Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2010

THỜI ĐÀM (I): DẤN THÂN

Trong nhiều cuộc bàn tròn văn chương, những người trong cuộc hay đặt câu hỏi: “Tại sao văn học Việt Nam không có tác phẩm có tính nghệ thuật cao hoặc tác phẩm ăn khách?” Lí giải thì đã có nhiều nguyên nhân đã được mổ xẻ nhưng có một nguyên nhân ít người đề cập đó là tính dấn thân trong sáng tạo của nhà văn Việt Nam kém hơn so với đồng nghiệp nước ngoài.

Văn chương hay bất cứ công việc nào khác, nếu muốn có thành tựu để đời nhất thiết cần phải có niềm say mê và dành nhiều thời gian cho công việc lao động. Sự lao động trong văn chương không chỉ có mỗi thao tác viết, trước khi viết phải tích lũy lượng kiến thức khổng lồ để động bút thì dễ dàng như cá bơi trong nước như Dan Brown tác giả tiểu thuyết khoa học tôn giáo bán chạy bởi ông là “mọt sách” ngấu nghiến sách sử, sách nghiên cứu tôn giáo khó nhằn. Nhà văn đã dấn thân vào sáng tạo ít khi tham gia những hoạt động chính trị, kinh doanh… mất thì giờ. Chuyện này có thể gói gọn qua câu nói của nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Viết văn không tập trung là thua”. Vậy nên, các nhà văn chỉ cần tìm một nghề để kiếm sống, lắm khi chẳng liên quan gì đến văn chương như M. V. Llosa (Nobel văn học 2010) có thời làm phóng viên thể thao.

Viết văn không chỉ có chuyện thiệt thòi về vật chất mà đôi khi rất nguy hiểm đến bản thân. Sự dấn thân cho văn chương của một số nhà văn đã vượt qua giới hạn thông thường. Marcel Proust mắc bệnh hen suyễn nhưng vẫn muốn đạt đến sự bất tử nhờ viết văn. Hơn chục năm ông đã viết hàng ngàn trang của tiểu thuyết vĩ đại nhất nước Pháp và có lẽ là của cả thế giới Đi tìm thời gian đã mất. Người ta kể rằng: M. Proust đã kịp sửa lại những trang viết cuối cùng vài giờ trước khi qua đời. Một số nhà văn khác đích thực là thánh tử vì đạo như vào năm 1937, F. G. Lorca (Tây Ban Nha), A. Gramcsi (I-ta-li-a) bị bọn phát xít thủ tiêu vì dám viết thơ văn ca ngợi sự tự do, chống chế độ phát xít. Còn trường hợp ngồi tù hàng chục năm như nhà thơ Nadim Hitmet (Thổ Nhĩ Kỳ) thì đầy rẫy. Vì sự sáng tạo văn chương, xem cái chết nhẹ như lông hồng, dễ hiểu vì sao nhà văn thường xa lạ với những điều bình thường trong cuộc sống gia đình như chuyện ly hôn, sống độc thân… Nhưng với những nhà văn, những “tai nạn” trong đời sống lại là động lực cho nghiệp viết y như điển tích “tái ông thất mã”.

Trên văn đàn Việt đôi khi có nhiều chuyện ngược đời, không ít người còn lấy văn chương làm phương tiện cho những mục đích phi nghệ thuật. Những cây bút trẻ mắc bệnh “sốt ruột nổi tiếng” hay viết tràn, mỗi năm mỗi cuốn để có tiếng nhà tài năng trẻ có thể vượt mặt số đầu sách với cụ Tô Hoài. Vài cây bút khác chẳng còn xuân xanh, viết vài tác phẩm để có tiếng là nhà văn và dùng các danh xưng đó để hù dọa người khác. Nước mình chuộng học vấn, chữ nghĩa nên nghe tiếng người này là nhà văn, người nọ là hội viên hội nhà văn, hoặc là hay xuất hiện trên ti-vi thì phục lắm. Nhưng tài năng, đẳng cấp của nhà văn không phải là việc tham gia hoạt động xã hội “cờ, đèn, kèn, trống” mà nằm trong câu nói cũ nhưng mãi đúng đó là “Nhà văn tồn tại ở tác phẩm”. Danh xưng, giải thưởng chỉ có tính tương đối, cái còn lại mãi là nằm ở trong văn bản những gì mà nhà văn đã, đang và sẽ viết ra.

Thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều nhà văn đã dấn thân vào cuộc chiến. Không phải tất cả những nhà văn hi sinh trong chiến tranh đều để lại tác phẩm lớn như Nam Cao, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân… nhưng nếu không dấn thân vào khói lửa, họ sẽ không thể viết được ở thời đại của mình. Ở thời buổi toàn cầu hóa, thách thức của nghề văn là: làm sao viết văn có tính nghệ thuật cao, tạo được dư luận chú ý trong thời buổi văn học bị lép vé so với các phương tiện giải trí khác? Sự dấn thân sẽ nằm ở giữ vững niềm tin: kiên trì cho mục đích sáng tạo, dù gặp trở ngại nào cũng không chuyển hướng.

Các nhà văn lớn ở bất cứ đâu và bất cứ thời đại nào khi viết văn cũng xuất phát sự vô tư, trong trẻo kì lạ. Họ viết về những điều ám ảnh, những niềm tin về những điều tốt đẹp về con người. Ngoài tài năng trời cho và kiến văn thông kim bác cổ, điều mà nhà văn lớn nào cũng có đó là sự dấn thân, hiến mình cho công việc sáng tạo mà không quan tâm sẽ được và mất gì. Được viết và còn viết được với nhà văn là một điều hạnh phúc.

Đòi hỏi điều gì hơn đồng nghĩ với sự tham lam!

HÀM ĐAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét