình diễn những màn vũ đạo uyển chuyển khắc họa đạm nét hành trình gian nan của con người đi ra đại dương. Trước muôn vàn khó khăn, nhưng nhờ có tinh thần vươn lên và sự đoàn kết con người đã chiến thắng sức mạnh của biển cả. Những con thuyền từ nơi này đã đi khắp muôn phương; từ đó, vinh danh vùng đất này trở thành nơi xuất phát của “con đường tơ lụa trên biển” và cũng hình thành sự phóng khoáng, tính mở cho nền văn hóa và tính cách cộng đồng của người miệt biển.



Phần hai mang tên “Cánh buồm bạch vân” toát lên tình yêu tự do, khát vọng hòa bình của con người nơi đây. Trên nền tiếng đàn thánh thót của nghệ sĩ piano nổi tiếng Lang Lang và tiếng hát dịu ngọt của mĩ nữ Chương Tử Di, những nghệ sĩ nhào lộn đã ghép hình trên không tạo ra những hình ảnh ấn tượng về cánh chim hải âu tung cánh trên nền hình ảnh nền trời xanh mây trắng hiện lên từ những màn hình khổng lồ. Xen lẫn các tiết mục văn nghệ là những màn trình diễn thể thao đòi hỏi sức mạnh và cả sự khéo léo của con người là bơi lội nghệ thuật, nhảy cầu và mô-tô lội nước.



Kết thúc màn văn nghệ-thể thao là tiết mục mang tên “Lời mời hoa thành”. Quảng Châu còn được gọi là “hoa thành”-thành phố của các loài hoa. Để làm nổi bật vẻ đẹp của thành phố và lòng hiếu khách của Quảng Châu, một màn văn nghệ tạp kĩ đầy màu sắc với gam màu nóng từ sắc phục đỏ, da cam và sôi động bởi âm thanh của hàng trăm tiếng trống đã được trình diễn. Nối tiếp là hình ảnh những nữ thần Bảo Bình-người mang nước trong sạch qua màn múa ba-lê.

Ngay sau các màn văn nghệ-kết thúc là Lễ diễu hành của tất cả 45 Đoàn thể thao tham dự ASIAD 16. Trang những trang phục thể tha khỏe khoắn, bộ vest lịch lãm hay là vận trên người trang phục truyền thống độc đáo, các vận động viên-tinh hoa thể chất và niềm tự hào của các quốc gia đã diễu hành trong tiếng nhạc hân hoan chào đoán của các khán giả dự khán trên lễ đài. Đoàn Thể thao Việt Nam diễu hành ở thứ tự thứ 43, những vận động viên nam mặc vest màu đỏ, vận động viên nữ mặc áo dài truyền thống. Đoàn Thể thao Việt Nam dự ASIAD 16 với 267 vận động viên tranh tài ở 26 trong tổng số 42 môn. Đoàn Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 4 đến 6 huy chương vàng ở Á vận hội để lọt vào top 20 trong bảng tổng sắp huy chương. Đây là lực lượng vận động viên đông đảo nhất của thể thao Việt Nam ở một kỳ Á vận hội.

Cuối cùng là những diễn văn của các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Đông, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao Trung Quốc, Hội đồng Olympic châu Á chào mừng các vận động viên và kỳ vọng ở một kỳ Á vận hội thành công tốt đẹp. Giờ khắc quan trọng nhất chính thức mở màn cho ASIAD 16 bắt đầu là khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố khai mạc ASIAD 16.

Những nghi lễ không thể thiếu được ở các Đại hội thể thao bao gồm: kéo lá cờ Hội đồng Olympic châu Á, lễ tuyên thệ của đại diện của vận động viên và trọng tài. Nghi thức quan trọng nhất chính là thắp sáng đài lửa ASIAD 16 khi được thắp sáng từ loạt bắn pháo hoa.

Lễ khai mạc khép lại để mở ra nửa tháng tranh tài của các vận động viên hàng đầu châu Á. Hy vọng về một kỳ Đại hội thể thao trong sáng, đạt được những thành tích cao trong thi đấu và kết nối tình đoàn kết giữa các quốc gia trong châu lục để của một trang sử mới cho lịch sử Á vận hội.

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (I): DẤN THÂN

Trong nhiều cuộc bàn tròn văn chương, những người trong cuộc hay đặt câu hỏi: “Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm có tính nghệ thuật cao hoặc tác phẩm ăn khách?” Lí giải thì đã có nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ nhưng có một nguyên nhân ít người đề cập đó là tính dấn thân trong sáng tạo của nhà văn Việt Nam kém hơn so với đồng nghiệp nước ngoài.

Văn chương hay bất cứ công việc nào khác, nếu muốn có thành tựu để đời nhất thiết cần phải có niềm say mê và dành nhiều thời gian cho công việc lao động. Sự lao động trong văn chương không chỉ có mỗi thao tác viết, trước khi viết phải tích lũy lượng kiến thức khổng lồ để động bút thì dễ dàng như cá bơi trong nước như Dan Brown tác giả tiểu thuyết khoa học tôn giáo bán chạy bởi ông là “mọt sách” ngấu nghiến sách sử, sách nghiên cứu tôn giáo khó nhằn. Nhà văn đã dấn thân vào sáng tạo ít khi tham gia những hoạt động chính trị, kinh doanh… mất thì giờ. Chuyện này có thể gói gọn qua câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Viết văn không tập trung là thua”. Vậy nên, các nhà văn chỉ cần tìm một nghề để kiếm sống, lắm khi chẳng liên quan gì đến văn chương như M. V. Llosa (Nobel văn học 2010) có thời làm phóng viên thể thao.

Viết văn không chỉ có chuyện thiệt thòi về vật chất mà đôi khi rất nguy hiểm đến bản thân. Sự dấn thân cho văn chương của một số nhà văn đã vượt qua giới hạn thông thường. Marcel Proust mắc bệnh hen suyễn nhưng vẫn muốn đạt đến sự bất tử nhờ viết văn. Hơn chục năm ông đã viết hàng ngàn trang của tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Pháp và có lẽ là của cả thế giới Đi tìm thời gian đã mất. Người ta kể rằng: M. Proust đã kịp sửa lại những trang viết cuối cùng vài giờ trước khi qua đời. Một số nhà văn khác đích thực là thánh tử vì đạo như vào năm 1937, F. G. Lorca (Tây Ban Nha), A. Gramcsi (I-ta-li-a) bị bọn phát xít thủ tiêu vì dám viết thơ văn ca ngợi sự tự do, chống chế độ phát xít. Còn trường hợp ngồi tù hàng chục năm như nhà thơ Nadim Hitmet (Thổ Nhĩ Kỳ) thì đầy rẫy. Vì sự sáng tạo văn chương, xem cái chết nhẹ như lông hồng, dễ hiểu vì sao nhà văn thường xa lạ với những điều bình thường trong cuộc sống gia đình như chuyện ly hôn, sống độc thân… Nhưng với những nhà văn, những “tai nạn” trong đời sống lại là động lực cho nghiệp viết y như điển tích “tái ông thất mã”.

