Thứ Ba, 31 tháng 5, 2011

CÙNG BÀN LUẬN (I): LỢI ÍCH "BỐN TRONG MỘT"!

Đây là bài đầu tiên viết cho mục "Cờ-bờ-lờ" (Cùng bàn luận) của báo nhà.

Ngay khi năm học kết thúc, nhiều bậc phụ huynh đã đau đầu tìm cách quản lý con em mình trong mấy tháng hè tới. Giải pháp khả dĩ mà nhiều bậc phụ huynh lựa chọn là gửi con vào các lớp năng khiếu vừa giúp trẻ có thể vừa học, vừa chơi sau một năm học căng thẳng. Thông thường, mỗi môn năng khiếu chỉ có một khóa học kéo dài trên dưới chục buổi để dạy kiến thức vỡ lòng. Và khi năm học mới bắt đầu, đa phần các em không tiếp tục học các môn năng khiếu nữa; do vậy, những khóa học năng khiếu thực thà mà nói chỉ để giữ trẻ em đỡ lêu lổng mà thôi!

Song, ở một số trường tại thành phố Hồ Chí Minh như trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận I), trường tiểu học Lê Văn Tám (quận Tân Phú)… đã có cách làm sáng tạo, triển khai mô hình kết hợp học văn hóa và học các môn năng khiếu tạo được niềm tin ở phụ huynh.

Các trường nói trên vừa tổ chức cho các em học hè để ôn lại kiến thức; đồng thời, trường lớp cũng là địa điểm để các em học các môn năng khiếu. Điều đáng nói ở mô hình kết hợp học và chơi này là các môn năng khiếu không phải đợi đến dịp nghỉ hè mới được triển khai mà vốn được duy trì quanh năm. Trong mỗi trường, sẽ có nhiều câu lạc bộ như bơi, cờ vua, cầu lông, bóng đá, múa hát dân gian…, học sinh thích học môn nào thì đăng ký gia nhập câu lạc bộ đó để học thêm và sinh hoạt định kỳ hàng tuần với chi phí khá “mềm” từ 100 đến 200 ngàn đồng/tháng.

Vượt qua lý do ban đầu để quản lý, tránh cho các em tham gia các trò chơi vô bổ lúc “nhàn cư”; cái lợi lâu dài của mô hình vừa học vừa chơi này là có thể tìm ra một vài tài năng tiềm ẩn trong nghệ thuật và thể thao. Ở các nước phương Tây, thông qua các mô hình câu lạc bộ năng khiếu trong nhà trường mà nhiều tài năng đã được phát hiện, sau đó, được đầu tư để phát triển tài năng hết mức.

Lợi ích “bốn trong một” của mô hình câu lạc bộ năng khiếu trong trường học đã thấy rõ, song việc nhân rộng mô hình trên thì không hề đơn giản, chí ít là trong môi trường đô thị-nơi có đủ trang thiết bị và giáo viên giảng dạy các môn năng khiếu. Nhiều trường có điều kiện tổ chức mô hình lại chưa ráo riết thực hiện vì nhà trường còn bận tổ chức các em học văn hóa. Riêng với việc tổ chức học năng khiếu vào dịp nghỉ hè và rộng ra là thành lập câu lạc bộ năng khiếu trong các trường thì các nhà trường không mấy mặn mà vì chi phí đầu tư lẫn tìm kiếm giáo viên không phải là việc dễ và có thể làm ngay. Ở khía cạnh khác, nhiều trường học đã lợi dụng sự khó khăn của phụ huynh trong việc trông nom con em nên đã đồng loạt tổ chức nhiều khóa học năng khiếu một cách tự phát theo thời vụ với mức giá quá cao như một khóa học (17 buổi) môn dancesport là gần 700 ngàn đồng.

Thiết nghĩ, để phát huy tối đa lợi ích của mô hình các câu lạc bộ năng khiếu trong trường học, phụ huynh và nhà trường cần ngồi lại để thống nhất cơ chế hoạt động của câu lạc bộ để phụ huynh yên tâm công tác, nhà trường có nguồn thu nhập thêm và hưởng lợi nhiều nhất là các em học sinh được học, được chơi trong một kì nghỉ đích thực.

HÀM ĐAN