Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2009

TỪ CHUYỆN TRẠNG ĐẾN CẬN VĂN HỌC



(Draft)
Với người dân khu bốn cũ, nói đến danh từ “chuyện trạng” ai cũng biết đến. “Chuyện trạng” thường dùng một cách chung nhất để chỉ việc những chuyện bông đùa cho vui. Những câu “chuyện trạng” thường không giới hạn các đề tài: có thể chuyện đời nay, đời xưa, chuyện người, chuyện ma, thậm chí những chuyện có đề tài taboo như chuyện về tình dục, chuyện về những người thống trị…; thông thường nó gói gọn trong một xã, một làng; càng ngày khi mà giao thông giao thương phát triển “chuyện trạng” đôi khi được người dân cả huyện cả tỉnh nói đến. Không gian cho “chuyện trạng” không giới hạn trừ những không thời gian thiêng liêng. Chẳng hạn, trong một đám giỗ, khi ăn giỗ người ta có thể kể “chuyện trạng” nhưng khi hành lễ thì tuyệt đối không. Người kể “chuyện trạng” (thường được gọi là ông hay bà trạng) có thể là bất cứ ai khi đã trưởng thành; đó có thể là một người có học hoặc vô học, giàu hoặc nghèo… miễn là anh ta có khả năng kể chuyện hấp dân lôi cuốn người nghe. Người nghe những câu chuyện trạng cũng có thể là bất cứ ai, khi tham gia vào việc tiếp nhận câu chuyện họ chỉ có tư cách duy nhất là nguời thưởng thức câu chuyện và có quyền bình luận.

Nói rông dài nhưng cũng chưa đầy đủ chuyện trạng là để so sánh với những entry trong blog Quê choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập nay đã xuất bản dưới nhan đề “Ký ức vụn”. Về cơ bản, những entry của blog Quê choa thực sự là những chuyện trạng, chỉ có điều nó đã thay đổi không thời gian, cách thức những người thưởng thức tham gia bàn luận. Nhưng xét cơ bản, chuyện trạng thuộc về diễn ngôn của tầng lớp bình dân, những người bị trị không có quyền hành, không có nhiều tiền nên đôi khi một số truyện mang tiếng cười của sự thông minh, tài trí để đả kích, chơi xỏ những kẻ có quyền lực có tiền hoặc những tật xấu của nhân vật nào đó như những truyện về anh cu Hó, nhạc sĩ Phạm Tinh Túy…

Nhưng “Ký ức vụn” không chỉ có những chuyện trạng và bông đùa. Nó có những câu chuyện khiến ai đọc cũng cảm động như Ký ức năm hào, Nụ hôn đầu, Những giao thừa thương nhớ, Thằng sứt môi… Tiếng cười thì ít mà nói về thân phận con người trong những số phận, hoàn cảnh bất hạnh thì nhiều. Bên cạnh đó, còn có những chân dung bạn văn. Vấn đề đặt ra là không nên xem chúng như giai thoại (có thể đúng hoặc sai) hơn là những bút kí chân dung theo kiểu ghi chép “người thật việc thật”. Cho nên, việc ai đó phản ứng với entry bạn văn là điều dễ hiểu song tại sao người đó không nghĩ rằng những entry bạn văn ấy thực chất giống như những bức hí họa của họa sĩ Còm. Vẫn là khuôn mặt VIP nhưng chỉ có điều không giống soi gương mà phóng đại chỗ này, tối giản chỗ kia để cho vui chứ không hề có ác ý bôi nhọ.

Chính vì sự phức tạp trong các đề tài, thể loại, tính chất, mục đích của entry cho nên có lẽ nên dùng một thuật ngữ khoa học để gọi các entry trong “Ký ức vụn” là những tác phẩm cận văn học (paraliterature). Mục đích cận văn học là viết cho nhiều người đọc, để giải trí hơn là tìm kiếm những giá trị thẩm mĩ. Viết cho nhiều người đọc không phải là thấp kém mà điều cần thiết trong xã hội dân chủ khi nhưng nhu cầu về văn chương ngày càng đa dạng.

Chính vì đi theo con đường này nên có thể dễ dàng nhận thấy một vài thủ pháp nghệ thuật của tác giả. Nhìn ở khía cạnh ngôn ngữ, thủ pháp lạ hóa nằm ở việc dùng nhiều phương ngữ. Mục đích của chúng mang tính chất hô ứng cho nhịp điệu của câu văn, giúp câu văn mang tính chất đối thoại hơn là lời độc thoại của tác giả. Người đọc có thể không hiểu những phương ngữ nhưng vì phương ngữ không dùng ở những đoạn văn mang tính chất diễn biến câu chuyện nên người ta vẫn có thể hiểu toàn bộ câu chuyện.

Tác giả sử dụng nhiều mệnh đề tỉnh lược giúp cho câu văn ngắn đi. Đôi khi những câu kể vô nhân xưng hoặc nếu dùng đại từ nhân xưng thì dùng từ “mình” mang tính thân mật chứ không dùng từ “tôi”. Tất cả những điều này rút ngắn khoảng cách giữa người viết và người đọc tạo ra sự đối thoại, rút ngắn khoảng cách văn bản giữa tác giả và người đọc tạo ra sự gần gũi như một “chiếu rượu vui” (chữ của nhà văn Nguyễn Quang Lập).


Nếu so sánh chúng ta thấy, Ký ức vụn về thực chất là một tác phẩm fiction nhưng khác với những tác phẩm fiction khác khi mượn giọng điệu, ngôn ngữ của non-fiction. Vì thế việc blog Quê choa thu hút lượng người đọc, comment khổng lồ hoàn toàn không hề khó hiểu. Người trẻ đọc để biết thêm những chuyện thời chiến, thời bao cấp; người ngoài văn chương muốn biết thêm những chân dung về những khía cạnh khác của nhà văn… những điều thường bị che dấu một cách thiếu dân chủ. Nhà văn Nguyễn Quang lập một ông trạng thời @ đã biết cách khiến cho những câu chuyện bình thường hay bất bình thường trở nên hấp dẫn người đọc một cách lạ lùng.

Hàm Đan