Trên văn đàn Việt đôi khi có nhiều chuyện ngược đời, không ít người còn lấy văn chương làm phương tiện cho những mục đích phi nghệ thuật. Những cây bút trẻ mắc bệnh “sốt ruột nổi tiếng” hay viết tràn, mỗi năm mỗi cuốn để có tiếng nhà tài năng trẻ có thể vượt mặt số đầu sách với cụ Tô Hoài. Vài cây bút khác chẳng còn xuân xanh, viết vài tác phẩm để có tiếng là nhà văn và dùng các danh xưng đó để hù dọa người khác. Nước mình chuộng học vấn, chữ nghĩa nên nghe tiếng người này là nhà văn, người nọ là hội viên hội nhà văn, hoặc là hay xuất hiện trên ti-vi thì phục lắm. Nhưng tài năng, đẳng cấp của nhà văn không phải là việc tham gia hoạt động xã hội “cờ, đèn, kèn, trống” mà nằm trong câu nói cũ nhưng mãi đúng đó là “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”. Danh xưng, giải thưởng chỉ có tính tương đối, cái còn lại mãi là nằm ở trong văn bản những gì mà nhà văn đã, đang và sẽ viết ra.

Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều nhà văn đã dấn thân vào cuộc chiến. Không phải tất cả những nhà văn hi sinh trong chiến tranh đều để lại tác phẩm lớn như Nam Cao, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân… nhưng nếu không dấn thân vào khói lửa, họ sẽ không thể viết được ở thời đại của mình. Ở thời buổi toàn cầu hóa, thách thức của nghề văn là: làm sao viết văn có tính nghệ thuật cao, tạo được dư luận chú ý trong thời buổi văn học bị lép vé so với các phương tiện giải trí khác? Sự dấn thân sẽ nằm ở giữ vững niềm tin: kiên trì cho mục đích sáng tạo, dù gặp trở ngại nào cũng không chuyển hướng.

Các nhà văn lớn ở bất cứ đâu và bất cứ thời đại nào khi viết văn cũng xuất phát sự vô tư, trong trẻo kì lạ. Họ viết về những điều ám ảnh, những niềm tin về những điều tốt đẹp về con người. Ngoài tài năng trời cho và kiến văn thông kim bác cổ, điều mà nhà văn lớn nào cũng có đó là sự dấn thân, hiến mình cho công việc sáng tạo mà không quan tâm sẽ được và mất gì. Được viết và còn viết được với nhà văn là một điều hạnh phúc.

Đòi hỏi điều gì hơn đồng nghĩ với sự tham lam!

HÀM ĐAN

THỜI ĐÀM (I): DẤN THÂN

Trong nhiều cuộc bàn tròn văn chương, những người trong cuộc hay đặt câu hỏi: “Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm có tính nghệ thuật cao hoặc tác phẩm ăn khách?” Lí giải thì đã có nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ nhưng có một nguyên nhân ít người đề cập đó là tính dấn thân trong sáng tạo của nhà văn Việt Nam kém hơn so với đồng nghiệp nước ngoài.

Văn chương hay bất cứ công việc nào khác, nếu muốn có thành tựu để đời nhất thiết cần phải có niềm say mê và dành nhiều thời gian cho công việc lao động. Sự lao động trong văn chương không chỉ có mỗi thao tác viết, trước khi viết phải tích lũy lượng kiến thức khổng lồ để động bút thì dễ dàng như cá bơi trong nước như Dan Brown tác giả tiểu thuyết khoa học tôn giáo bán chạy bởi ông là “mọt sách” ngấu nghiến sách sử, sách nghiên cứu tôn giáo khó nhằn. Nhà văn đã dấn thân vào sáng tạo ít khi tham gia những hoạt động chính trị, kinh doanh… mất thì giờ. Chuyện này có thể gói gọn qua câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Viết văn không tập trung là thua”. Vậy nên, các nhà văn chỉ cần tìm một nghề để kiếm sống, lắm khi chẳng liên quan gì đến văn chương như M. V. Llosa (Nobel văn học 2010) có thời làm phóng viên thể thao.

Viết văn không chỉ có chuyện thiệt thòi về vật chất mà đôi khi rất nguy hiểm đến bản thân. Sự dấn thân cho văn chương của một số nhà văn đã vượt qua giới hạn thông thường. Marcel Proust mắc bệnh hen suyễn nhưng vẫn muốn đạt đến sự bất tử nhờ viết văn. Hơn chục năm ông đã viết hàng ngàn trang của tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Pháp và có lẽ là của cả thế giới Đi tìm thời gian đã mất. Người ta kể rằng: M. Proust đã kịp sửa lại những trang viết cuối cùng vài giờ trước khi qua đời. Một số nhà văn khác đích thực là thánh tử vì đạo như vào năm 1937, F. G. Lorca (Tây Ban Nha), A. Gramcsi (I-ta-li-a) bị bọn phát xít thủ tiêu vì dám viết thơ văn ca ngợi sự tự do, chống chế độ phát xít. Còn trường hợp ngồi tù hàng chục năm như nhà thơ Nadim Hitmet (Thổ Nhĩ Kỳ) thì đầy rẫy. Vì sự sáng tạo văn chương, xem cái chết nhẹ như lông hồng, dễ hiểu vì sao nhà văn thường xa lạ với những điều bình thường trong cuộc sống gia đình như chuyện ly hôn, sống độc thân… Nhưng với những nhà văn, những “tai nạn” trong đời sống lại là động lực cho nghiệp viết y như điển tích “tái ông thất mã”.

Trên văn đàn Việt đôi khi có nhiều chuyện ngược đời, không ít người còn lấy văn chương làm phương tiện cho những mục đích phi nghệ thuật. Những cây bút trẻ mắc bệnh “sốt ruột nổi tiếng” hay viết tràn, mỗi năm mỗi cuốn để có tiếng nhà tài năng trẻ có thể vượt mặt số đầu sách với cụ Tô Hoài. Vài cây bút khác chẳng còn xuân xanh, viết vài tác phẩm để có tiếng là nhà văn và dùng các danh xưng đó để hù dọa người khác. Nước mình chuộng học vấn, chữ nghĩa nên nghe tiếng người này là nhà văn, người nọ là hội viên hội nhà văn, hoặc là hay xuất hiện trên ti-vi thì phục lắm. Nhưng tài năng, đẳng cấp của nhà văn không phải là việc tham gia hoạt động xã hội “cờ, đèn, kèn, trống” mà nằm trong câu nói cũ nhưng mãi đúng đó là “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”. Danh xưng, giải thưởng chỉ có tính tương đối, cái còn lại mãi là nằm ở trong văn bản những gì mà nhà văn đã, đang và sẽ viết ra.

Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều nhà văn đã dấn thân vào cuộc chiến. Không phải tất cả những nhà văn hi sinh trong chiến tranh đều để lại tác phẩm lớn như Nam Cao, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân… nhưng nếu không dấn thân vào khói lửa, họ sẽ không thể viết được ở thời đại của mình. Ở thời buổi toàn cầu hóa, thách thức của nghề văn là: làm sao viết văn có tính nghệ thuật cao, tạo được dư luận chú ý trong thời buổi văn học bị lép vé so với các phương tiện giải trí khác? Sự dấn thân sẽ nằm ở giữ vững niềm tin: kiên trì cho mục đích sáng tạo, dù gặp trở ngại nào cũng không chuyển hướng.

Các nhà văn lớn ở bất cứ đâu và bất cứ thời đại nào khi viết văn cũng xuất phát sự vô tư, trong trẻo kì lạ. Họ viết về những điều ám ảnh, những niềm tin về những điều tốt đẹp về con người. Ngoài tài năng trời cho và kiến văn thông kim bác cổ, điều mà nhà văn lớn nào cũng có đó là sự dấn thân, hiến mình cho công việc sáng tạo mà không quan tâm sẽ được và mất gì. Được viết và còn viết được với nhà văn là một điều hạnh phúc.

Đòi hỏi điều gì hơn đồng nghĩ với sự tham lam!

HÀM ĐAN

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

TRƯỚC GIỜ KHAI MẠC ASIAD16 QUẢNG CHÂU 2010: CHUẨN BỊ HOÀN HẢO

Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 16 (ASIAD 16) sẽ thu hút 11.700 vận động viên đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ để tranh 476 bộ huy chương. Với một số lượng vận động viên đông đảo như trên dễ hình dung số lượng khồng lồ cơ sở hạ tầng phục vụ thi đấu bao gồm: 53 nhà thi đấu, 17 nhà huấn luyện độc lập, hình thành bố cục 5 khu nhà thi đấu lớn đa trung tâm, đa chức năng, đồng thời lan toả tới 10 quận trung tâm, 2 thành phố cấp huyện của Quảng Châu và 3 khu vực thi đấu khác như Phật Sơn, Đông Quản và Sán Vĩ. Về quy mô tổ chức có thể xem ASIAD 16 là kì đại hội lớn nhất từ trước đến nay với những công trình hiện đại, hoành tráng.

Công trình quan trọng nhất của ASIAD 16 là SVĐ Olympic Quảng Châu, nơi diễn ra tranh tài ở nhiều nội dung nhất của cả đại hội nhất là môn thể thao “nữ hoàng”: điền kinh. Sân đa năng có sức chứa 80.000 chỗ ngồi này cũng sẽ là nơi tổ chức trận chung kết môn bóng đá nam vào ngày 25-11 tới.

Cung Thể thao trung tâm là một trong những biểu tượng của Đại hội. Bao trùm trên diện tích 100.000 m2. đây được coi là nhà thi đấu đa năng lớn nhất từ trước tới nay với sức chứa 18.000 người. Tại đây sẽ diễn ra các nội dung của các môn thể dục nhịp điệu, billiard snooker.

Nhà thi đấu Nansha là một trong số những sân thể thao đặc biệt nhất của đại hội. Với đường kính 30.236 m2 và thiết kế mái vòm hết sức độc đáo đây sẽ là nơi tranh tài cho 17 bộ huy chương của 2 bộ môn Wushu và Kabaddi trước 8.000 khán giả.

Một công trình khác cần phải nhắc đến là nhà thi đấu thể dục Quảng Châu. Nhà thi đấu có sức chứa 10.000 người sẽ là nơi tranh tài của các môn bóng như bóng bàn, bóng rổ…

Ngoài các công trình thi đấu, các công trình phục vụ cho ASIAD 16 cũng được đánh giá là đạt chất lượng quốc tế với tên gọi chung là “Thị trấn ASIAD GAMES”. Thị trấn ASIAD GAMES được xây dựng trên tổng diện tích 2,73 km2, trong đó có trung tâm báo chí chính (MMC) và làng báo chí (MV) đón khoảng 10.000 phóng viên viết, phóng viên ảnh và truyền hình đã đăng ký đến Quảng Châu thông tin về đại hội. Làng quan chức (OV) với 49 tòa nhà đáp ứng chổ ở cho khoảng hơn 10.000 vận động viên và các quan chức. Làng vận động viên không chỉ đáp ứng các tiện nghi tốt nhất mà còn là nơi khuyến khích, giới thiệu các sự kiện giao lưu văn hóa giữa các nước tham dự.

Theo thông tin của ban tổ chức, mọi nhà thi đấu và các công trình phục vụ cho ASIAD 16 đã sẵn sàng cho nửa tháng tranh tại của đại hội. Như vậy, những người lưu tâm tới ASIAD 16 hoàn tâm yên tâm về một kì Đại hội đã có những yếu tố thành công từ công tác chuẩn bị.

Gần ngày khai mạc ASIAD 16, vấn đề mà nhiều người quan tâm đương nhiên là Lễ khai mạc của nước chủ nhà. Đạo diễn lễ khai mạc ASIAD 16 chính là đạo diễn tài danh Trương Nghệ Mưu-người đạo diễn Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008. Mới đây, kênh truyền hình CCTV 9 (CCTV News) đã công bố đoạn video về công tác chuẩn bị lễ khia mạc với lời hứa hẹn sẽ cực kì hoành tráng. Theo kịch bản, lễ khai mạc sẽ trải dài từ quảng trường Haixinsha trên đảo Haizhu và dòng Châu Giang với màn kết hợp ấn tượng giữa hiệu ứng ánh sáng và sân khấu nuớc. Kịch bản Lễ khai mạc vừa tôn vinh văn hóa Quảng Châu-điểm xuất phát của “con đường tơ lụa” trên biển; đồng thời có những nét hiện đại với màn nhào lộn, đu dây đẹp mắt. Một điểm nhấn quan trọng là màn biểu diễn của 1.600 võ sư Thiếu Lâm Hồ Nam ở phần cuối chương trình với màn xếp cao 78 m. Lễ khai mạc bắt đầu từ 20 giờ Quảng Châu (19 giờ VN) ngày 12-11.

HÀM ĐAN

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

PHIM TRUYỀN HÌNH "BÍ THƯ TỈNH ỦY": BÀI HỌC CHÍNH TRỊ BẰNG HÌNH TƯỢNG NGHỆ THUẬT

Nhân vật chính Hoàng Kim trong bộ phim truyền hình Bí thư tỉnh ủy vốn lấy nguyên mẫu của nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) Kim Ngọc (1917-1979)-người tổ chức “khoán chui” nổi tiếng ở thập niên 1970. Vì thế, ngay từ khi chưa lên sóng, bộ phim đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Giờ đây, khi bộ phim đã trình chiếu gần 20 tập phim, đã có nhiều phản hồi ngược nhau: người khen hết sức, kẻ chê không tiếc lời. Chuyện khen chê là lẽ thường, nhưng đằng sau lời khen chê có thực sự khách quan và có nhìn dưới góc nhìn thuần túy vị nghệ thuật?

Lực bất tòng tâm

Những lời chê của khán giả tập trung vào vấn đề tạo dựng bối cảnh của phim chưa giống với thực tế nông thôn miền Bắc thập niên 1970, dễ thấy nhất là quần áo. Nhiều người thốt lên: “Sao mà quần áo bần nông mới vậy nhỉ?”. Quần áo trong phim là do bộ phận thiết kế trang phục đảm trách; và lĩnh vực này chưa phải bao giờ là thế mạnh của điện ảnh nước nhà, rõ nhấtlà ở phim lịch sử như: Lục Vân Tiên, Tây Sơn hào kiệt, Ngọn nến hoàng cung… Có lẽ ít người biết đã có tới hơn 5.000 bộ trang phục cho tất cả diễn viên suốt 50 tập phim; rõ ràng, đã là một nỗ lực phi thường. Nếu khán giả cứ kiểu xem phim truyền hình dài dằng dặc mà bắt bẻ tiểu tiết như xem phim truyện nhựa thì chẳng thể nào có phim Việt Nam để chiếu hàng ngày trên ti-vi.

Nói điều này, không phải là “bênh” đoàn làm phim Bí thư tỉnh ủy mà thực tế bất cứ đoàn làm phim hiện nay cũng sẽ phải trải qua tâm trạng “lực bất tòng tâm” như đạo diễn Quốc Trọng từng trải qua khi làm phim Bí thư tỉnh ủy. Bởi lẽ điện ảnh Việt Nam chưa phải là một nền điện ảnh chuyên nghiệp nên các bộ phim chưa thể ngang bằng các nước khác. Với phim truyền hình, vai trò của trường quay tiến độ làm phim sẽ nhanh và đỡ tốn kém hơn. Dựng một trường quay với bối cảnh là nông thôn miền Bắc cách đây vài chục năm là đơn giản nhất so với các thời kỳ khác, vậy mà cũng không có. Dù bộ phận đạo cụ của phim Bí thư tỉnh ủy có nỗ lực tối đa cũng không làm sao ưng ý, nông thôn hôm nay đâu còn giống ngày xưa!

Một điều nữa khiến khán giả chê bộ phim là diễn xuất của diễn viên chưa “nhuyễn”. Quả là sự gấp rút thời gian cộng với những nhân vật quá khứ khiến diễn xuất diễn viên người đời nay có phần gượng gạo; có khi, hơi cường điệu như các nhân vật lãnh đạo tỉnh ủy trong phim hơi suồng sã trong cử chỉ và lời nói như xưng hô “tớ”, “cậu” trong cuộc họp nghiêm túc. Nếu so sánh diễn xuất của diễn viên Dũng Nhi vai bí thư Hoàng Kim thời bao cấp so với vai diễn ông thứ trưởng Cao Đức Cẩm trong phim Chạy án thời kinh tế thị trường thì không có bước chuyển biến nào trong cách biển hiện để làm hiện thân ông bí thư tỉnh ủy.

Một nguyên nhân khác khiến bộ phim hẳn sẽ không thành công trọn vẹn đó là hiệu quả tuyên truyền bởi chính là đề tài của phim. Người xem phim này chủ yếu là những người trung niên, muốn ôn lại kỷ niệm xưa. Phản hồi từ giới trẻ trên dưới 20 quá ít, họ có nhiều phim hợp lứa tuổi để xem, không lẽ phí thời giờ xem phim chính luận kể chuyện… thời xa vắng.

Một nén tâm hương

Những hạn chế của bộ phim ngay từ đầu đoàn làm phim đã biết trước. Thậm chí những khó khăn khi hình thành dự án làm phim cũng đã được tính đến như đạo diễn Quốc Trọng tâm sự: “Chưa bộ phim nào vất vả như Bí thư tỉnh ủy”.

Bản thân đoàn làm phim không có kì vọng lớn lao về tính nghệ thuật trong phim và có lượng người xem lớn để “hút” quảng cáo. Nếu có kì vọng, về khía cạnh chuyên môn, ông Trần Đăng Tuấn (Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) lạc quan cho rằng: “Bí thư tỉnh ủy là bộ phim chính luận dài nhất mà VFC (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam) sản xuất. Bộ phim sẽ mở ra cơ hội chấm dứt thời kỳ xem phim lịch sử nước ngoài”.

Song, mục tiêu mà đoàn làm phim mong mỏi có thể gói gọn qua lời nhắn nhủ của nhà văn Vân Thảo-người viết kịch bản của bộ phim: “Bộ phim không chỉ tái hiện một giai đoạn lịch sử mà lấy chuyện xưa để nói nay. Có một bộ phận lãnh đạo xa rời dân, không hành động vì lợi ích nhân dân. Bộ phim là một bài học chính trị bằng hình tượng nghệ thuật để những người có chức trách soi xét lại bản thân”. Nếu mục đích của bộ phim chính luận như trên thì gần 20 tập phim đã khắc họa được một nhà chính khách đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chính nguyên mẫu ông Kim Ngọc. Nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến : “Trong quá trình làm phim, chúng tôi đến mộ cụ Kim Ngọc nhiều lần. Mong cụ phù hộ cho đoàn làm phim và phù hộ đất nước có được nhiều người tài đức như cụ. Bộ phim này như là nén tâm hương gửi đến một con người suốt đời vì dân, vì nước”.

Đành rằng, ý định của đoàn làm phim là tốt đẹp. Song, nếu cứ quan niệm một bộ phim chỉ tuyên truyền một bài học lịch sử một cách trực tiếp mà không chú ý cách thức biểu đạt phù hợp, có tính nghệ thuật thì vô hình trung điện ảnh lại quay về thời kỳ là phương tiện cho tuyên truyền. Khi đó, những luận điểm cần tuyên truyền sẽ khô khan, trở thành bài giáo huấn suông, kết quả phản tuyên truyền khi chẳng ai đoái hoài đến.

HÀM ĐAN